Video: Triều Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI - Phần II
Posted by Ban Biên Tập
Sau chiến tranh thế giới lần thứ Hai, nước Đức khốn cùng của Joseph Ratzinger vẫn chưa hết khổ. Chủ nghĩa cộng sản xây dựng trên bạo lực và dối trá đã biến một nửa đất nước thành một nhà tù khổng lồ.
Tất những thay đổi sâu sắc trong cuộc sống càng thôi thúc cậu Joseph Ratzinger trong khao khát truyền bá chân lý và hòa bình. Những ngày này được Đức Bênêđíctô thứ 16 mô tả là những ngày quan trọng nhất trong đời ngài.
Ngày 29 tháng Sáu năm 1951, hai anh em Ratzinger cùng được thụ phong linh mục bởi Đức Hồng Y Michael von Faulhaber, Tổng Giám Mục Munich.
Ngay từ ban đầu, linh mục Joseph Ratzinger đã nổi bật nhờ khả năng giảng dạy và nghiên cứu của ngài. Luận án đầu tiên của ngài là về Thánh Augustinô với nhan đề “Dân Chúa và Hội Thánh trong Học Thuyết Giáo Hội của Thánh Augustinô” được công bố năm 1953. Ước mơ giảng dạy tại một trường đại học của ngài đang dần dần trở thành hiện thực.
Luận án tiến sĩ của ngài là về Thánh Bonaventura được hoàn thành năm 1957 và với luận án lẫy lừng này ngài được phong làm giáo sư tại đại học Freising một năm sau đó khi mới 31 tuổi.
Năm 1959, ngài trở thành giáo sư thực thụ tại Đại Học Bohn, thủ đô của nước Đức tự do.
Tiếng tăm của vị giáo sư trẻ đến tai Đức Hồng Y Josef Frings. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã kể về thời kỳ này với các linh mục Rôma hôm 14 tháng Hai 2013 như sau:
“Năm 1959 tôi được bổ nhiệm làm giáo sư ở Đại học Bonn, nơi có các sinh viên, chủng sinh của giáo phận Koeln và các giáo phận lân cận theo học. Vì thế tôi được dịp tiếp xúc với Đức Hồng Y Frings. Hồi năm 1961, Đức Hồng Y Siri, Tổng Giám Mục giáo phận Genova, đã tổ chức một loạt các bài thuyết trình về Công đồng, với các thuyết trình viên là một số Hồng y Âu Châu. Đức Hồng Y Siri cũng mời Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Koeln thuyết trình về đề tài “Công đồng và thế giới của các tư tưởng tân thời”. Đức Hồng Y Frings đã mời tôi là giáo sư trẻ nhất soạn cho ngài dự thảo bài thuyết trình, và Đức Hồng Y đã trình bày cho dân chúng ở Genova bài thuyết trình mà tôi đã viết. Ít lâu sau Đức Giáo Hoàng Gioan 23 mời Đức Hồng Y Frings đến gặp. Đức Hồng Y rất lo sợ vì e rằng mình đã nói điều gì không đúng hoặc sai trái, và bị Đức Giáo Hoàng gọi đến để khiển trách, và thậm chí có thể bị tước bỏ mũ Hồng Y.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã kể rất hóm hỉnh khiến các linh mục Rôma cười rộ lên.
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Đúng vậy, khi cha thư ký của Đức Hồng Y giúp ngài mặc áo để vào chầu Đức Giáo Hoàng, ngài nói: “Có lẽ bây giờ tôi mặc chiếc áo Hồng Y này, lần này chắc là lần chót!”.
Nhưng khi Đức Hồng Y Frings vào gặp Đức Giáo Hoàng Gioan 23, thì Đức Giáo Hoàng tiến đến gặp và ôm lấy Đức Hồng Y và nói: “Cám ơn Đức Hồng Y vì đã nói điều mà tôi muốn nói, nhưng tôi không tìm được lời để nói cho đúng”
Các linh mục Rôma lại cười rộ và vỗ tay.
“Thế là Đức Hồng Y Frings biết mình đang đi đúng đường và Đức Hồng Y đã mời tôi đi Công Đồng với ngài, trước tiên như một chuyên gia riêng, rồi trong giai đoạn đầu tiên, có lẽ vào tháng 11 năm 1962, tôi cũng được bổ nhiệm làm chuyên gia chính thức của Công đồng”.
Đây là tòa nhà Đức Hồng Y Frings và linh mục giáo sư Joseph Ratzinger đã cư ngụ trong thời gian tham dự Công Đồng Chung Vatican II.
Tháng 12 năm 1965, Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục kết thúc Công Đồng và Giáo Hội bắt đầu triển khai những giáo huấn của Công Đồng. Linh mục giáo sư Joseph Ratzinger trở lại với đời sống đại học.
Năm 1966 ngài bắt đầu giảng dạy trong cùng phân khoa thần học với Hans Küng tại Đại Học Tübingen, nơi có một số đông đảo giáo sư và sinh viên chịu ảnh hưởng mạnh bởi lý thuyết cộng sản và những phong trào cánh tả.
Những cuộc biểu tình bạo động của giới trẻ hồi tháng 4 và tháng 5 năm 1968, và làn sóng bất tuân phục thẩm quyền trong các sinh viên đại học đã thay đổi một số quan điểm cánh tân của giáo sư Joseph Ratzinger. Trong những bài viết trên tạp chí Concilium, giáo sư Joseph Ratzinger chỉ trích những diễn biến tệ hại này trong xã hội và giải thích những diễn biến ấy như là hệ quả của khuynh hướng muốn thoát ly khỏi những giáo huấn truyền thống của Công Giáo.
Năm 1969, ngài trở lại quê hương Bavaria nơi bào huynh ngài đang coi sóc một giáo xứ ở đó. Ngài giảng dạy tại Đại Học của thành phố Regensburg, nơi là hợp lưu của hai giòng sông êm đềm Danube và Regen. Năm 1972, ngài sáng lập tại đây tạp chí thần học Communio, tức là Hiệp Thông, cùng với các thần học gia Henri de Lubac, Walter Kasper và những vị khác. Năm 1976, ngài trở thành Hiệu Phó Đại Học Regensburg.
Ngày 24 tháng Ba năm 1977, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục kêu gọi ngài hy sinh sự nghiệp đại học để trở thành Tổng Giám Mục Munich và Freising. Đây là một quyết định khó khăn cho ngài vì ngài ham mê sự nghiệp đại học và nghiên cứu. Và ngài rất thành công trong lãnh vực này. Nhiều học trò của linh mục giáo sư Josheph Ratzinger là những nhân vật quan trọng trong Giáo Hội như Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna, Áo quốc. Hơn nữa, sau nhiều năm hoạt động trong lãnh vực đại học, ngài có rất ít kinh nghiệm mục vụ so với các linh mục coi xứ. Sau khi cầu nguyện, ngài vâng lời và chọn khẩu hiệu Giám Mục là Cooperatores Veritatis, tức là “những người cùng cộng tác vì chân lý”. Chỉ ba tháng sau đó, ngày 27 tháng Sáu năm 1977, Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục tấn phong Hồng Y cho ngài với hiệu tòa là “Santa Maria Consolatrice al Tiburtino”, nghĩa là Đức Maria Đấng An Ủi dân thành Tiburtino.
Đức Hồng Y Joseph Ratzinger tiếp tục sứ mạng giảng dạy đức tin của mình, không phải trong khuôn viên đại học, nhưng với quảng đại quần chúng tại Vương Cung Thánh Đường thành Munich.
Trong những năm tháng này, ngài làm quen và liên lạc thường xuyên với Đức Tổng Giám Mục Krakow là Đức Hồng Y Karol Józef Wojtyła của Ba Lan, người đã phải kinh qua thời kỳ Quốc Xã kinh hoàng và nay là thời kỳ cộng sản vừa bạo tàn vừa quyết liệt tận diệt đức tin Công Giáo của những người dân lành. Ngài gởi tặng Đức Hồng Y Wojtyła cuốn “Nhập Môn Kitô Giáo”. Một phần trong cuốn sách này đã được Đức Hồng Y Wojtyła trình bày trong tuần tĩnh tâm Mùa Chay cho giáo triều của Đức Phaolô Đệ Lục.
Hai vị trao đổi thư từ và những tác phẩm của mình nhiều tháng trước khi có cuộc gặp gỡ đầu tiên trong Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng vào tháng 8 năm 1978 sau khi Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục được Chúa gọi về với Ngài.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhất, vị Giáo Hoàng với nụ cười đã được bầu lên. Ngài tiêu biểu cho một phong thái lãnh đạo rất mới mẻ. Thật vậy, trong buổi triều yết chung, ngài đã gọi một chú bé giúp lễ lên trả lời những câu hỏi. Tiếc thay, triều Giáo Hoàng của ngài chỉ kéo dài vỏn vẹn có 33 ngày.
Các Hồng Y lại quay trở lại Vatican. Vị Hồng Y trẻ trung mới 58 tuổi, đến từ một quốc gia cộng sản, rất phù hợp cho thời hậu hiện đại.
Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được mời đảm trách chức vụ quan trọng bậc nhất trong giáo triều Rôma, chỉ sau Đức Giáo Hoàng, là chức Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.
Ngài chấp nhận lời đề nghị của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II với lời thỉnh cầu xin được tiếp tục viết sách. Một yêu cầu được Đức Giáo Hoàng Ba Lan chấp nhận nhanh chóng. Không những thế, Đức Tân Giáo Hoàng còn khuyến khích Đức Hồng Y Tổng Trưởng tiếp tục các nghiên cứu thần học của riêng mình.
Sự hợp tác của hai vị sinh nhiều hoa trái, chẳng hạn như Tuyên Ngôn Dominus Iesus (Tính Duy Nhất Và Cứu Độ Phổ Quát Của Chúa Giêsu Kitô Và Hội Thánh) hay Tông Thư Fides et Ratio (Đức Tin và Lý Trí).
Tuy nhiên, trong vai trò bảo vệ đức tin tinh tuyền của Giáo Hội, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger trở thành tiêu điểm tấn công của nhiều nhà thần học đang đề cao lý thuyết giai cấp đấu tranh của Mácxít nhân danh Thiên Chúa và cả những người không chấp nhận những giáo huấn của Công Đồng Vatican II. Đức Hồng Y William Levada, người đã từng giữ chức vụ Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin tâm sự: “Vai trò của chúng tôi là bảo vệ giáo huấn Công Giáo và các học thuyết Công Giáo”.
Đức Hồng Y Tarcisio Bertone nói: “Ngài ở trong cương vị cao nhất của người phải bảo vệ đức tin của các tín hữu đơn sơ”.
Trong Mùa Chay của năm Thánh 2000, ngài đứng bên cạnh Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và giảng trong một nghi thức thanh tẩy quá khứ cảm động để xin tha thứ cho những lầm lạc và tội lỗi của “Những con cái của Giáo Hội, nhân danh đức tin và luân lý đã dựa vào những phương thức không bắt nguồn từ Phúc Âm để bảo vệ chân lý.”
vietcatholic (Theo youtube)