Bế mạc Tuần Tĩnh Tâm Linh Mục GP.BMT -2024 Featured
Posted by Ban Biên Tập
Tuần Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo phận Ban Mê Thuột -2024 sắp kết thúc. Những ngày qua, Quý Linh mục, Phó tế đã lãnh hội được nhiều điều bổ ích từ các bài hướng dẫn thiêng liêng do Đức Cha Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh, Giám mục Chính tòa Giáo phận Đà Lạt, giảng huấn.
Sau giờ Kinh Chiều lúc 16g30 thứ Năm ngày 11.11.2024, tại Nhà Nguyện Tòa Giám mục, Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc -Giám Mục Giáo Phận, chủ sự Chầu Phép lành Mình Thánh Chúa Giêsu và nghi thức Tuyên hứa Linh mục.
19g30: Đức Cha Giáo Phận gặp chung quý Cha và thông tin cần thiết.
Tuần Tĩnh Tâm Linh Mục bế mạc sau Thánh lễ Truyền chức Phó tế cho 20 ứng viên vào lúc 6g00 sáng thứ Sáu ngày 15.11.2024, tại Nhà thờ Chính Tòa Ban Mê Thuột.
Thánh lễ Truyền chức do Đức Cha Giáo phận chủ tế. Đồng tế với ngài có quý Cha trong và ngoài Giáo phận.
Thánh lễ Truyền chức Phó tế tại Nhà thờ Chính Tòa BMT vào lúc 6g00 ngày 15.11.2024
Trước khi kết lễ, Đức Cha Giáo Phận công bố chấp thuận đơn xin nghỉ hưu của Cha TĐD -Stephanô Nguyễn Văn Đậu (năm nay đã 85 tuổi) và bổ nhiệm Cha Phêrô Nguyễn Văn Thái làm Tân Linh mục Tổng Đại Diện.
Chầu Phép lành Mình Thánh Chúa Giêsu
Tuyên hứa Linh mục
Cám ơn Đức Cha giảng phòng và gặp chung Quý Cha
Ghi nhanh của Ban VHTT-GP.BMT
Trong tuần tĩnh tâm năm nay, các Linh mục Giáo phận Ban Mê Thuột được Đức Cha Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh, Giám mục Chính tòa Giáo phận Đà Lạt, hướng dẫn thiêng liêng về Chủ đề: “Tân Phúc Âm hóa chính con người linh mục”.
Nội dung như sau (tiếp theo và hết):
BÀI 5:
ĐỔI MỚI GIẢNG HUẤN LINH MỤC LÀ NGÔN SỨ
1. Dẫn: Các môn đệ được sai đi rao giảng
- Như chúng ta đã thấy, theo Matcô (3,14-15; 6,7: 12), Đức Giêsu đã đặt Nhóm Mười Hai để họ ở với Ngài và để Ngài sai đi rao giảng và được quyền năng trừ quỷ. Đọc Matthêu chúng ta cũng thấy viết một cách tương tự: “Ngài kêu mười hai môn đồ của Ngài lại, Ngài ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế... Rồi Ngài sai họ đi và truyền lệnh: Hãy đi và loan báo rằng: “Nước Trời đã gần bên” (10,1.7). Luca và Gioan không kể rõ hai công việc như trên. Hai ông thích dùng động từ “làm chứng”; nhưng muốn làm chứng cũng phải dùng lời nói và việc làm (x. Lc 24,46-48; Ga 15,27).
- Nói và làm, đó là hai công việc cụ thể mà người có sứ mạng được sai đi công tác phải làm theo gương Chúa Giêsu (Lc 24,19). Bài này xin nói về việc NÓI, tức là việc rao giảng lời Chúa, hay nói chung hơn, đó là việc huấn giáo mà mục vụ thời nay đang đòi ta phải đổi mới.
2. Chúa Giêsu và các Tông đồ rao giảng
- Trước hết, đối với Chúa Giêsu và các Tông đồ, nói cũng quan trọng như làm và có khi còn quan trọng hơn. Matcô cho chúng ta một thí dụ nơi 1,21-38: Chúa Giêsu sau một ngày giảng dạy có uy quyền và chữa nhiều người ốm đau mắc đủ chứng bệnh, và trừ quỷ cũng nhiều tại Capharnaum, các môn đệ chiều ý người ta muốn ở nán lại, nhưng Ngài bảo họ: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã lân cận, để Ta rao giảng ở đó nữa, bởi chính vì thế mà Ta đã ra đi”. Câu văn có vẻ rao giảng là chủ yếu, nhưng nó sẽ được sửa lại trong 10,45: “Con người không đến để được hầu hạ, nhưng là để hầu hạ và thí mạng sống mình làm giá chuộc thay cho nhiêu người”. Dù sao, suốt đời Chúa đã nói và làm. Ngài nói để hướng dẫn người ta đến việc làm của Ngài; và Ngài làm để minh chứng cho lời nói. Và nếu chúng ta có hiểu việc làm một cách nông cạn là chỉ nghĩ đến các phép lạ, thì rõ ràng Ngài cũng không làm những việc ấy mà không nói cho người ta hiểu ý nghĩa sâu xa của chúng. Đến lượt các Tông đồ cũng vậy. Rao giảng và chữa bệnh (Mt 10,7-8); rửa tội và giảng dạy (Mt 28,19-20) cũng là lệnh truyền của Chúa sau khi Ngài sai các Tông đồ đi “thâu nạp môn đệ khắp muôn dân” (Mt 28,19).
- Phaolô, người môn đệ có ơn gọi đặc biệt, cũng không ra khỏi luật chung ấy. Có lần người khiến chúng ta có cảm tưởng rằng người đã được tuyển chọn để chỉ đi rao giảng, như trong thư gửi Corinthô: “Đức Kitô đã không sai tôi đi thanh tẩy, mà là rao giảng Tin Mừng” (1 C 1,17). Tuy nhiên, trước đó người có công nhận là có thanh tẩy cho Crispô và Gaiô và còn thanh tẩy cho gia đình Stêphana nữa; ngoài ra, còn có thể thanh tẩy cho ai khác. Hơn nữa, đối với Phaolô, rao giảng đã bao hàm việc làm cho người ta nên con cái Thiên Chúa rồi. Người nói: “Trong Đức Kitô, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1 C 4,15).
- Dù sao, ngay từ đầu tập thể các Tông đồ đã làm cả hai thứ việc: rao giảng và phục vụ. Cho mãi đến khi thấy không thể kham tất cả được, mới chia sẻ bớt công việc cho các phó tế (Cv 6,1-6). Nhưng thật là sai lầm nếu hiểu rằng từ đó các Tông đồ chỉ là giảng dạy và các phó tế chỉ biết phục vụ. Rõ ràng Stêphanô cũng đã rao giảng rất thành công đến nỗi được vinh dự tử đạo đầu tiên (C 6,10); và Phêrô cũng vẫn tiếp tục làm phép lạ (Cv 9,32- 43) và nhất là đã thanh tẩy Cornéliô (Cv 10). Tuy nhiên, chuyện đặt các phó tế trên đây vẫn cho chúng ta thấy các Tông đồ ý thức, trên hết phải lo chuyện cầu nguyện cả phục vụ Lời (Cv 6,4), cho dù kiểu nói phục vụ Lời ở đây không loại trừ ý nghĩa làm các việc gắn liền với Lời.
3. Ý nghĩa và tầm quan trọng của việc rao giảng
3.1 Thiên Chúa đã sáng tạo và cứu chuộc bằng Lời.
- Sở dĩ việc rao giảng quan trọng như vậy vì đó là một cách hành động của Thiên Chúa toàn năng, mà bây giờ Ngài ban cho chúng ta được vinh dự tham gia và tiếp tục. Thiên Chúa đã sáng tạo và cứu chuộc bằng Lời. Ngài phán, lập tức có trời đất, vạn vật. Và Ngài cứu chúng ta bằng cách: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử, Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1,1-2).
- Điều làm cho người dân Cựu ước lấy làm vinh dự, tự hào đó là việc Đức Chúa đã nói với họ, đang khi thần tượng của các dân “miệng có đó, nhưng chúng không nói” (Tv 115,5). Và điều an ủi nhất cho Dân mới là “Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú nơi chúng tôi” (Ga 1,14).
- Do đó, chúng ta cần có quan niệm thật mới mẻ và sâu sắc về giá trị Lời Chúa, để có thể hoàn thành nhiệm vụ rao giảng trao ban cho chúng ta. Có thể nói Lời Chúa là chính Chúa, ít nữa là ý định của Ngài có thể giết chết và làm cho sống (Hc 43,26; Hs 6,5; Tv 106,29).
3.2 Lời Chúa trên môi miệng các tiên tri và tông đồ.
- Dĩ nhiên không ai nghi ngờ về hiệu quả của Lời khi trực tiếp từ miệng Chúa nói ra, như trong trường hợp Chúa sáng tạo trời đất vạn vật bằng một lời phán của Người, hoặc như trong bao nhiêu trường hợp Đức Giêsu đã nói khi làm các phép lạ. Nhưng Chúa đã khẳng định và biểu thị Lời của Người vẫn có giá trị như thế khi truyền đạt qua miệng các tiên tri (Is 55,10-11) và các Tông đồ: “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc 10,16). Và quả thật, Chúa đã củng cố việc rao giảng Lời bằng rất nhiều điềm thiêng dấu lạ (x. Cv 3,1-10: người què; 5,1- 11: Ananya; 10,44: Cornêliô).
- Thế nên, chúng ta hãy cầu xin như các tín hữu sơ khai rằng: “Xin ban cho các tôi tớ Người được tất cả dạn dĩ mà nói lời của Người” (Cv 4,29). Và chúng ta cần tin tưởng, nhiệt thành hơn nữa đối với việc rao giảng lời Chúa, như Công Đồng viết: “Các linh mục mắc nợ mọi người về việc thông truyền cho họ Chân lý Phúc Âm mà các ngài đã nhận nơi Chúa” (Linh mục 4).
4. Các hình thức rao giảng
- “Thừa tác vụ lời Chúa được thực thi theo nhiều cách thức khác nhau, dựa theo nhu cầu của thính giả và tùy vào đặc sủng của người giảng thuyết” (LM 4). Ở đây chúng ta không thể bàn rộng rãi về mọi hình thức rao giảng, nhất là với những người chưa chia sẻ đức tin với chúng ta (kiểu nói “đối thoại cứu độ” nên được áp dụng cho hoàn cảnh này).
- Chúng ta chỉ nói đến việc rao giảng lời Chúa cho các tín hữu thường lui tới với chúng ta. Và chúng ta phân biệt hai lúc rất khác nhau: trong Thánh lễ và ngoài Thánh lễ. Theo kiểu nói thông thường, chúng ta dùng hai động từ “giảng lễ” và “huấn giáo”.
4.1. Giảng lễ
4.1.1. Phải sát Lời Chúa và phục vụ mầu nhiệm Thánh Thể
- Giảng lễ là thành phần của động tác phụng vụ, phải thi hành một cách trung kiên và đúng theo nghi lễ (PV 35). Đó là một việc thuộc phân phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ, cũng để giáo huấn, nhưng chủ yếu là để phục vụ Thánh lễ, để tín hữu biết tham dự Thánh lễ và cử hành mầu nhiệm cứu độ.
- Do đó phải gạt bỏ hẳn ý tưởng muốn lợi dụng bài giảng cho một mục đích răn dạy nào đó không ăn nhằm gì hết với cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, huống nữa là muốn lợi dụng lời Chúa để phục vụ truyền thống của loài người (Mc 7,8;13).
- Đừng bao giờ suy nghĩ bài giảng mà không đọc trước các bài Kinh Thánh của Thánh lễ, vì bài giảng phải được múc nguồn từ Kinh Thánh và Phụng vụ (PV 35).
- Đừng mở miệng sau Phúc Âm khi không biết, không nghe, không suy lời Chúa vừa được công bố.
- Dùng việc giảng để dạy giáo lý dẫn đến Thánh Thể một cách gượng gạo cũng phải kể như không được phép, ít ra cũng không phù hợp với tinh thần phụng vụ mới. Và đây cũng là một công việc phải đổi mới.
4.1.2. Nội dung giảng luôn hướng về mầu nhiệm Tử nạn-Phục sinh
- Đọc Tân ước kỹ hơn nữa, chúng ta còn nhận ra dễ dàng điều này, là giáo huấn của Chúa cũng như của các Tông đồ, luôn hướng về mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh, mà chúng ta cử hành trong mọi Thánh lễ.
- Hơn nữa, từng đoạn giáo huấn của các sách Tân Ước hầu như vẫn được xây trên mầu nhiệm cứu độ này. Bài tường thuật việc Chúa sinh ra là một ví dụ. Những bài khác về việc Đức Mẹ dâng Con trong Đền thờ, câu truyện lạc mất Người ba ngày, tường thuật tiệc cưới Cana... cũng đều như vậy.
- Ngày xưa, hầu như chỉ có sách Matthêu (trình bày Chúa Giêsu như một bậc thầy và dàn dựng Phúc Âm trên năm diễn từ hay năm bài giáo huấn) được dùng trong các ngày Chúa nhật, và sách của Gioan (chọn lựa các sự kiện và đào sâu giáo huấn) luôn kể chuyện trong bối cảnh của các ngày lễ.
- Như vậy không đủ để chúng ta thâm tín giá trị huấn giáo của phần Phụng vụ Lời Chúa kết thúc bằng bài giảng sao? Chắc chắn giảng là cao điểm của huấn giáo, và chúng ta không được làm mất giá trị này. Công Đồng viết: “Ngay trong vấn đề dạy giáo lý, cũng phải dùng mọi phương thế để nhấn mạnh tính cách phụng vụ hơn” (PV 35,3). Như vậy, giảng là mẫu gương của huấn giáo.
4.1.3. Chính linh mục phải lắng nghe Lời Chúa
- Hãy trả cho César phần của Cêsar! Hoặc nói như sách Giảng viên: Có lúc để giảng và có lúc để lắng nghe. Dĩ nhiên, khi dân Chúa tập họp lại để nghe lời Chúa, họ đã được giáo huấn; nhưng việc giáo huấn ở đây còn phải đi tới việc cải hóa và đổi mới trong mầu nhiệm Chúa Kitô. Linh mục làm ý nghĩa này nổi bật lên, khi thật là anh em ở giữa anh em, chăm chú nghe lời Chúa dạy bảo. Và khi mở miệng sau Phúc Âm, người làm như Đức Giêsu tại hội đường ở Nazaret (Le 4,16), ứng dụng lời Chúa vào “ngày hôm nay” để lời Chúa không thuộc dĩ vãng, nhưng Chúa đang nói với mọi người để họ tin theo Người. Và “họ” ở đây là cả Hội Thánh, trong đó linh mục là một thành viên, thành viên bé nhỏ để cho Người lớn lên (Ga 3,30). Apollô là gì, Phaolô là gì? Chỉ là “những tôi tớ để qua họ anh em đã tin” (1 C 3,5).
