Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 21 Tháng 6 2015 20:01

Quan niệm về 4 Sự sau của Thần học truyền thống và Thần học ngày nay

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Quan niệm về 4 Sự sau của Thần học truyền thống và Thần học ngày nay,bài viết của Hủ Tíu , một người con của Giáo xứ, ban biên tập gxthohoang.net trân trọng giới thiệu

 


Quan niệm về 4 Sự sau của Thần học truyền thống và Thần học ngày nay

SỰ CHẾT

Thần học truyền thống: đã đưa ra nhiều quan niệm khác nhau về cái chết:

Cái chết và tội lỗi: chết và tội có liên quan với nhau. Cái chết là do tội gây nên nhưng đó là cái chết trong tương quan giữa con người với TC và giữa con người với nhau, chứ không phải cái chết sinh học.

Chết là linh hồn lìa khỏi xác: Đi xa hơn, nền thần học này đã lấy lại tư tưởng thần học của Platon và Aristote khi quan niệm chết là việc linh hồn lìa khỏi xác. Nếu Platon cho rằng sau khi chết, linh hồn được giải phóng khỏi xác và hiện hữu độc lập thì Aristote lại thấy có sự thống nhất giữa xác và hồn, cả hai gắn liền với nhau và khi con người chết thì linh hồn cũng ngưng hiện hữu. Do đó, Giáo Hội đã đưa ra xác quyết dựa vào hai tư tưởng trên: Sau khi chết, linh hồn lìa khỏi xác, hiện hữu cách độc lập nhưng tạm thời vì tự nội tại của linh hồn qui hướng và tháp nhập vào thân xác để kết hợp lại.

Chết là kết thúc lịch sử cá nhân. Lịch sử cá nhân là lịch sử của con người được đan dệt bởi những quyết định tự do của cá nhân trong đời sống trần gian, trong thời gian hiện hữu. Tự do này có sự tham phần của ý chí, của ước muốn nên tất cả những quyết định của ta trong quá khứ, trong hôm nay sẽ hình thành lịch sử cuộc đời mình. Lịch sử này tốt hay xấu khi tùy thuộc vào những quyết định phù hợp hay đi ngược với thánh ý Thiên Chúa. Vì vậy, lịch sử con người đối diện với Thiên Chúa chỉ có giá trị khi các quyết định tự do của con người phù hợp với TC. Cho nên một thánh nhân tuổi đời trẻ có thể có một lịch sử dài hơn, rộng hơn trước mặt Chúa hơn là con người sống một trăm năm nhưng quyết định tự do của họ đi ngược với thánh ý Thiên Chúa.

Vì vậy, thần học truyền thống cho rằng với cái chết, quyết định tự do của con người không còn, họ không còn khả thể để đưa ra một quyết định với ý chí và ước muốn, cũng không còn khả thể để thiết lập công phúc nữa. Bởi vì những quyết định tự do với ý chí và ước muốn chỉ có thể làm được khi bao hàm cả thân xác và linh hồn. Do đó, những quyết định tự do có ảnh hưởng đời sống đời sau.

Thần học ngày nay: Đả phá quan niệm của thần học truyền thống. Mặc dù vẫn chấp nhận chết là linh hồn lìa khỏi xác, là sự ngừng lại những quyết định tự do của cá nhân nhưng đưa ra suy tư cao hơn: chết không thuần túy là linh hồn lìa khỏi xác, là kết thúc sự tự do mà còn là kết thúc một hành vi hữu vị (xuất phát từ tự do, ý chí, ước muốn), một hành vi nhân linh (Benedicto XVI). Nghĩa là chính con người đóng góp, tham dự vào biến cố chết của mình. Bởi vì ngay giây phút ta bước ra khỏi cõi đời này thì quyết định tự do đóng một vai trò rất lớn cho việc có được hưởng hạnh phúc đời sau hay không.

Như thế, hành vi hữu vị là quyết định cuối cùng: đón nhận hay từ chối TC. Những quyết định trước đó là nền tảng, là điều kiện để xây dựng quyết định cuối cùng. Nếu con người xây dựng cuộc đời này được xây dựng bởi những quyết định yêu thương, bác ái, phù hợp với ý TC thì khả thể đưa ra quyết định rất cao. Nếu một người đưa ra những quyết định chống lại TC qua việc đi tìm chính mình thì khả thể đưa ra quyết định vẫn quy về mình.

