Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 26 Tháng 4 2013 11:30

Ngày Phán Xét Thúc Đẩy Chúng Ta Sống Giây Phút Hiện Tại Tốt Lành Và Bác Ái Hơn

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Ngày phán xét thúc đẩy chúng ta sống giây phút hiện tại tốt lành và bác ái hơn

Ngày phán xét không làm cho chúng ta sợ hãi, nhưng thúc đẩy chúng ta sống giây phút hiện tại tốt lành hơn, biết nhận ra Chúa nơi các anh chị em nghèo túng và yêu thương trợ giúp họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 100.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 24-5-2013. Trong số các đoàn hành hương hiện diện và được ngồi hai bên khán đài có phái đoàn 55 tín hữu Việt Nam, do Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn hướng dẫn. Đức Thánh Cha đã chào phái đoàn như sau:

Tôi thân ái chào các khách hành hương Việt Nam của tổng giáo phận thành phố Hồ Chi Minh, dưới sự hướng dẫn của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn.

Trong hài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý ngày Chúa Giêsu Kitô quang lâm, như viết trong Kinh Tin Kinh: ”Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Đức thánh Cha nói: Lịch sử loài người đã bắt đầu với việc tạo dựng người nam và người nữ giống hình ảnh của Thiên Chúa, và kết thúc với việc phán xét sau hết của Chúa Kitô. Thường khi chúng ta quên hai cực này của lịch sử, và nhất là niềm tin vào việc trở lại của Chúa Kitô và ngày phán xét sau hết đôi khi không rõ ràng và vững vàng trong tim của các kitô hữu. Trong cuộc sống công khai Chúa Giêsu đã thường dừng lại trên thực tại này của lần trở lại sau cùng.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã suy tư về ba dụ ngôn giúp mình giải ý nghĩa của tín lý này: đó là dụ ngôn 10 trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể, dụ ngôn các nén bạc và văn bản nói về ngày phán xét sau hết. Cả ba văn bản đều thuộc diễn văn của Chúa Giêsu về ngày tận thế trong Phúc Âm thánh Mátthêu.

Với việc Lên Trời Con Thiên Chúa đã đem nhân tính của chúng ta mà Người đã nhận lấy lên gần Thiên Chúa Cha, và muốn kéo tất cả chúng ta đến với Người, muốn kêu gọi toàn thế giới được đón nhận trong vòng tay rộng mở của Thiên Chúa, để khi lịch sử kết thúc, toàn thực tại được giao cho Thiên Chúa Cha. Tuy nhiên, có ”thời gian tức khắc” giữa biến cố Chúa Kitô đến lần đầu và lần cuối, là thời gian chúng ta đang sống. Dụ ngôn mười trinh nữ nằm trong bối cảnh của ”thời gian tức khắc” này (x. Mt 25,1-13).

Đây là mười trinh nữ đang chờ Chàng Rể tới, nhưng chàng đến chậm và các cô thiếp ngủ. Khi nghe báo Chàng Rể đang tới, tất cả các cô chuẩn bị tiếp đón Chàng, nhưng trong khi các cô khôn ngoan có dầu để châm cho đèn, thì các cô khờ dại bị tắt đèn vì không có dầu; và trong khi họ tìm cách đến với Chàng Rể thì các trinh nữ khờ dại thấy cửa vào phòng tiệc cưới đã đóng. Họ kiên trì gõ cửa nhưng đã qúa muộn, Chàng Rể trả lời: Ta không biết các ngươi. Chàng Rể là Chúa, và thời gian chờ đợi Người tới là thời gian Chúa cho chúng ta, cho tất cả chúng ta, với sự thương xót và lòng kiên nhẫn, trước ngày Chúa đến lần sau hết; đó là một thời gian tỉnh thức, thời gian trong đó chúng ta phải giữ cho đèn của đức tin, đức cậy và đức mến được cháy sáng, trong đó chúng ta phải giữ cho con tim rộng mở cho sự thiện, cho vẻ đẹp và cho tình bác ái; đó là thời gian sống theo Thiên Chúa, bởi vì chúng ta không biết ngày giờ cuộc trở lại của Chúa Kitô. Đức Thánh Cha giải thích giáo huấn của dụ ngôn như sau:

Điều đòi hỏi chúng ta là chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này, được chuẩn bị cho một cuộc gặp gỡ đẹp, cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu; nó có nghĩa là biết trông thấy các dấu chỉ sự hiện diện của Chúa, giữ cho đức tin của chúng ta được sống động, với lời cầu nguyện, với các Bí tích, tỉnh thức để đừng ngủ, để đừng quên Chúa. Cuộc sống của các kitô hữu ngủ là một cuộc sống buồn sầu, không phải là một cuộc sống hạnh phúc. Kitô hữu phải là người hạnh phúc, với niềm vui của Chúa Giêsu. Chúng ta đừng ngủ!