- Hơn nữa, linh mục càng để cho lời Chúa đánh động mình như thanh gươm hai lưỡi (Hr 4,12), lời giảng càng có sức mạnh huấn giáo đắc lực.
- Do đó, giảng phải ít là khởi đi từ Lời Chúa, đúng ra phải nói lên tác động của lời Chúa, không phô trương kiến thức riêng (LM 9; 19), không dùng hoa ngữ và luận lý khôn ngoan đời này, nhưng khiêm tốn như người đã có đôi tai môn đệ, thân mật như bạn đồng liêu trao đổi với nhau về giáo huấn của Thầy mình. Và như vậy sự thán phục của thính giả mới là sự thán phục về “ân sủng xuất ra từ miệng Người” (Lc 4,22).
4.2. Huấn giáo
- Còn phải huấn giáo mọi người (cả người ngoại)
- Tuy nhiên, giảng chưa đủ để chu toàn nhiệm vụ giáo huấn. “Vì được tham dự chức vụ của các Tông đồ theo phận vụ của mình, nên các linh mục được Thiên Chúa ban ân sủng để làm thừa tác viên của Chúa Giêsu Kitô giữa muôn dân và thi hành chức vụ thánh rao giảng Phúc Âm hầu việc dâng hiến muôn dân làm của lễ được chấp nhận và thánh hóa” (LM 2). Như vậy, linh mục có trách nhiệm giáo huấn mọi người và mắc nợ đối với mọi người, cách riêng đối với những người sắp nhận các bí tích (LM 4).
Vatican II không sẻn so gợi ý với chúng ta về cách thức phải làm: “Khi sống một cách tốt lành (1) giữa dân ngoại để làm cho họ tôn vinh Thiên Chúa, khi công khai giảng thuyết (2) để loan truyền mầu nhiệm Chúa Kitô cho những người chưa tin, khi dạy giáo lý Kitô giáo (3) và giải thích giáo thuyết của Hội Thánh (4), khi chăm lo nghiên cứu những vấn đề thời đại (5) dưới ánh sáng Chúa Kitô: trong mọi trường hợp, phận sự của các linh mục không phải là giảng dạy sự thông thái của mình, nhưng là giảng dạy Lời Chúa và phải khẩn thiết mời gọi mọi người cải thiện và nên thánh, hoán cải và tin vào Phúc Âm” (nt).
Riêng đối với những con chiên ngoan đạo, linh mục đừng sao nhãng giúp họ biết thêm Lời Chúa, thi hành Luật Chúa, biết dâng hy tế của Đức Kitô và hiến dâng cuộc đời mình, để họ biết cầu nguyện khi lãnh nhận các bí tích, để tinh thần cầu nguyện thấm nhập đời sống, để họ biết chu toàn phận vụ hằng ngày trong tình thân bác ái và truyền giáo.
- Cả lúc nghịch
Hoàn cảnh càng khó, lại càng phải ý thức mạnh mẽ hơn về nhiệm vụ và càng phải có nhiều sáng tạo hơn và can đảm. Chúng ta nghe lời căn dặn khẩn thiết của thánh Phaolô nói với Timôthêô: “Hãy rao giảng Lời, hãy ứng phó lúc thuận lúc nghịch... hãy thi hành công tác giảng viên, hãy trọn niềm phục vụ” (1 Tm 4,2-5). Người cũng nói với Titô: “Còn anh, hãy nói những gì hợp với đạo lý thuần lương” (2,1).
- Gương cha Thánh Vinh Sơn Liêm
Hãy bắt chước các thánh Tử Đạo Việt Nam. Không những các ngài rao giảng cho con chiên khi thi hành phận sự linh mục, mà ngay cả khi đã bị bắt, lúc ở trong tù, cho tới khi sắp bị hành quyết nơi pháp trường, các ngài vẫn tìm cách rao giảng các chân lý của đạo. Ai mà không biết cha thánh Vinh Sơn Liêm đã đóng vai trò tích cực thế nào trong cuộc tranh luận gọi là “hội đồng tứ giáo” trước mặt vua chúa thời bấy giờ?!
5. Kết: Hãy chăm đọc và ân cần học hỏi thánh kinh
- Ước gì khi trung thành “rao giảng lời Chúa ở mọi nơi”, chúng ta có Chúa cùng hành động và củng cố lời bởi phép lạ kèm theo (Mc 16,20).
- Sách vở và phương tiện chỉ giúp đỡ phần nào thôi. Điều cốt yếu là “tất cả các giáo sĩ, trước hết là các linh mục của Chúa Kitô phải gắn bó với Thánh Kinh nhờ chăm đọc và ân cần học hỏi, để khi họ phải truyền đạt kho tàng bao la của Lời Chúa..., không ai trong họ sẽ trở thành người huênh hoang rao giảng Lời Thiên Chúa ngoài môi miệng, bởi không lắng nghe Lời Chúa trong lòng” (MK 5). Và câu đáng sợ hơn: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (nt). Mà chúng ta lại là những đại diện Người sai đi rao giảng cho muôn dân. Nhiệm vụ thánh này không kêu gọi chúng ta phải có những thái độ cụ thể đổi mới trong quan niệm về dọn giảng và giảng giải hay sao?
BÀI 6:
ĐỔI MỚI PHƯỢNG TỰ LINH MỤC LÀ THỪA TÁC VIÊN CỦA CÁC MẦU NHIỆM THÁNH
1. Dẫn: Sắc lệnh về Linh Mục 5
- “Thiên Chúa là Đấng Thánh và là Đấng Thánh hóa duy nhất đã muốn nhận một số người làm cộng sự viên và trợ tá, những người khiêm tốn phục vụ công việc thánh hóa. Các linh mục được Thiên Chúa hiển thánh qua tay Đức Giám mục, để nhờ được tham dự cách đặc biệt vào chức tư tế của Đức Kitô, các ngài cử hành việc phụng tự thánh với tư cách là thừa tác viên của Đấng không ngừng thực thi trong phụng vụ tác vụ tư tế của Người, nhờ Chúa Thánh Thần, để mưu ích cho chúng ta” (LM 5).
- Bản văn trên của Công Đồng cho chúng ta những nhân tố thiết yếu để hiểu sâu và đổi mới nhiệm vụ thánh hóa mà Chúa đã trao phó cho chúng ta trong chức linh mục. Đó là chính công việc của Thiên Chúa mà Ngài đã đoái thương chia sẻ cho chúng ta, bởi vì duy chỉ có Người là thánh và việc tác thánh cũng chỉ mình Người làm được. Tại sao vậy? Muốn hiểu được, chúng ta phải biết thánh là gì, và thế nào là thánh hóa? Đạo chúng ta có quan niệm rất đặc biệt về những vấn đề này, mà diễn tả nhiều khi không dễ dàng.
2. Thiên Chúa là Đấng Thánh và là Đấng thánh hóa
2.1. Thiên Chúa là Đấng Thánh
- Đối với với chúng ta, thánh thiện không phải chỉ là đạo đức hoặc là ăn ngay ở lành. Có nhiều lời phát biểu trong vụ phong thánh 1988 tỏ ra tác giả những lời ấy không am hiểu quan niệm thánh trong Thiên Chúa giáo và Kitô giáo. Chúng ta tuyên xưng duy chỉ có Chúa là thánh; còn tất cả mọi loài chỉ được kêu gọi nên thánh. Như vậy, bản chất của Chúa là thánh, còn mọi loài phải được Chúa ban ơn mới nên thánh được. Sự đó nói lên Thiên Chúa khác hẳn mọi loài. Và chính sự khác biệt này là sự thánh. Thánh là thần, là Chúa, là siêu việt, là tuyệt vời, là gì mà tâm trí không mường tượng được, tai mắt không nghe không thấy được, và ước nguyện không sao giải thích được.
- Người Do Thái ngày xưa cảm thấy thánh chính là sự khác biệt lớn lao giữa Đức Chúa và mọi loài, nên không những con cái Itraen phải đứng xa Thiên Chúa (Xh 19,17-24), mà cả đến Môsê cũng không thể nhìn thấy Ngài mà sống được (Xh 33, 20). Elia là nhà tiên tri vô địch về sự thánh, đã sống tách khỏi mọi người và thế gian, tưởng là có thể nhìn được Đức Chúa, nhưng cuối cùng vẫn run sợ như muốn chết khi cảm thấy Ngài đang đến gần (1 V 19,13)... Isaia cũng vậy (Is 6,1-5). Và trong Tân ước khi Phêrô vừa ý thức Đức Giêsu là Đấng Thánh, ông vội quỳ mọp xuống xin Ngài xa đi, đừng đứng gần con vì con tội lỗi (Lc 5,8).
2.2. Thiên Chúa thánh hóa
- Thiên Chúa tự thông ban sự thánh của mình bằng nhiều cách
Tuy nhiên, những sự khác biệt không lấp nổi giữa Thiên Chúa và mọi loài cũng chỉ là một phương diện của sự thánh, vì Thiên Chúa tuy cao vời nhưng lại không ở xa. Ngài muốn thông ban sự thánh của Ngài cho chúng sinh. Và trước hết băng chính việc Ngài tự mặc khải mình ra. “Được biết Ngài” đã là được đưa vào sự thánh thiện của Ngài. Do đó, Lời Ngài có sức thánh hóa, và rao giảng Lời Ngài đã là thánh hóa người ta. Đặt sách Thánh nơi ngai cũng là có Đấng Thánh ở trước mặt, không khác lắm Mình Thánh Chúa đâu. Trong Thánh kinh Cựu ước có kiểu nói “Đức Chúa thánh hóa mình” để diễn tả việc Ngài tỏ mình ra là Đấng Thánh. Cho nên, ngay việc tạo dựng cũng là một cách thánh hóa vì kéo mọi loài ra khỏi hư vô để được hiện hữu trước Thiên Chúa. Và tạo dựng nào lúc đầu cũng đều tốt. Rồi các cuộc hiển linh, các việc Đức Chúa làm trong Cựu ước cũng là những lần Ngài vừa tỏ mình vừa tỏ sự thánh thiện của Ngài ra. Con cái Itraen được chứng kiến và được hưởng những ơn cao cả ấy, khác với mọi dân, nên Đức Chúa là “Đấng Thánh của họ” và Ngài cũng công nhận “ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Hs 11,9).
- Itraen phải nên thánh
Ý thức được ơn gọi đặc biệt ấy, con cái Itraen thấy mình có nhiệm vụ phải nên thánh; nói đúng hơn, họ luôn được Đức Chúa kêu gọi nên thánh, chỉ được thờ phượng Ngài, phải tuân giữ lời Ngài, phải đặt mọi tin tưởng ở nơi Ngài. Nhưng dù có các cố gắng của các tiên tri, họ vẫn không giữ nổi và trở nên ô uế. Rất nhiều lễ nghi thanh tẩy được đặt ra với những chi tiết rất tỉ mỉ cũng là vì thế. Nhưng tất cả đều tỏ ra bất lực cho đến ngày Đức Kitô trở nên con chiên đến gánh tội thiên hạ, tự hiến thánh mình, để tất cả được hiển thánh khi đi vào mầu nhiệm tử nạn-phục sinh vừa xóa bỏ tội lỗi vừa ban sự sống mới của Thánh Thần.
- Thánh hóa hoàn toàn là việc của Thiên Chúa
Như vậy, công việc thánh hóa hoàn toàn là của Chúa. Chính Ngài đã nghĩ ra, đã thực hiện, bằng chính các hành động của Ngài, chứ mọi nỗ lực của con người đều vô ích (Rm 3,21-26). Thánh Phaolô nói: chúng ta được công chính hóa không do sự nghiệp riêng nhưng do lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa đã yêu thương đến nỗi khi chúng ta đang còn là tội nhân mà Ngài đã sai Con Một của Ngài đến đền thay tội lỗi chúng ta (Rm 5,8). Thế nên thánh Phêrô khuyên nhủ mọi người: “Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát..., nhưng là nhờ máu châu báu của Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích, là Đức Kitô” (1 Pr 1,18-19). Vậy, tác giả thư Do Thái nói tiếp: “Chúng ta hãy dạn dĩ tiến lại gần ngai ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (4,16).
3. Chúng ta cộng tác vào công việc thánh hóa
- Thời các tông đồ cộng tác
Lời kêu gọi này đã được tung ra ngay trong lời rao giảng đầu tiên của các Tông đồ (Cv 2,39), những người được Đức Kitô sai đi thâu nạp môn đồ khắp nơi. Lời ấy cũng đã được lập tức đón nhận và có lối 3000 người đã chịu thanh tẩy nhân danh Đức Kitô để được tha thứ tội lỗi và được lĩnh ơn Thánh Thần. Chúng ta ngày nay phải cộng tác
Ngày nay, chúng ta chính là những người tiếp tục sứ mạng của các Tông đồ, được trao nhiệm vụ thánh hóa. Không kể việc chính mình phải nỗ lực nên thánh như tất cả mọi người trong Giáo Hội (GH 39) vì “Thiên Chúa muốn anh em được thánh hóa” (1 Tx 4,3) và ai cũng đã được Đức Giêsu kêu gọi “hãy nên trọn lành như Cha trên trời” (Mt 5,48), chúng ta còn phải luôn nhớ những điều trên đây để thi hành lời Công Đồng (LM 5), khiêm tốn cộng tác vào công việc thánh hóa. Đây là việc của chính Thiên Chúa, vì duy Ngài là Thánh và là Đấng thánh hóa duy nhất. Ngài đã thực hiện nhờ Đức Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta được chọn làm cộng sự viên, nhưng thực ra chỉ là những thừa tác viên, để làm những việc mà Chúa đã trao cho Hội Thánh.
Thế nên, chúng ta luôn phải khiêm nhường và khiêm tốn thi hành ý muốn và đúng ý của Đấng đã sai đi. Và “vì ý muốn của Thiên Chúa là sự thánh hóa anh em” (1 Tx 4,3), nên chúng ta luôn phải sẵn sàng và chăm chỉ thi hành nhiệm vụ thánh hóa. Phúc cho đoàn chiên nào luôn có vị chủ chăn ngày đêm sẵn sàng phục vụ như vậy! Phúc hơn nữa cho chính “tôi tớ đó, Chủ đến mà gặp nó đang làm như vậy” (Lc 12,43).
