Chúa Kitô phục sinh luôn hướng dẫn nâng đỡ và bầu cử cho chúng ta
Chúng ta không bao giờ cô đơn vì Chúa Kitô tử nạn và phục sinh luôn ở với chúng ta. Người luôn hướng dẫn, nâng đỡ và bầu cử cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh cuộc sống và giúp chúng ta đem quyền bính tình yêu của Người đến cho thế giới.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 80.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư 17-4-2013 tại quảng trường thánh Phêrô. Bên cạnh hàng trăm đoàn hành hương đến từ Bắc Mỹ và Âu châu, đặc biệt là từ nhiều giáo phận Italia có các Giám Mục Anh quốc và vùng Galles. Cũng có các nhóm hành hương Á châu đến từ Ấn Độ, Singapore, Sri Lanka và Philippines. Trong khi từ châu Mỹ Latinh có các đoàn hành hương Argentina, Panama, Venezuela và Mêhicô. Đến từ xa nhất là đoàn hành hương Australia.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý lấy từ Kinh Tin Kính: Chúa Giêsu ”đã lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa Cha”. Dùng trình thuật của thánh sử Luca Đức Thánh Cha nói: Cuộc sống dương thế của Đức Giêsu đạt tột đỉnh với biến cố Lên Trời, nghĩa là khi Người từ trần gian này về với Thiên Chúa Cha và được nâng lên bên hữu Người. Phúc Âm thánh Luca kể như sau: ”Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên Trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem” (Lc 9,51). Đức Thánh Cha giải thích:
Khi Người ”lên” Thành Thánh, nơi sẽ thành toàn cuộc ”xuất hành” của Người khỏi đời này, Chúa Giêsu đã trông thấy đích điểm là Trời, nhưng Người biết rõ là con đường đem Người trở về với vinh quang của Thiên Chúa Cha, đi qua Thập Giá, đi qua sự vâng phục chương trình tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Giáo Lý Giáo hội Công Giáo khẳng định rằng ”việc nâng cao lên trên thập giá có nghĩa và loan báo việc nâng cao của việc lên trời” (s. 661). Cả chúng ta nữa cũng phải biết rõ rằng trong cuộc sống kitô của mình việc bước vào trong vinh quang của Thiên Chúa đòi hỏi hy sinh, đôi khi đòi hỏi thay đổi các chương trình của chúng ta. Việc lên trời của Chúa Giêsu xảy ra một cách cụ thể trên Núi Cây Dầu, gần nơi Chúa đã rút lui vào để cầu nguyện trước cuộc khổ nạn, để sống trong sự kết hiệp xâu xa với Thiên Chúa Cha: một lần nữa chúng ta thấy rằng lời cầu nguyện ban cho chúng ta ơn thánh giúp sống trung thành với chương trình của Thiên Chúa.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Vào cuối Phúc Âm thánh sử Luca kể lại biến cố Lên Trời một cách rất ngắn gọn. Chúa Giêsu dẫn các môn đệ ra ngoài về phía Bêtania và Người giơ tay chúc lành cho các ông. Trong khi chúc lành cho họ, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên Trời. Bấy giờ các ông bái lậy Người, rồi trở lại Giêrusalem lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24,50-53). Đức Thánh Cha ghi nhận hai yếu tố của trình thuật và nói:
Trước hết, trong khi lên Trời Chúa Giêsu thành toàn cử chỉ chúc lành của linh mục và chắc chắn các môn đệ diễn tả đức tin của mình với cử chỉ phủ phục, qùy gối và cúi đầu. Đây là một điểm quan trọng đầu tiên: Chúa Giêsu là Linh Mục duy nhất và đời đời với cuộc khổ nạn của mình đã đi qua cái chết và mồ chôn, đã phục sinh và lên Trời; Người ở bên Thiên Chúa Cha, nơi Người luôn mãi cầu bầu cho chúng ta (x. Dt 9,24). Như thánh Gioan khẳng định trong thư thứ I: Người là trạng sư của chúng ta. Thật là đẹp biết bao khi nghe điều này! Khi một người bị thẩm phán mời hay phải ra tòa, điều đầu tiân phải làm là tìm một trạng sư để bênh vực mình. Chúng ta có một trạng sư luôn luôn bênh vực chúng ta, Người bênh vực chúng ta khỏi các sách nhiễu của qủy dữ, Người bênh vực chúng ta khỏi chính chúng ta, khỏi các tội lỗi của chúng ta. Anh chị em rất thân mến, chúng ta có trạng sự đó: chúng ta đừng sợ hãi đến với Người và xin lỗi, xin phước lành, xin lòng thương xót! Người luôn luôn tha thứ cho chúng ta. Người là trạng sư của chúng ta: Người luôn luôn bênh vực chúng ta. Chúng ta đừng quên điều đó.