Dụ ngôn thứ hai là dụ ngôn các nén bạc, khiến chúng ta suy tư về tương quan giữa việc chúng ta dùng các ơn nhận được từ Thiên Chúa như thế nào và việc trở lại của Người, trong đó Người sẽ hỏi chúng ta đã dùng các ơn ấy ra sao (x. Mt 25,14-30). Chúng ta biết rõ dụ ngôn: trước khi đi xa, ông chủ trao cho mỗi đầy tớ vài nén bạc, để chúng được sử dụng trong lúc ông vắng nhà. Ông giao cho người thứ nhất năm nén, người thứ hai hai nén và ngươi thứ ba một nén. Trong thời gian ông đi vắng hai người dầu tiên làm cho các nén bạc sinh lợi, trong khi người thứ ba thích chôn nén bạc của mình và trả lại nguyên vẹn cho chủ. Khi chủ về ông xét xử công việc của họ: ông khen ngợi hai người đầu, trong khi người thứ ba bị đuổi ra ngoài trong tối tăm vì anh ta đã dấu nén bạc vì sợ hãi, và khép kín trong chính mình. Một kitô hữu khép kín trong chính mình, chôn dấu tất cả nhữmg gì Chúa đã ban cho không là một kitô hữu. Đó là một kitô hữu không cám ơn Chúa về tất cả những gì Chúa đã ban cho họ. Đức Thánh Cha giải thích giáo huấn của dụ ngôn như sau:

Điều này nói với chúng ta rằng sự chờ đợi Chúa trở lại là thời gian của hành động - chúng ta đang sống trong thời gian hành động - thời gian, trong đó sinh hoa trái các ơn Chúa ban cho chúng ta, không phải cho chính chúng ta, nhưng là cho Chúa, cho Giáo Hội, cho những người khác, là thời gian trong đó luôn tìm cách gia tăng sự thiện trong thế giới. Và một cách đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng ngày nay, điều quan trọng là không khép kín trong chính mình, bằng cách chôn dấu nén bạc, các phong phú tinh thần, trí tuệ, vật chất của mình, tất cả những gì mà Chúa đã ban cho chúng ta, nhưng phải mở ra, liên đới, chú ý tới người khác. Trong quảng trưởng tôi trông thấy nhiều người trẻ, có đúng thế không? Có nhiều người trẻ phải không? Người trẻ ở đâu rồi? Với các con là những người còn đang ở lúc khởi đầu của con đường cuộc sống cha xin hỏi: Các con đã nghĩ tới các nén bạc Thiên Chúa đã ban cho các con chưa? Các con đã nghĩ có thể dùng chúng để phục vụ tha nhân chưa? Đừng chôn dấu các nẻn bạc! Hãy đánh cá chúng trên các lý tưởng lớn, các lý tưởng rộng mở con tim, các lý tưởng phụng sự khiến cho các nén bạc của các con phong phú. Cuộc sống không được ban cho để chúng ta khư khư giữ nó cho chính mình, mà được ban để chúng ta cho đi. Các người trẻ thân mến, hãy có một tâm hồn cao thượng! Đừng sợ hãi mơ tưởng các điều vĩ đại!

Sau cùng là một lời liên quan tới sự phán xét sau hết, trong đó được miêu tả lần đến thứ hai của Chúa, khi Người sẽ phán xét tất cả mọi người kẻ sống và người chết (x. Mt 25,31-46). Hình ảnh được thánh sử dùng là hình ảnh của người mục tử tách chiên khỏi dê. Bên phải được đặt những người đã hành động theo ý muốn của Thiên Chúa, cứu giúp tha nhân đói khát, khách lạ, trần truồng, yếu đau, bị cầm tù - tôi đã nói ”khách lạ”: tôi nghĩ tới tất cả các người nước ngoài ở trong giáo phận Roma này, chúng ta phải làm gì cho họ? - trong khi đi về bên trái là những kẻ đã không cứu giúp tha nhân. Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa sự phân cách này như sau:

Điều này nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ bị Thiên Chúa phán xử theo tình bác ái, theo cách chúng ta sẽ yêu thương các anh chị em của chúng ta, đặc biệt là những người yếu đuối và cần được giúp đỡ. Chắc chắn chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng chúng ta được biện minh, chúng ta được cứu rỗi nhờ ơn thánh, vì một hành động của tình yêu thương nhưng không của Thiên Chúa, là Đấng luôn luôn đi trước chúng ta; một mình chúng ta không thể làm được gì. Đức tin trước hết là một ơn mà chúng ta đã nhận được. Nhưng để mang hoa trái ơn thánh Chúa luôn luôn đòi hỏi chúng ta rộng mở cho Người, câu trả lời tự do và cụ thể của chúng ta. Chúa Kitô đến để đem lại cho chúng ta lòng thương xót của Thiên Chúa là Đấng cứu thoát. Chúng ta được yêu cầu tín thác nơi Người, đáp trả lại ơn tình yêu của Người với một cuộc sống tốt lành, gồm các hành động được linh hoạt bởi đức tin và tình yêu thương.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến nhìn vào sự phán xét sau hết không bao giờ làm chúng ta sợ hãi; đúng hơn nó thúc đẩy chúng ta sống hiện tại tốt lành hơn. Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta thời gian này với lòng thương xót và sự kiên nhẫn, để chúng ta học nhận biết Người mỗi ngày nơi các anh chị em nghèo túng và bé nhỏ, để chúng ta làm việc thiện và tỉnh thức trong lời cầu nguyện và trong tình yêu thương. Ước chi vào cuối cuộc đời mình và khi lịch sử kết thúc Chúa có thể thừa nhận chúng ta như các đầy tớ tốt lành và trung tín của Người.

Đức Thánh Cha đã đặc biệt chào người trẻ và khuyến khích họ tận dụng mọi khả năng và tài khéo Chúa ban để xây dựng Nước Chúa, Giáo Hội rất cần đến họ. Sau cùng ngài cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Read 1042 times Last modified on Thứ bảy, 27 Tháng 4 2013 07:25