Bản Tin Về Hoạt Động Của Đức Thánh Cha Phanxico 2
Posted by Ban Biên TậpĐức Thánh Cha thành lập nhóm 8 Hồng Y cố vấn cho ngài
VATICAN. ĐTC Phanxicô thành lập một nhóm 8 Hồng y cố vấn cho ngài trong việc cai quản Giáo Hội hoàn vũ và duyệt lại Tông hiến về Giáo triều Roma.
Thông cáo do Phủ Quốc vụ khanh công bố hôm 13-4-2013, cho biết ”ĐTC Phanxicô, - lấy lại đề nghị được đưa ra trong các khóa họp của các Hồng y trước mật nghị bầu Giáo Hoàng,- đã thành lập một nhóm các Hồng y để cố vấn cho ngài trong việc cai quản Giáo Hội hoàn vũ và nghiên cứu một dự án duyệt lại Tông Hiến ”Mục tử nhân lành” (Pastor Bonus) về Giáo triều Roma.
Nhóm này gồm: ĐHY Giuseppe Bertello, Chủ tịch Phủ Thống đốc Quốc gia thành Vatican, ĐHY Francisco Javier Errazurris Ossa, nguyên TGM Santiago de Chile, ĐHY Oswald Gracis, TGM Bombay Ấn Độ, ĐHY Reinhard Marx, TGM giáo phận Munich bên Đức, ĐHY Laurent Monsengwo Pasinaya, TGM Kinshasa, Congo, ĐHY Sean Patrick O'Malley, dòng Capuchino, TGM Boston, Hoa Kỳ, ĐHY Georg Pell, TGM Sydney Australia, ĐHY Oscar Andrès Maradiaga Rodriguez, dòng Don Bosco, TGM Tegucigalpa Honduras, làm điều hợp viên của nhóm. Sau cùng, là Đức Cha Marcella Semeraro, GM giáo phận Albano làm thư ký.
Khóa họp chung đầu tiên của nhóm được ấn định từ ngày 1 đến 3-10 tới đây, nhưng ngay từ bây giờ, ĐTC tiếp xúc với các HY nói trên”.
Trong cuộc họp báo, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết nhóm 8 HY vừa nói chỉ có tính chất tư vấn chứ không có tính chất quyết định. Các cơ quan trung ương Tòa Thánh tiếp tục giúp ĐTC trong việc liên tục cai quản Giáo Hội, ngày qua ngày, qua các thẩm quyền được chỉ định.
Nói khác đi, các cơ quan trung ương Tòa Thánh, với các vị Tổng trưởng và Chủ tịch, vẫn giữ nguyên trách nhiệm của mình, trong khi nhóm 8 HY mới được thiết lập có nhiệm vụ góp ý kiến và cố vấn cho ĐTC trong những gì hữu ích trong việc cai quản Giáo Hội và dự án duyệt lại Tông Hiến Pastor Bonus (Mục Tử nhân lành), ban hành cách đây 25 năm về các cơ quan trung ương Tòa Thánh.
Cha Lombardi cũng nhận xét rằng 8 HY được chọn từ các đại lục khác nhau. Hiện nay, ĐTC đang làm quen và tìm hiểu các cơ quan trung ương Tòa Thánh, với các cộng sự viên, và qua các cuộc tiếp kiến các vị Tổng trưởng và chủ tịch các cơ quan Tòa Thánh. (SD 13-4-2013)
G. Trần Đức Anh OP
ĐTC PHANXICÔ: MỘT THÁNG TRONG CƯƠNG VỊ GIÁO HOÀNG
Thế là đã một tháng trôi qua, sau ngày vị Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo Hội Công giáo cất tiếng chào toàn thể thế giới tại quảng trường thánh Phê-rô. Chỉ với một thời gian ngắn, nhưng cái tên Đức Thánh Cha Phanxicô đã đi vào trái tim của nhiều người. Ngài đã làm rung động trái tim họ với sự đơn sơ, khiêm tốn và nhân hậu. Tất cả tín hữu Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới vui mừng tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban Đức Thánh Cha Phanxicô cho Giáo hội trong thời điểm khó khăn này. Ngay từ lần gặp đầu tiên, ngài để lại dấu ấn trong lòng mọi người khi xin những người hiện diện tại Quảng trường thánh Phê-rô cầu nguyện cho vị Giám Mục Rô-ma của họ, trước khi ban phép lành cho họ.
