Đức Thánh Cha Kêu Gọi Bài Trừ Nạn "Lao Công Nô Lệ” Và Cầu Nguyện Nhiều Hơn Trong Gia Đình
Posted by Ban Biên TậpTrong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 1-5-2013 Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi bài trừ nạn ”lao công nô lệ” và cấu nguyện nhiều hơn trong gia đình, đặc biệt là lần hạt Mân Côi trong tháng Năm kính Đức Mẹ.
Dưới nắng ấm mùa xuân đã có hơn 100.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ với vị cha chung. Càng ngày Đức Thánh Cha Phanxicô càng thu hút tín hữu và du khách hành hương. Ai cũng yêu thích các cử chỉ rất thân thiết và tràn đầy thương mến của ngài đối với mọi người, nhất là các trẻ em, người già và người tàn tật.
Xe díp chở ngài đi qua các lối đi giữa quảng trường để Đức Thánh Cha chào tín hữu. Mấy cận vệ của ngài đã rất vất vả vì các bà mẹ có con nhỏ đứng gần các lối đi ai cũng muốn đưa con cho Đức Giáo Hoàng hôn và vuốt ve chúc lành cho chúng. Có một bà cụ chắc là quen Đức Thánh Cha tại Buenos Aires đã gọi ngài khi xe đi qua, Đức Thánh Cha nhận ra bà và ngài xuống xe đến gần ôm hôn bà và nói chuyện với bà. Giới trẻ thì không ngừng vỗ tay reo hò và gọi tên ngài: ”Phanxicô, Phanxicô”. Phải mất 30 phút Đưc Thánh Cha mới lên tới khán đài trước thềm đền thờ thánh Phêrô. Tới nơi ngài còn bắt tay chào các Đức Ông thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh có nhiệm vụ giới thiệu các nhóm, tóm tắt bài huấn dụ, và địch lời Đức Thánh Cha chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.
Vì hôm qua là lễ thánh Giuse Thợ và cũng là Ngày quốc tế lao động, và là đầu tháng Kính Đức Mẹ, nên trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về ý nghĩa của công việc làm và thái độ sống các tín hữu phải có, noi gương Thánh Gia Nagiarét. Ngài khích lệ mọi người siêng năng lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ và chiêm ngắm các mầu nhiệm của Chúa Kitô.
Đức Thánh Cha nói: Phúc Âm thánh Máthêu kể rằng trong một lần Chúa Giêsu trở về thăm quê hương mình là Nagiarét và nói trong hội đường, các người đồng hương kinh ngạc trước sự khôn ngoan của Người và hỏi nhau: ”Ông ấy không phải là con bác thợ mộc sao?” (Mt 13,55). Chúa Giêsu đã bước vào lịch sử của chúng ta, Người đến giữa chúng ta, sinh ra từ Đức Maria bởi công trình của Chúa Thánh Thần, nhưng với sự hiện diện của thánh Giuse, là người cha hợp pháp, giữ gìn Chúa và dậy cho Chúa làm việc. Đức Thánh Cha giải thích biến cố này như sau:
Chúa Giêsu sinh ra và sống trong một gia đình, trong Thánh Gia, học từ thánh Giuse nghề thợ mộc, trong xưởng thợ Nagiarét, chia sẻ với thánh nhân sự dấn thân, sự mệt nhọc, hài lòng và cả các khó khăn thường ngày nữa. Điều này nhắc nhở cho chúng ta biết phẩm giá và sự quan trọng của công việc làm. Sách Sáng Thế kể rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên người nam và người nữ, giao phó cho họ nhiệm vụ sinh sôi nẩy nở tràn đầy trái đất, khắc phục nó và trông nom nó với công việc của mình (x. St 1,28); 2,15).
Tiếp đến Đức Thánh Cha định nghĩa công việc làm như sau:
Công việc làm là một phần của chương trình tình yêu của Thiên Chúa; chúng ta được mời gọi vun trồng và giữ gìn tất cả các thiện ích của thụ tạo, và như thế tham dự vào công trình tạo dựng! Công việc làm là một yếu tố nến tảng đối với phẩm giá của một người. Công việc, để dùng một hinh ảnh, ”xức dầu ” phẩm giá cho chúng ta, làm cho chúng ta được tràn đầy phẩm giá; khiến cho chúng ta giống Thiên Chúa, là Đấng đã làm việc và đang làm việc, là Đấng luôn hành động (x. Ga 5,17). Công việc làm trao ban cho chúng ta khả năng nuôi sống chính mình, gia đình mình, góp phần vào việc phát triển quốc gia mình. Ở đây tôi nghĩ tới các khó khăn mà thế giới lao công và doanh thương đang gặp phải trong nhiều quốc gia khác nhau. Tôi nghĩ tới tất cả những ai, không phải chỉ là người trẻ mà thôi, bị thất nghiệp, nhiều khi vì một quan niệm kinh tế xã hội tìm lợi lộc ích kỷ, ngoài các mô thức của công bằng xã hội.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi sau đây: Tôi muốn hướng tới tất cả mọi người lời mời gọi liên đới, và hướng tới các vi hữu trách của cuộc sống công cộng lời khích lệ làm mọi cố gắng để tái tạo công ăn việc làm. Điều này có nghĩa là lo lắng cho phẩm giá con người, nhất là tôi muốn nói rằng dừng mất niềm hy vọng. Cả thánh Giuse cũng đã gặp những lúc khó khăn, nhưng Người đã không bao giờ mất sự tin tưởng và đã biết vượt thắng chúng, trong xác tín rằng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Rồi tôi muốn đặc biệt kêu gọi người trẻ: các con hãy dấn thân trong bổn phận hăng ngày, trong việc học hành, trong công việc, trong các tương quan tình bạn, trong việc trợ giúp tha nhân. Tương lai của các con cũng tùy thuộc nơi việc biết sống các năm qúy báu này của cuộc đời. Đừng sợ hãi dấn thân, hy sinh, và đừng sợ hãi nhìn tương lai. Hãy duy trì niềm hy vọng: vì luôn luôn có một ánh sáng ở cuối chân trời.