- Gương các thánh Tử Đạo Việt Nam cộng tác trong khiêm tốn
Các thánh linh mục Tử Đạo Việt Nam ngày trước đã rất đáng phục về phương diện này. Các ngài đã sẵn sàng và nhiệt tình quá sức, vượt qua mọi gian truân thử thách để thi hành nhiệm vụ thánh hóa: nhiều vị phải sống chui rúc ban ngày để ban đêm làm mục vụ.
Đi đôi với lòng nhiệt thành ấy, các ngài còn tỏ ra rất mực khiêm tốn, đúng như thánh Inhaxiô Tử đạo đã minh chứng: Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, trong khi thi hành các bí tích, các linh mục liên kết trong phẩm trật thánh với giám mục (Thư gửi Smyrne).
- Giữ kỷ luật phụng vụ, không được tự tiện.
Sự liên kết này không những nói lên sự hiệp thông, mà nhất là ý thức về vai trò của mình. Apollô là gì? Phaolô là gì? Chính Thánh Thần mới là Đấng thánh hóa qua việc làm của các thừa tác viên. Hội Thánh là Hiền thê trung thành đã bảo vệ và truyền đạt những việc Chúa đã thiết định. Là quản lý trung trực và khôn ngoan, các thừa tác viên phải nhiệt thành nhưng không được tự tiện, phải chăm chỉ nhưng phải tuân giữ kỷ luật của Phụng vụ để việc tôn thờ được chân thật và việc làm có giá trị, đề không phải thừa tác viên thánh hóa, nhưng là Đức Giêsu đang dâng hy tế duy nhất để Chúa Cha ban ơn công chính hóa cho những kẻ có lòng tin.
4. Chuẩn bị tâm hồn người đón nhận
4.1. Giúp cho họ có lòng tin
Như vậy, thêm vào những tư cách trên, linh mục khi thi hành nhiệm vụ thánh hóa, còn phải chuẩn bị tâm hồn người đón nhận để họ có lòng tin. Kinh Thánh nói Chúa Giêsu không làm được phép lạ ở Nazaret vì người ta không có lòng tin (Mc 6,1-6). Ngài luôn đòi niềm tin khi làm phép lạ. Giáo Hội ngày nay muốn có phần lời Chúa trước mỗi cử hành phụng vụ, cho dù vắn tắt, cũng nhằm mục đích ấy.
4.2. Đòi đổi mới ở nhiều việc
Việc này đòi chúng ta có nhiều thái độ đổi mới: từ việc chuẩn bị xa đến việc chuẩn bị gần, từ việc dạy giáo lý đến việc lựa chọn các bài Kinh Thánh, từ việc săn sóc các đồ dùng để cử hành bí tích đến cách cử hành để người ta biết đón nhận ơn thánh. Ấy là chưa kể việc còn phải muốn làm sao cho có nhiều người tham dự việc cử hành, để làm nổi bật vai trò của Hội Thánh trong nhiệm vụ thánh hóa, cũng như để cộng đoàn dân Chúa được giáo huấn thêm và biết hỗ trợ những người lãnh nhận bí tích.
4.3. Về giải tội tập thể
- Việc giáo huấn và hỗ trợ dân Chúa lãnh nhận bí tích khó một cách đặc biệt nơi bí tích cáo giải. Giáo Hội quyết tâm duy trì việc giải tội cho từng hối nhân. Chỉ trong những trường hợp rất đặc biệt và có phép mới được giải tội tập thể. Lý do sâu xa có lẽ là vì mỗi hối nhân là một con bệnh riêng: chẳng có lối chữa bệnh tập thể nào, cho dù trong trường hợp rất nhiều người mặc cùng một chứng bệnh. Cơ thể mỗi người đều khác nhau, nên lối chữa chung vẫn đòi có sự săn sóc riêng. Do đó, có giải tội tập thể cũng luôn luôn phải nhắc hối nhân có nghĩa vụ đi xưng tội riêng, sớm nhất có thể khi có tội nặng, và thường không được lãnh ơn tha tội tập thể hai lần liền mà không có việc xưng tội riêng xen vào thời gian giữa hai lần ấy (giáo luật các điều 961-963).
- Tuy nhiên, không vì vậy mà bí tích cáo giải ít có tính “tập thể”, “Hội Thánh”, hơn các bí tích khác. Linh mục có nghĩa vụ giảng chung cho nhiều người về bí tích hòa giải này; người hãy giúp họ nhận thức phải cáo lỗi cùng Thiên Chúa và cùng anh chị em, cũng như phải xin anh chị em cầu nguyện cho mình được ơn tha thứ. Nhất là hối nhân có biết tha thứ mới được thứ tha (Mt 6,14. 15). Ngoài ra, những cử hành thống hối cộng đồng cũng rất nên được tổ chức, đặc biệt vào những mùa phụng vụ sám hối của Hội Thánh.
- Giải tội, một nhiệm vụ gánh nặng, nhưng cũng là một vinh dự, rất nhiều khi hân hoan: Phải thú thật, bí tích cáo giải có lẽ là gánh nặng nhất cho linh mục trong nhiệm vụ thánh hóa. Linh mục vừa ngại xưng tội vừa ngại ngồi tòa. Khác với các linh mục thời tử đạo, ao ước được xưng tội và liều mạng khi đi giải tội lén. Người ta thường cám ơn rối rít và hậu tạ cho linh mục chứng hôn cho người ta, đang khi thừa tác viên của bí tích hôn phối lại là chính họ. Còn vai trò của linh mục ngồi tòa lại thường bị quên lãng đang khi chính nhờ người mà người ta được lãnh ơn thánh hóa cần thiết và chắc chắn hơn cả. Phải chăng thái độ ấy không vô tình lập lại cách cư xử của người ta trước cảnh Chúa bị đóng đinh sao? Mà quả thật vị linh mục nổi tiếng siêng năng ngồi tòa giải tội đã có bộ mặt hốc hác như thể Chúa bị đóng đinh: cha sở xứ Ars. Có lẽ vì thánh nhân còn muốn đền tội thay cho người ta nữa bằng bao việc hy sinh, hãm xác. Và đó là tấm gương vô cùng quý giá, nói lên tấm lòng của vị thừa tác viên thật sự muốn là cộng tác viên của Thiên Chúa để thánh hóa người ta, vì không có ơn tha thứ mà không có đổ máu (Hr 9,22).
- Tuy nhiên, nguyên việc nhớ đến câu nói: “Ai nào có thể tha tội được, trừ phi là một mình Thiên Chúa?” (Mc 2,7) đủ để khích lệ chúng ta siêng năng và cần mẫn đối với bí tích cáo giải, vì chính Chúa đã ban quyền ấy cho chúng ta (Ga 20,23). Onus, honor. Không những chúng ta được vinh dự của Thiên Chúa, nếu dám nói như vậy, nhiều khi Chúa cũng thưởng công chúng ta một cách khá rõ rệt và ban cho chúng ta được những tâm tình hân hoan như Đức Mẹ khi đi thăm bà chị họ. Người đã đon đả lên đường cho dù biết cuộc hành trình đầy vất vả hiểm nguy và mệt nhọc. Nhưng khi thấy Gioan nhảy mừng, bà Êlisabeth đầy Thánh Thần, Đức Mẹ đã vui mừng và dám nói: “Muôn đời sẽ khen tôi có phúc” (Lc 1,48). Đôi khi chúng ta cũng được sự hân hoan tương tự khi bắt được một con “cá xộp”, khi làm cho một người trở lại, một gia đình tìm lại được thuận hòa, một bệnh nhân ra đi về với Chúa với nét mặt rực rỡ tỏa ra ơn được thánh hóa. Và một linh mục siêng năng ngồi tòa khi qua đời sẽ được nhiều người thương tiếc.
5. Kết: Hãy vui tươi khi cử hành các mầu nhiệm thánh
- Để kết luận, chúng ta hãy đọc kỹ lại câu Công Đồng nói về ơn gọi linh mục: “Để liên kết các tín hữu thành một thân thể duy nhất, trong đó ‘không phải tất cả các chi thể đều có cùng một chức năng’ (Rm 12,4), chính Chúa đã thiết đặt một số thừa tác viên, những người nhờ chức thánh được trao quyền tế lễ và tha tội trong cộng đoàn tín hữu” (LM 2).
- Tế lễ và tha tội là hai việc, nhưng dưới một góc độ nào đó lại chẳng là một sao? Chúa Giêsu tế lễ làm gì nếu không nhằm mục đích tha tội? Chúng ta tham dự lễ tế của Người làm gì, nếu không để được thánh hóa và trở thành lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa. Mọi công việc của linh mục, từ việc rao giảng Phúc Âm, cử hành các bí tích, điều hành giáo xứ, đều nhằm mục đích duy nhất, như là Phaolô nói, là “đính hôn anh em với Chúa Kitô làm người bạn trăm năm vẹn sạch không tỳ ố” (2 C 11,2). Nghĩ như vậy mà không vui sao? Lẽ nào có thể không vui trong ngày cưới? Dù mệt nhọc sau lễ, linh mục hãy vui lên để tỏ cho dân Chúa biết họ đã nhận được ơn Chúa, như người cha gặp lại đứa con, tìm lại được con chiên lạc... Ngày chủ nhật là ngày lễ, phải vui vì con cái Chúa xum họp; được có Chúa Sống Lại ở giữa, được gần viễn tượng Chúa trở lại; gần thấy thiên đàng; được thấy sức sống mới của Hội Thánh, Tin Mừng được rao giảng, Thánh Thần đến thay đổi mặt đất. Thật là ngày của Chúa. Chúa đã làm nên, chúng ta hãy hân hoan về ngày đó (Tv 117,24).
- Đối với chức năng thánh hóa, đặc biệt trong việc cử hành bí tích cáo giải, không là đối mới toàn diện thừa tác vụ linh mục sao?
BÀI 7:
ĐỔI MỚI LÃNH ĐẠO LINH MỤC LÀ CHỦ CHĂN
1. Vatican II với quan niệm mới về chức năng vương đế
- Nói về thừa tác vụ linh mục, Vatican II có vẻ chưa đổi mới vì vẫn còn theo khuôn khổ cũ, liệt kê ba nhiệm vụ của linh mục là rao giảng, thánh hóa và lãnh đạo. Vẫn là ba chức năng ngôn sứ, tư tế và vương đế, hoàn hảo nơi Đức Kitô và được thông ban cho toàn thể Hội Thánh để mọi thành phần đều được tham gia.
- Tuy nhiên, Vatican II đã trình bày những chân lý ấy một cách mới mẻ và sâu rộng, khiến chúng ta phải đón nhận và thi hành nhiệm vụ thứ ba của thừa tác vụ linh mục, tức nhiệm vụ cai trị hoặc lãnh đạo một cách mới mẻ. Đó là chức năng tập họp dân Chúa, tổ chức cộng đoàn, dẫn dắt đoàn chiên, quản lý một phần dân Chúa được trao phó cho chúng ta. Và chúng ta phải hiểu tất cả những phận sự ấy theo quan niệm mà truyền thống gọi là quyền “vương đế” hoặc “cai trị” (regere).
2. Chúa Giêsu là vua, nhưng không theo quan niệm của người đương thời
- Thực ra, nơi giáo dân tư cách vương đế này vẫn khó được đón nhận. Nói đến “vương đế”, tự nhiên người ta nghĩ ngay đến vương tước, vương hầu, vương tôn, vương giả, sặc mùi quân chủ, phong kiến, triều đình, chính trị, giàu sang, thế lực. Đầu óc người dân mới cũng không khác gì não trạng người dân cũ trong vấn đề này.
- Và chúng ta biết Đức Giêsu đã quyết liệt muốn đổi mới hoàn toàn não trạng ấy. Người không chịu cho ai khoác vào cho Người những màu mè thế gian đó. Không những Người sinh sống khó nghèo và khẳng định giáo lý của Người chỉ người nghèo mới đón nhận được (x. Lc 18,18-30), mà khi thấy người ta muốn tôn Người làm vua vì chứng kiến các phép lạ Người làm, Người đã vội lẩn trốn đi cầu nguyện nơi sa mạc (Ga 6,15). Cả khi Phêrô tuyên xưng Người là Đấng Thiên sai, Người cũng ngăn cấm ông và các môn đệ không được nói với ai điều ấy (Mc 8,30; Mt 16,20) vì đầu óc người ta bây giờ thường chỉ quan niệm Đấng Thiên sai theo hình ảnh một vị hoàng đế đầy quyền uy, đến nỗi Hêrôđê đã phải ra tay giết nhiều trẻ thơ vô tội khi nghe vua Do Thái ra đời (Mt 2,16-18).
- Phải đợi đến khi trở thành tù nhân, bị trói đứng trước mặt Philatô đại diện chính quyền của đế quốc Rôma, Đức Giêsu mới xác định rõ ràng: “Ông nói đúng, tôi là vua” (Ga 18,37). Lạ thay lời ấy có sức mạnh đến nỗi viên trấn thủ đầy quyền lực đã phải ghi vào bản án đóng trên cây thập tự của Người. Các kỳ mục Do Thái xin ông sửa lại một chút thôi, ông vẫn không chịu và đáp lại vẫn gọn: Quod scripsi, scripsi. Điều ta đã viết là đã viết (Ga 19,22). Và từ ngày đó danh hiệu vương đế của Đức Kitô càng ngày càng được biết tới và công nhận.
- Chúng ta phải trở về những đoạn Kinh Thánh trên để hiểu đúng về chức năng vương đế trong Kitô giáo và về quyền lãnh đạo trong dân Chúa. Đức Giêsu đã khước từ một cách quyết liệt mọi cái thuộc về hoàng đế theo kiểu thế gian, vì Nước Người không thuộc về thế gian này (Ga 18,35). Người thực sự là vua trong “Vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an” (Kinh Tiền Tụng Lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ), trong Vương quốc của những người đã được giải thoát khỏi bóng tối tội lỗi, được tự do khỏi cảnh làm tôi mục nát mà vào địa vị tự do trong vinh quang thuộc hàng con cái Thiên Chúa (Rm 8,21). Chính vì vậy Đức Giêsu chỉ công nhận và khởi sự làm vua thật sự để khai mạc triều đại của Người khi bước vào mầu nhiệm tử nạn, khởi sự một cách cụ thể từ khi vào Giêrusalem để đi nộp mình và đạt tới đỉnh cao khi bị treo trên thập giá; tất cả những gì là nô lệ cho tội lỗi đã bị đóng đinh; và một sự sống tự do vương đế được thông ban cho những ai chấp nhận bị đóng đinh nơi Đức Giêsu.