Một ngày sau khi đắc cử, Đức Thánh Cha đã đến Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả để cầu nguyện. Vị Giám Mục Rô-ma mang theo một bó hoa nhỏ để dâng kính Đức Mẹ. Một cử chỉ đơn sơ nhưng thể hiện lòng sùng kính Đức Mẹ của vị Tân Giáo hoàng. Vào buổi chiều hôm đó, đức Tân Giáo Hoàng đã cử hành thánh lễ đầu tiên tại nhà nguyện Sistina với các Hồng y tham dự Mật nghị. Trong bài giảng của mình, ngài nói về ba động từ: bước đi, xây dựng và tuyên xưng. Ngài khẳng định rằng: trung tâm điểm đời sống của người môn đệ chính là thập giá Đức Kitô. Ngài nhấn mạnh:
Khi chúng ta bước đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá và khi chúng ta tuyên xưng một Đức Ki-tô không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta là những người trần tục, chúng ta là Giám mục, Linh mục, Hồng y, Giáo hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa. (Bài giảng trong thánh lễ với các Hồng y, ngày 14 tháng 3- Bản Dịch của Cha Vương Đình Khởi, ofm)
Trong những ngày sau đó, khi giải thích lý do tại chọn Thánh Phanxicô Át-xi-di làm đấng bảo trợ cho triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã cho thấy tình yêu đặc biệt của mình dành cho người nghèo, những người nghèo khổ nhất.
Và hai chữ “người nghèo” đã nhập cuộc ở đây. Rồi bỗng nhiên sự liên hệ tới người nghèo làm tôi nghĩ tới thánh Phanxicô At-xi-di. Rồi tôi nghĩ tới chiến tranh, …Và Phan-xi-cô là người của hòa bình. Và như thế cái tên Phan-xi-cô đã đi vào lòng tôi: Phan-xi-cô At-xi-di (Gặp gỡ các nhà báo, ngày 16 tháng 03- Bản dịch của Cha Nguyễn Công Đoan, sj).
Đức Thánh Cha Phanxicô trải qua Chúa Nhật đầu tiên như một cha xứ bình thường. Ngài dâng lễ tại một giáo xứ nhỏ trong khuôn viên của Tòa thánh. Sau thánh lễ, ngài đã đứng ở cửa ra vào khoảng 30 phút để chào thăm tất cả mọi người tham dự thánh lễ. Dù thời gian đã khá muộn, nhưng ngài vẫn muốn nán lại để gặp gỡ hết mọi người. Dường như ngài khao khát ôm trọn toàn thể con chiên của mình, đặc biệt là những người nhỏ bé và yếu đuối nhất. Sau đó, đúng 12 giờ trưa, trong buổi đọc Kinh truyền tin đầu tiên, trước hơn 100 ngàn tín hữu, Ngài đã say sưa nói về lòng thương xót Thiên Chúa – một chân lý đức tin tuyệt đẹp đối với đời sống Kitô hữu chúng ta.
Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta, không bao giờ! Và vấn đề của chúng ta là gì? Thưa, vấn đề là chúng ta chán nản, chúng ta không muốn, chúng ta không mong muốn sự tha thứ. Ngài không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ! Thiên Chúa là người cha yêu thương luôn tha thứ. Ngài có một trái tim đầy lòng thương xót dành cho tất cả chúng ta (Angelus, 17 tháng 3).
Hai ngày sau đó, vào ngày lễ kính thánh Giuse, bổn mạng của Giáo Hội Hoàn Vũ, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh Lễ Khai Mạc sứ vụ Phê-rô của mình. Trước thánh lễ, Đức Thánh Cha đi bằng xe jeep mui trần để chào thăm các tín hữu. Thỉnh thoảng ngài dừng lại để chúc mừng các tín hữu và ôm hôn các trẻ em. Rồi khi nhận ra có một người khuyết tật phía trước, ngài đã bước xuống xe, ôm hôn và chúc lành cho anh. Đức Thánh Cha thật gần gũi, ngài như một người cha, muốn ôm hôn con mình với tất cả tình yêu mến. Trong bài giảng, khi nói về sứ mạng của thánh Giuse, ngài liên hệ đến sứ mạng của chính ngài, đó là sứ mạng bảo vệ con người, bảo vệ nhau và bảo vệ toàn thể tạo vật. Và như thế, quyền bính của Giáo Hoàng cũng như toàn thể chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa là để phục vụ.
