Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 16 Tháng 4 2013 05:46

Bản Tin Về Hoạt Động Của Đức Thánh Cha Phanxico ( Ngày 16/04/2013)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Bản tin về hoạt động của Đức Thánh Cha Phanxico ( ngày 16/04/2012)

Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự thánh lễ đầu tiên tại Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành.

ROMA. Chiều chúa nhật 14-4-2013, ĐTC Phanxicô đã đến viếng mộ Thánh Phaolô Tông Đồ và cử hành thánh lễ đầu tiên trong Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành.

Hiện diện trong thánh lễ lúc 5 giờ rưỡi, có hàng ngàn tín hữu ngồi chật thánh đường, đặc biệt là các Đan sĩ dòng Biển Đức, đông đảo các sinh viên thuộc đại học Roma 3, cũng với nhiều chức sắc và tín hữu, trong đó có 12 Hồng y và một số Giám Mục.

Đồng tế với ĐTC có ĐHY James Harvey, người Mỹ, Giám quản Đền thờ này, và hai vị nguyên giám quản là ĐHY Andrea Cordero Lanza di Montezemolo, ĐHY Francesco Monterisi, cùng với Cha Edmund Power, Viện Phụ Đan viện Biển Đức cạnh Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành. Khi đoàn rước tiến đến bàn thờ chính, ĐTC đã xuống mộ của Thánh Tông Đồ dân ngoại, xông hương tôn kính và cúi mình thật lâu để cầu nguyện trước mộ thánh nhân.
Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã nêu bật 3 ý tưởng dựa theo các bài đọc của Phụng vụ: loan báo, làm chứng và thờ lạy Chúa. Ngài nói:

Anh chị em thân mến

Thật là một niềm vui cho tôi được cử hành Thánh Lễ với anh chị em trong Vương cung thánh đường này. Tôi mến chào ĐHY Giám quản Đền thờ, James Harvey, và cám ơn ĐHY vì những lời đã bày tỏ với tôi; cùng với ĐHY, tôi chào thăm các tổ chức khác nhau của Đền thờ này và tất cả các anh chị em. Chúng ta ở tại mộ của thánh Phaolô, một tông đồ vừa khiêm hạ vừa vĩ đại của Chúa, thánh nhân đã rao giảng Chúa bằng lời nói, đã làm chứng cho Chúa bằng cuộc tử đạo và đã thờ lạy Chúa với trọn tâm hồn. Tôi muốn suy tư về 3 động từ này dưới ánh sáng Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe: loan báo, làm chứng và thờ lạy.

1. Trong bài đọc thứ I, ta thấy nổi bật sức mạnh của thánh Phêrô và các Tông Đồ khác. Trước lệnh truyền phải im lặng, không được giảng dạy nhân danh Đức Giêsu nữa, không được loan báo Sứ điệp của Chúa nữa, các Tông Đồ trả lời minh bạch rằng ”Cần phải vâng lời Thiên Chúa, thay vì vâng lời loài người”. Dù bị đánh đòn, các vị vẫn không ngừng rao giảng, dù bị lăng mạ và cầm tù cũng thế. Phêrô và các Tông Đồ can đảm loan báo trong tất cả sự thật điều mà các vị đã nhận lãnh, đó là Tin Mừng của Chúa Giêsu. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có khả năng đưa Lời Chúa tới các môi trường cuộc sống của chúng ta hay không? Chúng ta có biết nói về Chúa Kitô, về vị thế của Chúa đối với chúng ta trong gia đình, với những người thuộc về cuộc sống của chúng ta hay không? Đức tin nảy sinh từ sự lắng nghe, và được củng cố trong việc rao giảng.