3. Người tín hữu được chia sẻ quyền làm vua
- Do đó, người tín hữu được chia sẻ quyền vương đế khi họ nhờ phép rửa, chết đi cho con người cũ và sống theo con người mới. Họ càng tự do đối với con người tội lỗi bao nhiêu, họ càng thống trị được dục vọng, cai trị được xác thịt lăng loàn và làm chủ được bản thân.
- Họ còn phải thi hành chức năng vương đế ấy trong tổ chức gia đình thánh thiện và khi góp phần lành mạnh hóa xã hội, tiêu diệt những cái xấu và thiết lập những cái tốt (x. GH 36). Và quả thật, thế giới đã, đang, và sẽ tôn vinh mãi những con người như thế trong mọi lãnh vực, đang khi các công hầu, vương tôn theo kiểu thế gian đã bị truất phế, lên án, khi thay vì có tinh thần phục vụ chân lý và công bình, họ tựa vào quyền lực mà gây nên tội ác và chiến tranh.
4. Vai trò lãnh đạo của chức linh mục
4.1. “Lãnh đạo” là phục vụ
- Nắm vững được những giáo lý trên, chúng ta mới hiểu được chức năng lãnh đạo trong chức linh mục. Khi đặt nhóm Mười Hai, Đức Giêsu đã cho họ được quyền ngay cả trên các thần ô uế (Mc 3,14; 6,7; Mt 10,1); nhưng Người vẫn ra lệnh cho các môn đệ rằng:
“Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân tộc thì dùng quyền mà thông trị dân, và những người làm lớn nơi họ thì lấy quyền mà cai quản dân. Nơi anh em thì không như thế! Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10,42-44; Mt 20,24-28; Lc 22,24-27).
- Muốn hiểu hết sức mạnh của những lời rõ ràng ấy, chúng ta hãy đặt chúng vào mạch văn: Đức Giêsu khẳng định như vậy để kết thúc câu chuyện con cái ông Giêbêđê xin ngồi bên tả bên hữu trong Nước Người, khiến mười người kia phẫn uất (Mc 10,35-41).
4.2. Mẫu gương của chính Đức Giêsu
- Người còn lấy chính đời sống của Người ra làm mẫu mực: “Vì chưng, Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).
- Cuối cùng, câu Người nói: “Ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người” phải được hiểu với tất cả sức mạnh cụ thể của nó, chứ đừng hiểu theo nghĩa bóng bảy. Đức Giêsu muốn nói đến thân phận đầy tớ, tức là nô lệ thời bấy giờ. Nó như thế nào, phim QUO VADIS chăng hạn, đã cho chúng ta hiểu được một chút. Hơn nữa, Người còn muốn gợi đến hình ảnh người tôi tớ trong sách Is 53 mà Người đã áp dụng vào cho mình và sống theo lời sách ấy. Rõ ràng, Người đã đóng vai trò tôi tớ trong câu chuyện rửa chân cho môn đệ (Ga 13,1-15) để ra lệnh cho chúng ta: “Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13,16).
4.3. Những từ ngữ “phục vụ”, “thừa tác vụ”...
- Thực ra, ai trong Giáo Hội dám có ý tưởng lớn hơn Chúa? Nhưng sống như Chúa, có lẽ bản tính xác thịt cũng ngại lắm. Phải chăng vì vậy mà từ “tôi tớ” (doulos) dần dần ít được dùng hơn, để nhường chỗ cho từ “phục vụ” (diakonos)? Và mọi hoạt động trong tông đồ vụ đều được gọi băng từ “phục vụ”: phục vụ lời, phục vụ bàn thờ, phục vụ bàn ăn, phục vụ anh em,... Rồi chữ “thừa tác vụ” (ministre) cũng phát xuất từ đó. Tuy nhiên, từ ngữ có khác, nhưng nội dung vẫn không thay đổi. Vì tất cả, kể cả từ “tôi tớ”, trước hết vẫn phải hướng tư tưởng về Chúa: là tôi tớ Chúa, phải phục vụ Chúa, là thừa tác viên của Chúa; rồi sau đó mới hướng tới anh em.
- Thành ra, những từ trên không được hiểu ở bình diện xã hội thế tục: Chúa chẳng muốn ai sống kiếp nô lệ đâu, một muốn giải phóng mọi người khỏi nếp sống đó từ cội rễ. Tất cả đều phải hiểu ở bình diện thiêng liêng của Nước Trời mà luật duy nhất là bác ái. Dù lãnh đạo hay phục vụ, dù là tôi tớ hay là thừa tác viên, luôn luôn vẫn phải đối xử với anh em như Chúa đã đối xử với chúng ta và như ý Người muốn. Người không muốn xây dựng một xã hội trần thế, nhưng muốn Hội Thánh của Người là cộng đoàn bác ái, cộng đoàn huynh đệ, làm chứng cho ơn cứu độ của Đức Kitô đã đem xuống trần gian, là thu nạp con cái Thiên Chúa tản mác bốn phương về lại làm một (Ga 11,52) mà sau ngày sống lại, Đức Giêsu đã trao cho Phêrô chăn dắt (Ga 21,15-17).
4.4. Khái niệm “chăm sóc linh hồn anh em”
- Ở đây, chúng ta lại gặp một từ mới. Chúa đã đặt những vị chủ chăn trong Hội Thánh và chúng ta được chia sẻ nhiệm vụ này để “chăm sóc linh hồn anh em” (Dt 13,17; 1 P 5,2-5).
- Thật ra, trong Cựu ước không bao giờ Chúa xưng mình là mục tử, nhưng dân được coi như chiên cứu của Ngài thì nhiều (Tv 95,7; 78,52; Is 40,11; Hs 4,16). Chức vụ mục tử, thường dành cho những người đại diện Chúa, như Môsê (Tv 77,21), Giôsua (Ds 27,15-20), các thẩm phán (2 87,7), các kỳ mục (Gr 2,8), và nhất là cho Đấng sẽ phải đến (Ez 34).
- Tuy nhiên, tất cả đã chuẩn bị để Đức Giêsu có thể công khai tuyên bố: “Người chăn chiên tốt, chính là Ta” (Ga 10,10.14); và Người trao danh xưng và nhiệm vụ ấy lại cho các Tông đồ trong Hội Thánh. Đọc kỹ Gioan chương 10, chúng ta thấy quả thật chỉ có Đức Giêsu mới có thể là mục tử tốt, vì quá nhiều tư cách mà các môn đệ không thể nào có được, đặc biệt vì Người thí mạng sống vì chiên và vì Người biết chiên cũng như chiên biết Người. Cái chết của Người và cái biết của Người hết sức đặc biệt. Không có tính Thiên Chúa, không có cái chết và cái biết nào được như vậy. Tuy nhiên, Đức Giêsu vẫn đầy lòng ưu ái đặt lên trong Hội Thánh những mục tử để chăn dắt đoàn chiên của Người và theo cách thức của Người, “Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1 Pr 5,3). Nguyên một lời nhắn nhủ đó thôi đã khiến chúng ta phải có quan niệm thiêng liêng đạo đức như thế nào về nhiệm vụ chăn giữ linh hồn anh em.
5. Áp dụng cụ thể
5.1. Không còn quan niệm quyền đạo trên quyền đời - Tôn trọng quyền dân sự
Với những từ diễn tả quyền lãnh đạo như trên, không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta phải “trả cho Cêsar những cái của César”, bắt chước Đức Giêsu khi tuyên bố mình là Vua, đồng thời đã công nhận quyền xét xử của Philatô (Ga 19,11). Hết rồi những thời đại áp dụng học thuyết Platon vào mục vụ, coi thế giới hữu hình là phóng ảnh lờ mờ của thế giới thần tượng, và do đó hồn phải trị xác như con ngựa bất kham để quyền đạo cũng phải ở trên quyền đời.
5.2. Giáo Hội muốn tỏ ra khiêm tốn, bỏ mũ ba tầng.
- Giáo Hội ngày nay vẫn không chối bỏ và nhượng bộ một mảy may trong phạm vi quyền thiêng liêng; nhưng đồng thời muốn tỏ ra rất khiêm tốn và muốn là một Giáo Hội nghèo, tức là không có uy quyền thế tục, trong thế giới hiện tại.
- Lựa chon thái độ này để trở về với Phúc Âm, Giáo Hội biết rõ phải đổi mới như thế nào, không những đối với các chính quyền xã hội, mà ngay cả trong dân Chúa. Thái độ và những lời phát biểu của ĐTC Phaolô VI trước Hội đồng Liên Hiệp Quốc, cũng không khác gì quyết định của người bỏ mũ ba tầng, bỏ kiệu song loan và muốn cỗ quan tài của mình nằm thấp trên mặt đất.
- Từ những ngày đó, uy quyền lãnh đạo của các Đức giáo hoàng đâu có suy yếu mà chỉ tăng thêm. Lý do là khi gạt bỏ được những lá bùa và dù che của thế quyền, uy quyền của Thiên Chúa lại càng dễ tỏ hiện nơi sự yếu đuối của con người.
5.3. Cụ thể: đơn giản lễ nghi tiếp đón giám mục.
- Chúng ta thử nói trực tiếp và cụ thể hơn. Hãy đơn giản hóa lễ nghi tiếp đón giám mục theo kiểu ngày xưa. – Cuộc rước mở đầu Thánh lễ như phụng vụ chỉ dẫn đã quá đủ rồi. Những sáo ngữ giới thiệu “mũ ngọc gậy vàng” không đúng với sự thật để nói về cái mũ và cây gậy của người chăn chiên, các bài chào mừng với những kiểu nói: “Đức Cha bớt thời giờ vàng ngọc, không quản đường xa trắc trở đến thăm giáo xứ chúng con”, cũng nên dẹp đi cho việc tiếp xúc được chân thật và hợp lý.
- Ngay cả kiểu nói “đại diện Thiên Chúa và Đức Kitô” cũng chỉ nên tin khi giám mục, linh mục cử hành những hành vi cứu độ mà Chúa Cứu Thế đã thiết lập, hơn là nhắc đi nói lại trong những bài chào mừng theo nghi thức. Vì chúng ta phải đổi mới vai trò lãnh đạo đã được trao cho chúng ta...
5.4. Quan niệm quyền lãnh đạo về mặt thiêng liêng - Gương cha Thánh Vianney
- Đó vẫn là quyền vương đế. Nhưng khi đã quan niệm Giáo Hội theo góc độ thiêng liêng nhiều hơn thì quyền lãnh đạo cũng phải mang tính đạo đức hơn là xã hội. Đức Giêsu dạy chúng ta phải học với Người và ở “hiền lành khiêm nhường” (Mt 11,29). Thánh Phêrô khuyên chúng ta phải “nên gương mẫu cho đoàn chiên” (1 Pr 5,3), tức là phải đạo đức để con chiên nên đạo đức, phải bắt chước Chúa để con chiên bắt chước mình. Thi hành những điều ấy thật không dễ, nhưng có thể được nếu chúng ta ý thức vai trò lãnh đạo được trao phó là để xây dựng Giáo Hội nên thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô.
- Những việc chính yếu phải làm để cai trị không còn phải là những tổ chức trật tự trị an trong giáo xứ, bắt bài bắt bạc hoặc chỉ trích nặng lời những tệ đoan xã hội, nhưng là những việc rao giảng Tin Mừng, cử hành các bí tích, thi hành lòng bác ái để chính ơn Chúa đến cứu độ con người. Vì chỉ có Chúa Cha mới lôi kéo được người ta đến với Đức Kitô, và chỉ có Chúa Thánh Thần mới thay đổi được mặt địa cầu này. Nên bắt chước cha thánh Gioan Maria Vianey thì tốt hơn: Người đã khóc lóc cầu nguyện, ăn chay hãm mình cho con chiên, để dọn cho Chúa một dân tốt lành.
- Nói tắt, phải thiết lập uy quyền thiêng liêng trên những phương tiện và phương diện thiêng liêng. Khi làm cho giáo dân trưởng thành được về đức tin đê xây dựng gia đình gương mẫu, biết góp phần làm cho giáo xứ sốt săng hơn và xã hội công bình bác ái hơn, thì việc thi hành chức năng lãnh đạo của linh mục mới đạt được kết quả, Vì như Công Đồng nói: “Là sứ giả của Tin Mừng và mục tử của Giáo Hội, linh mục kiên trì nỗ lực hoạt động vì sự phát tiền thiêng liêng của Thân Thể Chúa Kitô” (LM 6, cuối cùng). Đó là công việc các Tông đồ đầu tiên trong Hội Thánh đã làm và các thánh linh mục tử đạo Việt Nam cũng đã ganh đua như thế, hầu để hương lại cho chúng ta, để chúng ta bắt chước hầu trở nên gương mẫu cho đoàn chiên.
6. Kết. Gương sáng của các TTĐVN, cai trị là phục vụ
- Cha thánh Phêrô Tự đã có những tư tưởng rất rõ về quyền bính. Ngài nói: “Thưa quan, tôi kính Thiên Chúa như Thượng phụ, kính vua như trung phụ, kính song thân như hạ phụ. Không thể nghe cha ruột để hại vua, không thể vì vua mà phạm đến thượng phụ là Thiên Chúa được!”. Và thánh Ven khi được hỏi: “Ai sai anh đến đây?”. Người đáp: “Không phải vua quan đất Pháp gởi tôi đi; tôi muốn đi rao giảng đạo lành cho mọi người, và các bề trên trong đạo gởi tôi đi”.
- Và khi quan muốn gán cho cha tội xâm lược, cha khảng khái nói: “Không bao giờ chúng tôi ủng hộ quân viễn chinh đâu! Nếu không tin, xin cứ để tôi đến gặp họ, tôi sẽ khiển trách việc họ đến gây chiến. Nếu tôi thất bại, xin tình nguyện về đây nộp mạng”.
Đó là tiếng nói của những người không muốn cai trị, nhưng chỉ muốn phục vụ; không đến để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ. Đó là tiếng nói của những người rất ý thức về sứ mạng của mình và muốn theo gương Thầy Chí Thánh để làm trọn sứ mạng ấy, để xây nên Giáo Hội này và để đi trước nêu gương cho chúng ta.