Như thế việc Chúa Giêsu lên Trời làm cho chúng ta biết thực tại trao ban an ủi đối với con đường đời ta: trong Chúa Kitô, là Thiên Chúa thật và là người thật, nhân loại đã được đem lên gần Thiên Chúa; Người đã mở lối cho chúng ta; Người giống như người dẫn đầu toán leo núi, đã lên tới đỉnh và kéo chúng ta lên, bằng cách dẫn đưa chúng ta tới với Thiên Chúa. Nếu chúng ta tín thác cuộc sống chúng ta cho Người, nếu chúng ta để cho Người hướng dẫn chúng ta thì đúng thật là chúng ta ở trong các bàn tay chắc chắn.
Có một yếu tố thứ hai: thánh sử Luca kể rằng các Tông Đồ, sau khi đã nhìn thấy Chúa Giêsu lên Trời, họ trở lại Giêrusalem ”với niềm vui lớn”. Điều này xem ra hơi lạ. Nói chung, khi chúng ta chia tay các người thân trong gia đình hay bạn hữu, để ra đi vĩnh viễn và nhất là vì cái chết, có sự buồn sầu tự nhiên, bởi vì chúng ta sẽ không trông thấy mặt họ nữa, chúng ta sẽ không lắng nghe được tiếng của họ nữa, chúng ta sẽ không còn có thể hưởng nếm sự trìu mến và sự hiện diện của họ nữa. Trái lại thánh sử nêu bật niềm vui sâu xa của các Tông Đồ. Tại sao vây? Chính bởi vì với cái nhìn của đức tin các vị hiểu rằng, cho dù khuất mắt họ, Chúa Giêsu vẫn luôn luôn ở với họ, Người không bỏ họ và trong vinh quang của Thiên Chúa Cha, Người nâng đỡ, hướng dẫn và bầu cử cho họ.
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Ở đầu sách Công Vụ các Tông Đồ, thánh sử Luca cũng kể lại việc lên Trời để nhấn mạnh rằng biến cố này giống như vòng xích nối liền cuộc sống dương thế của Chúa Giêsu với cuộc sống của Giáo Hội. Ở đây thánh Luca cũng nêu bật áng mây che phủ Chúa Giêsu khỏi cái nhìn của các môn đệ, còn đứng đó để chiêm ngưỡng Chúa Kitô lên trời về với Thiên Chúa Cha (x. Cv 1,9-10), Khi đó có hai người mặc áo trắng can thiệp mời các vị đừng ở yên bất động nhìn trời, nhưng hãy dưỡng nuôi cuộc sống mình và làm chứng cho sự chắc chắn rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại trong cùng một cách thức mà các ông đã thấy Người lên trời (x. Cv 1,10-11). Đức Thánh Cha giải thích lời các thiên thần mời đoàn môn đệ như sau:
Đó là lời mời gọi ra đi từ việc chiêm ngưỡng quyền là Chúa của Đức Giêsu, để có từ Người sức mạnh đem Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng vào trong cuộc sống thường ngày: chiêm ngắm và hành động, cầu nguyện và làm việc, như thánh Biển Đức dậy, cả hai việc đều cần thiết cho cuộc sống kitô của chúng ta.
Anh chị em thân mến, biến cố lên Trời không ám chỉ sự vắng mặt của Chúa Giêsu, mà nói với chúng ta rằng Người sống giữa chúng ta một cách mới mẻ; Người không còn ở trong một chỗ chính xác của thế giới như trước khi lên trời nữa. Giờ đây Người ở trong quyền là Chúa của Thiên Chúa, hiên diện trong mọi nơi mọi lúc, gần gũi từng người trong chúng ta. Trong cuộc sống chúng ta không bao giờ cô đơn: có Chúa chịu đóng đanh và phục sinh hướng dẫn chúng ta. Và với chúng ta có biết bao nhiêu anh chị em hằng ngày trong thinh lặng và kín ẩn, trong cuộc sống gia đình và làm việc, trong các vấn đề và các khó khăn của họ, trong những nỗi vui buồn và hy vọng của họ, họ sống đức tin mỗi ngày và cùng với chúng ta đem quyền là Chúa của tình yêu Thiên Chúa đến cho thế giới.
Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương hiện diện và chúc mọi người có những ngày viếng thăm Roma tươi vui và bổ ích. Với đông đảo các bạn trẻ ngài xin Chúa phục sinh đổ tràn đầy tình yêu của Người trong trái tim họ để họ sẵn sàng hăng say theo Chúa. Đức Thánh Cha xin Chúa nâng đỡ các anh chị em đau yếu để họ chấp nhận gánh nặng của khổ đau với tâm hồn thanh thản. Ngài xin Chúa hướng dẫn các cặp vợ chồng mới cưới để gia đình họ lớn lên trong sự thánh thiện bằng cách noi gương sống của Thánh Gia.
Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Sau đó Đức Thánh Cha đã đứng chào các Giám Mục và một số quan khách. Rồi ngài đi sang hai bên để bắt tay chào, nói chuyện và lắng nghe các tín hữu, cũng như hôn và thoa đầu các trẻ em, trong khi các bạn trẻ thì không ngừng gọi tên Đức Thánh Cha. Cũng có người tặng Đức Thánh Cha chiếc áo của đội bóng đâ Argentina.
Khi xe díp chở ngài xuống khỏi thềm đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha bảo tài xế dừng xe để ngài xuống bắt tay chào các người tàn tật ngồi trên các xe lăn. Ngài hỏi thăm, an ủi và chúc lành cho họ. Có một em bé mù ban đầu không chịu để cho Đức Thánh Cha hôn nhưng sau đó quàng tay ôm cổ Đức Thánh Cha và không muốn rời ngài nữa. Ngài cũng đã ôm hôn nhiều người tàn tật khiến cho giới trẻ lại càng gọi tên Đức Thánh Cha to hơn.
Linh Tiến Khải
Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Nhân Ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Gọi
“Theo Đức Giêsu cũng có nghĩa là giao nộp chính chúng ta cho Ngài, sống trong tình thân mật với Ngài, và nhờ Ngài đi vào sự hiệp thông với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, và cũng là với anh chị em chúng ta. Sự hiệp thông đời sống với Đức Giêsu là một “tình trạng” đặc ân, nơi đó chúng ta có thể kinh nghiệm được niềm hy vọng và nơi đó đời sống chúng ta trở nên tròn đầy và tự do.” Đó là lời của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong thông điệp gửi cho toàn thể dân Chúa nhân Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi lần thứ 50 sẽ được cử hành vào Chúa Nhật Thứ Tư Phục sinh, 21-4-2013. Sứ điệp này được Đức Thánh Cha Biển Đức 16 công bố ngày 15 tháng 12 năm 2012, sau đây là nội dung toàn bộ Sứ Điệp.
Anh chị em thân mến,
Nhân dịp lần thứ 50 ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Gọi, được tổ chức vào ngày 21 tháng 4 năm 2013, Ngày Chúa Nhặt Thứ 4 Phục Sinh, tôi muốn mời gọi các bạn phản tỉnh về chủ đề: Ơn gọi, dấu chỉ hy vọng đặt nền tảng trên đức tin, được diễn ra trong năm Đức Tin cùng với dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc công Đồng Vaticano II. Trong khi Công Đồng đang họp, Tôi tớ Chúa, Đức Phaolô VI, đã thiết lập ngày toàn thể Giáo hội cầu nguyện cho ơn gọi. Vào ngày này, mọi người được mời gọi để cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha, xin Ngài tiếp tục sai các thợ gặt đến với Giáo Hội (Mt 9,38). Tại thời điểm đó, Ngài nói rằng: “Vấn đề có đủ số lượng các linh mục có một ảnh hưởng trực tiếp đến mọi tín hữu, không chỉ vì linh mục là nền tảng của xã hội Kitô giáo trong tương lai, nhưng hơn thế, việc có đủ số linh mục là một dấu chỉ rõ ràng của sức sống đức tin và là dấu chỉ tình yêu thương của mỗi giáo xứ cũng như các cộng đoàn giáo phận, đồng thời nó cũng là dấu chỉ rõ ràng về một đời sống luân lý lành mạnh nơi các gia đình Kitô hữu. Nơi đâu ta càng thấy có nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ, nơi đó người ta đang sống Tin Mừng với sự quảng đại lớn lao (Đức Phaolô VI, Sứ Điệp Radio, 11 tháng 4 năm 1964).