2. Nhưng chúng ta hãy tiến thêm một bước: việc loan báo của thánh Phêrô và các Tông Đồ không phải chỉ bằng lời nói, nhưng sự trung thành với Chúa Kitô còn liên hệ tới trọn cuộc sống của các vị, một cuộc sống được biến đổi, được một hướng đi mới, và chính bằng cuộc sống mà các vị làm chứng về đức tin và loan báo Chúa Kitô. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu 3 lần yêu cầu thánh Phêrô chăn dắt đoàn chiên của Ngài, và chăn chiên với lòng yêu mến, và Chúa báo cho Phêrô biết trước: ”Khi con già nua, con sẽ giang tay ra, và người khác sẽ mặc áo cho con và đưa con đến nơi con không muốn” (Ga 21,18). Đó là một lời được gởi đến tất cả chúng ta là những mục tử: ta không thể chăn dắt đoàn chiên Chúa nếu không chấp nhận để thánh ý Chúa dẫn đưa tới nơi mà chúng ta không muốn, nếu ta không sẵn sàng làm chứng cho Chúa Kitô bằng sự hiến chính bản thân chúng ta, không do dự, không so đo, nhiều khi phải trả bằng chính mạng sống chúng ta. Nhưng điều này cũng giá trị đối với tất cả mọi người: Tin Mừng cần được rao giảng và làm chứng. Mỗi người phải tự hỏi: làm thế nào tôi làm chứng về Chúa Kitô bằng đức tin của tôi? Tôi có lòng can cảm của thánh Phêrô và các Tông đồ khác để suy nghĩ, chọn lựa và sống như Kitô hữu, vâng phục Thiên Chúa hay không? Chắc chắn là việc làm chứng tá đức tin có bao nhiêu hình thức khác nhau, như trong một bức bích họa to lớn, có nhiều mầu sắc và sắc thái khác nhau; nhưng tất cả những điều ấy đều quan trọng, cả những điều không trổi lên. Trong kế hoạch bao la của Thiên Chúa, mỗi chi tiết đều quan trọng, cả chứng tá bé nhỏ, khiêm hạ của bạn, của tôi, cả những chứng tá âm thầm của người sống đức tin đơn sơ của mình trong những quan hệ thường nhật của gia đình, nơi làm việc, với bạn bè, đều là điều quan trọng. Có những vị thánh hằng ngày, những vị thánh 'âm thầm', một thứ ”giai cấp trung của sự thánh thiện” mà tất cả chúng ta có thể là thành phần. Nhưng tại nhiều nơi trên thế giới, cũng có những người đang chịu đau khổ như thánh Phêrô và các Tông đồ, vì Tin Mừng; có những người hiến mạng sống để trung thành với Chúa Kitô bằng chứng tá được đánh dấu bằng giá máu. Tất cả chúng ta hãy nhớ điều này: ta không thể loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô mà không làm chứng tá cụ thể bằng cuộc sống. Ai nghe và nhìn chúng ta phải có thể đọc được trong những hoạt động của chúng ta điều mà họ nghe từ miệng chúng ta và chúc tụng vinh danh Thiên Chúa! Thái độ bất nhất của các tín hữu và các mục tử giữa điều họ nói và điều họ làm, giữa lời nói và lối sống làm thương tổn uy tín của Giáo Hội.

3. Nhưng tất cả những điều đó chỉ có thể nếu chúng ta nhìn nhận Chúa Giêsu Kitô, vì chính Ngài đã kêu gọi chúng ta, đã mời gọi chúng ta tiến theo con đường của Ngài, đã chọn chúng ta. Loan báo và làm chứng là điều chỉ có thể nếu chúng ta gần gũi Chúa, như thánh Phêrô, Gioan và các tông đồ khác trong đoạn Phúc âm ngày hôm nay, quanh Chúa Giêsu Phục Sinh; có một sự gần gũi hằng ngày với Chúa, và các vị biết rõ Ngài là ai, họ biết Ngài. Thánh Sử Phúc Âm nhấn mạnh rằng ”không ai dám hỏi Ngài ”Thầy là ai?”, vì họ biết rõ Ngài là Chúa” (Ga 21,12). Đó là điểm quan trọng đối với chúng ta; sống một quan hệ khẩn trương với Chúa Giêsu: một cuộc sống thân mật trong đối thoại đến độ có thể nhìn nhận Ngài là ”Chúa”, thờ lạy Ngài. Đoạn sách Khải Huyền mà chúng ta đã nghe nói về sự thờ lạy: vô số các thiên thần, toàn thể các thụ tạo, các sinh vật, các kỳ lão, phủ phục thờ lạy trước Ngai Thiên Chúa và Chiên Con bị sát tế, là Đức Kitô, lời chúc tụng, vinh dự và vinh quang dành cho Người (Xc Kh 5,11-14). Tôi muốn tất cả chúng ta tự hỏi: Bạn, tôi, chúng ta có thờ lạy Chúa hay không? Chúng ta đến cùng Chúa phải chăng chỉ để cầu xin, cám tạ hay chúng ta cũng đến nơi Chúa để thờ lạy Ngài? Thờ lạy Chúa như vậy có nghĩa là gì? Có nghĩa là ở với Chúa, dừng lại đối thoại với Chúa, cảm thấy rằng sự hiện diện của Chúa là chân thực nhất, tốt lành nhất, quan trọng hơn tất cả mọi sự. Mỗi người chúng ta, trong cuộc sống của mình, một cách ý thức, và có lẽ nhiều khi không ý thức, có một thứ tự chính xác nơi những điều được coi là hơn kém quan trọng. Thờ lạy Chúa có nghĩa là dành cho Chúa chỗ thuộc về Ngài; thờ lạy Chúa có nghĩa là khẳng định, tin, nhưng không phải chỉ bằng lời nói, rằng chỉ có Chúa thực sự hướng dẫn cuộc sống chúng ta; thờ lạy Chúa có nghĩa là chúng ta xác tín trước Chúa rằng chỉ mình Ngài là Thiên Chúa, Chúa Tể đời sống và lịch sử của chúng ta.

