Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 11 Tháng 5 2024 07:23

Lễ Chúa Thăng Thiên

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
Lễ Chúa Thăng Thiên

CHÚA NHÂT VII PHỤC SINH NĂM B

LỄ THĂNG THIÊN (Mc 16, 15-20).

     Ngày 12-4-1961, Yuri Gagarine, người Nga, qua phi thuyền Vostok 1, đã là người đầu tiên bay vào không gian. Theo nhiều tài liệu thì, khi về lại trái đất, ông đã nói Tôi không thấy ở trên này có Chúa nào cả.(Một phát biểu có phần ngớ ngẩn với một tín hữu Chính thống giáo).

 

Ngày 20-7-1969, cùng với phi thuyền Apollo 11, Neil Armstrong, người Mỹ, là người đầu tiên bước chân lên mặt trăng, Nhưng vào đêm Giáng sinh, ngày 24 tháng 12 năm 1968, phi hành đoàn của Apollo 8 đã đọc Sách Sáng thế khi họ quay quanh Mặt trăng . Các phi hành gia Bill Anders , Jim Lovell và Frank Borman , những người đầu tiên du hành lên Mặt trăng, đã đọc thuộc lòng từ câu 1 đến câu 10 của câu chuyện về sự sáng tạo từ Kinh thánh King James  (St 1,1-10).

  Anders đọc câu 1–4, Lovell câu 5–8, và Borman đọc câu 9 và 10. Phải chăng họ đã thấy Chúa, khi họ đang bay trên trời. 

     Với mắt thường, nếu được bay vào không gian như Gagarine, có lẽ chúng ta cũng sẽ phát biểu như ông. Kinh thánh thường diễn tả Trời như nơi Thiên Chúa ngự. Xa giá Người là trời cao mây thẳm (Đnl 33,26). Thiên Chúa ngự trên trời. (Gv 5,1).Chúa Giêsu được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. (Mc 16,19). Chúng ta đọc Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng ta tin Chúa Giê su bởi trong kẻ chết mà sống lại, lên trời…

       Nhưng chắc hẳn không ai giản lược “trời” ở đây vào cái vòm xanh dương trên đầu chúng ta. Chúng ta mừng lễ Chúa Thăng Thiên, lễ Chúa lên trời không phải như mừng một phi hành gia bay vào vũ trụ. Vậy trời là ở đâu? Chúa lên trời ở chỗ nào?

     Thiên văn học ngày nay cho biết Ngân hà có đường kính dao động từ khoảng 100.000 đến 180.000 năm ánh sáng. Người ta ước tính có khoảng 100 - 400 tỉ ngôi sao được chứa ở trong, cùng với hơn 100 tỉ hành tinh.Vậy Chúa lên và ở chỗ nào?

   Nói lên trời chỉ là cách diễn tả Chúa Giêsu vào vinh quang cùng với Chúa Cha để thống trị loài người, thống trị vũ hoàn. Như thế thì Ngài đã lên trời từ khi Ngài phục sinh, nghĩa là cách đó 40 ngày. Trong thời gian này, nhiều lần Ngài hiện ra để an ủi, để củng cố niềm tin các môn đệ. Hôm nay là ngày cuối cùng Ngài hiện diện hữu hình nơi trần thế. Ngài ra đi để ban Đấng Bảo Trợ cho môn đệ, cho Giáo Hội. Giáo Hội bắt đầu sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa Kitô: “Bây giờ, anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđêa, Samari và cho đến tận cùng trái đất”. (Cv 1,8).

     Sau những năm tháng ở bên Thầy, được học hỏi, được huấn luyện, nay các môn đệ được nhận lãnh Thánh Thần và được sai đi rao giảng khắp nơi.

     Rao giảng là phải ra đi. Thử tưởng tượng nếu các vị thừa sai không ra đi, đến những vùng xa xôi, khó khăn, không đi đến Việt Nam, đến Tây Nguyên, đến vùng Thượng du… làm sao chúng ta được rao giảng Tin Mừng? Giáo Hội luôn vâng nghe Lời Chúa, luôn ra đi, luôn thả lưới nơi nước sâu- Duc in altum.

     Gần đây ĐTC Phan xi cô còn nhấn mạnh phải ra vùng ngoại biên: “…nhưng chúng ta đều được mời chấp nhận lời mời gọi này: đi ra ngoài khu vực quen thuộc của mình và can đảm đi đến tất cả những vùng ngoại vi, là những người cần ánh sáng của Tin Mừng”.(ĐTC Phan xi cô , Tông huấn Evangelii Gaudium- Niềm vui của Tin Mừng Ch 1, câu 20).

     Ngài còn viết: “Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, hơn là một Giáo Hội yếu nhược vì tự giam mình và bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Giáo Hội quan tâm đến việc được ở vị thế trung tâm và rồi rốt cuộc, bị vướng mắc vào một mạng lưới của những nỗi ám ảnh và thủ tục” (EG 49).(Evangelii Gaudium- Niềm vui của Tin Mừng).

     Cha Trần Xuân Nhàn CVk 67 (RIP), khi còn là linh mục ở giáo phận Vinh, hằng tháng vẫn sang Lào truyền giáo. Cha nói việc truyền giáo của cha đạt kết quả là nhờ hoat động của Legio Mariae. Họ chuyên cần đi thăm hỏi những người nghèo khó, xa xôi. Đến để chung sống, để chia sẻ cuộc sống của người dân, từ đó mới làm chứng, mới rao giảng được.

     Trước năm 1975, cha Nguyễn Ngọc Lan, một linh mục CSsR, có viết một cuốn sách tựa đề: Đường hay pháo đài. Đạo là đường, Đạo của chúng ta là đường, đường để mọi người cùng đi, để chúng ta đi ra hay đạo là một lô cốt, một pháo đài đóng kín, co cụm, nội bất xuất, ngoại bất nhập? Chúa Giê su khẳng định: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với cha mà không qua Thầy.(Ga 14,6).

     Ngày 1-8-1955 Đức cha Paul Seitz, giám mục Kontum, chở cha Jacques Dournes đến làng Bon Ama Djơng, Cheo Reo, Phú Bổn ( Ayunpa ngày nay). Người dân Jơrai ở đây chưa hề thấy người Tây Phương, nói chi đến tiếp đón. Dân làng e dè, né tránh. Ngôn ngữ, phong tục hoàn toàn xa lạ, cách biệt. Nhưng dần dần ngài tìm cách tiếp xúc, học tiếng, phiên âm tiếng nói của họ theo mẫu tự Latinh, đặt tự điển, vì trước đó chưa có chữ viết. Ngài tìm hiểu văn hóa, phong tục của họ. Ngài sống như họ, ăn món ăn của họ, đi làm rẫy, làm vườn, đóng khố như họ. Mãi về sau, nương theo văn hóa, tôn giáo của họ, ngài mới rao giảng Tin Mừng. Giáo lý tân tòng kéo dài 3 năm…nhưng kết quả mỹ mãn.

     Rao giảng thôi chưa đủ, còn cần làm chứng. Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết Trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, Rao Giảng Tin Mừng số 41:   “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”.

     Lệnh truyền của Chúa vẫn mang tính thời sự và dành cho mọi tín hữu: Hãy đi giảng dạy muôn dân: Euntes ergo docete omnes gentes. Đó cũng là khẩu hiệu của Chủng Viện Thừa Sai Kontum.

      Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con biết ý thức ra đi rao giảng Tin Mừng.

 

                                                   Nguyễn Đức Lân

Read 116 times Last modified on Chủ nhật, 12 Tháng 5 2024 08:08