BÀI 8:
ĐỔI MỚI NHIỆM SỞ LINH MỤC LÀ NGƯỜI CỦA MỌI NGƯỜI
1. Dẫn: Ơn gọi tông đồ muôn dân (lưu ý của cha Congar)
- Cha Yves Congar có một cuốn sách nhỏ trong loại Foi vivante, đó là cuôn “Vaste monde, ma paroisse”, thế giới mênh mông là giáo xứ của tôi. Người không viết riêng cho linh mục, mà cho mọi tín hữu. Nhưng chính vì vậy mà linh mục cũng cần đọc để hướng dẫn tín hữu. Tất nhiên, không phải ai cũng có cuốn sách ấy và không phải ai có cũng đều đã đọc, nhất là đọc tất cả. Tuy nhiên, chỉ một cái nhìn thoáng qua mục lục, cũng có thể hiểu ý của tác giả. Người muốn lay động ý thức tín hữu, không muôn họ sống trong pháo đài, chẳng chịu bước ra khỏi lũy tre xanh, ngay đến hàng rào của gia đình và tệ hơn nữa chẳng bao giờ để mắt nhìn sang người bên cạnh để trở nên một người Samaritanô nhân hậu. Tác giả kêu gọi các tín hữu của Chúa phải thi hành lệnh truyền: đi tới muôn dân, thu nạp môn đồ cho Chúa ở khắp nơi. Họ phải sống bác ái, lấy những vui mừng và hy vọng của người khác làm của mình, sống xứng đáng với đức tin công giáo. Và khi làm như vậy, mọi tín hữu sẽ nhận thấy ngay rằng thế giới ngày nay đang đặt ra cho mình vô vàn vấn đề, không phải ở xa chúng ta nhưng rất gần chúng ta. Và tác giả muốn giúp đỡ các tín hữu giải quyết các vấn đề ấy.
- Chúng ta không có ý toát lược cuốn sách của tác giả. Nhưng dựa vào thao thức của một nhà thần học nổi tiếng có tinh thần mục vụ, ở đây cũng muốn nói chúng ta phải đổi mới quan niệm về nhiệm sở, để xứng đáng hơn với ơn gọi là tông đồ muôn dân.
2. “Nhiệm vụ quốc tế”: với cả thế giới và cho tất cả loài người
2.1. Khi cầu nguyện, dâng Thánh lễ
Cha Congar nói đúng lắm: “Thế giới mênh mông là giáo xứ của tôi”, nghĩa là của mọi người đã chia sẻ chức tư tế sung mãn của Đức Kitô, đặc biệt là hàng tư tế tác viên trong Hội Thánh. Không ai dám nói chúng ta không ý thức và thi hành “nhiệm vụ quốc tế” này, bởi vì mỗi khi linh mục đọc các giờ kinh phụng vụ và nhất là dâng Thánh lễ, người thực sự là tiếng nói của tất cả tạo vật đến trao đổi với Thiên Chúa và là thừa tác viên của mầu nhiệm cứu độ vì phần rỗi của tất cả thế gian. Chỉ cần người cử hành tất cả những việc phụng thờ ấy trong “tinh thần và chân lý” (Ga 4,24), trong Thần Khí và Sự Thật, trong Thánh Thần và Đức Kitô, trong tinh thần của Nhiệm Thể bao la, với lòng nhiệt thành thiêt tha với phần rỗi của hết thảy mọi thế hệ loài người, chết cũng như sống.
2.2. Khi theo dõi tin tức thế giới với tâm hồn tông đồ
- Ngày nay, với những phương tiện truyền thông rất khoa học và hiện đại, linh mục có nhiều dịp để tiếp xúc với tất cả thế giới. Người có thể chia sẻ tất cả mọi nỗi vui mừng và hy vọng với tất cả loài người trong tinh thần cứu độ và để thi hành nghĩa vụ tông đồ muôn dân, nếu người đưa mọi nỗi u sầu và lo lắng, vui mừng và hy vọng ây vào trái tim để cầu nguyện và dâng lễ.
- Đức Gioan XXIII có lần xem tivi thấy đua xe hơi ngộ nạn, người tắt tivi, đi cầu nguyện... Đức Gioan Phaolô II, và đặc biệt ĐTC Phanxicô, khi dâng lễ nhớ đến bao lời khấn xin của cả thế giới. Nhất là nếu người lại biến những tin tức nhận được ấy thành thao thức tông đồ, muốn hiệp thông với hàng giám mục ở mọi nơi tìm những giải đáp thích hợp và suy nghĩ áp dụng phần nào cho mục vụ nơi nhiệm sở của mình. Như vậy, người sẽ là cha xứ của cả thế giới và người nhìn thấy cả thế giới ngay tại giáo xứ của mình. Người đáp ứng đúng mục đích của cuốn sách chúng ta vừa nêu trên, vì tác giả, cha Yves Congar, chỉ muốn bất cứ tín hữu nào và cách riêng các linh mục, hãy sống xứng đáng với ơn tư tế mà Đức Kitô đã thông ban cho chúng ta để biến đổi tất cả nên lễ vật thánh, một của lễ được dâng từ đông sang tây.
2.3. Những dịp đặc biệt
- Ngoài việc hằng ngày cầu nguyện và dâng lễ với cả thế giới và cho tất cả loài người, ngoài việc theo dõi tin tức thế giới với tâm hồn tông đồ, linh mục cũng như toàn thể dân Chúa còn được kêu gọi chu toàn sứ mệnh cứu chuộc nhân loại một cách đặc biệt trong ngày Khánh nhật truyền giáo mỗi năm và ngày Hòa bình thế giới. Đó là những dịp để chúng ta mở rộng tầm mắt và tâm hồn để chia sẻ mục vụ của Giáo Hội toàn cầu.
- Ngày nay, những chuyến công du mục vụ của ĐTC đến mọi nơi trên thế giới cũng là những cơ hội quý báu nhắc nhở chúng ta về nghĩa vụ phải đến mọi tạo vật, kết nạp môn đồ cho Chúa ở khắp nơi. Vinh dự cho chúng ta khi được hiệp thông với ĐTC trong những dịp như thế, bằng lời cầu nguyện và việc hy sinh, bằng cách chia sẻ các tư tưởng của người, khiến tất cả chúng ta cùng với người thi hành tông đồ vụ cho tất cả thế giới.
2.4. Tinh thần nhiệt thành tông đồ quốc tế
- Có thể đôi khi mở rộng tâm hồn đến mọi chân trời như thế, chúng ta thấy thế giới phức tạp quá, nhiều vấn đề quá, nhất là nhiều tội lỗi và tối tăm quá, đang khi Giáo Hội thật chỉ là một đoàn chiên nhỏ và có khi càng ngày càng nhỏ. Chúng ta đặt nghi vấn về tương lai của nhân loại, về giá trị cứu độ của Hội Thánh. Nhưng đó chính là lúc chúng ta phải sống đức tin và gia tăng lòng nhiệt thành tông đồ. Há Chúa đã chẳng nói: “Hỡi đoàn chiên nhỏ của Ta, các con đừng sợ, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33); hãy tin vào Thầy, vào Hội Thánh, và việc quyền năng của Thiên Chúa càng dễ tỏ hiện nơi sự yếu đuối của con người (x. 2 Cr 4,7; 12,10). Thánh Luca lạc quan khác thường trong phần cuối sách Công vụ Tông đồ khi nhìn thấy việc truyền giáo của thánh Phaolô sắp kết thúc với việc Người tử đạo. Hạt miến sắp rơi xuống đất và thối đi. Nó sẽ sinh ra nhiều bông hạt.
- Các thánh Tử đạo Việt Nam vừa đi vừa hát khi ra pháp trường, vì tin chắc máu Tử đạo là hạt giống sinh ra người có đạo. Gần đây Công Đồng đã nói với chúng ta: “Thế giới đang được trao phó cho tình yêu và thừa tác vụ của các vị chủ chăn trong Giáo Hội chính là thế giới mà Thiên Chúa đã yêu thương đến nỗi đã trao ban Con Một của Ngài. Thật ra, thế giới ngày nay, tuy bị tội lỗi đè nặng nhưng không thiếu nguồn năng lực, nên vẫn đang tặng hiến cho Giáo Hội những viên đá sống động để cùng nhau xây nên đền thờ Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần. Khi Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội khai mở những nẻo đường mới dẫn đến thế giới ngày nay, thì chính Ngài cũng khởi xướng và phát huy những điều chỉnh thích ứng cho tác vụ linh mục” (LM 22).
3. Tập nhìn thấy cả thế giới và đáp ứng vô vàn yêu cầu tôn giáo nơi những con người trong giáo xứ
3.1. Giáo xứ là cả một thế giới
- Với câu nói cuối cùng này, Công Đồng đã gợi ý cho chúng ta phải ĐỔI MỚI cho phù hợp với những đòi hỏi của mục vụ thế giới ngày nay. Chúng ta hãy tập nhìn thấy tất cả thế giới ngay trong nhiệm sở của chúng ta, vì tuy khác nhau về rất nhiều phương diện, ở miền nào cũng có những con người ngày nay với những vấn đề về tôn giáo của thời đại này.
- Do đó, thay vì nói thế giới mênh mông là giáo xứ của tôi, người ta cũng có thể đổi lại: giáo xứ của tôi là cả một thế giới mênh mông. Và đó cũng là điều mà cha Yves Congar muốn cho mọi tín hữu hiệu. Người muốn mọi tín hữu Kitô, nhất là mọi linh mục, biết đáp ứng các yêu cầu tôn giáo của thế giới ngày nay, hiện thân nơi chính những con người đang sống tại giáo xứ của mình. Tại đây, trong nhiệm sở nhỏ bé này, cũng có vấn đề giàu và nghèo, phát triển và nợ nần, ma túy và bệnh tật, hữu thần và vô thần, dân số và gia đình, ngừa thai và phá thai, tuổi già và tuổi trẻ, khoa học và thất nghiệp...
3.2. Bỏ mẫu tổ chức giáo xứ xưa đi, chỉ biết 99 con chiên lành
Chúng ta không thấy sao? Chúng ta sẽ để lại cho các thế hệ mai sau một gia sản như thế nào, nếu bây giờ là tổ chức giáo xứ ngày xửa ngày xưa? Có lẽ chúng ta quen sống với 99 con chiên lành mà không để ý đến con chiên lạc, tệ hơn, có thể chúng ta bằng lòng có vài con chiên giúp việc và bỏ rơi mọi con chiên khác. Thế mà bao bài dụ ngôn trong Các sách Tin Mừng hợp ý đồng tình khẳng định phải đi tìm con chiên lạc ấy. Vì nó quý ư? Đúng, nhưng cũng đừng loại viễn tượng nó có thể lôi kéo nhiều con chiên khác. Hơn nữa, chắc gì chúng ta đã có 99 con chiên lành! Chúng ta thử đếm lại xem thực sự có được mấy con chiên sống đạo xứng đáng trưởng thành, biết sống hiệp thông và bác ái, biết xây dựng Hội Thánh và nên thánh giữa đời và bằng các công việc đời.
3.3. Nhiều việc lắm, đừng ở không, đừng tự mãn
- Không ý tứ cái nhìn hời hợt dễ đưa chúng ta vào sự tự mãn đến nỗi thấy không cần cố gắng thêm gì nữa. Thái độ này dễ dẫn đến nếp sống nhàn cư vi bất thiện, hoặc ít nhất cũng dễ làm cho người ta có cảm tưởng linh mục sống nhàn quá! Ít ra nếp sống như vậy chưa mở cửa ra đủ, để như lời Đức Gioan XXIII đã nói, “Khí mát của ơn Thánh Thần có thể lùa vào đem lại sức sống mạnh hơn cho những người sống ở trong nhà”.
- Ngược lại, ở một vài nhiệm sở, không cần mở cửa, linh mục cũng đã nhìn thấy quá nhiều vấn đề vô phương đáp ứng, đến nỗi cũng chỉ muốn đóng ngay cửa lại, khoanh tay chẳng muốn làm gì, ước chỉ được rơi vào những xứ béo hơn, hoặc tưởng hay là hưu non trước cho rồi.
4. Chia sẻ gánh nặng mục vụ của Giáo Hội toàn cầu
4.1. Chia sẻ gánh nặng với ĐTC
Dĩ nhiên, đó chỉ là cám dỗ, tự nhiên, nhất thời. Ở đâu cũng phải làm việc, và đã làm việc là phải chịu vất và suốt ngày dưới nắng gắt (x. Dụ ngôn những người thợ Mt 20,1-16). Nhưng cụ thể chúng ta có thể làm gì cho cái thế giới bao la của xứ chúng ta? Ở trên chúng ta đã nói cần phải chia sẻ gánh nặng mục vụ của Đức Thánh Cha đối với cả thế giới...
4.2. Chia sẻ gánh nặng với giám mục giáo phận
- Ở đây có lẽ trước hết nên lập lại điều Công Đồng đã viết và chúng ta đã nhắc đến nhiều lần: “Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, linh mục là hiện thân của giám mục mà các ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại, lãnh nhận phần chức vụ cùng chia sẻ nỗi lo lắng của giám mục và hằng ngày ân cần thi hành chức vụ ấy. Dưới quyền giám mục, linh mục thánh hóa và dẫn dắt một phần đoàn chiên Chúa giao phó cho mình, làm cho người ta thấy được Giáo Hội phổ quát ngay tại địa phương mình, góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng toàn Thân thể Chúa Kitô” (GH 28).
- Tinh thần chia sẻ thứ mục vụ của giáo phận này đã được trau dồi cho chúng ta ngay khi còn ở chủng viện, như Sắc lệnh về Đào tạo Chủng sinh viết: “Chủng sinh phải thấm nhuần mầu nhiệm Hội Thánh đã được Thánh Công Đồng này đặc biệt minh giải, sao cho luôn biết gắn bó với vị Đại Diện Chúa Kitô bằng một tình yêu khiêm tốn và hiếu thảo, và khi đã trở thành linh mục, họ sẽ là những cộng sự viên tín cẩn luôn liên kết với Giám mục của mình,... Phải dạy cho họ biết mở rộng tâm hồn tham gia cuộc sống của toàn thể Giáo Hội, như lời thánh Augustinô đã nói: “Kẻ nào càng yêu mến Giáo Hội của Chúa Kitô, càng có Chúa Thánh Thần” (ĐT 9).
5. Tiến đến một mục vụ chung với bốn dấu chỉ
- Do đó, chính thái độ muốn duy nhất với giám mục và anh em linh mục trong khi thi hành mục vụ, đã là dấu chỉ nếp sống và các công việc của chúng ta có tính Hội Thánh phổ quát. Nó đòi sự gặp gỡ, trao đổi, nhường nhịn nhau để giáo phận, giáo hạt và các giáo xứ gần nhau có một mục vụ chung. Chúng ta không sợ không thể đi đến một thứ mục vụ chung như vậy, vì chúng ta đã có tiêu chuẩn phải biểu thị khuôn mặt của Hội Thánh Đức Giêsu Kitô ngay tại địa phương của mình.