“Chúng ta đừng bao giờ quên rằng quyền bính đích thực là sự phục vụ, và cả Giáo Hoàng nữa, để thi hành quyền bính, cũng phải ngày càng tiến sâu hơn vào sự phục vụ đó với đỉnh cao sáng chói của nó nơi Thánh Giá”(Bài giảng trong Thánh lễ Khai mạc sứ vụ Phê-rô, ngày 19 tháng 3 - Bản Dịch của Cha Vương Đình Khởi, ofm).
Một trong những công việc phục vụ con người mà ngài phải thực thi đó là trở thành người bắc nhịp cầu, người thăng tiến hòa bình. Thánh Phanxicô At-xi-di là người xây dựng hòa bình, và khi chọn danh hiệu Phanxicô, Đức Thánh Cha đã muốn đi theo con đường của thánh nhân. Đây là điều mà ngài tâm niệm và ao ước thực thi với trọn con tim mình. Trong buổi tiếp kiến với các đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh, ngài đã chia sẻ:
Chính vì thế tôi ước mong rằng cuộc đối thoại giữa chúng ta sẽ giúp xây dựng nhịp cầu nối kết con người, theo cách thức mà mọi người có thể nhận ra nơi người khác không phải là kẻ thù, không phải là một địch thủ, nhưng là một người anh, người chị được chào đón và yêu thương (Gặp gỡ các Đoàn ngoại giao, ngày 22 tháng 3).
Một ngày sau, một sự kiện đã đi vào sử sách: Đức Thánh Cha Phanxicô gặp Đức Biển Đức 16 tại Castel Gandolfo. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội một Giáo hoàng ôm hôn Giáo hoàng danh dự. “Lần đầu hai Giáo Hoàng chung một bàn quỳ trước mặt Chúa Giêsu Thánh Thể trong Nhà Tạm, lần đầu hai Giáo Hoàng ngồi nói chuyện với nhau, lần đầu hai Giáo Hoàng ngồi ăn với nhau”. Cuộc gặp gỡ này trở nên đặc biệt hơn khi nó diễn ra vào thứ bảy trước khi bước vào tuần thánh. Hôm sau, vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá, với sự hiện diện đông đảo các tín hữu, đặc biệt là các bạn trẻ, Đức Thánh Cha đã lên tiếng khích lệ họ:
Chúng ta đừng để bị cướp đi niềm hy vọng! Chúng ta đừng để bị tước mất niềm hy vọng! Niềm hy vọng chính Chúa Giêsu ban cho chúng ta! (Chúa Nhật Lễ lá, 24 tháng 03).
Vào ngày thứ 5 Tuần thánh, tại một nhà nguyện nhỏ và đơn sơ trong nhà tù, Đức Thánh Cha đã tự mình làm những cử chỉ mà Đức Giê-su đã thực hiện hơn 2000 năm trước. Ngài đã cúi xuống để rửa chân cho 12 thiếu niên, trong đó có hai thiếu nữ và hai người Hồi giáo. Sau khi rửa chân, ngài lau sạch và hôn chân của các em, ngài đã thực hiện một cách hữu hình và sống động điều ngài đã từng nói: “người làm lớn nhất, phải là người phục vụ”. Vào buổi sáng hôm đó, Đức Thánh Cha đã dâng thánh Lễ Dầu với hàng giáo sĩ trong giáo phận của ngài. Trong bài giảng, ngài mời gọi mọi người hãy ra khỏi mình để đi vào các biên cương, nơi con người phải chịu đau khổ nhất. Một người mục tử tốt lành phải là người biết và hiện diện với con chiên của mình.
Đây là điều tôi xin anh em: anh em hãy làm những mục tử với “hương thơm của đoàn chiên”, hương thơm này phải được người ta cảm nhận (Bài giảng trong Thánh lễ Dầu, ngày 28 tháng 03).
Và một người mục tử cần biết rằng “Thập giá của Đức Ki-tô là Lời của Thiên Chúa, nơi đó Thiên Chúa đã chiến thắng sự dữ của thế gian”. Đó là lời Đức Thánh Cha đã nói tại buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại Hí trường Colosseo vào ngày thứ sáu Tuần thánh. Đó chính là nguồn mạch hy vọng của mọi người Kitô hữu, vì nhờ tình yêu, Đức Giê-su đã chiến thắng sự chết. Và trong niềm vui Phục sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố cho toàn thể thế giới rằng: Đức Giê-su đã sống lại. Và ngài nhắn nhủ với mọi tín hữu rằng, hãy để Đức Giê-su phục sinh biến đổi đời sống mình.
