Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 10 Tháng 4 2018 08:17

Ô nhiễm nước đang hủy hoại đời sống người dân

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Ô nhiễm nước đang hủy hoại đời sống người dân


Em Nguyễn Trung Hiếu dùng thùng lấy nước đục bùn
từ đồng ruộng để sử dụng hàng ngày
tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

 


Đô thị hóa và công nghiệp hóa quá nhanh đang đưa chất thải độc hại ra sông hồ ở Việt Nam

Hiện nay, mùa khô hạn đang hoành hành và lượng nước mưa mà bà Maria Hồ Kan-Nuôn trữ từ năm ngoái đang cạn dần.

“Chúng tôi chỉ dùng nước mưa để nấu ăn và uống thôi vì đây là nguồn nước sạch nhất và quý hiếm ở vùng này”, bà mẹ của bốn đứa con cho biết.

Gia đình bà và những người khác trong làng phải đi bộ hơn hai cây số đường rừng để tắm giặt tại một hồ nước do bom tạo nên vào năm 1972.

Làng của bà có 46 hộ gia đình tọa lạc tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Người phụ nữ dân tộc Tà Ôi cho biết trong mấy năm nay họ không thể sử dụng nước từ con suối chảy qua làng vì nước đã bị ô nhiễm.

Con suối có mùi hôi thối do nước thải từ một bệnh viện và rác thải mà người dân trực tiếp xả xuống.

Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng mới đây cho biết chất lượng nước ở các sông, suối, ao, hồ trên cả nước suy giảm đáng báo động. Tình trạng này đang hủy hoại sức khỏe của con người.

Trung tâm cho biết các con sông quanh Hà Nội đã trở thành nơi xả thải và chứa nước đen bốc mùi hôi thối.

Chất thải độc hại, thuốc trừ sâu và phân hóa học tất cả đều là nguồn ô nhiễm trong ba thập niên đô thị hóa và công nghiệp hóa quá nhanh vừa qua.

Gia tăng lo ngại về bệnh tật

“Chúng tôi rất lo ngại sức khỏe của mình có thể bị ảnh hưởng do nước ô nhiễm”, chị Maria Trần Thị Ngọc Hiền ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, cho biết.

Chị Hiền, 40 tuổi, nói rằng mỗi ngày có khoảng 30 tấn rác từ thị xã được đổ ra trên các ngọn đồi gần các khu dân cư. Nhà chị cách một bãi rác khoảng 500 thước.

Những cột khói đen do đốt rác cuồn cuộn bốc lên trời.

Người mẹ có hai con nói rằng vào mùa mưa nước từ bãi rác thấm vào đất canh tác và các đầm nuôi cá. Các đầm nuôi cá cũng bị ô nhiễm nước.

Nhiều người kể cả người trẻ đã chết do ung thư mà có thể do liên quan đến nước và các nguồn ô nhiễm khác.

Em nguyễn Trung Hiếu, 14 tuổi, ở xã Phú Diên, tỉnh Thừa Thiên Huế hàng ngày xách thùng lấy nước ở một kênh thủy lợi về nhà đổ vào thau lớn cho lắng bùn rồi mới dùng được.

Khoảng 13.000 cư dân trong xã phải mua nước hoặc lấy nước từ các kênh thủy lợi vì nước giếng trong vùng bị nhiễm phèn.

Hiếu cho biết em và mẹ hàng tháng chi 80.000 đồng mua nước đóng chai về uống và nấu ăn. Mẹ em lượm ve chai kiếm sống.

Sự hỗ trợ của Giáo hội

Cha Phaolô Nguyễn Ngọc Vinh, chánh xứ Phú Xuân ở huyện Phú Lộc, đã giúp đào 20 giếng nước cho người dân địa phương dùng.

“Ở đây không có nước máy vì thế người ta phải đạp xe mấy cây số để chở nước sạch về dùng”, cha Vinh cho biết.

Vị linh mục còn mời các chuyên gia môi trường đến hướng dẫn giáo dân cách phân loại rác và các chất độc hai thay vì ném xuống sông suối.

Ngài cho biết Caritas ở Huế cũng cung cấp các thiết bị lọc nước cho người dân.

Nữ tu dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, Anna Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết ba dòng tu ở Huế điều hành các hệ thống lọc nước cho hàng ngàn người ở thành phố và nông thôn dùng.

Chị Hồng nói rằng người nghèo thì được cấp nước miễn phí trong khi những người khác thì mua với giá 8.000 đồng một bình 20 lít. Số tiền này được dùng trả tiền điện, bảo trì hệ thống.

Nữ tu cũng cho biết những nơi không có nguồn cấp nước sạch thì người dân xây bể chứa nước mưa.

Bà nguyễn Thị Lai, một thợ may cho biết xây bể chứa nước mưa để dùng tốn ít nhất 7 triệu đồng nhưng xứng đáng.

Chị Hồng cho biết người dân cần ý thức tầm quan trọng bảo vệ môi trường sống của họ, trong đó có nguồn nước.

(UCAN 09.04.2018)

Read 1978 times Last modified on Thứ tư, 11 Tháng 4 2018 14:46