Trong suốt nhiều thế kỷ qua, các cộng đoàn Kitô hữu khác nhau từ khắp nơi trên thế giới quây quần bên nhau vào ngày Chúa Nhật Thứ Tư Phục Sinh và cùng nhau cầu nguyện để xin Thiên Chúa những món quà ơn gọi linh thánh, đồng thời gợi ý cho mọi người tiếp tục phản tỉnh về nhu cần khẩn thiết trong việc đáp trả lời mời gọi linh thánh. Thực vậy, hàng năm sự kiện quan trọng này đã giúp các Kitô hữu thấy được tầm quan trọng của ơn gọi linh mục và tu sĩ, và nhờ đó giúp họ ý thức về điều này trong đời sống thiêng liêng, cầu nguyện và tông đồ của mình.
Hy vọng là một sự trông mong về một điều gì đó tích cực trong tương lai, nhưng mặt khác nó cũng nuôi dưỡng hiện tại thường bị ghi dấu bởi những bất mãn và thất bại. Vậy, đâu là nền tảng niềm hy vọng của chúng ta? Nhìn vào lịch sử của dân tộc Do thái, được tường thuật lại trong Cựu Ước, chúng ta thấy một yếu tố luôn xuất hiện, đặc biệt là trong những thời điểm khó nhăn như thời Lưu Đày, một yếu tố được tìm thấy đặc biệt nơi các bài viết của các Ngôn Sứ, đó là việc Thiên Chúa luôn luôn trung thành với lời Ngài đã hứa với các Tổ Phụ: Một sự ghi nhớ mời gọi chúng ta bắt chước mẫu gương sáng chói của Tổ Phụ Abraham, ngài “mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: “Dòng dõi người sẽ đông đảo như thế” (Rm 4,18). Một chân lý đầy an ủi và có tính soi sáng luôn hiển lộ trong toàn bộ lịch sử cứu độ, đó chính là sự trung tín của Thiên Chúa đối với Giao Ước. Ngài luôn đi vào Giao Ước và đổi mới nó, bất chấp con người đã phá vỡ nó khi bất trung và phạm tội, từ thời lụt hồng thủy (St 8,21-22) đến lúc xuất hành và ngang qua cuộc hành trình qua sa mạc (x. Dt 9,7).
Sự trung tín đó khiến cho Thiên Chúa tiếp tục ký kết một giao ước mới, giao ước vĩnh cửu với con người, nhờ vào máu của Người Con, Đấng đã chết và sống lại để cứu độ chúng ta. Trong mỗi giây phút, đặc biệt là trong những lúc khó khăn, sự trung tín của Thiên Chúa luôn là nguồn sức mạnh đích thực của lịch sử cứu độ. Sức mạnh này khơi nên trong trái tim của những người nam và người nữ một niềm xác tín vững chắc vào niềm hy vọng rằng một ngày họ sẽ đạt đến “Đất Hứa”. Đây chính là nơi chúng ta tìm thấy nền tảng chắc chắn của mọi hy vọng: Thiên Chúa chưa bao giờ từ bỏ chúng ta và Ngài vẫn luôn trung tín với Lời của mình. Vì lý do đó, trong mọi hoàn cảnh, thuận lợi hay khó khăn, chúng ta vẫn có thể nuôi dưỡng một niềm hy vọng chắc chắn và cầu nguyện với Thánh Vịnh: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn. Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến (Tv 62, 6).
Như thế, để có hy vọng, chúng ta cần tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng tín trung, Ngài luôn giữ lời hứa đã giao ước. Vì thế, đức tin và hy vọng có mối liên hệ mật thiết với nhau. “Thực ra, “Hy vọng” là một từ chủ yếu trong Thánh Kinh – đến mức trong nhiều đoạn những từ “đức tin” và “hy vọng” dường như có thể hoán chuyển cho nhau. Vì thế Thư Do Thái liên kết chặt chẽ “sự viên mãn của đức tin” (10:22) với “sự tuyên xưng cách quả quyết niềm hy vọng của chúng ta” (10:23). Cũng thế, trong thư Thứ Nhất, khi Thánh Phêrô khích lệ các Kitô hữu hãy luôn luôn sẵn sàng đưa ra câu trả lời liên quan đến logos – ý nghĩa và lý do –cho niềm hy vọng của họ (x. 3:15), thì từ “hy vọng” là tương đương với từ “đức tin” (Spe Salvi, 2).