Chúng ta hãy đón nhận ân sủng của Đức Giê-su phục sinh! Hãy để cho lòng từ bi của Thiên Chúa đổi mới chúng ta, hãy để cho Đức Giê-su yêu thương chúng ta, hãy để cho đời sống chúng ta được biến đổi nhờ vào quyền năng của tình yêu Thiên Chúa. Và chúng ta hãy trở thành khí cụ của lòng từ bi ấy, trở thành những máng thông chuyển qua đó Thiên Chúa tưới gội trái đất, bảo vệ toàn thể công trình sáng tạo và làm cho công chính và hòa bình được nở hoa (Sứ Điệp Phục Sinh, ngày 31 tháng 03).
Trong niềm vui phục sinh, Ngài mời gọi mọi tín hữu hãy đi truyền giảng Tin Mừng, đó là sứ mạng của mọi người. Trong buổi Yết kiến chung ngày 3 tháng 4, ngài nhắn nhủ cách riêng với các người nữ rằng:
Điều này thật đẹp, và điều này nói lên sứ mạng của những người nữ, các bà mẹ. Hãy nêu chứng tá cho con cháu của mình rằng Chúa Giê-su đang sống, Ngài hằng sống, Ngài đã chỗi dậy. Các bà mẹ và các chị phụ nữ, hãy tấn tới với chứng tá ấy! (Yết kiến Chung, ngày 03 tháng 04).
Cuối cùng, vào ngày hôm qua, 12 tháng 4, sau một tháng trên cương vị Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ và cảm ơn Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh và toàn thể nhân viên làm việc trong Phủ Quốc Vụ Khanh, với những lời lẽ đơn sơ diễn tả tâm tình biết ơn của ngài như sau:
Tôi biết rằng trong những ngày này – ngày mai là tròn một tháng – anh chị em đã phải làm việc cật lực hơn, và cũng làm thêm nhiều giờ hơn. Và anh chị em không được trả thêm cho những giờ “tăng ca” này, vì anh chị em đã làm việc bằng cả tấm lòng mình và điều ấy chỉ có thể được trả bằng lời “cảm ơn”, một lời “cảm ơn” đến từ sâu thẳm con tim, đúng không? Vì thế hôm nay tôi muốn đến đây để chào thăm và cảm ơn từng người một vì tất cả công việc mà anh chị em đã làm.
Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội Công Giáo Đức Thánh Cha Phanxicô. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, xin Chúa đồng hành và chúc lành cho ngài và cho sứ mạng của ngài trọng nhiệm vụ dẫn dắt Giáo hội là Hiền thê của Đức Giê-su. Lạy Mẹ Maria là Mẹ của Giáo Hội, xin Mẹ luôn gìn giữ và nâng đỡ Đức Thánh Cha.
Nguyễn Minh Triệu sj
Sử dụng công nghệ mới để loan báo Tin Mừng
WHĐ (13.04.2013) – Tại Santiago, Chile, hiện đang diễn ra Hội thảo Quốc tế lần thứ hai về Truyền thông trong Giáo hội. Đức Tổng giám mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Truyền thông Xã hội, đã khuyến khích người Công giáo mạnh dạn sử dụng các công nghệ mới trong công cuộc Phúc âm hóa. Đức TGM Celli dùng các thống kê và biểu đồ để cho thấy việc sử dụng các mạng xã hội nơi các thế hệ tiến triển ra sao; ngài nhấn mạnh đến tác động mạnh mẽ của các mạng xã hội đến những người trẻ.
Trong bài phát biểu với chủ đề “Truyền thông và Công đồng Vatican II: Liệu một Công đồng từ 50 năm trước có còn hợp thời không?”, Đức TGM Celli nhắc lại rằng các triều đại giáo hoàng gần đây đã nêu bật những thách đố phát sinh từ các công nghệ mới.
Ngài nói: “Các công nghệ mới là một phần của chính sứ vụ của Giáo hội. Các Đức giáo hoàng gần đây giúp chúng ta hiểu rằng ơn gọi truyền thông xã hội trong Giáo hội có nghĩa là trình bày sự thật về con người”.