- Tính duy nhất. Hội Thánh trước hết có tính duy nhất, không những trong đức mến, đức tin, đức cậy, mà còn trong phẩm trật, trong phụng vụ, trong chia sẻ. Giáo Hội Việt Nam trong thời kỳ có các Tử đạo chắc chắn đã có sự duy nhất hơn chúng ta như trong vụ phong thánh 1988.
- Tính thánh thiện. Nay chúng ta đã có các vị hiển thánh, Giáo Hội Việt Nam phải có những nỗ lực mới biểu dương tính thánh thiện của Hội Thánh, làm sao để xóa bỏ được bao thành kiến sai lầm. Gần đây có người hỏi tại sao lúc này ở những địa phương công giáo cũng nhan nhản những vụ tai tiếng về phong hóa? Những biện pháp thích hợp đã chẳng được viết trong Ep 6,10-20 sao?
- Tính công giáo. Rồi tính công giáo của Hội Thánh thì thế nào trong giáo phận chúng ta? Chúng ta có quá đóng kín, bảo thủ không? Giáo dân chúng ta biết nhìn sang người khác và xã hội để tích cực sống tình đồng bào và chia sẻ vui mừng và hy vọng với xã hội chưa? Có nên quan tâm nâng cao hệ thống giáo dục xã hội hiện nay lên không? Có thể bảo người lớn, trẻ em gìn giữ các cơ ngơi công cộng không?
- Tính tông truyền. Còn tính tông truyền của Hội Thánh không lẽ chỉ có thể biểu thị bằng cách một lòng đọc hoặc hát kinh Tin Kính của các thánh Tông đồ và thi hành các chỉ thị của Rôma? Thiết nghĩ hơn nữa, còn phải đi sâu vào tâm hồn các Tông đồ, chia sẻ kho tàng tình yêu vô tận của Thiên Chúa mà Đức Kitô và Chúa Thánh Thần đã đặt trong lòng các ngài. Thời ấy chắc chắn tinh thần các ngài chỉ tràn ngập một ý trí: là rao giảng Đức Giêsu chịu đóng đinh và sống lại cho hết mọi tạo vật, để biến đổi mọi người trở nên Kitô mới. Đặt vào miệng các ngài câu “Vaste monde, ma paroisse” thì thật đúng. Và nhờ Thánh Thần, quả thật, tiếng các ngài đã vang đến tận cùng thế giới và có thể nói tới tận sâu thẳm nhất của tâm hồn con người. Mục vụ của các ngài vừa có chiều rộng và chiều sâu. Nó đã phải có những sáng kiến táo bạo, nhưng vẫn được thông qua trong cộng đồng anh em. Nhất là nó đã phải có một sức can đảm phi thường để rao truyền mầu nhiệm thập giá, là trò hề cho người Hy Lạp và là ô nhục cho người Do Thái (1 Cr 1,23). Nhưng tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, các ngài đã thành công.
6. Kết: Tầm mắt và tâm hồn mở rộng trên toàn thế giới
- Tiếp nối ơn gọi và sứ mạng của các ngài, hàng tư tế chúng ta ngày này cần có tầm mắt và tâm hồn xa hơn, rộng hơn khuôn viên nhà thờ của mình. Chúng ta cần để lại nhiều lần đoạn kết Sắc lệnh về chức vụ và đời sống của chúng ta (LM 22) mà mấy câu chính là “Các linh mục hãy nhớ rằng không bao giờ các ngài lẻ loi khi hành bổn phận... Các anh em trong chức linh mục ngay cả các tín hữu trên toàn thế giới vẫn luôn liên kết với các ngài. Thật vậy, tất cả các linh mục đều cộng tác để hoàn tất chương trình cứu độ, chính là mầu nhiệm Chúa Kitô, mầu nhiệm đã được giữ kín... Như thế, các vị lãnh đạo trong Giáo Hội phải bước đi trong đức tin, theo gương của Abraham, người đầy lòng tin... Người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa có thể sánh với người gieo giống trong ruộng như lời Chúa nói “người ấy ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống vẫn nảy mầm và lớn lên, bằng cách nào người ấy cũng không biết (Mc 4,27)”.
- Đúng, nhiệm sở của chúng ta không nhỏ, phận sự chúng ta rất khó, nhưng chúng ta cứ vững niềm tin mà hành động theo gương cha xứ hiện nay của cả thế giới (ĐTC Phanxicô).
BÀI 9:
ĐỔI MỚI ĐỜI SỐNG LINH MỤC LÀ CON NGƯỜI ĐƯỢC HIẾN THÁNH
1. Đổi mới đời sống: Một điều khẩn thiết
- Càng suy nghĩ về ơn gọi và nhiệm vụ của linh mục, chúng ta càng cảm thấy phải đổi mới đời sống hiện nay của chúng ta. Không thể an tâm trước những đòi hỏi của chức linh mục. Nỗi lo lắng có thể không khiến chúng ta mất ăn mất ngủ và hồi hộp hoảng hốt như khi đứng trước những chuyện bất ngờ xảy đến về mặt xã hội, nhưng nó lại âm thầm, dai dẳng, đục khoét sự bình an sâu xa của tâm hồn. Không cần ai lên án chúng ta cả. Chính lương tâm của mình.
Chính lời Chúa mà chúng ta đã gặp nhiều lần: “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác, và sau đó không còn có thể làm gì hơn nữa... Hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hỏa ngục. Thật, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Đấng ấy!” (Lc 12,4-5). Và Đấng ấy, chúng ta biết, nay đã đến rồi (Ga 9,39). Mặc dầu Người nói: “Thiên Chúa không sai Con đến trong thế gian để xét xử thế gian” (Ga 3,17), nhưng “kẻ không tin thì đã bị án xử rồi” (Ga 3,18). Và đã thiếu gì lần có thể áp dụng vào cho chính chúng ta, lời sau đây: “Ta xử ngươi theo miệng ngươi nói” (Lc 19,22) và “bởi lời người nói, ngươi sẽ bị kết án” (Mt 12,37).
- Quả thật, miệng lưỡi chúng ta không ngớt rao giảng sự thánh thiện, mà lòng chúng ta vẫn không hối cải! Chúng ta trao ban bao nhiêu mầu nhiệm thánh, mà đời sống chúng ta cũng chẳng nên thánh thiện! Chúng ta ra việc đền tội cho người ta, mà chính mình chẳng nghĩ đến sự thống hối! Một thánh Phaolô còn sợ rằng sau khi tận tụy vất vả lo cho phần rỗi anh em, thân mình sẽ ra như thế nào (1 Cr 9,27), huống nữa là chúng ta! Thế nên, chúng ta “hãy đi đứng sao cho xứng đáng với ơn thiên triệu” (Ep 4,1).
2. Cùng một ơn gọi nên thánh như giáo dân, nhưng linh mục có nghĩa vụ phải làm gương.
- Không phải chúng ta có ơn gọi phải nên thánh hơn những người khác. Lời sách Lêvi (20,26) áp dụng cho mọi người: “Các ngươi phải thuộc về Ta, phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Ta là Đấng Thánh, và Ta đã tách biệt các ngươi ra khỏi các dân để các ngươi thuộc về Ta”. Cũng như lời Đức Giêsu đã nói với tất cả mọi người: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng toàn thiện” (Mt 5,48). Và Công Đồng nói rõ: “Tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đền sự trọn lành của đức Ái” (GH 39). Đó là đòi hỏi tất nhiên của bí tích rửa tội. Nó không ru ngủ chúng ta đâu; ngược lại, nó thúc đẩy chúng ta làm mục vụ cho đến nơi đến chốn, tức là phải làm cho giáo dân đạt tới sự thánh thiện thực sự. Nó chỉ cấm chúng ta không được coi mình như đã ở bậc thánh thiện cao hơn những người khác. Tu phục không làm nên thầy tu. Nó chỉ nhắc nhở thầy tu phải nỗ lực tu tỉnh luôn luôn, vì có thể Satan sẵn sàng sàng chúng ta nhiều hơn (Lc 22,31), và vì một lý do rất dễ hiểu là chúng ta có nghĩa vụ phải trở nên mô phạm cho người khác. Các thánh Tông đồ xưa vẫn thường nhắc đi nhắc lại: “Anh em hãy bắt chước tôi, vì tôi bắt chước Đức Kitô” (1 Cr 11,1).
- Dù sao, có một vấn đề rất cụ thể khiến giáo dân thường thắc mắc và chúng ta cũng khó ăn khó nói: không phải linh mục nào và lúc nào cũng đi đứng xứng với ơn thiên triệu, thậm chí còn gây gương mù gương xấu nữa. Tuy có lời Chúa đã nói: “Hãy nghe lời chúng giảng, đừng theo việc chúng làm” (Mt 23,3), người ta vẫn không hết thắc mắc và chúng ta cũng vẫn thấy mở miệng là mắc quai. Thật ra, ở đây chỉ có đức tin mới giải quyết nổi. Người ta phải tin rằng Apollô cũng chẳng là gì và Phaolô cũng chỉ như thế thôi. Toàn là những tôi tớ của Thiên Chúa để anh em được đức tin và ơn của Thiên Chúa (1Cr 3,5). Hơn nữa, “ở đâu có tội, ở đó ân sủng càng sung mãn” (Rm 5,20). Ơn Chúa không những hoạt động vượt xa khả năng của phương tiện, mà còn bất kể sự bất xứng và tội lỗi của thừa tác viên. Chính chúng ta là những người có kinh nghiệm nhiều nhất, khiến chúng ta càng phải có tinh thần và thái độ khiêm nhường khi thi hành các nhiệm vụ được trao phó. Và sự khiêm nhường này có lẽ là câu trả lời cụ thể có hiệu lực nhất cho những thắc mắc của người ta. Thái độ của người biệt phái đứng trong đền thờ khiến người ta khó chịu; còn thái độ của người thu thuế thật dễ lấy được cảm tình (Lc 18,10-14).
- Do đó, nhân đức đầu tiên mà chúng ta phải quan tâm học và hành là, như lời Chúa dạy, phải hiền lành và khiêm nhường, phải nhận thấy thân phận yếu đuối, bất lực của mình trước đòi hỏi nên thánh và trước các phận sự cao cả đã được trao phó cho mình. Hãy theo gương Phaolô, không có ý tưởng tự phụ về bất cứ điều gì, ngoại trừ về những việc Chúa đoái làm nơi sự yếu đuối và bất xứng của mình (2 Cr 12,9-10).
- Một ý thức như vậy cũng thúc giục chúng ta năng tỏ mình là hối nhân, siêng năng đến với tòa giải tội, thành thật thú nhận với anh em, vì anh em lúc đó chính là hiện thân của Vị Thượng Tế vừa có quyền tha tội vừa sẵn sàng tha thứ vì đã thông cảm và kinh nghiệm mọi sự yếu đuối của chúng ta (Hr 4,15; 5,2). Thái độ đó mà được kéo dài trong mọi lúc của đời sống, thì có lẽ chúng ta sẽ không ngớt rao giảng Đức Giêsu chịu đóng đinh, bằng chính sự thinh lặng mà không cần đến lời nói, và lời rao giảng đó chắc chắn sẽ đem lại nhiều kết quả vững bền.
3. Ơn gọi nên thánh mới do bí tích truyền chức
- Nhưng mặc dù có những lời khẳng định trên đây, Công Đồng vẫn nhắc nhở chúng ta biết rằng: “Khi lãnh nhận bí tích truyền chức, linh mục được thánh hiến cho Thiên Chúa một cách mới mẻ để trở nên dụng cụ sống động của Chúa Kitô linh mục đời đời... Do đó, khi đóng vai trò của chính Chúa Kitô theo cách của mình, mỗi linh mục cũng nhận được những ơn riêng để trong khi phục vụ dân được trao phó cho ngài và phục vụ toàn thể dân Chúa, linh mục có thể theo đuổi dễ dàng sự hoàn thiện của đời sống của Đấng mà mình đóng vai, và để sự yếu đuối của xác thịt loài người được lành mạnh nhờ sự thánh thiện của Đấng vì chúng ta đã trở nên linh mục thượng phẩm “thánh thiện, trong sạch, vô tội, tách biệt khỏi kẻ có tội’ (Dt 7,26)” (LM 12).
- Như vậy, do phép rửa, linh mục được kêu gọi nên trọn lành như mọi người, nhưng do bí tích truyền chức, linh mục lại được thêm ơn riêng để nên thánh theo on gọi của mình mà đại diện cho Chúa Kitô Linh mục Thượng phẩm. Không có đòi hỏi hơn, nhưng có đòi hỏi mới và tất nhiên cũng có những khó khăn mới. Có người nghĩ như vậy mà run sợ. Tuy nhiên, chính Chúa đã nói với Phaolô để người truyền lại cho chúng ta: “Ơn Ta là đủ cho ngươi” (2 Cr 12,9). Phải, nếu chúng ta trung thành phát huy ơn bí tích truyền chức, không những công việc phục vụ của chúng ta không sợ bị đàm tiếu (2 Cr 6,3) mà Thiên Chúa còn làm bật sáng nơi lòng chúng ta, để chúng ta làm cho thiên hạ nhìn biết trong ánh sáng ấy vinh quang của Thiên Chúa chói lòa nơi nhan thánh Chúa Kitô (2 Cr 4,6).
- Hơn ai hết, Phaolô rất ý thức về sự bất xứng của mình đối với ơn Chúa kêu gọi (G1 1,13-15). Người còn biết tội lớn lao của mình đối với Chúa Kitô là khác, khi giận ghét Ngài mà đi truy nã Giáo Hội của Ngài. Và một khi đã biết Chúa thương xót mình rồi và đã được trao ban cho nhiệm vụ đặc biệt tương đương với cương vị của Phêrô (G1 2,7), vị Tông đồ dân ngoại vẫn không quên sự yếu đuối của xác thịt và ngay cả những trở ngại tự nhiên về thân thể cũng như về lời ăn tiếng nói (1 Cr 2,3; Rm 7,14t). Tuy nhiên, Người vẫn mạnh tin ở sự lựa chọn của Thiên Chúa và luôn luôn tạ ơn Chúa đã dùng người “làm hương thơm của Đức Kitô dâng kính Thiên Chúa, tỏa ra giữa những người được cứu độ cũng như những kẻ bị hư mất. Đối với những người bị hư mất, chúng tôi là mùi tử khí đưa đến tử vong, nhưng đối với những người được cứu độ, chúng tôi lại là hương sự sống đưa đến sự sống (2 Cr 2,15t). Và Phaolô nói tiếp: “Không phải là tự mình chúng tôi có sức cáng đáng nổi, hầu dám kể một điều gì như của mình, nhưng sức cáng đáng của chúng tôi là do tự Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng tôi sức cáng đáng làm kẻ phục vụ Giao ước mới” (2 Cr 3,5-6).
