Tác giả : Nguyễn Mạnh Tuân
Nguồn: Nhìn Ra Bốn Phương
Tôi làm quen với ông già bắt rắn nhờ một trận mưa rào. Cả ông ta và tôi đều đứng núp dưới tàn cây lim lớn, ngoài bìa rừng. Cơn mưa kéo dài… Khoảng rừng thưa trước mặt chúng tôi ngập đầy nước. Chốc chốc lại có con chuột đồng lõm bõm chạy vọt ra ngoài, biến mất trong đám cỏ rậm. Ông lão tặc lưỡi:
– Mưa lớn, nước ngập hang, chuột đi trốn lụt đấy!
Tôi nhìn ông ta:
– Cháu nghĩ giống chuột đào hang trên gò cao chứ?
Ông già gật đầu:
– Thường thì thế, nhưng giống chuột đồng này gặp đâu ở đó… Chúng chỉ vun cao đất ở miệng hang làm đê ngăn nước thôi. Gặp mưa lớn là bỏ hang liền…
Ngừng một lát, ông nói tiếp:
– Ðấy rồi cậu xem… Chỉ lát nữa là có rắn bò ra đón chuột cho mà coi. Cái giống rắn chúa khôn… Nó đợi lúc này chuột lội bì bà bì bõm, chỉ việc trườn tới đớp gọn, dễ như bỡn!
Tôi phải chịu ông lão nói đúng. Mấy con chuột chưa chạy được bao xa, đã thấy ngọn cỏ rung động, rồi một sợi dây đen sì như chiếc thắt lưng quằn quại đuổi theo. Loáng cái đã nghe tiếng chít chít của chuột bị rắn bắt.
Ông già chăm chú nhìn, rồi bảo tôi:
– Cái loại rắn đen này độc lắm đấy… Ta gọi là hắc xà nhưng thổ dân kêu rắn măng. Vào mùa sinh nở, con đực dữ ghê gớm, dám đuổi người mà mổ kia!
Ðoạn ông vỗ nhẹ vào chiếc giỏ tre bên người:
– Tôi cũng có một cặp trong này… Nhỏ thôi nhưng bán được tiền lắm. Ðâu họ mua để làm thuốc.
Tự nhiên tôi nhích xa ông đôi chút. Cứ mỗi lần thấy rắn là tôi ghê cả thịt. Ấy vậy mà cứ thích nghe chuyện rắn mới kỳ. Tôi hỏi ông già:
– Làm nghề bắt rắn nguy hiểm lắm, ông nhỉ?
Ông ta cười:
– Nguy thì ai dám làm… Có điều đã bắt rắn, trước sau gì cũng bị rắn cắn đôi ba lần… Nhưng mình có thuốc chữa chớ!
Tôi nghĩ tới những ông “thầy rắn” ở thôn quê, có những phương thức bí truyền để chữa rắn cắn, đôi khi công hiệu lắm. Nhưng dù sao, không bị rắn cắn vẫn hơn. Tôi bảo ông:
– Thế có lần nào rắn dám đụng tới ông không?
Ông tặc lưỡi:
– Có chứ!… Có một lần, lần đó tôi suýt chết, sau tức mình tôi mới học nghề bắt rắn này.
Ðoạn ông kể cho tôi nghe vài chuyện về rắn:
“…Ngày ấy tôi còn trẻ, theo anh em đi buôn bè. Chúng tôi phải ngược đường rừng, tới vùng có “gỗ thức” như Ðinh, Lim, Sến, Táu, thuê họ đốn rồi kết bè xuôi đường sông mà về. Cái việc len lỏi trong rừng sâu nghĩ mà ghê!
Nào có đường lối gì đâu! Tôi đi với mươi người phu, tới đâu mở đường tới đó. Dây mơ, rễ má chằng chịt, có những loại dây leo bằng bắp chân, đu đưa như trăn chăng ngang đầu, chém cả chục nhát mới đứt.
Quanh mình còn thú rừng nữa chứ. Chỗ này con hoẵng lép bép, chỗ kia lũ khỉ khọt khẹt. Ngay dưới chân chồn cáo chạy loạt soạt. Ðất thì vừa ẩm vừa sặc mùi lá mục, bước ghê cả chân.
Ðang giữa rừng, tôi bỗng giẫm phải vật gì mềm, rồi nghe nhói ngay bắp chân. Biết mình bị rắn cắn, tôi kêu ầm lên. Toán phu chạy vội lại, chia nhau tìm đánh rắn.
Chỉ vài phút sau, họ giơ cho tôi coi một con rắn nhỏ bằng ngón tay, đầu có mẩu thịt nhô ra như cái sừng.
Lão Cai người Thượng bảo tôi:
– Cái này là con khô mộc… Nó nằm như cái que trên đám lá khô. Có giẫm lên nó mới cắn…
Lão ta nhìn mặt tôi:
– Mà nó cắn ai là…hết chữa. Người sưng to bằng con bò rồi chết!
Tôi giận tưởng chắc phát điên mất !
Ðược cái tôi có người chú làm thầy thuốc hồi đó, nghe tôi đi rừng, nên đem cho mươi ống thuốc. Ông căn dặn:
– Cháu lên miền ngược, lại băng rừng nên phải lo chuyện sốt rét với rắn… Sốt có ký ninh, còn bị rắn cắn thì chích thuốc này, nhớ nhé!
Tôi quát nhóm phu dựng lều nghỉ tạm, rồi lấy thuốc chích ngay vào bụng. Tôi không ngờ thuốc mạnh thế. Vừa nặn máu ở vết thương xong, tôi lên cơn sốt kịch liệt. Nói mê sảng chán rồi tôi lịm đi.
Phải lâu lắm tôi mới tỉnh lại, nhưng người tê cứng không nói năng, cử động gì được. Rõ ràng tôi tỉnh mà như mình chết rồi.
Căn lều tôi nằm chật ních phu phen. Lão Cai đang chia các thứ tôi mang theo cho chúng. Tên nào tên nấy hí hửng, coi tai nạn của tôi là dịp may hiếm có.
Ðôi lúc cũng có tên nhìn tôi thì thào:
– Thầy Tư còn mở mắt kìa!
Rồi họ bảo nhau:
– Nhưng chả sống được đâu mà lo!
Tôi nằm đó, nghe thấy cả, nhìn thấy hết nhưng có nói năng cục cựa gì được đâu. Có sống cũng như chết.
Lão Cai cầm khẩu súng săn của tôi, khoác vào vai, rồi bảo bọn phu:
– Phân chia rồi đó, nhưng ai cũng phải đợi tới khi chôn cất thầy Tư xong mới được lấy, nghe chưa!
Họ bỏ mặc tôi nằm đó, rủ nhau đi săn hươu. Khoảng quá trưa, tôi ngửi mùi thịt nướng thơm phức, rồi chợp mắt lúc nào không hay.
Sáng bữa sau, tôi còn hơi nặng đầu, nhưng đã nhấc chân tay được. Tôi gượng ngồi dậy… Bọn phu hốt hoảng bỏ chạy tán loạn… Sau nghe tôi gọi họ mới dám lại gần. Lão Cai đem trả tôi cây súng, lão lắc đầu ngạc nhiên:
– Thật từ xưa tới nay mới có người bị rắn khô mộc cắn mà sống đây!… Thầy phải cúng tạ ơn ma rừng đi!
Tôi còn giữ xác con rắn làm kỷ niệm.
May cho tôi là rắn cắn vào chân. Sau đó ít lâu, có người Tây đồn điền bị rắn cắn vào cổ, chích bao nhiêu thuốc cũng vẫn chết, người sưng phù lên thực!
Ông lão bắt rắn ngừng một chút, châm thuốc hút rồi nói tiếp:
– Cái loại rắn kỳ lắm… Càng nhỏ càng độc!… Có thứ rắn giun, nhỏ xíu chỉ cắn vào kẽ chân, cũng đủ giết người.
Tôi ra vẻ không tin:
– Cháu tưởng giống trăn nguy hơn chớ!
Ông già xua tay:
– Ấy cái giống đó lại hiền. Cứ no mồi là nằm dài ra, ai bắt cũng được. Có lần đi rừng tôi gặp con trăn dài khoảng tám thước, nằm trương bụng phơi nắng: nó vừa nuốt con heo rừng, phải đợi tiêu hóa xong mới nhúc nhích được.
Tôi le lưỡi:
– Chắc nó dài thế thì đuổi mồi nhanh lắm, ông nhỉ?
Ông lão lắc đầu:
– Nó đâu phải đuổi, giống trăn lớn bao giờ cũng nằm trên cây rình mồi. Thấy con gì đi qua là quăng mình xuống nhanh như chớp. Nó cuốn chặt, siết vụn xương con mồi, nhả dãi cho trơn rồi mới nuốt.
– Gặp con mồi lớn quá thì sao, ông?
– Thì…con trăn chết ngạt.
Thấy tôi cười, ông lão xua tay:
– Thực vậy đó… Tôi đã thấy trăn nuốt con nai tơ. Nó nuốt từ đầu xuống, nhưng cặp sừng nai dài quá, xuyên thủng cuống họng, thành thử cả hai đều chết. Tai hại là răng trăn mọc quặp vào, hễ ngoạm mồi là phải nuốt, nhả ra không được. Trời sinh xương trăn nhiều sụn, nên co giãn dễ dàng, nhờ vậy nó há miệng rộng lắm.
– Chắc nó nuốt cả người không chừng?
– Tôi chưa nghe nói… Thường thì trăn sợ người, thấy là tránh. Nhưng gặp trẻ con, chắc nó chẳng tha nào.
Ông lão rít vài hơi thuốc, gật gù:
– Tôi có xem thổ dân bẫy trăn. Họ làm như trò đùa, vậy mà bắt được vô số. Có gì đâu, họ rào một khoảng như chuồng gà, chừa một lỗ nhỏ cho trăn vô. Trong chuồng, họ thả vài con heo sữa làm mồi. Trăn lần tới, nuốt mồi, bụng trương lên không sao bò ra được. Họ chỉ việc tóm cổ cho vào rọ, dễ ợt. Có điều lúc đó xương trăn đang dãn ra, họ không nương tay, thành thử trăn gãy xương sống, chết cả.
Tôi nhìn ông:
– Trước sau gì cũng giết để lấy da, phải không ông?
Ông lão gật đầu:
– Ðành vậy. Họ lột da, thuộc đi, bán được tiền lắm. Thịt trăn cũng ngon chớ!… Nó na ná như thịt heo rừng, có điều vị nhạt hơn đôi chút.
Tôi nghĩ đến những câu chuyện nghe được về trăn, nên tò mò:
– