Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 20 Tháng 12 2012 19:50

Mẹ! Hiền Mẫu Trong Dân Gian

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
    Viết cho mẹ cả nghìn lời yêu dấu Vẳng tâm tư xúc động tấm lòng con

 

 

 

 

 

 

 

 

 

MẸ!
HIỀN MẪU TRONG DÂN GIAN

    Trong triết lý Á Đông, người xưa quan niệm: " Cha trời, mẹ đất". Sống trong cõi nhân gian con người luôn được ôm ấp và bảo bọc trong vòng tay yêu thương của cha mẹ đất trời. Từ điểm ấy, đạo làm người trong luân lý Khổng Mạnh luôn lấy chữ hiếu làm trọng. Tinh thần hiếu đễ đã ăn sâu vào đời sống của người dân Việt:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Nghĩa vuông tròn hay nghĩa đất trời, ý nói âm dương hoà hợp được chỉ cho sự nên vợ thành chồng. Tất cả những điều này nói lên sự vẹn toàn mà biểu tượng là hình vuông nằm giữa vòng tròn

Trăm năm kết nghĩa vuông tròn
Phải tìm cho tới ngọn nguồn lạch sông

Tuy nhiên, nhìn lại trong kho tàng văn chương bình dân cũng như các tác phẩm văn học hiện đại, ta thấy hầu như hình ảnh người mẹ chiếm vị trí lớn trong kho tàng văn hoá của nhân loại. Đặc biệt người Việt Nam chúng ta càng thể hiện rõ ràng hơn. Có phải khi tôn vinh "người mẹ" là đã thể hiện sự không công bằng đối với những người cha hay không? Chắc hẳn là không, vì có ý kiến nào phản đối điều ấy đâu? Trong các giáo xứ người ta cũng nhận ra một điểm trùng hợp là các "Bà Cố" của Linh mục và Tu sỹ thường tại thế lâu hơn là các "Ông Cố". Có lẽ đây là sự tưởng thưởng công lao cho những người mẹ tần tảo, cả một đời lao nhọc hy sinh cho chồng con.

Viết cho mẹ cả nghìn lời yêu dấu
Vẳng tâm tư xúc động tấm lòng con
Bao yêu thương xây đắp đã gầy mòn
Ươm cuộc sống vào đời con cho trọn

Hình ảnh của người phụ nữ trong dân gian, hay nói đúng hơn là người mẹ trong gia đình đã từng được ca dao khắc hoạ: "Con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non". Người phụ nữ xưa nuôi chồng lo đèn sách thi cử, vất vả với công việc nhà chồng chỉ mong cho chồng mình công thành danh toại, công lao thật rất lớn, nhưng lại bị lễ giáo ràng buộc trong một quan niệm thật khắt khe: " Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng" hoặc là: "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử". Cái sự chính chuyên ấy, cái đức tam tòng ấy đã để lại trong thế giới loài người sự kính trọng cần phải được tôn vinh...

Người phụ nữ hôm nay lại chiếm một vị trí quan trọng trong xã hội. Chẳng phải có những người phụ nữ là nguyên thủ quốc gia hay sao? Bên cạnh đó còn biết bao người đã thể hiện những khả năng ngang bằng nam giới. Đoàn thể "Công giáo tiến hành" đã nâng các bà mẹ lên vị trí xứng đáng, được gọi là hiền mẫu. Những hiền mẫu trong hội các Bà Mẹ Công Giáo đã có đời sống đạo thiết thực...Xét ra thì đây là đoàn thể sống động, hữu hiệu trong tác động truyền giáo và sinh hoạt của giáo xứ.

Chúng ta lại càng phải ý thức được vai trò của người mẹ trong gia đình và giáo xứ. Con cái và gia đình của chúng ta đang đứng trước những thử thách của đời sống xã hội. Sự tiến bộ, đồng thời kèm theo sự sa đoạ là điều tất yếu của đời sống. Cũng như thánh nữ Mônica đã dùng lời cầu nguyện và hy sinh đã chuyển hoá được chồng con. Chúng ta hãy noi gương thánh nữ biết dùng lời cầu nguyện, đồng thời trong xã hội hôm nay chúng ta cũng phải học để biết nhiều vấn đề, để nâng cao đời sống và trở thành người hữu ích.

HOÀNG NGA


LỜI NGUYỆN CẦU

Giữa ấp mùa xuân bao giờ cũng ấm áp
Lời nguyện cầu hương bay hồn bạch lạp
Thở những hơi thơm no ấm dịu hiền
Như tiếp nhận một nguồn ơn vĩnh cửu

Vào mùa xuân với chồi hoa nẩy lộc
Sức sinh tồn như vươn tới đỉnh cao
Và từ đây sẽ gọi là nguồn sống
Ở chốn vô biên thánh thoát cõi trời

Mùa tình yêu như hương trời gợi nhớ
Người gặp nhau như bao lần bỡ ngỡ
Mẹ nhìn con như để rồi cách trở
Lạnh ngắt bàn tay vợ đã lìa chồng

Chúc an bình như một thưở hồi sinh
Giữa mùa xuân bao say đắm những tình
Đã thắm mát linh hồn thơm vị ngọt
Của một đời người nay đã ra đi

Hoàng Nga


Cánh đồng bất tận

Con dẫu đi xa nhưng lòng vẫn nhớ quê nhà
Nhớ thuở bé chăn trâu rong ruổi chốn đồi xa
Đi học về ăn vội miếng cơm, lùa trâu ra ngõ
Tiếng gọi nhau í ới chạy vội ra đồng

Những con trâu bị nhốt cả đêm, hông xẹp lép
Thè lưỡi quơ nhanh bên đường một vài búi cỏ
Đôi khi dừng lại liếm vài lá ngô xanh mướt
Bà chủ nhà chạy ào la toáng lũ chăn trâu

Những buổi chăn trâu nhiều trò nghịch ngợm
Trèo lên cây chơi đuổi bắt, té xuống chẳng sao
Ngụp lặn trong ao hồ quậy bùn đất be bét
Khi về nhà vẫn còn tanh mùi đồng nội

Bây giờ xa rồi quê hương nhiều thay đổi
Máy đã thay trâu cày bừa, nên không còn nữa
Cảnh lùa trâu ra đồng, chăn trâu một thuở
Chỉ còn là hình ảnh của những năm xưa

Cậu bé chăn trâu ngày nào, giờ đã là Linh mục
Trở về quê gặp lại lũ bạn ngày xưa
Ai cũng đua nhau kể về một thời dĩ vãng
Nhớ buổi trộm ngô, đang nướng bị bắt quả tang

Những câu chuyện thời ấu thơ nay kể lại
Những kỷ niệm bình thường lại quá thân thương
Những chất liệu làm nên tính cách của mỗi con người
Chẳng phải đâu xa, là những điều gần gũi

Quê hương ơi đã cho con một thời niên thiếu
Được quyện lẫn trong bùn đất, mùi rơm rạ
Những buổi chiều trở về làng ngất ngưởng lưng trâu
Những nghịch ngợm, phá phách của một thời thơ dại

Con xin cảm ơn những buổi chăn trâu thuở bé
Hình ảnh chú mục đồng như in đậm tâm tư
Để mỗi khi có những nhọc nhằn trong sứ vụ
Con lại thả hồn vào những cánh đồng bất tận.

Hoàng Nga

 

Read 1369 times Last modified on Thứ năm, 20 Tháng 12 2012 20:04