Điều này có một hệ luận trong cuộc sống chúng ta: cởi bỏ bao nhiêu thần tượng lớn nhỏ mà chúng ta có và nương náu trong đó, chúng ta tìm kiếm trong đó và nhiều lần chúng ta đặt niềm tín thác nơi chúng. Đó là những thần tượng mà nhiều khi chúng ta giấu kín: đó có thể là tham vọng, ham muốn thành công, sự nghiệp, đặt mình ở trung tâm, xu hướng muốn trổi vượt hơn người khác, tự nhận mình là chủ tể độc nhật của đời mình, đó là vài thứ tội mà chúng ta gắn bó, và nhiều tội khác nữa. Chiều tối hôm nay tôi muốn một câu hỏi được vang dội trong tâm hồn mỗi người chúng ta và chúng ta hãy thành thật trả lời: tôi có nghĩ đến thần tượng nào ẩn náu trong cuộc sống của tôi hay không, thứ thần tượng cản trở tôi thờ lạy Chúa? Thờ lạy là cởi bỏ những thần tượng của chúng ta, cả những thần tượng thầm kín nhất, và chọn Chúa làm trung tâm, như con đường chủ yếu của đời ta.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh chị em thân mến, Chúa kêu gọi chúng ta mỗi ngày hay can đảm theo Ngài trong niềm trung thành; Chúa ban cho chúng ta hồng ân lớn lao, Ngài chọn chúng ta như những môn đệ của Ngài; Ngài sai chúng ta đi loan báo Ngài trong niềm vui tươi như Đấng Phục Sinh, nhưng Chúa yêu cầu chúng ta thi hành điều đó bằng lời nói, và bằng cuộc sống chứng tá thường nhật. Chúa là Thiên Chúa duy nhất của đời ta và Ngài mời gọi chúng ta hãy cởi bỏ bao nhiêu thần tượng và thờ lạy một mình Chúa. Xin Đức Trinh Nữ Maria và thánh Phaolô Tông Đồ giúp chúng ta trong hành trình này và chuyển cầu cho chúng ta”.

G. Trần Đức Anh OP

1 0_68282280 ngàn tín hữu tham dự buổi đọc kinh với Đức Thánh Cha

VATICAN. 80 ngàn tín hữu hành hương đã tham dự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng với ĐTC Phanxicô trưa chúa nhật 14-4-2013 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Đây là lần thứ 7 ngài xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của các ĐGH trong dinh Tông Tòa để chủ sự buổi đọc kinh với các tín hữu hành hương. Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC đã quảng diễn bài đọc sách Tông Đồ công vụ về tấm gương can đảm của các Tông Đồ vui mừng chịu đau khổ vì rao giảng Chúa Kitô và ngài mời gọi các tín hữu đặc biệt cầu nguyện cho các Kitô hữu đang bị bách hại tại nhiều nơi trên thế giới. ĐTC nói:

”Anh chị em thân mến, mến chào anh chị em!