Anh chị em thân mến,
Chính xác thì sự trung tín của Thiên Chúa là gì mà chúng ta có thể đặt để niềm hy vọng của mình? Thưa, đó chính là tình yêu của Ngài. Ngang qua Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa là Đấng đã đổ tràn tình yêu vào nơi sâu thẳm nhất trong mỗi chúng ta (xem Rm 5,5). Và tình yêu này, được biểu lộ trọn vẹn nơi Đức Kitô, đã thấm sâu vào tâm khảm mỗi chúng ta và đòi hỏi một lời đáp trả ngang qua cách thức mà mỗi cá nhân muốn chọn lựa cách sống cho riêng mình. Tình yêu Thiên Chúa đôi lúc dẫn người ta tới nơi mà mình chưa bao giờ tưởng tượng, nhưng tình yêu này cũng luôn dẫn ta đến với những con người mà ta muốn tìm gặp. Như thế, hy vọng được dưỡng nuôi bởi sự xác tín này: “Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó” (1 Ga 4,16).
Tình yêu sâu xa và mang tính đòi hỏi này đã thấm sâu vào chúng ta và trao ban cho chúng ta một niềm can đảm. Tình yêu này cũng trao cho ta niềm hy vọng vào cuộc hành trình của mình, vào lịch sử và tương lai. Cách riêng, cha muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ, cha muốn nhắc lại rằng: “Sự sống của các con sẽ là gì nếu thiếu tình yêu này? Thiên Chúa chăm sóc mọi người nam và người nữ từ khi tạo dựng đến khi thời gian tới hồi viên mãn, khi Ngài hoàn tất kế hoạch cứu độ của mình. Nơi Thiên Chúa Phục Sinh, chúng ta có một niềm hy vọng chắc chắn” (Bài Huấn Dụ Dành Cho Các Bạn Trẻ Thuộc Giáo phận Sang Marino – Montefeltro, 19 tháng 6 năm 2011).
Như xưa Đức Giêsu đã sống cuộc đời dương thế như thế nào, thì hôm nay Đức Giêsu Phục sinh cũng đồng hành trong cuộc sống của chúng ta như vậy. Ngài dìm mình vào hành động của chúng ta, với tất cả khao khát và nhu cầu của ta. Giữa mọi hoàn cảnh, Đức Giêsu tiếp tục nói với chúng ta; Ngài mời gọi chúng ta sống với Ngài, vì chỉ duy Ngài là Đấng có thể thỏa đáp được mọi khát vọng nơi ta. Giờ đây, Đức Giêsu hiện diện giữa cộng đoàn các môn đệ chính là Giáo Hội, và Ngài vẫn mời gọi mọi người bước theo mình. Lời mời gọi này có thể đến bất kỳ lúc nào. Hôm nay, Đức Giêsu tiếp tục cất lời: “Hãy đến và theo tôi” (Mc 10,21). Chấp nhận lời mời gọi này nghĩa là không còn chọn lựa con đường của riêng mình nữa. Theo Ngài nghĩa là đặt để ý muốn của chúng ta nơi Ý muốn của Đức Giêsu, trao ban cho Ngài chính mình, đặt Ngài vào vị trí trổi vượt trong mọi lĩnh vực của đời sống: gia đình, công việc, sở thích riêng và chính bản thân mình. Theo Đức Giêsu cũng có nghĩa là giao nộp chính chúng ta cho Ngài, sống trong tình thân mật với Ngài, và nhờ Ngài đi vào sự hiệp thông với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, và cũng là với anh chị em chúng ta. Sự hiệp thông đời sống với Đức Giêsu là một “tình trạng” đặc ân, nơi đó chúng ta có thể kinh nghiệm được niềm hy vọng và nơi đó đời sống chúng ta trở nên tròn đầy và tự do.
