Gần 24 năm trong chức vụ Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã mạnh mẽ bảo vệ và tái khẳng định đạo lý Công Giáo trên những vấn đề nhạy cảm trong xã hội như ngừa thai, phá thai, hôn nhân đồng tính, và đối thoại liên tôn. Do đó, ngài thường là tiêu điểm tấn công của nhiều phía, đặc biệt khi phải ra những quyết định kỷ luật trong Giáo Hội.
Năm 1997, khi đến tuổi 70, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã xin Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho ngài rút lui khỏi chức vụ này để đảm trách công việc tại Văn Khố Mật của Tòa Thánh, nhưng thỉnh cầu này đã không được chấp thuận.
Ngày 1 tháng Hai năm 2005, Đức Gioan Phaolô II bị khó thở sau khi bị cúm và phải đưa vào nhà thương Gemelli. Tháng Ba, ngài trở về Vatican. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 25 tháng Ba, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger viết bài suy niệm và chủ sự buổi đi Đàng Thánh Giá trọng thể tại hí trường Côlôsê. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II theo dõi buổi lễ qua màn ảnh truyền hình.
Trong bài suy niệm, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger cầu xin ơn tha thứ vì những tội lỗi trầm trọng trong Giáo Hội. “Tội lỗi trong Giáo Hội biết là bao nhiêu, ngay cả trong hàng linh mục, những người phải tận hiến chính họ hoàn toàn cho Ngài. Kiêu căng và ngạo mạn biết chừng nào!”
Từ cửa sổ phòng làm việc của mình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vẫy tay chào các tín hữu và du khách hành hương trên quảng trường Thánh Phêrô. Đây là hình ảnh cuối cùng thế giới nhìn thấy ngài còn sống.
Trong cuộc họp báo đặc biệt chiều thứ Bẩy 2 tháng Tư 2005, tiến sĩ Joaquin Navarro Valls, Trưởng Phòng Báo Chí Tòa Thánh nói:
“Đức Thánh Cha tỉnh táo, rất thanh thản, hiển nhiên là ngài đang có khó khăn về hô hấp”.
Hàng chục ngàn người tuôn đến quảng trường Thánh Phêrô, cầu nguyện cho vị Giáo Hoàng yêu quý.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã được Chúa gọi về.
Xin cho lời cầu nguyện thinh lặng của chúng ta đồng hành trong những phút giây đầu tiên Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II diện kiến Chúa Kitô trên thiên đàng.
Trong tư cách là niên trưởng Hồng Y Đoàn, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger chủ sự lễ nghi an táng cảm động tại quảng trường Thánh Phêrô với sự hiện diện của đông đảo các nhà lãnh đạo trên thế giới. Một làn gió mạnh thổi qua quảng trường Thánh Phêrô.
Chúng ta có thể chắc chắn rằng, Đức Giáo Hoàng thân yêu của chúng ta hôm nay từ cửa sổ thiên đàng, đang nhìn xuống chúng ta và ban phép lành cho chúng ta. Vâng, Đức Thánh Cha hãy ban phép lành cho chúng con.
Ngày 18 tháng Tư, 115 vị Hồng Y trong số 117 vị Hồng Y dưới 80 tuổi tham dự Cơ Mật Viện bầu Tân Giáo Hoàng . Hai vị Hồng Y vắng mặt vì đau yếu là Đức Hồng Y Jaime Sin của tổng giáo phận Manila, Phi Luật Tân và Đức Hồng Y Adolfo Suárez Rivera của tổng giáo phận Monterrey, Mễ Tây Cơ.
Giảng trong thánh lễ Khai Mạc Cơ Mật Viện, Đức Hồng Y niên trưởng Joseph Ratzinger đã phân tích rất xúc tích về tình hình của Giáo Hội và thế giới. Ngài nói:
Biết bao nhiêu làn gió chủ thuyết mà chúng ta đã biết đến trong những thập niên cuối cùng … Con thuyền nhỏ tư duy của nhiều Kitô hữu đã thường bị đánh bởi những đợt sóng này - trôi giạt từ thái cực này sang thái cực khác: từ Mác Xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp và vân vân. Nhiều giáo phái mới được đẻ ra mỗi ngày và xảy ra điều mà Thánh Phaolô đã nói về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc(x Eph 4:14). Có một đức tin rõ ràng, theo kinh Tin Kính của Giáo Hội, lại bị gán cho nhãn hiệu cuồng tín. Trong khi chủ nghĩa tương đối, nghĩa là để chính mình “bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý” dường như lại là cách thức hành xử duy nhất thức thời. Người ta đang thành lập một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, nó không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất.
Sau bốn vòng bỏ phiếu, khói trắng đã bốc lên từ ống khói của nhà nguyện Sistina.
Tôi báo cho anh chị em một tin mừng trọng đại
Chúng ta có Giáo Hoàng.
Sau vị Đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các vị Hồng Y đã chọn tôi, một người thợ đơn sơ trong vườn nho của Chúa làm người kế vị Thánh Phêrô.
Đức Tân Giáo Hoàng đã chọn tước hiệu của ngài là Bênêđíctô thứ 16. Bênêđíctô đến từ tiếng La Tinh là Benedictus nghĩa là người được chúc phúc và thường được liên hệ với Thánh Biển Đức thành Nursia, đấng sáng lập Dòng Biển Đức và qua đó là đời sống đan tu ở Tây Phương. Nhưng tước hiệu của vị Tân Giáo Hoàng cũng nhắc nhở đến một vị Giáo Hoàng đã cai quản Giáo Hội 90 năm trước đó.
“Tôi nhớ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15 người tha thiết kiến tạo hòa bình đã cai quản Giáo Hội trong thời tao loạn chiến tranh. Theo bước chân ngài, tôi đặt để sứ vụ của mình cho chính nghĩa hòa giải, hòa bình và sự hài hoà giữa các dân tộc”.
Triều Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bắt đầu.
vietcatholic (Theo youtube)