Vì vậy, hành vi hữu vị có liên hệ với lịch sử cá nhân: nếu con người xây dựng đời mình với những quyết định tự do phù hợp với  với ý TC thì giây phút cuối cùng trở thành điểm đến, đích đến của một tiến trình đi tìm hạnh phúc, đi tìm TC. Khi đó, cái chết là niềm vui, là một mối lợi. Chết là hành trình khát khao hạnh phúc và giờ đây họ đạt được hạnh phúc. Mẫu gương của hành vi hữu vị là ĐKT: ngài đã đưa ra quyết định tự do phù hợp với ý Chúa Cha "Lạy Cha, trong tay Cha con xin phó thác linh hồn con".

Vậy, khi nói đến sự chết là nói đến điểm đến của một hành trình, đó chính là đi đến sự hiệp thông với Thiên Chúa nhằm đạt được đích nhắm của tạo dựng là tham dự vào đời sống của Ba Ngôi để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kito, tháp nhập vào trong Ngài. Điểm đến này của cuộc đời con người chỉ được đan dệt bởi những quyết định tự do phù hợp với ý Chúa: đó là tình yêu, yêu Chúa và yêu tha nhân. Khi làm được như vậy là cuộc đời này đang đi vào chiều kích cánh chung ngày một sâu hơn và khi chết là họ đạt đến sự trọn vẹn với TC, cùng chết với ĐKT, cùng sống lại với Ngài.  Như vậy, cái chết có ý nghĩa đích thực khi con người có hành vi hữu vị phó dâng giây phút cuối cùng cho Chúa, tín thác, tin tưởng vào Chúa dựa trên  quá khứ là những lựa chọn theo thánh ý Chúa. Và hiểu như thế, cái chết là một tiến trình để đạt đến đích nhắm của tạo dựng.

PHÁN XÉT

Thần học truyền thống: Phán xét theo như thần học kinh viện trung cổ như là một toà án mà TC như một thẩm phán khắt khe ngự trên ngai để xét xử con dân Ngài và khung cảnh của cuộc phán xét đó diễn ra trong sự rùng rợn sợ hãi.

Thần học ngày nay: Phán xét là phút giây sau cái chết ta đối diện với TC không phải để TC xét đoán, lên án nhưng là cả hành trình tự do ta đã làm trên trần gian này sẽ diễn ra lại. Do đó, chết là một niềm vui để gặp Đấng yêu thương, là chính mình phán xét mình khi đối diện với hành trình của đời ta. Nếu ta có những quyết định ích kỷ, không phù hợp với ý Chúa là ta xây chung quanh mình một bức tường, một áo giáp ngăn cách mình với tha nhân và với ĐKT. Những điều đó làm cho ta xa Chúa nên ta cần gỡ bỏ những vỏ bọc, phá những bức tường đó ra.

Cái phá, cái gỡ này chính là luyện ngục. Đó không phải là vị trí, nơi chốn, hình phạt nhưng là việc rũ bỏ những gì ngăn cản tôi đến với TC vì thiên đàng là kết hiệp với TC. Chính sự khao khát nồng cháy kết hiệp với TC từ trong bản chất con người mà chưa đạt được là do bức tường, áo giáp đóng kín con người với TC đã làm cho con người đau khổ. Đó là sự đau khổ của luyện ngục, một sự đau khổ nội tại, muốn yêu mà không yêu được hay là ước mơ mà chưa được thực hiện. Vấn đề thời gian không được quan niệm trong thanh luyện, chỉ có cường độ nhiều hay ít dựa trên áo giáp hay bức tường dày hay mỏng.

Như vậy, phán xét theo thần học ngày nay được hiểu như là cuộc phán xét cá nhân. Đó chính là sự kết hiệp của con người với Thiên Chúa đạt đến mức độ nào. Theo bản chất nội tại thì con người phải đạt đến sự kết hiệp để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Ngày phán xét, chúng ta xem dưới ánh sáng của Thiên Chúa,  toàn thể vũ trụ, nhân loại và từng cá nhân đã đạt đến sự kết hiệp đó như thế nào trong Chúa và trong nhau. Vậy sự phán xét đó chính là sự kết hiệp với Thiên Chúa theo một tiến trình, kế hoạch đã có sẵn nhưng ta đã đạt được thế nào. Sự kết hiệp nhiều hay ít, có hay không sẽ hỏi ngược lại trên từng trách nhiệm của cá nhân. Ta phải có trách nhiệm vì ta có tự do. Đây là nền tảng nên dù Thiên Chúa là tình yêu nhưng vẫn có phán xét. Ta có tự do quyết định kết hiệp với Ngài hay từ do chối từ ngài nên ngày phán xét ta đối diện với Thiên Chúa để trả lời cho lối hành xử và quyết định của ta. Nếu ta càng kết hiệp với ngài thì là thiên đường và càng cách xa Ngài thì là hỏa ngục. Phán xét ngày chung thẩm cũng sẽ diễn ra như phán xét cá nhân mà thôi.

HỎA NGỤC

Theo Truyền thống: quan niệm không có hỏa ngục, mà chỉ có một thiên đàng phổ quát cho tất cả (Apocatastasis) nên cả satan cũng lên thiên đàng. Học thuyết này dựa trên nền tảng tình yêu của TC. Ngay cả Gregorio và Giêrônimô cũng theo khuynh hướng này.

Thần học ngày nay: Giáo Hội khẳng định hỏa ngục hiện hữu dựa trên tông huấn Benedictus Deus của Benedicto XVI và sự khẳng định của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Vậy, giải thích thế nào về hỏa ngục nếu TC là tình yêu? Dựa trên tự do của con người vì với sự tự do con người có khả năng quyết định số phận cá nhân của mình. Mà số phận đúng nghĩa được TC chờ đợi là kết hiệp với Thiên Chúa. Vậy, hoả ngục là chối bỏ Thiên Chúa và chối bỏ tha nhân. Điều này con người có thể cảm ngiệm ngay trong chính cuộc sống của mình. Đó là  kinh nghiệm khi ta chối bỏ Thiên Chúa và loại trừ tha nhân, lúc đó ta rơi vào sự cô đơn khủng hoảng dằn vặt, đó chính là hình bóng của hỏa ngục. Vì thế hỏa ngục mang tính nội tại nghĩa là hỏa ngục không là hình phạt từ bên ngoài nhưng là thất bại chung cuộc của việc đạt đến căn tính ơn gọi làm người là kết hiệp với Thiên Chúa.

Như vậy, hỏa ngục là hậu quả của những quyết định tự do được xây dựng trên ích kỉ. Đó là thực tại do ta tạo nên, là kết quả của lối sống chọn lựa chính mình mà thôi, là kết quả của lối sống đi ngược lại với bản chất của con người (là hình ảnh TC), là tình trạng cô độc đến từ việc khước từ được yêu và yêu. Đây là cấu trúc của con người (lãnh nhận và trao ban) và khi ta phá vỡ cấu trúc này thì là hỏa ngục. Vậy cái lí lẽ cuối cùng bênh vực khả thể của sự hiện hữu của hỏa ngục là lạm dụng sự tự do.

(Nỗi đau hỏa ngục lớn nhất là chiều kích tinh thần bị khủng hoảng, sống mà ích kỷ, ghen ghét giận hờn, khép kín, căm thù...như một ngọn lửa sôi sục trong tâm hồn. Đó là một hỏa ngục, hình ảnh của satan, gây đau khổ cho tha nhân. )

THIÊN ĐÀNG

Thần học truyền thống:

Thần học ngày nay: Thiên đàng là một tình trạng được kết hiệp với Chúa và kết hợp với nhau ở mức độ hoàn hảo, lên thiên đàng là đi vào mối hiệp thông với Chúa và tha nhân trong sự hoàn hảo. Ở trên thiên đàng là ở với Thiên Chúa là ở với nhau.  Chúng ta cảm nghiệm thiên đàng cách rõ nhất là qua thánh lễ vì thánh lễ có tính hiệp thông với Chúa cách trọn hảo. Do đó, tính chất của thiên đàng là hiệp thông với Đức Kito và với TCBN.

Hiệp thông với Chúa Kitô:

Theo Phaolô, thiên đàng là “trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” (Rm 8, 29) và Thiên đàng là tham dự vào sự sống lại và hiển trị của Chúa Kitô (Ep 4, 12).

Còn theo TM Ga, Thiên đàng là chính Đức Kitô (Ga 14,3) vì Đức Kitô là đường là sự thật và là sự sống (Ga 14,6).

Chiều kích Kitô học: Thiên đàng không hiện hữu trước Đức Kitô vì sự hiệp thông trong chiều kích Ba ngôi chưa có, bởi Chúa Kitô chưa chết và phục sinh. Chính Đức Kitô thiết lập thiên đàng bằng cái chết, phục sinh và lên trời nghĩa là thiết lập sự hiệp thông chiều sâu vì nhân tính đã được mang lên trời.

 Hiệp thông với Ba Ngôi: Hiệp thông với Ba Ngôi vì được trở nên con của Thiên Chúa ở chiều kích trọn vẹn nhất. Mà chiều kích trọn vẹn nhất của con người đó là yêu cha một cách trọn vẹn. Nhờ sự đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô mà ta được hiệp thông với Chúa Cha và Chúa TT

Được hưởng kiến hạnh phúc: hạnh phúc có trên thiên đàng là chiêm ngắm vẻ đẹp của Thiên Chúa vô hạn, diện đối diện với Chúa, chiêm ngắm vẻ đẹp siêu hình của TC. Vì Thiên Chúa là Mỹ, là cái đẹp không giới hạn sẽ không bao giờ chán, và cái đẹp của thế giới siêu hình này khác với cái đẹp thế giới vật chất. Vậy chiều kích nào để con người chiêm ngắm TC? Là trọn vẹn con người, lý trí thỏa mãn, vui mừng hạnh phúc và tình yêu cũng tăng theo.

Toàn thể vũ trụ này cũng tham dự vào thiên đàng mai sau vì

-Dựa trên cái chết của Đức Kitô: Đức Kitô chết đi không có nghĩa là bỏ thế gian nhưng là đi vào trong mối tương quan trọn vẹn với thế gian hơn (3 ngày xuống ngục tổ tông).

-Dựa trên phục sinh của Đức Kitô: Chúa Phục Sinh không rời bỏ thế giới này mà liên kết với thếgiới này một cách Mới mẻ, không bị lệ thuộc bởi không gian và thời gian.

-Dựa trên sự cứu rỗi: cứu rỗi không phải là cứu rỗi ra khỏi thế giới nhưng là cứu rỗi thế giới. Linh hồn dù ra khỏi thân xác nhưng vẫn liên hệ với thụ tạo này.

-Dựa trên tuyên xưng của Đức Kitô: "Ta là Anpha và Omega" tức là khởi nguyên và kết thúc của thế giới.

-Dựa trên tình yêu của Thiên Chúa: thế giới thụ tạo cũng là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa (TC sáng tạo thế giới và Ngài thấy điều đó là tốt lành).

 

-Dựa trên thần học sáng tạo: con người được dựng nên để cai quản vũ trụ. Vì thế con người có nhiệm vụ đưa vũ trụ đạt đến sự hoàn thiện của nó.

-Dựa trên kinh thánh: cả Cựu Ước Và Tân Ước đã nói đến trời mới đất mới. Trời mới đất mới không có nghĩa là thế giới thụ tạo này bị hủy diệt để có thế giới khác. Nhưng trời mới đất mới là chính thế giới thụ tạo này đạt đến đích điểm của nó đã được nhắm đến ngay trong kế hoạch sáng tạo.

Tóm kết: thần học truyền thống nhìn bốn sự sau trong lăng kính của thế giới vật chất. Còn thần học ngày nay thì cho rằng bốn sự sau hết chỉ hiểu được khi dựa trên tính thống nhất của nhiệm cục cứu độ hay kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Mà kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa là dựng nên con người để con người đạt đến sự hiệp thông trọn vẹn với TCBN. Như vậy, cánh chung và sáng tạo có mối tương quan với nhau. Nếu sáng tạo là bắt đầu cuộc hành trình thì cánh chung là đích điểm đến. Dựa trên lăng kính thống nhất này, ta có thể hiểu được tất cả về ngày quang lâm, sự chết cá nhân, phán xét, thiên đàng, hỏa ngục. Và tất cả những điều này đều dựa trên yếu tố tự do. Lý do phán xét là con người có tự do, thiên đàng-hỏa ngục hệ tại ở việc sử dụng tự do. Sử dụng tự do sai thì đi đến hỏa ngục, sự xa cách TC và xa cách nhau. Còn thiên đàng là hiệp thông với TC và với nhau. Mức độ hiệp thông này đã có trong trần gian nhưng chưa hoàn hảo. Chỉ có thiên đàng là nơi sự hiệp thông này đã hoàn hảo. Và cái đẹp của thiên đàng là cái đẹp ở chiều kích thiêng liêng, siêu nhiên. Như vậy, ta cần phải hưởng nếm hạnh phúc đó ngay trong thánh lễ, cầu nguyện, đời sống cộng đoàn và chia sẻ với nhau.

Hủ Tíu

 

 

 

 

Read 2713 times Last modified on Thứ ba, 23 Tháng 6 2015 15:12