Ơn gọi linh mục và tu sĩ được nảy sinh từ kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Đức Kitô, từ một cuộc đối thoại chân thành và đầy tin tưởng với Ngài, nhờ đó đi vào trong ý muốn của Ngài. Do đó, điều cần thiết là phải lớn lên trong kinh nghiệm về đức tin, được hiểu như là một mối liên hệ sâu xa với Đức Giêsu, như là một sự lắng nghe nội tâm đối với tiếng nói của Ngài vốn âm vang trong sâu thẳm cõi lòng chúng ta. Tiến trình này, một tiến trình mà ngang qua đó chúng ta đáp trả một cách tích cực đối với lời mời gọi của Thiên Chúa, chỉ khả thi nơi những cộng đoàn Kitô hữu sống đức tin một cách mạnh mẽ và quảng đại làm chứng cho Tin Mừng, nơi có một cảm thức truyền giáo mạnh mẽ đến nỗi thúc đẩy người ta hiến mình cho Nước Thiên Chúa. Tiến trình này được nuôi dưỡng bởi các bí tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể và ngang qua một đời sống cầu nguyện liên lỉ. Đời sống cầu nguyện, “một đàng là cái gì đó rất riêng tư, là một cuộc gặp gỡ giữa thâm sâu của chính tôi với Chúa, Thiên Chúa hằng sống. Đàng khác, lời cầu ấy phải luôn được hướng dẫn và soi sáng bởi những kinh nguyện quý giá của Giáo Hội và của các thánh, và bởi lời cầu phụng vụ, trong đó Chúa dạy đi dạy lại chúng ta làm thế nào cầu nguyện cho xứng hợp” (Spe Salvi, 34).
Đời sống cầu nguyện sâu xa và bền bỉ giúp tăng trưởng đức tin nơi cộng đoàn Kitô hữu. Đồng thời đời sống cầu nguyện cũng giúp đổi mới không ngừng niềm xác tín rằng Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ dân Ngài và luôn nuôi dưỡng họ bằng cách trao ban những ơn gọi đặc biệt – ơn gọi linh mục và tu sĩ – để họ có thể là dấu chỉ hy vọng cho thế giới. Thực vậy, linh mục và tu sĩ được mời gọi để trao ban chính mình một cách vô điều kiện cho Dân Thiên Chúa, trong một sự phục vụ yêu thương cho Tin Mừng và Giáo hội, với niềm xác tín vào niềm hy vọng vốn chỉ có thể đến từ một sự mở ra đối với Thiên Chúa. Do đó, ngang qua những chứng tá về đức tin và lòng nhiệt thành tông đồ, họ có thể thông truyền, đặc biệt với các thế hệ trẻ, một khao khát mạnh mẽ để quảng đại và mau mắn đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô, Đấng mời gọi họ bước theo Ngài một cách gần gũi hơn. Khi một người môn đệ của Đức Giêsu chấp nhận lời mời gọi thần linh để dâng hiến chính mình trong đời sống linh mục hay tu trì, chúng ta chứng kiến một hoa trái chín mùi nhất của cộng đoàn Kitô hữu, giúp chúng ta nhìn vào tương lai của Giáo Hội và sứ mạng rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội trong niềm tin tưởng và hy vọng. Điều này đòi hỏi cần có những người thợ gặt mới để công bố Tin Mừng, để cử hành Thánh Lễ và bí Tích Hòa Giải. Vì thế, không thể thiếu những linh mục nhiệt thành, những người luôn ở bên người trẻ với tư cách là “những người bạn đồng hành”, giúp đỡ họ, trong bước đường đời đầy khó khăn và cam go, nhận ra Đức Ki-tô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (xem Ga 14,6). Các linh mục cũng là người nói cho người trẻ về lòng can đảm của Tin Mừng, về vẻ đẹp của việc phục vụ Thiên Chúa, cộng đoàn Kitô hữu và anh chị em của mình! Các linh mục là hiện thân của hoa trái phát sinh từ một sự dấn thân nhiệt thành vốn trao ban ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống của họ, vì đời sống này được đặt nền tảng trên niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước ( x. Ga 4,19).
Các bạn trẻ thân mến, dẫu các con đang phải đối diện với biết bao nhiêu lựa chọn hời hợt và chóng qua, cha hy vọng các con vẫn có thể nuôi dưỡng khao khát về điều gì có giá trị đích thực với những mục đích cao cả, những lựa chọn triệt để trong việc phục vụ tha nhân và bắt chước Đức Kitô.