Đức TGM Celli lưu ý rằng Chân phước Gioan Phaolô II đã coi việc sử dụng các công nghệ mới trong việc Phúc âm hóa là rất quan trọng, đặc biệt là qua Tông thư “Sự phát triển nhanh chóng” (24-01-2005).
Ngoài ra, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng nhấn mạnh rằng Phúc âm hóa cần đến chứng từ của các Kitô hữu đích thực. Ngài nói: “Chúng ta không thể hình dung được việc rao giảng bằng các công nghệ hiện đại nhất, lại không kèm theo một chứng từ sâu sắc mang tính cá nhân của đức tin vào Chúa chúng ta”.
“Đó là lý do tại sao con người ngày nay thích nghe những ai chia sẻ chứng từ hơn là nghe các thầy dạy. Và nếu họ lắng nghe các thầy dạy, đó là vì các vị này cũng chia sẻ chứng từ của họ”.
Minh Hòa
Kinh Thánh, đức Tin và lịch sử cứu độ
WHĐ (13.04.2013) – Sáng 12-04, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến phái đoàn Ủy ban Thánh Kinh do Đức Tổng giám mục Gerhard Ludwig Müller, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức Tin, dẫn đầu, sau khi Ủy ban này kết thúc hội nghị toàn thể bàn về mối tương quan giữa sự thật và linh hứng trong Thánh Kinh.
Trước hết, Đức Thánh Cha nêu rõ đề tài này không những cá nhân người tín hữu mà còn được cả Giáo hội quan tâm, bởi đời sống và sứ vụ của Hội Thánh đều được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa. Lời Chúa là linh hồn của thần học và là nguồn cảm hứng cho cuộc sống người Kitô hữu. Kinh Thánh là chứng từ Lời Chúa được viết ra, là ký ức mang tính quy điển chứng thực về Mặc khải. Có trước và vượt trên sách Thánh, Lời Chúa vốn là trái tim của đức Tin không hề bị giản lược vào một quyển sách. Lời Chúa là lịch sử cứu độ và cũng là con người của Đức Kitô, Lời của Thiên Chúa nhập thể. Khi viễn tượng của Lời Chúa ôm trọn và vượt trên Kinh Thánh, thì không thể không có sự hiện diện thường hằng của Thần Khí, Đấng dẫn dắt toàn bộ sự thật. Vậy, chúng ta phải đặt mình trong truyền thống cao cả –truyền thống được Chúa Thánh Thần linh hứng và Huấn quyền hướng dẫn– đã nhìn nhận trong những bản văn quy điển điều Thiên Chúa nói với một dân tộc vốn không ngừng khám phá và suy gẫm sự phong phú của những điều Chúa nói.
Tiếp theo, Đức Thánh Cha nhắc đến công đồng Vatican II “đã khẳng định lại một cách rõ ràng trong Hiến chế tín lý Dei Verbum, việc giải thích Kinh Thánh phụ thuộc vào quyền thẩm định cuối cùng của Giáo hội vốn tuân giữ lệnh truyền của Chúa và đảm trách sứ vụ giữ gìn và giải thích Lời Chúa… Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa đã được quy chuẩn dưới sự linh hứng của Thần Khí, trong khi đó truyền thống chuyển giao một cách toàn vẹn Lời đã được Đức Kitô và Thần Khí trao phó cho các tông đồ và những người kế vị các ngài, để khi đã được soi sáng, những người kế vị này giải thích và truyền bá Lời Chúa… Việc giải thích Kinh Thánh không hề là một nỗ lực mang tính khoa học của cá nhân, nhưng phải luôn được đối chiếu và đưa vào truyền thống sống động của Hội Thánh, bằng cách làm rõ mối tương quan đúng đắn giữa khoa chú giải và huấn quyền. Những bản văn được Thiên Chúa linh hứng đã được trao phó cho cộng đoàn các tín hữu, là Giáo Hội của Chúa Kitô, để nuôi dưỡng đức Tin và cuộc sống bác ái”.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô chúc mừng các thành viên trong Ủy ban Thánh Kinh về công việc các vị đã thực hiện, ủy thác cho các vị, trong Năm Đức Tin này, làm cho Kinh Thánh đựơc chiếu tỏa trong tâm hồn các tín hữu.
(Theo VIS, 12-04-2013)
Thành Thi chuyển ngữ
BBT gxthohoang.net tổng hợp