Tôi muốn dừng lại một chút về trang sách Tông Đồ Công Vụ chúng ta đọc trong Phụng Vụ chúa nhật thứ ba Phục Sinh này. Đoạn văn nói về bài giảng đầu tiên của các Tông Đồ ở Jerusalem, làm cho thành này tràn đầy tin Chúa Giêsu đã sống lại thật, theo Kinh Thánh, và Ngài là Đấng Messia đã được các tiên tri báo trước. Các thượng tế và thủ lãnh dân thành tìm cách chặn đứng từ trong trứng nước cộng đoàn các tín hữu Kitô và bỏ tù các Tông Đồ, truyền cho các vị không được giảng dạy nhân danh Người nữa. Nhưng thánh Phêrô và 11 Tông Đồ trả lời: ”Cần phải vâng lời Thiên Chúa thay vì vâng lời người phàm. Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Đức Giêsu sống lại.. Chúa đã nâng Người lên ngự bên hữu Ngài như thủ lãnh và là Đấng Cứu Thế.. Chúng tôi và Thánh Linh là chứng nhân về những sự kiện ấy” (Cv 5,29-32). Bấy giờ họ ra lệnh đánh đòn các Tông Đồ và tái ra lệnh cho các vị không được nói về danh Chúa Giêsu nữa. Và các ông ra đi, ”vui mừng vì được coi là xứng đáng chịu xỉ nhục vì danh Chúa Giêsu” (c.41)

”Từ đâu các môn đệ đầu tiên tìm được sức mạnh để làm chứng như vậy? Không những thế: từ đâu các vị tìm được niềm vui và can đảm để loan báo, mặc dù có những chướng ngại và bạo lực? Chúng ta đừng quên rằng các Tông Đồ là những người đơn sơ, không phải là các kinh sư hoặc các nhà thông luật, cũng chẳng thuộc giai cấp tư tế. Làm sao họ có thể làm đầy thành Jerusalem bằng những giáo huấn như thế, mặc dù có những giới hạn và bị nhà cầm quyền chống đối? (Xc Cv 5,28). Hiển nhiên là chỉ có sự hiện diện của Thánh Linh mới có thể giải thích được sự kiện ấy. Niềm tin của các vị dựa trên một kinh nghiệm bản thân rất mạnh mẽ về Chúa Kitô, Đấng đã chịu chết và sống lại, khiến các vị không sợ hãi điều gì và sợ ai, và thậm chí các vị coi những bách hại như một điều vinh dự, để theo vết Chúa Giêsu và trở nên giống Ngài qua việc làm chứng tá bằng chính cuộc sống.

”Lịch sử về cộng đồng Kitô đầu tiên nói với chúng ta một điều rất quan trọng, có giá trị cho Giáo Hội trong mọi thời đại, và cho cả chúng ta: đó là khi một ngừơi thực sự biết Chúa Giêsu Kitô và tin nơi Chúa, cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống và sức mạnh sự phục sinh của Chúa, thì không thể không thông truyền kinh nghiệm ấy. Và nếu họ gặp phải những thái độ thiếu cảm thông hay chống đối, thì họ cư xử như Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn: lấy tình thương và sức mạnh của chân lý để đáp lại.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Chúng ta cùng nhau cầu khẩn Nữ Vương Thiên Đàng, xin Mẹ Maria chí thánh phù trợ để Giáo Hội ở các nơi trên thế giới thẳng thắn và can đảm loan báo sự sống lại của Chúa và làm chứng tá hữu hiệu bằng những dấu chỉ tình yêu thương huynh đệ. Chúng ta đặc biệt cầu cho các tín hữu Kitô đang bị bách hại ở rất nhiều nước trên thế giới: xin cho họ cảm thấy sự hiện diện sinh động và an ủi của Chúa Phục Sinh.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC nói thêm rằng:
”Hôm qua, tại thành Venezia, đã có lễ phong chân phước cho Cha Luca Passi, LM miền Bergamo hồi thế kỷ 19, sáng lập Hội thiện giáo dân thánh nữ Dorotea, và Dòng các nữ tu giáo viên Thánh Dorotea. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì vị Linh mục tốt lành này.