Các con đừng sợ bước theo Đức Giêsu và bước đi trên con đường đức ái đầy đòi hỏi và sự can đảm này. Trên hành trình này, các con sẽ hạnh phúc để phục vụ và làm chứng về một niềm vui mà thế giới không thể trao ban; các con sẽ là những ngọn lửa sống động về một tình yêu vô hạn và vĩnh cửu; và các con sẽ học để sẵn sàng đưa ra một câu trả lời cho niềm hy vọng nơi các con (Pr 3,15).
Nguyễn Minh Triệu sj Chuyển ngữ
ĐTC đề cao mối tương quan giữa chiêm ngắm và hành động
Theo truyền thống, sáng thứ Tư hàng tuần là buổi tiếp kiến chung của Đức Giáo Hoàng dành cho các đoàn hành hương từ khắp nơi trên thế giới đổ về quảng trường Thánh Phêrô tại Rôma. Sáng nay có khoảng 80 ngàn người tham dự thuộc Châu Âu gồm các tín hữu trong các giáo phận khác nhau của Italia, các giám mục Anh Quốc ; thuộc Châu Á như các nhóm của Ấn Độ, Singapore, Sri Lanka và Philippines ; và Châu Mỹ bao gồm các đoàn của Argentina, Panama, Vênêzuêla và Mêhicô. Cũng có sự hiện diện của đoàn hành hương đến từ Australia.
Trong bài giáo lý hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nói về biến cố « lên trời và ngự bên hữu Đức Chúa Cha » của Chúa Giêsu trong Kinh Tin Kính, bằng cách trưng dẫn một số trình thuật của thánh sử Luca liên quan đến biến này.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến cử chỉ ban phúc lành cho các môn đệ của Chúa Phục Sinh khi lên trời và tâm trạng vui mừng của các ông (x. Lc 24,50-53). Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, sỡ dĩ có sự chia tay trong hân hoan này là vì các Tông Đồ tin tưởng vào sự hiện diện với các ông của Chúa Giêsu Phục Sinh và vào sự tiếp tục hướng dẫn trợ giúp ngay cả khi Ngài rời bỏ họ để về cùng Chúa Cha.
Cũng trong viễn cảnh lên trời của Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha diễn giải rằng với tư cách làm người, Chúa Giêsu là người dẫn đường mở lối cho nhận loại tiến vào chốn trường sinh và Ngài đem nhân loại đến gần Thiên Chúa hơn.
Đề cập đến việc can thiệp của các thiên thần trước sự bất động chiêm ngưỡng Đức Giêsu lên trời của các môn đệ, Đức Thánh Cha nhận thấy ở đây lời mời gọi ra đi làm chứng cho Chúa Phục sinh sau khi đã được chiêm ngắm quyền năng của Người.
Từ đó, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh trong suốt cuộc sống của mình. Kể từ biến cố lên trời, cuộc sống của Kitô hữu được chính Chúa Giêsu chịu Khổ Nạn và Phục Sinh nâng đỡ. Đặc biệt, ngài khích lệ mỗi người hãy đem tình yêu Thiên Chúa đi vào thế giới.
Sau bài huấn dụ, Đức Thánh Cha cũng ngỏ lời với các bạn trẻ, các bệnh nhân cũng như các cặp vợ chồng mới cưới.
Ngay sau khi ngỏ lời chào đối với các đoàn hành hương thuộc khối Pháp Ngữ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hai chiều kích chiêm ngắm và hành động trong đời sống Kitô hữu. Ngài cũng mời gọi họ chiêm ngắm quyền Chúa của Đức Giêsu để trung thành với dự phóng của Thiên Chúa trên họ và để có sức mạnh làm chứng cho Tin Mừng trong đời sống thường nhật.
Cũng như các buổi tiếp kiến chung vào các thứ Tư trước, Đức Thánh Cha nói bằng Tiếng Ý, sau đó được dịch ra các thứ tiếng khác. Cho đến nay, ngài vẫn giữ nguyên tắc này ngay cả với những khách hành hương thuộc khối nói Tiếng Tây Ban Nha. Riêng đối với nhóm câu lạc bộ bóng đá « San Lorenzo », cũng như thứ Tư tuần trước, chính ngài tóm tắt bài giáo lý và ngỏ lời chào bằng tiếng mẹ đẻ.
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng (Theo vietcatholic)
Ban biên tập gxthohoang.net tổng hợp