4. Ơn riêng của chức vụ (grâce d’état): Linh mục nên thánh ngay trong chính nhiệm vụ được trao phó
- Người ta hay dùng chữ “grâce d’état” (ơn riêng của chức vụ), nhưng không chắc có hiểu đúng và hiểu hết không. Hay là người ta chỉ áp dụng cho những trường hợp đặc biệt, như khi biết trả lời khéo léo để tránh được nguy hiểm. Thiết tưởng phải hiểu rộng hơn nhiều, bao quát tất cả đời sống con người khi thi hành những nhiệm vụ đã được trao phó, như chúng ta có thể đọc thấy trong Ep 4,11-13: Chúa đã ban cho mỗi người mỗi việc để phục vụ xây dựng Thân Thể Đức Kitô, thì khi làm việc đã giao, ai ai cũng có thể nên người thành toàn, đạt đến tâm vóc xứng với sự viên mãn của Đức Kitô. “Bởi đó, khi thi hành thừa tác vụ của Chúa Thánh Thần và của sự công chính (x. 2 Cr 3,8-9), các linh mục được vững mạnh trong đời sống thiêng liêng, miễn là các ngài ngoan ngoãn theo Thánh Thần Chúa Kitô, Đấng ban sự sống và dẫn dắt các ngài” (LM 12). Nói vắn tắt hơn, linh mục không cần phải tìm những phương thế để nên thánh nào khác ở ngoài việc chu toàn tốt các nhiệm vụ được trao phó.
- Việc rao giảng lời Chúa đòi các linh mục phải đọc, phải nghe, phải suy niệm và tìm cách thông đạt. Làm những việc này vì mến Chúa và phần rỗi các linh hồn thi không thể nào không chóng trở thành người môn đệ biết lắng nghe và thưởng thức kho tàng khôn ngoan vô tận của Thiên Chúa. Và khi cử hành các bí tích, cách riêng bí tích Thánh Thể, linh mục nhắc lại mầu nhiệm Chúa chết và sống lại, lẽ nào linh mục không được thêm ơn cứu độ, nếu người biết cử hành với lòng tin cậy mến? Rồi khi dẫn dắt và chăn dắt đoàn chiên, linh mục cố gắng theo gương Đấng Mục Tử đích thực, thì không những không thể bị mang tiếng vì tình và tiền, mà còn được công nhận là có tinh thần phục vụ hy sinh.
- Đúng, không cần tập nhân đức ở đâu khác, ngoài chính trong các phận sự của mình. Làm như vậy, không những chúng ta cứu vớt được linh hồn mình, mà còn cứu vớt được linh hồn anh em một cách hữu hiệu. “Thật vậy, dù ơn Chúa có thể hoàn tất công trình cứu rỗi qua những thừa tác viên bất xứng (ex opere operato), nhưng thường tình Thiên Chúa muốn tỏ ra những việc lạ lùng của Ngài qua những vị sẵn sàng nghe những sự thúc giục và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần hơn, bằng kết hợp mật thiết với Chúa Kitô và bằng một đời sống thánh thiện (ex opere operantis)” (LM 12).
5. Những phương tiện nên thánh
5.1. Cầu nguyện, xét mình
Tinh thần thì như vậy đó. Nhưng xác thịt thì vẫn yếu đuối (Mt 26,41). Do đó chúng ta luôn luôn phải ý thức, việc nên thánh không thể cậy vào sức mình. Phải tựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Phải trung thành với việc cầu nguyện (Mc 9,29) và xét mình. Cha Vianey đã nói: “Điều ngăn cản linh mục chúng ta nên thánh, đó là thiếu suy niệm. Người ta không hồi tâm, không biết mình làm gì. Chúng ta phải suy niệm, nguyện ngắm và kết hợp với Chúa: đó là điều chúng ta phải làm”.
5.2. Ăn chay
Nhưng có khi những cố gắng ấy vẫn chưa giúp chúng ta thắng nổi một tật xấu. Trong trường hợp như vậy, Chúa bảo chúng ta phải ăn chay (Mt 17,21). Ước gì phương pháp này được nhiều người năng dùng lại. Nó là một cách cụ thể để chúng ta đóng đinh xác thịt vào thập giá để nó được thần hóa.
5.3. Khi thành công hay thất bại trong đời mục vụ
- Riêng đối với linh mục, việc tiến bộ về mặt thiêng liêng dễ gặp phải hai địch thù rất khác nhau và xung khắc nhau: đó là sự thành công và thất bại trong khi thi hành nhiệm vụ. Nhiều nhà giảng thuyết thời danh đã hư đi vì nổi tiếng, nhưng cũng có nhiều linh mục buông xuôi và thất bại. Thánh Phaolô là gương mẫu cho chúng ta trong cả hai trường hợp. Người nói: “Phần tôi, tôi không mảy may bận tâm về việc anh em hay phiên tòa nhân loại nào xét xử; mà ngay tôi, tôi cũng không xét xử mình nữa. Đấng xét xử tôi chính là Chúa” (1 Cr 4,3-4). Dĩ nhiên, đã phải có một sự trưởng thành nào đó mới có thể ít nhạy cảm trước dư luận. Trong trường hợp chưa chữa được sự nhạy cảm tự nhiên ấy, có lẽ chỉ còn cách bắt chước Chúa đi ẩn trốn khi thấy người ta muốn cung kính, và cầu xin được sức uống chén đắng khi không thể tránh được.
- Riêng khi rơi vào trường hợp “uống chén đắng”, ước gì lúc đó linh mục có đủ đức tin để nhìn thấy tiếng Chúa đang gọi bước lên cây thập giá để dâng mình làm hy tế cho phần rỗi thế gian. Đó là thái độ của các Thánh Tử đạo Việt Nam mà chúng ta cần bắt chước. - Ít ra, chúng ta cũng hãy đến dưới chân thánh giá, để trong cảnh đau thương, được nghe lại lời trối của Thầy Chí Thánh: “Này là Mẹ con”. Phúc cho ai biết bắt chước người môn đệ thương mến lĩnh lấy Đức Mẹ về nhà mình! Người sẽ an ủi và cho nhìn thấy ơn cứu độ đang chảy ra từ cạnh sườn Chúa; - Người sẽ dẫn chúng ta đến với anh em, vì chỉ linh mục mới hiểu được những đau khổ của linh mục. Và trong cuộc trao đổi đau khổ ấy, biết đâu lại không diễn ra câu chuyện hai môn đệ đi Emmaus ngày trước (Lc 24,13-35), nhất là khi chúng ta biết dùng lời lẽ đức tin để an ủi nhau (1 Tx 4,18) và cùng nhau đến cầu nguyện trước Thánh Thể.
- Cách kỷ niệm ngày sinh nhật chức linh mục. Ngày sinh của linh mục chính là Thứ Năm Tuần Thánh. Sự sống với tất cả khả năng phát triển sau này đã được cấy trong cơ thể ngay từ ngày sinh. Trở về với ơn của bí tích truyền chức là cách hay nhất để múc thêm được sức sống cho việc phát triển ơn gọi. Chúng ta có lý để kỷ niệm ngày hồng phúc ấy. Nhưng ước gì sự kỷ niệm này không chỉ được nhắc lại với những lon bia, nhưng nhất là với chén cứu độ mà ngày hôm ấy chúng ta hãy dâng để nhớ đến Thầy, Đấng đã gọi chúng ta và chẳng bao giờ bỏ rơi chúng ta để dẫn đưa chúng ta nên thánh.
6. Kết: Gương cha thánh Đạt, TĐVN
- Hết thảy các linh mục Tử đạo Việt Nam đều có thể nêu gương cho chúng ta. Ở đây chỉ kể đến cha thánh Gioan Đạt (sinh 1765, chịu chức 1798, tử đạo 1798).
- Nghe bị lùng bắt, ngài vào ẩn trong núi. Thấy yên, ngài ra làm lễ ban đêm tại nhà ông trùm. Lễ vừa xong, bị vây hãm. Giáo dân giục ngài ẩn đi. Ngài nói: Nếu tôi trốn, cả làng sẽ phải khổ. Bị bắt, bị tra, không hề nói đến người khác, lợi dụng mọi cơ hội để giảng đạo và giải tội. Được tin bản án tử hình, ngài vui mừng, chỉ tiếc không có ai giải tội cho mình: ‘Chúa quan phòng cho tôi đến đây để anh em có dịp xưng tội nhiều lần. Nhưng riêng tôi lo lắng, vì mới được chịu chức, tôi còn nhiều tội, mà không có cha nào để xưng’. Chúa cho Ngài được ơn đó: giáo dân xin cho ngài được ra khỏi khu bị giam một lúc, bố trí để ngài gặp và xưng tội với cha Huân. Sau đó, cám ơn các quan, và “xin quan thương đến giáo dân trong tỉnh và bênh vực đạo để được thêm công đức đời này hoặc đời sau. Và ngài dặn giáo dân: nếu anh em được tha về, xin cho tôi được gửi lời kính thăm các cha và tha thiết xin các cha ẩn trốn cẩn thận, kẻo trong thời buổi khó khăn này mà không có người khích lệ, giáo dân làm sao đứng vững được trước sóng gió. Cha Đạt thức suốt đêm để cầu nguyện. Trước khi chết còn khuyên giáo dân bị tù khi quan truyền cho họ phải bỏ đạo: “Anh em hãy suy nghĩ chín chắn. Hãy vâng lời Thiên Chúa trước, sau đó vâng lời vua quan trong những điều hợp lý và công bằng”.
- Đức Cha Leroy viết về cha Đạt: “Cha có tinh thần khó nghèo, tính tình đơn giản, thận trọng, thích thầm lặng, rất khiêm tốn, sống thanh đạm, ham đọc sách, không bao giờ nói xấu ai, đầy nhiệt tình với công việc, vâng lời, ít than phiền mặc dầu sức khỏe yếu. Đức Cha Castorie coi cha như một vị thánh. Riêng tôi rất quý trọng ngài. Khi giảng cho giáo hữu, ngài rất hùng hồn, ít thấy có như thế nơi người Bắc kỳ”.
BÀI 10:
ĐỔI MỚI THẦN TƯỢNG LINH MỤC ĐI THEO ĐỨC GIÊSU KITÔ
1. Dẫn: Ra về mang theo hình ảnh vị Thượng Tế duy nhất để chiêm ngắm mỗi ngày (thư Do Thái)
- Chúng ta hãy dùng những lời Kinh Thánh sau đây để mở đầu cho bài cuối cùng trong tuần tĩnh tâm này. Đó là mấy lời trong thư gửi tín hữu Do Thái: “Thưa anh em là những người trong dân thánh, những người được hưởng chung ơn gọi bởi trời, anh em hãy ngắm nhìn Đức Giê-su là Sứ Giả, là Thượng Tế, là Trung Gian cho chúng ta tuyên xưng đức tin” (3,1).
- Phải, những bài trước đây còn nhiều thiếu sót. Chỉ có thể bù đắp được phần nào, nếu trước khi rời tuần tĩnh tâm này ra về, chúng ta mang theo hình ảnh vị Thượng Tế duy nhất của đạo ta, để chiêm ngưỡng mỗi ngày, hầu dần dần chúng ta cảm nhận được cách xác tín chân dung vị linh mục lý tưởng, thay cho những thần tượng linh mục mà có lần nào đó chúng ta như bị thu hút và tưởng đó là mẫu gương đích thực.
- Không có linh mục lý tưởng nào khác ngoài Đức Giêsu Kitô
Thật khó mà tưởng tượng nổi, sau khi đã thấy nỗ lực của Cựu ước vất vả đập tan mọi ngẫu tượng để đi vào Tân ước, giới thiệu cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc duy nhất là Đức Giêsu, nay sau 2000 năm chịu ảnh hưởng của Ngài, có người lại mơ ước chọn mẫu người khác “làm đường đi, làm sự thật và làm sự sống”. Chúng ta cương quyết tiếp tục đường lối tông truyền, không công nhận có một Tin Mừng cứu độ nào khác ngoài Tin Mừng chúng ta đã tin theo ngay từ buổi đầu, “cho dù có những thiên thần đến nói với chúng ta” (x. 2 Cr 11,4). Chúng ta cũng sẽ chẳng đề cao linh mục nào như là lý tưởng tuyệt với, tư tế nào như là tuyệt hảo. Tất cả đều có giới hạn. Thần tượng duy nhất của chúng ta vẫn chỉ là Đức Giêsu Kính, vị Thượng Tế muôn đời mà Kính Thánh đã cho chúng ta biết, nhưng đòi chúng ta phải chiêm ngưỡng hàng ngày để luôn luôn thấy Người hằng sống và đang chỉ dẫn cho chúng ta những con đường mới mẻ để thi hành chức năng linh mục phù hợp với hoàn cảnh hôm nay.
2. Đức Giêsu không là Thượng Tế trong cuộc sống trần gian
2.1. Đức Giêsu không là Thượng Tế thuộc dòng Lê-vi
- Thật ra, trong suốt cuộc đời ở trần gian, xem ra Đức Giêsu không bao giờ xưng mình là tư tế, thi hành những chức năng tư tế hay sống như một tư tế. Ngược lại là khác. Người đã xuất thân từ chỉ họ Giuđa, chứ không phải chỉ họ Lêvi độc quyền tư tế thời bấy giờ. - Hơn thế nữa, dần dần hàng tư tế thời đó đã bắt đầu nghi ngờ Người, quan sát để bắt bẻ Người và cuối cùng đã đồng tình với mọi thế lực khác, đem treo Người lên cây thập giá.
- Nhưng Người đã chuyển bại thành thắng. Sự sống lại của Người đã vật ngã thần chết, biến hành động của hàng tư tế xưa thành một thảm bại, đến nỗi chức tư tế cũ đã bị xóa bỏ hoàn toàn và được thay thế bằng chức tư tế đã trở thành vị Thượng Tế đời đời để kiện toàn chức tư tế cũ và thông ban chức tư tế mới cho những ai tin vào Người. Đặc biệt, Người cho một số người được chia sẻ chức tư tế thừa tác; và vì được vinh dự ở trong số ấy, nên chúng ta không được chênh mảng việc ngắm nhìn Vị Thượng Tế độc đáo hằng yêu thương chúng ta.
2.2. Nhưng khi bước lên thập giá, Người trở thành Thượng Tế duy nhất
Hai tác phẩm có thể giúp chiêm ngắm Đức Giêsu Thượng tế là sách Khải Huyền và nhất là thư gửi người Do Thái.
