Tâm tình với em về những ngày phải tạm dừng các thánh lễ
Posted by Ban Biên Tập
Em!
Em gọi điện thoại than phiền với tôi giọng gay gắt: “Các Giáo phận ở Phương Tây đã tạm dừng các thánh lễ, như vậy là đủ lắm rồi, thế mà giờ lại đến các Giáo phận ở Việt Nam bắt đầu rục rịch tạm dừng thánh lễ. Cha coi có được không? Thân xác cũng cần của ăn để sinh sống và phát triển, thì linh hồn cũng cần của ăn để sinh sống và kết hiệp mật thiết với Chúa chứ.” Em kết thúc và thở dồn dập như để trút đi phần nào sự bực bội trong mình. Không chỉ có em mà còn có bạn bè của em, những người dùng các phương tiện truyền thông xã hội để lên tiếng bất bình về việc tạm dừng thánh lễ, họ nói rằng: “Đây là lúc các tín hữu cần hơn bao giờ hết thánh lễ và các bí tích để nâng đỡ trong sự khủng hoảng của cơn đại dịch.” Và đây đó còn có những người sẵn sàng hy sinh “tử vì đạo” để đến nhà thờ tham dự thánh lễ và cầu nguyện cho mọi người. Họ sẵn sàng “hy sinh chính mình!”
Cám ơn em đã gọi điện chia sẻ và nói lên thao thức của mình. Điều đó làm cho chúng tôi – các Linh mục – cảm thấy rằng giáo dân vẫn đang cần thánh lễ, cần sự liên kết thiêng liêng với Chúa và cần có sự hiện diện mang tính cộng đoàn để nâng đỡ lẫn nhau.
NHƯNG,
Em ah!
Một trong những giáo lý cơ bản của Đức tin Ki-tô giáo là: chúng ta phải trì hoàn những mối quan tâm đến đời sống thể xác khi những mối quan tâm này cản trở sự phát triển của đời sống thiêng liêng của chúng ta. Các Thánh Tử đạo là một trong những tấm gương sáng cho chúng ta về điều này, khi các Ngài hy sinh chính mạng sống của mình cho Thiên Chúa. Với việc làm của mình, các Ngài đã trở nên tấm gương sáng cho chúng ta, và các Ngài cũng trở nên tiếp điểm giữa chúng ta và Thiên Chúa, nơi chúng ta có thể kín múc niềm tin, tình yêu, và sự hy vọng cho cuộc lữ hành của mình. Thánh lễ thì quan trọng hơn đời sống trần gian của chúng ta, vì thế chúng ta sẵn sàng đánh đổi tính mạng của mình để có thể bảo toàn thánh lễ được tiếp tục.
Nhưng ở đây có sự khác biệt giữa các vị tử đạo và các em – những người giáo dân trong thời đại dịch Wuhan – là: chúng ta không đối mặt với sự hy sinh bản thân, nhưng chúng ta đang đối mặt với một quyết định ảnh hưởng người khác. Một người độc thân có thể hy sinh tính mạng để bảo vệ một người bạn của họ. Nhưng họ không thể hy sinh tính mạng của những người thân yêu xung quanh họ, đặc biệt là những người cần được bảo vệ, chỉ để bảo vệ cho một quan điểm hay một nhu cầu của họ.
Chúng ta đã chứng kiến tình hình dịch bệnh bùng phát ở nhiều nước trên thế giới và không khó để nhận ra rằng: bệnh dịch này lây lan một cách nhanh chóng và đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến người già cả và đau yếu trong các cộng đoàn. Không ai trong chúng ta có thể chắc chắn mình không truyền vi-rút cho người khác, vì thậm chí ngay cả việc ta bị bệnh hay không còn khó nói.
Các Đức Giám Mục nhìn thấy viễn cảnh này nên đã công bố quyết định tạm hoãn các thánh lễ và các cử hành phụng vụ có giáo dân tham dự. Các ngài không lựa chọn làm điều này vì một nhóm người hay vì đời sống thể lý thì quan trọng hơn đời sống thiêng liêng. Thay vào đó, các Giám mục đang giúp chúng ta quan tâm đến những người mà chúng ta được trao phó trách nhiệm trong coi, vì một trong những ơn gọi của người Ki-tô hữu là trông coi công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Hơn thế nữa, lợi ích sức khỏe và trật tự của cộng đồng nhân loại thì vượt xa giá trị của một người hay một nhóm người khi tham dự thánh lễ. Trên thực tế thì thánh lễ vẫn đang tiếp tục mọi nơi, mọi lúc trên thế giới và người tín hữu có thể hiệp thông khi Mẹ Giáo Hội cử hành thánh lễ.
Thánh lễ và các cử hành phụng vụ với tín hữu đã không còn, nhưng các nhà thờ vẫn mở cửa để những người giáo dân như em và tôi đến kín múc cho mình lương thực thiêng liêng hàng ngày, miễn là mình giữ các quy định của bộ y tế, của các đấng bậc lãnh đạo trong giáo hội và ngoài xã hội. Tôi đảm bảo với em thánh lễ vẫn được dâng trên bàn thờ mọi ngày từ khắp nơi trên thế giới, cho dù có sự hiện diện của tôi và em hay không.
Em hãy nhìn lấy đây như một cơ hội để phát triển sự khao khát đích thực về Bí tích Thánh thể và cũng là một cơ hội để chúng ta loại bỏ nguồn gốc của “nghĩa vụ đơn thuần” và đôi khi vẫn còn hiện diện trong đời sống thiêng liêng của chúng ta. Đây cũng là một cơ hội tốt để tôi và em nhìn lại mối tương quan của mình với Giáo hội và với nhau.
Lùi một bước không có nghĩa là hèn nhát, nhưng nhiều khi phải rất can đảm mới thức hiện được. Bức hình trên nói lên tất cả. Mong em tìm được sự khao khát Thánh thể đích thực và hiệp thông cầu nguyện cho Mẹ Giáo Hội cũng như toàn nhân loại. Em ah! VÂNG PHỤC – với lý trí hiểu biết thấu đáo - cũng là một cách tử đạo.
Lm Antoine Trần Bửu Phùng