Đức Thánh Cha đề cao vai trò vị bảo hệ tại tòa án hôn phối
Posted by Ban Biên TậpVATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 8-11-2013, dành cho các thành viên Tối Cao Pháp viện của Tòa Thánh, ĐTC đặc biệt đề cao vai trò của vị bảo hệ (difensor vincoli) trong các tòa án hôn phối của Giáo Hội.
Hiện diện tại buổi tiếp kiến có 55 người tham dự khóa họp toàn thể của Tối Cao Pháp viện Tòa Thánh về vai trò của vị bảo hệ, tức là người có nhiệm vụ làm mọi cách để bảo vệ mối dây hôn phối trong các vụ án xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Khóa họp được đặt dưới quyền chủ tọa của ĐHY Chủ tịch Raymond Burke, người Mỹ, và trong số các tham dự viên có 16 HY và 6 GM thành viên.
Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC đề cao một chức năng của Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh là giúp các tòa án trong toàn thể Giáo Hội chu toàn nhiệm vụ thi hành công lý của Giáo Hội cho các tín hữu. Tòa này cũng giúp đỡ các GM trong việc huấn luyện các chức sắc tư pháp thích hợp, trong đó có vị bảo hệ. Ngài nói:
”Vị bảo hệ chu toàn một chức năng quan trọng, đặc biệt trong các vụ án tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Điều cần thiết là vị bảo hệ phải chu toàn phận vụ của mình một cách hữu hiệu, để giúp đạt tới sự thật trong phán quyết chung kết, mang lại thiện ích mục vụ cho các phe liên hệ”.
ĐTC nhắc đến Huấn thị ”Dignitas connubii” (Phẩm giá hôn nhân, số 56, 1-2; 279,1) và đặc biệt nhắc đến vai trò của vị bảo hệ trong các vụ án tuyên bố hôn nhân vô hiệu vì thiếu khả năng tâm lý. Trong một số tòa án, đây là lý do duy nhất thường được nại đến để tuyên bố hôn nhân kết ước bất thành.
Ngài nói: ”Vị bảo hệ nào muốn phục vụ tốt đẹp thì không thể chỉ đọc vội vã các văn kiện trong vụ án, hoặc trả lời cho có lệ theo kiểu bàn giấy và trống trống. Trong công tác tế nhị này, vị bảo hệ được kêu gọi tìm cách hòa hợp những qui định của bộ giáo luật và hoàn cảnh cụ thể của Giáo Hội và xã hội.. Khi trung thành chu toàn trọn vẹn nghĩa vụ của mình, vị bảo hệ không làm tổn thương quyền của vị thẩm phán tòa án Giáo Hội, vì vị thẩm phán là người duy nhất có quyền phán quyết về vụ án. Khi vị bảo hệ thi hành nghĩa vụ kháng án, kể cả tại tòa Thượng thẩm Rota ở Roma, để chống lại một phán quyết mà vị ấy thấy là làm thương tổn chân lý về mối giây hôn phối, nghĩa vụ của vị ấy không làm thương tổn nghĩa vụ của vị thẩm phán. Đúng hơn các thẩm phán có thể tìm được một trợ lực cho hoạt động của mình trong công việc kỹ lưỡng của vị bảo vệ mối giây hôn phối”.
Theo giáo luật số 1445, ngoài việc xét xử những vụ thượng tố chống lại phán quyết hoặc hành động của tòa Thượng Thẩm Rota, Tối Cao Pháp Viện của Tòa Thánh còn cứu xét những tranh tụng phát nguyên từ hành vi của quyền hành chánh trong Giáo Hội; phán xử những tranh tụng hành chánh khác được ĐTC hay cơ quan giáo triều đưa tới, và giải quyết những tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan ấy. Ngoài ra, Tối Cao Pháp viện của Tòa Thánh cũng có chức năng như một bộ tư pháp với nhiệm vụ canh phòng việc điều hành công lý cách đúng đắn, nới rộng thẩm quyền của các tòa án, xúc tiến và phê chuẩn việc thành lập các tòa án đệ nhị cấp (SD 8-11-2013)
G. Trần Đức Anh OP