- Sách Khải Huyền
Trong sách Khải Huyền ta thấy có những hình ảnh rõ rệt nhưng quá chói sáng, vì được đặt ở trên trời cao quang.
- Thư Do Thái
Thư Do Thái hầu như tập chú chỉ nói về Đức Giêsu Kitô là Thượng Tế, nên cần được nghiên cứu hơn cả.
3. Thư Do Thái và Đức Kitô Thượng Tế
3.1. Thư gửi tín hữu Do Thái
- Một bài giảng Thực ra, trừ chương cuối cùng, cả tác phẩm là một “bài giảng” hơn là một “thư”. Cũng không có lời mở thư như những thư khác.
- Thứ tự
Và đang khi mười ba thư khác của Phaolô được xếp thứ tự theo dài ngắn (Rô Cô Cô, Ga Ê Phi, Cô Tê Tê, Ti Ti Ti, Phi Dt) thì bức thư thứ 14 này, dài chỉ kém thư Rôma thôi, lại bị xếp hàng cuối cùng.
- Tác giả
Còn về lời văn, nó cũng khác 13 thư trước (của Phaolô), nên nếu không có một vài câu cuối cùng, và nhất là nếu không có nội dung phản ánh tư tưởng của Phaolô, thì thật cũng khó có lý do để nói Phaolô là tác giả. Giả thiết hay nhất và được nhiều người tán thành, nghĩ rằng đây là tác phẩm của một môn đệ Phaolô, rất hiểu tư tưởng của thầy mình, đã soạn ra, đưa cho thầy xem lại, và được sự đồng ý của thầy, đã xin thầy viết một vài câu cuối cùng để bản văn được uy tín trước khi gửi đi cho độc giả.
– Vậy tác giả này là ai? Chắc chắn không phải là những người “Hy Lạp”, vì họ biết gì mấy về đền thờ và phụng vụ cũ. Nhưng cũng không phải là những người Do Thái chưa gia nhập Hội Thánh, vì rõ ràng tác giả nói với những người có đức tin sâu sắc. Vậy chỉ có thể là những người Do Thái đã tòng giáo từ lâu mà không nhất thiết phải là những thầy tư tế trong đạo cũ đã trở lại, vì các lời khuyên nhủ thích hợp cho mọi tín hữu.
- Độc giả
- Còn độc giả? Độc giả gốc Do Thái đang có những vấn đề gì mà tác giả phải quan tâm dọn một bài giảng chu đáo như vậy? Chắc chắn họ đang bị thử thách nặng nề, và có vẻ nản chí vì sợ bị bắt bở; nhất là không thấy đạo mới có đền thờ nguy nga và phụng vụ long trọng như trong đạo cũ tại Giêrusalem; và có lẽ người Do Thái đã không cho phép họ được ra vào đền thờ như trước nữa.
- Nội dung: Đức Giêsu Kitô Thượng Tế
- Bối cảnh trên có thể đã khiến tác giả suy nghĩ về ơn cứu độ mà Đức Giêsu Kitô mang đến. Ông đem trình bày dưới góc cạnh phụng vụ và tư tế để giải tỏa những tâm tư trên. Ấy là chưa kể vì thấy Giáo Hội bị bắt bớ và như bất lực trước thử thách, người ta bị cám dỗ mơ ước được một ơn cứu độ siêu phàm, do các thiên thần từ trời mang đến. Sự so sánh ngay từ đầu giữa Đức Giêsu Kitô và các thiên thần cho phép chúng ta nghĩ như vậy, và do đó cũng có ích cho chúng ta trong hoàn cảnh hiện tại. Nhiều người không đang khao khát một ơn cứu độ khác nữa kiểu “sứ điệp từ trời” sao? Giáo Hội hiểu như thế, nên Công Đồng Vatican II đã muốn trình bày Hội Thánh như là “ánh sáng của muôn dân”, nơi chất chứa ơn cứu độ của Chúa.
Nhưng muốn thế, Công Đồng đặt tin tưởng vào hàng linh mục. Hàng linh mục được Chúa Giêsu đặt làm tông đồ muôn dân mà nhiệt thành sẽ giúp người ta nhận ra “Ánh sáng muôn dân” (tức Đức Giêsu Kitô) nơi Hội Thánh. Do đó tìm hiểu chức tư tế nơi Đức Giêsu để bắt chước Người mà thi hành thừa tác vụ linh mục cho đúng là việc bổ ích không những cho bản thân linh mục mà còn cho nhiều người khác nữa. Nhưng làm sao có thể vắn gọn trình bày về vị Thượng Tế vĩnh cửu trong một thời gian vắn vỏi và nhất là vào những phút chót của tuần tĩnh tâm đã kéo dài? Chúng ta chỉ có thể lựa chọn một vài tư tưởng, giúp mỗi người có đà suy nghĩ thêm để được an tâm và phấn khởi thi hành chức năng linh mục của mình trong hoàn cảnh hiện tại.
3.2. Hãy đăm nhìn lên Chúa Giêsu
- Nhìn lên Đức Giêsu
Chính tác giả bức thư cũng đã viết: “Cả ta nữa, hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chỉ ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa” (12,1-2). Nói cách khác, để không mặc cảm tội lỗi và sợ hãi thi hành chức năng linh mục trong những điều kiện hiện nay, chúng ta hãy đăm nhìn lên Đức Giêsu, Đấng đã kêu gọi ta thì cũng sẽ hoàn thành tốt đẹp thừa tác vụ mà Người đã thương cho chúng ta được tham dự.
- Đức Giêsu trổi vượt hơn các nhân vật Cựu ước
Nhìn lên Người, chúng ta dễ dàng thấy Người trổi vượt hẳn mọi nhân vật của Cựu ước. - Sánh với các tiên tri thì đã quá rõ ràng rồi, vì “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử, Đấng mà Ngài đã đặt làm thừa kế mọi loài” (1,1-2).
Và như vậy, Đức Giêsu cũng hơn cả Abraham và nhất là Môsê. Những vị này chỉ nhận được lời hứa, chứ không nắm được thực tại. Abraham còn phải nộp thuế thập phân và cúi lãnh phép lành của Menkisêđê là hình ảnh của vị Thượng Tế của đạo mới (7,1). Còn Môsê được vinh dự gắn liền tên tuổi với giao ước cũ, nhưng nay cái mới đã đến thay, khiến vinh quang của ông cũng trở nên phai nhòa trước vinh quang của những người phục vụ giao ước mới (3,1).
Riêng các thiên thần là gì? “Nào tất cả các vị đó không phải là những bậc thiêng liêng chuyên lo phụng thờ Chúa, được sai đi phục vụ để mưu ích cho những kẻ sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ sao?” (1,14). Thế nên, chúng ta hãy nhận biết vinh dự của mình và hãy tạ ơn Thiên Chúa và Đức Kitô.
- Đức Giêsu còn thanh tẩy được tội lỗi
Thư Do Thái viết: “Ngài là phản ánh về huy hoàng cả trên là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa... Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Ngài lên ngự bên hữu Đấng cao trời” (1,3). Như vậy, Đức Giêsu không những là Con Thiên Chúa, và với tư cách này Ngài vẫn ở trong cung lòng Thiên Chúa; nhưng Ngài còn thanh tẩy được tội lỗi, tức là đã thi hành được ơn cứu độ mà mọi thế hệ loài người hằng tha thiết cầu mong.
- Phụng vụ Cựu ước bất lực không xóa được tội lỗi
Trước đây và bây giờ, tôn giáo nào cũng nhấn mạnh đến tội lỗi gây bất hòa giữa con người và Thiên Chúa. Và tôn giáo nào cũng tìm cách xóa bỏ tội lỗi, đặc biệt trong Cựu ước. Nhưng xóa bỏ tội lỗi, lấy lại được lòng Thiên Chúa bằng lễ dâng không đủ vì lễ dâng không thanh tẩy được tâm hồn, người ta nhờ đến các hy tế (lễ dâng có đổ máu) và bao quanh hy tế bằng bao hình thức thanh tẩy, trong cách chọn tế vật và trong việc đặc cách một vị thượng tế. Nhưng tế vật trong sạch đến mấy vẫn ở ngoài con người, không thanh tẩy được họ. Cho dù con người có tế hiến chính mình đi nữa, tế vật này vẫn là một con người có tội, chẳng cứu được mình huống nữa là người khác. Thầy thượng tế đạo cũ được chuẩn bị chu đáo lắm: lựa chọn kỹ càng, tắm rửa theo nghi thức, bận lễ phục đặc biệt, được xức dầu thơm và bôi máu tế vật, tránh xa những vật dơ, ngay cả xác của thân phụ mình, để chứng tỏ đã được tách lìa. Nhưng thật ra, tách lìa đâu đã phải không còn là tội nhân và các lễ nghi thanh tẩy kia cùng lắm cũng chỉ có giá trị bên ngoài. Đã không thanh tẩy được tâm hồn thì cũng chẳng xóa tội được cho mình, huống nữa cho người khác. Phụng vụ Cựu ước ý thức như vậy, nên dù mỗi năm thầy thượng tế chỉ được vào nơi cực thánh một lần, long trọng làm những nghỉ lễ thanh tẩy, nhưng xong rồi, cửa nơi cực thánh vẫn cứ đóng lại và mọi người vẫn đứng ngoài, kể cả thầy thượng tế, điều đó chứng tỏ chưa thi hành được ơn giảng hòa, nghĩa là Thiên Chúa và con người vẫn còn cách nhau.
- Đức Giêsu xóa sạch tội lỗi nhờ Tử Nạn-Phục sinh
Mọi sự đã hoàn toàn mới hẳn nơi Đức Giêsu. Là Con Chiên Thiên Chúa, Ngài vô tội. Ngài gánh tội trần gian khi nhập thể nhận lấy thân phận y hệt chúng ta ngoại trừ tội lỗi; Ngài ngang qua tử nạn (2,9), thiết lập giao ước mới trong máu Ngài vì máu không đổ thì tội vạ không được tha (9,22). Và lễ tế của Ngài được chấp nhận vì không những không diễn ra trong đền thờ do tay loài người xây cất, nhưng vượt qua sự chết, Ngài đã lên ngồi bên hữu Thiên Chúa trong sự phục sinh, mở đường cho những ai tin đều có thể dạn dĩ tiến lại gần ngai ân sủng. Đức Giêsu Kitô đã trở thành vị Thượng Tế của Đạo mới, mà thân thể Phục sinh của Ngài là Đền thờ mới và chính Ngài là Hy tế mới. Chúng ta được Ngài ban cho làm tự tế để đại diện ngài mà làm việc Ngài đã làm cho mọi loài được ơn cứu độ.
4. Áp dụng: Hãy nhìn lên Đức Giêsu
- Chúng ta hãy luôn đưa mắt chăm nhìn Ngài để bắt chước Ngài và kết hiệp với Ngài, hầu tuy còn sống trong thân xác, nhưng chúng ta không còn sống nữa mà là chính Chúa Kitô sống trong chúng ta.
- Đặc biệt khi chúng ta thi hành các nhiệm vụ mà Ngài đã trao phó: rao giảng lời Chúa, cử hành các bí tích và dẫn dắt dân Chúa. Những việc ấy chỉ nhằm mục đích xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô, không phải bằng những lời lẽ thông thái của thế gian hoặc bằng những nghi lễ làm theo thói quen hay bằng cách thống trị người khác, nhưng bằng tinh thần kết hiệp với Chúa Kitô trong mầu nhiệm cứu thế, thể hiện sự từ bỏ đến hiến mạng sống mình để sống cho Thiên Chúa trong khi thi hành mọi nhiệm vụ trên. Như vậy mới là thi hành chức tư tế của đạo mới, vì những hy tế như thế Thiên Chúa mới vui lòng chiếu nhận (13,16).
- Xin Mẹ Maria đã đứng gần thập giá dâng hy lễ với Đức Giêsu nhận lấy tất cả chúng ta để giúp chúng ta luôn biết noi gương Con của Người mà thi hành chức năng tư tế. - Xin các thánh Tử đạo Việt Nam phù trợ hàng linh mục của Giáo Hội này để biết đăm nhìn vị Thượng tế Giêsu mà sống đúng chức năng và phong cách tư tế.
5. Kết. Gương cha Vinh Sơn Liêm muốn đồng hóa với mầu nhiệm thánh giá
- Để kết luận, chúng ta ghi lại đây một nét trên khuôn mặt của vị linh mục Việt Nam tử đạo đầu tiên, cha Vinh Sơn Liêm dòng Đa Minh.
- Cha là tác giả cuốn “Hội đồng Tứ Giáo” được tái bản 14 lần tại Sài Gòn. Cha bị bắt và bị tù với Cha Jacinto Gia, một linh mục Đaminh người Tây Ban Nha. Khi một viên quan lên tiếng tâu vua: “Hoa Lang Đạo bị nghiêm cấm nhưng cho đến nay chưa người dân Việt Nam nào bị xử tử vì Đạo này, nên xin vua đại xá cho tên Liêm”. Cha Liêm vội lên tiếng thưa; “Cha Gia bị án trảm quyết vì lẽ gì, thì cũng phải lên án trảm quyết tôi vì lẽ đó. Cha Gia là đạo trưởng, tôi cũng là đạo trưởng. Nếu luật nước không kết án tôi thì càng không được kết án cha Gia. Vì tôi là công dân nước Việt, lẽ ra tôi phải giữ luật nước hơn ngài. Nhưng nếu giết cha Gia mà tha tôi, thì án của nhà vua không công minh. Yêu cầu tha thì tha cả hai, giết thì giết cả hai, thế mới là án công bình”. Lời nói đầy tình nghĩa anh em: muốn cứu anh em? Hay muốn nên đồng phận với anh em? Đúng hơn đó là lời nói muốn kết thúc cuộc đời linh mục đã rao giảng, đã làm các bí tích, đã coi sóc đoàn chiên, bây giờ muốn đồng hóa với mầu nhiệm thánh giá của Thượng tế Giêsu để ơn cứu độ được trải rộng trên giang sơn Việt Nam từ nay đến mút cùng trái đất.
- Vinh dự thay cho hàng linh mục Việt Nam có một bậc đàn anh như vậy! Và con đường chúng ta ngày nay phải đi là tiếp nối đường lối của bậc đàn anh: duy nhất với nhau khi thi hành chức năng linh mục để chung lưng xây dựng một Giáo Hội, và nhất là gắn bó với nhau trong hoàn cảnh khó khăn, để hằng ngày theo gương vị Linh mục Thượng Phẩm, Vị Linh mục lý tưởng, Vị Linh mục thần tượng mà chúng ta chiêm ngắm hằng ngày, chúng ta dâng lễ cứu độ được muôn dân.
+ Giám mục Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh