Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 08 Tháng 4 2015 13:34

Suy tư sau Phục Sinh

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Suy tư sau Phục Sinh

 

Thảm sát ở Kenya, Ảnh: Paul Tilsley | FNC

Thứ Năm Tuần Thánh năm nay, cùng với việc kỷ niệm Bữa Ăn Vượt Qua, trong đó chiên đực không tì vết một tuổi được giết hiến tế, người Duy Hồi Giáo đã phát động cuộc tấn công đẫm máu vào Đại Học Garissa, Kenya, bắt đầu bắn loạn xạ vào một buổi cầu nguyện của Kitô Giáo.
Sau đó, các sát thủ Duy Hồi Giáo đã bắn chết tại chỗ bất cứ sinh viên nào xưng mình là Kitô hữu, trong khi bỏ qua các sinh viên Hồi Giáo. Tổng cộng có 147 người chết trong biến cố đẫm máu này.

Đức Cha Joseph Alessandro, Giám Mục Công Giáo Garissa, cho rằng biến cố Garissa là bản sao biến cố Chúa Giêsu Kitô. Ngài nói với cộng đoàn: “Chúng ta liên kết các đau khổ của các thân nhân và nạn nhân với các đau khổ của Chúa Kitô. Các nạn nhân cũng sẽ sống lại với Chúa Kitô”.

Đó cũng là nhận định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trong Đường Thánh Giá tại Coliseum, 1 ngày sau đó, tức Thứ Sáu Tuần Thánh, Ngài thưa với Chúa Giêsu vác thánh giá và bị đóng đnh rằng: “Trong tình yêu của Chúa, chúng con nhìn thấy anh chị em bị bách hại của chúng con, bị chặt đầu và bị đóng đinh vì đức tin vào Chúa”.

Nhưng một số ký giả, trong đó, có John Allen, lại nhìn biến cố trên dưới khía cạnh nghịch thường của nó. Theo ký giả này, ở một số nơi, cùng với chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, không ai có chung nhiều điều hơn người Kitô hữu và người vô thần.

Tại Bangladesh, một “blogger” cực lực chống đối chủ nghĩa cực đoan tôn giáo tên Washiqur Rahman đã bị chém chết tại Dhaka bởi 2 người đàn ông dùng dao găm và dao xẻ thịt. Tiếp sau đó, là vụ sát hại “blogger” vô thần khác người Mỹ gốc Banghadesh là Avijit Roy hồi cuối tháng Hai. Roy bị hai người đàn ông dùng mã tấu sát hại.

Các tường trình từ Banghadesh quả quyết rằng trong hai năm qua, một số “blogger” vô thần khác hoặc bị sát hại hoặc bị chết trong các hoàn cảnh khó hiểu.

Cả các nạn nhân ở Kenya lẫn ở Banghadesh đều bị sát hại không những vì là những người không theo Hồi Giáo, mà còn là những loại người đặc thù không theo Hồi Giáo nữa.

Đối với những người Duy Hồi Giáo Cực Đoan hận thù Tây Phương, không có hai nhóm nào gây phẫn nộ như người Kitô Giáo và người vô thần. Người Kitô Giáo tượng trưng cho tội lỗi của Tây Phương trong quá khứ, còn người vô thần tượng trưng cho điều người Duy Hồi Giáo coi là sa đọa và bỏ đạo của Tây Phương trong hiện tại.

Ở Âu Châu và ở Bắc Mỹ, người ta có khuynh hướng cho rằng đường phân ranh văn hóa đệ nhất đẳng là giữa người cấp tiến và người bảo thủ, với các tín hữu tôn giáo thường tập trung ở một phía. Các nhà thăm dò Mỹ, chẳng hạn, hay nói rằng một yếu tố tiên đoán đáng tin cho biết ai đó bỏ phiếu cho Cộng Hòa hay cho Dân Chủ là họ có năng đi nhà thờ hay không.

Nhưng ở phần lớn các nơi khác trên thế giới, đường phân ranh không hẳn như thế. Thay vào đó, những kình chống đáng kể thường là giữa những người ủng hộ một nhà nước thế quyền và những người tìm cách áp đặt nền thần trị (theocracy) bằng vũ lực. Hồi Giáo cực đoan có khuynh hướng là ấn bản chết người nhiều nhất của chọn lựa thứ hai, nhưng chọn lựa này cũng mang các dáng dấp khác nữa, trong đó có chủ nghĩa cực đoan Phật Giáo ở Sri Lanka và Myannmar, chủ nghĩa cực đoan Ấn Giáo ở Ấn Độ…

Khi vấn đề được xét dưới khía cạnh đa nguyên và bất khoan dung, thì kết quả thường là đặt các nhóm tôn giáo thiểu số, những người không cực đoan của các tôn giáo đa số, và những người không có tín ngưỡng vào cùng một con thuyền, trong đó, người Kitô Giáo và người vô thần thường gặp nguy cơ nhiều nhất khi bất khoan dung thắng thế.

Đó chính là lý do tại sao không có tiếng nói nào trong Giáo Hội Công Giáo hùng hồn ủng hộ các nhà nước thế quyền hơn tiếng nói các giám mục Trung Đông. Với các ngài, việc tách biệt tôn giáo ra khỏi nhà nước không phải là một ý niệm lý thuyết, mà là một chiến lược sống còn.

Khi các giám mục Trung Đông họp nhau tại Rôma để dự Thượng Hội Đồng năm 2010, các ngài mạnh mẽ kêu gọi phải có “một nền dân chủ lành mạnh, có bản chất thế tục tích cực… hoàn toàn tôn trọng sự phân biệt giữa trật tự tôn giáo và trật tự dân sự”.

Cương lĩnh đó ít người vô thần nào lại không ủng hộ.

Vì những năng động tính trên, một hậu quả bất ngờ của cơn đe doạ do những người cuồng tín tôn giáo đặt ra có thể là tái hiệu chuẩn mối liên hệ giữa những người không có tín ngưỡng và những người tôn giáo ôn hoà.

Bangladesh, chẳng hạn, là một đất nước gồm 156 triệu dân mà hết 86% theo Hồi Giáo; người Kitô hữu chỉ chiếm 0.4% dân số. Nên khó có thể tưởng tượng được hai nhóm nào khác có nhiều lợi ích hơn khi lấy tư cách công dân chứ không phải việc thống thuộc tôn giáo làm căn bản cho nhân quyền bằng người Kitô Giáo và người vô thần.

Để một liên minh như thế có thể xuất hiện, mỗi bên đều phải nhượng bộ. Người không tín ngưỡng phải vượt qua ý nghĩ lầm lẫn cho rằng tôn giáo tự nó vốn là một vấn đề, để thừa nhận rằng người ta có thể vừa là người có đức tin vừa có thể dấn thân cho đa nguyên và bình đẳng. Đây không hẳn chỉ là lý thuyết, nhưng là một thực tại sống của không biết bao triệu tín hữu tôn giáo khắp thế giới.

Các tín hữu, kể cả các Kitô Hữu, phải thừa nhận rằng họ không phải là những người duy nhất chịu đau khổ. Họ cũng cần có can đảm để nói với người cực đoan rằng một xã hội thế quyền phải dành chỗ không những cho các truyền thống tôn giáo khác nhau, mà cho cả những người như Avijit Roy khắp thế giới nữa.

Nếu muốn một loại hợp tác như thế trở thành một lực lượng hoàn cầu, thì Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể là người có ưu thế giúp gom nó lại với nhau.

Đức Giáo Hoàng vốn đã tạo được mối liên hệ tốt đẹp với một số người vô thần, trong đó có nhà báo nổi tiếng người Ý là Eugenio Scalfari, người mà ngài vốn dành cho cuộc phỏng vấn dài vào năm ngoái và là người rất được ái mộ trong các giới thế quyền.

Không có lý do gì ngăn cản Đức Phanxicô mời những người xưa nay vốn gây nhiều ngỡ ngàng như nhà vô thần Richard Dawkins cùng tham gia với ngài trong việc kết án các vụ thảm sát ở Kenya và ờ Banghadesh và trong việc bảo vệ “một chủ nghĩa thế quyền lành mạnh” theo nghĩa tạo ra một nhà nước sẵn sàng dành chỗ cho cả tôn giáo lẫn vô tôn giáo, và không áp đặt bất cứ thứ gì trong hai thứ vừa kể.

Tuy nhiên, điều ấy có thực sự sẽ diễn ra hay không, ta chỉ có thể phỏng đoán. Điều chắc chắn hiện nay là khi các Kitô hữu mừng Lễ Phục Sinh, càng ngày số người coi người hàng xóm vô thần như bằng hữu mới mẻ càng đông hơn.

Vũ Văn An

Read 962 times Last modified on Thứ năm, 09 Tháng 4 2015 20:52