”Hôm nay tại Italia là Ngày Đại Học Công giáo Thánh Tâm với chủ đề là ”Các thế hệ trẻ vượt qua khủng hoảng”. Đại học này, nảy sinh từ tâm trí của Cha Agostino Gemelli, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của dân chúng, đã đào tạo hàng ngàn ngàn người trẻ trở thành những công dân có khả năng và trách nhiệm, những người xây dựng công ích. Tôi mời gọi luôn luôn hỗ trợ Đại học này, để tiếp tục cống hiến cho các thế hệ trẻ một nền huấn luyện tốt đẹp nhất, hầu đương đầu với những thách đố hiện nay.

”Tôi thân ái chào thăm tất cả các tín hữu hành hương hiện diện nơi đây, đến từ bao nhiêu nước! Các gia đình, các nhóm giáo xứ, các phong trào, và người trẻ. Đặc biệt tôi chào đoàn hành hương của Giáo phận Siena-Colle Val d'Elsa-Montalchino, với Đức TGM Buoncristiani. Tôi cũng đặc biệt nghĩ đến các bạn trẻ nam nữ đang chuẩn bị lãnh nhận bí tích thêm sức. Tôi cầu chúc tất cả anh chị em chúa nhật tốt đẹp và dùng bữa trưa ngon.
Chiều hôm qua vào lúc 5 giờ chiều, ĐTC đã đến Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, để dâng thánh lễ và nhận thánh đường này.

G. Trần Đức Anh OP

GMVNGHCGTG Thumb_755056350Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Nhóm Hồng y tư vấn
WHĐ (13.04.2013) – Hôm nay, 13-04-2013, Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã công bố một thông cáo nội dung như sau:
“Đức Thánh Cha Phanxicô đã lấy lại một đề nghị ​​được đưa ra trong các phiên họp chung của Hồng y đoàn trước Mật tuyển viện, và thành lập một Nhóm các hồng y để tư vấn cho ngài trong việc cai quản Giáo hội hoàn vũ và nghiên cứu một đề án nhằm duyệt lại Tông hiến Pastor Bonus (Mục tử nhân lành) về Giáo triều Roma.
Nhóm này gồm có:

– Đức hồng y Giuseppe Bertello, Chủ tịch Phủ Thống đốc Thành quốc Vatican;
– Đức hồng y Francisco Javier Errázuriz Ossa, nguyên Tổng giám mục Santiago de Chile, Chile;
– Đức hồng y Oswald Gracias, Tổng giám mục Bombay, Ấn Độ;
– Đức hồng y Reinhard Marx, Tổng giám mục München và Freising, Đức;
– Đức hồng y Laurent Monsengwo Pasinya, Tổng giám mục Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo;
– Đức hồng y Sean Patrick O’Malley O.F.M. Cap, Tổng giám mục Boston, Hoa Kỳ;
– Đức hồng y George Pell, Tổng giám mục Sydney, Úc;
– Đức hồng y Oscar Andres Rodriguez Maradiaga, S.D.B., Tổng giám mục Tegucigalpa, Honduras: điều phối viên của Nhóm;
– và Đức giám mục Marcello Semeraro, giám mục giáo phận Albano, Italia: thư ký của Nhóm”.

Cuộc họp đầu tiên của Nhóm dự kiến diễn ra từ ngày 01 đến 03 tháng Mười 2013. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha hiện đang tiếp xúc với các vị hồng y nói trên.

Trong cuộc họp báo cùng ngày, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa thánh, cha Federico Lombardi, nói rằng thông cáo này được công bố đúng một tháng sau ngày Đức Thánh Cha Phanxicô đắc cử giáo hoàng và cho thấy rằng Đức Thánh Cha luôn “chăm chú lắng nghe” những đề nghị của Hồng y đoàn, là những cộng sự viên thân tín nhất của ngài.

Cha cũng cho biết Nhóm hồng y này –thuộc các đại lục khác nhau– sẽ không có quyền quyết định và chức năng chính là “giúp đỡ” và “tư vấn” cho Đức Thánh Cha. Cha Lombardi nói thêm Nhóm này sẽ không can thiệp vào các công việc thông thường của Giáo triều bằng bất kỳ cách nào. Giáo triều Roma vẫn đảm nhiệm việc trợ giúp Đức giáo hoàng trong trách vụ cai quản Giáo hội hằng ngày.

(Tổng hợp từ VIS và Vatican Radio)

Huy Hoàng


Ban biên tập gxthohoang.net tổng hợp

Read 1304 times Last modified on Thứ tư, 17 Tháng 4 2013 20:09