Sống ở đời, phàm là người, cần lắm cái lòng nhân. Có người sẵn sàng cho đi nhưng có người mãi khép lại ...
Chả biết vô tình hay hữu ý mà sáng sớm ngày Chúa Nhật II Phục Sinh – ngày Lễ kính lòng thương xót Chúa – vị bác sĩ thân quen nhắn như thế này : “Cha ơi ! Mai con có ca can thiệp ung thư gan. Cả nhà có 3 triệu đồng thôi. Ca can thiệp ngày mai làm lên 39 triệu, để con dâng Chúa 36 triệu vậy ạ”.
Đọc dòng tin này thất nát ruột nát gan ! Quên ! Mát ruột mát gan ! Đơn giản là giữa cái chợ đời này có người giàu cực giàu xài tiền như nước và có người bòn không ra để chữa bệnh. Và ở cái chợ đời này có những lòng nhân như thế.
Nghe bác sĩ nói thế thì tại hạ nhắn gửi lại : “Xin bác cho con tài khoản để con chia sẻ ... gọi là để đền tội”.
Tin này được gửi đến một người thân quen. Gặp ngay cái người hay có lòng thương xót. Chị nói ngay và luôn : “Cha cứ lo cho trường hợp này. Con tính sau với Cha nhé !”.
Mà cái chị này hay lắm ! Chị không giàu. Chị cũng vất vả đắp đổi cuộc sống qua ngày. Có điều nghe đâu có khó khăn là Chị chia sẻ.
Đặc biệt nơi Chị đó là nét đẹp của sự âm thầm. Chị cho đi và cho đi rất nhiều. Chị cho đi dàn nước lọc, Chị cho đi chiếc xe tang, Chị cho đi cho những mảnh đời bất hạnh qua bỉ nhân. Tất tần tật vẫn im hơi lặng tiếng. Cũng như những người thân quen khác. Vừa chuyển tiền vừa ra lệnh : “Con cấm Cha đưa con lên mạng ! Con ghét lắm ! Đừng đưa nhé !”
Vừa rồi, khi hay tin dân thiếu nước vì nắng hạn Chị hỏi ngay : “Chỗ cha có cần giếng thì Cha khoan cho họ ngay đi. Con tính sổ với Cha”.
Ơ hay ! Cuộc đời là vậy đó ! Đâu đó vẫn còn lòng nhân như ánh sáng giữa bầu trời của sự ích kỷ, của sự vun vén. Cứ thấy cảnh nghèo hay khó khăn là sẻ chia thôi chứ không cần tính toán.
Cũng thế, có vài người thấy mấy đứa nhỏ nhà quê nghèo thiếu thốn thế là bày chuyện ngay. Người thì trang bị bộ múa lân, người thì mua tranh vẽ và mấy thùng tượng để các em tô màu.
Nhìn cảnh các em vẽ, các em chơi sao mà thương quá. Ở thành thị thì nhà ai nấy ở và chả bao giờ có chuyện qua lại với nhau vì nhà nào cũng cửa đóng then cài. Ở cái nơi nghèo này thì lại khác, đi đâu là kéo theo cả “băng”. Ít ít thì dăm ba đứa, có hôm cả tá luôn. Đông vui và dĩ nhiên hao. Thế nhưng dù hao đi chăng nữa vẫn vui vì mình gọi là góp một chút gì đó cho đời.
Ở những nơi chậm phát triển thì nhiều vấn đề nảy sinh. Chiều qua, ngồi chơi ăn bánh. Hỏi tên thì được biết 4 anh em không phải sinh năm 1 mà sinh năm 2. Đứa lớn nhất 11 và đứa nhỏ là 4. Hỏi thăm ba mẹ thì được biết mẹ năm nay 28. Hết hồn khi mẹ đứng cạnh đó coi con ăn.
28 tuổi ! 4 đứa con ! Đứa lớn nhất 11 ! Nghĩa là mẹ nó mới có 16 tuổi là tượng thai nó rồi !
Gia đình nheo nhóc như thế thử hỏi làm sao chúng phát triển cách bình thường được. Chính vì thế, cuộc sống càng ngày càng khó khăn với những gia đình như thế. Một phần do nhận thức và cuộc đời xô đẩy để đến cảnh cùng. Đời là vậy ! Chả ai nói được trước điều gì. Nay còn mai mất là chuyện bình thường để rồi cái khổ, cái khó nó cứ bó cuộc đời người ta lại.
Ngày mỗi ngày, ta thấy những chuyến xe từ thiện, những tấm lòng từ thiện đến với những nơi xa để chia sẻ.
Bỉ nhân quen một anh mà anh này lạ lắm ! Hình như anh ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà. Cứ lặng lẽ, anh cùng với những tấm lòng thơm thảo dường như đi mọi miền đất nước để sẻ chia. Có lúc anh và vài người bạn ngược dòng thành thị để lên Kontum. Vừa qua, anh mon men đến tận vùng biên giới phía Bắc. Từ thiện nhưng nào có dễ đâu. Có lúc thì đường sá là trở ngại và có khi lòng người trở ngại việc của anh. Thuở đời nay có đời nào đi làm từ thiện mà phải làm đơn xin đâu ! Có đấy nhé ! Và để đến được với người nghèo. Anh bất chấp ! Anh làm đủ mọi cách kể cả bị hành ra bã cái chuyện làm đơn anh vẫn làm.
Vị bác sĩ thân quen, anh bạn thân quen và nhiều người khác nữa khơi lên trong lòng tôi sự chia sẻ dẫu rằng trước đây vẫn có. Họ không đi tu, họ còn vướng bận chuyện gia đình nhưng lòng của họ luôn hướng về người nghèo.
Bác sĩ không phải ai cũng như ai, có những vị tận tâm, tận tình và tận lòng để chia sẻ như vị bác sĩ thân quen của bỉ nhân. Nhiều và nhiều người khác nữa vẫn cứ cố gắng để chung chia với những phận nghèo. Họ làm âm thầm và họ chả bao giờ đưa lên mạng khoe. Họ ý thức được việc họ làm và vẫn cứ lặng lẽ và lặng lẽ.
Vậy đó ! Giữa chợ đời có người vun vén thì lại có những người cho đi. Những người cho đi mà bỉ nhân biết được kích động lòng thương xót nơi bỉ nhân. Nhìn họ cho đi như là tấm gương để mình cùng thực thi lòng bác ái cho người đồng loại.
Sống tâm tình lòng thương xót Chúa, sống tâm tình là người môn đệ của Chúa thì phải cho đi. Ai nào đó khép lòng lại mà không biết cho đi thì chuyện tôn sùng lòng Chúa thương xót chỉ dừng lại trên môi trên miệng của họ mà thôi. Chỉ những ai can đảm cho đi thì người đó đã cảm, đã nghiệm và đã sống lòng thương xót Chúa ngay trong cuộc đời của họ.
Lm. Anmai, CSsR