Tôi muốn nói thêm một lời liên quan tới tình trạng công việc khiến tôi lo âu: tôi muốn nói tới điều mà chúng ta có thể định nghĩa là ”lao công nô lệ”, công việc biến con người thành nô lệ. Trên toàn thế giới có biết bao nhiêu người là nạn nhân của loại nộ lệ này, trong đó con người phục vụ công việc, trong khi chính công việc phải phục vụ con người để họ có phẩm giá. Tôi xin các anh chị em tín hữu và tất cả mọi người thiện chí một lựa chọn cương quyết chống lại việc buôn người, trong đó có ”nô lệ lao công”.
Tư tưởng thứ hai: đó là sự kiện trong sự thinh lặng của hoạt động hằng ngày thánh Giuse cùng với Mẹ Maria đã chỉ có một trọng tâm chú ý chung: Chúa Giêsu. Các ngài đồng hành và giữ gìn Con Thiên Chúa làm người lớn lên cho chúng ta với sự dấn thân và lòng hiền dịu, bằng cách suy tư về tất cả những gì xảy ra. Trong các Phúc Âm thánh Luca nhấn mạnh hai lần thái độ của Mẹ Maria và cũng là thái độ của thánh Giuse: ”Giữ gìn mọi sự ấy bằng cách suy niệm trong tim” (2,19.25). Đức Thánh Cha giải thích thêm thái độ này như sau:
Để lắng nghe Chúa, cần phải học biết chiêm ngắm Người, nhận biết sự hiện diện liên lỉ của Người trong cuộc sống chúng ta. Cần dừng lại đối thoại với Người, dành khoảng trống cho Người với lời cầu nguyện. Mỗi người trong chúng ta, cả các con là các bạn trẻ, đông đảo tại quảng trường này sáng nay, các con cũng phải tự hỏi: tôi đành cho Chúa khoảng trống nào đây? Tôi có dừng lại để đối thoại với Người không? Từ khi chúng ta còn nhỏ, cha mẹ chúng ta đã tập cho chúng ta thói quen bắt đầu và kết thúc ngày sống với một lời kinh, để giáo dục chúng ta cảm nhận được rằng tình bạn và tình yêu của Thiên Chúa đồng hành với chúng ta. Chúng ta hãy nhớ đến Chúa nhiều hơn trong ngày sống của chúng ta!
Trong tháng Năm này tôi muốn nhắc nhở sự quan trọng và vẻ đẹp của lời kinh Mân Côi thánh. Khi đọc các Kinh Kính Mừng, chúng ta được dẫn đưa tới chỗ suy ngắm các mầu nhiệm của Chúa Giêsu, nghĩa là suy tư về các thời điểm chính trong cuộc đời của Người, để như cho Mẹ Maria và thánh Giuse, Người là trung tâm các tư tưởng, các chú ý và các hành động của chúng ta. Thật là đẹp đẽ, nếu và nhất là trong tháng Năm này, chúng ta đọc Kinh Mân Côi và vài kinh cho Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria trong gia đình, với bạn bè, trong giáo xứ. Cầu nguyện chung với nhau là lúc qúy báu để khiến cho cuộc sống gia đình của chúng ta và tình bạn được vững vàng hơn nữa! Chúng ta hãy cầu nguyện nhiều hơn trong gia đình và như là gia đình!
Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, chúng ta hãy xin thánh Giuse và Đức Trinh Nữ Maria dậy cho chúng ta biết trung thành với các dấn thân thường ngày, sống đức tin trong hành động mỗi ngày, dành nhiều chổ hơn cho Chúa trong cuộc sống chúng ta, và dừng lại để chiêm ngắm gương mặt của Chúa.
Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm hành hương, chẳng hạn như đoàn tín hữu của giáo phận Qwangiu Nam Hàn, các đoàn hành hương Argentina, Costa Rica, Perù và Mehicô. Với các tín hữu Ba Lan ngài nhắc cho họ biết rằng ngày hộm qua là kỷ niệm 2 năm Đức Gioan Phaolô II được phong Chân phước. Ngài cầu chúc cuộc sống của họ thấm đượm đức tin, đức mến và lòng can đảm tông đồ của Đức Gioan Phaolô II. Chào các bạn trẻ ngài mời gọi họ hãy say mê Chúa Kitô và hăng say trung thành bước theo Chúa. Đức Thánh Cha xin các anh chị em bệnh nhân dìm các khổ đau của họ trong mầu nhiệm tình yêu và Máu Thánh của Chúa Cứu Thế. Ngài khích lệ các cặp vợ chồng mới cưới trung thành yêu nhau, và trở thành dấu chỉ hùng hồn tình yêu Chúa Kitô dành cho Giáo Hội.
Sau cùng Đức Thánh Cha cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải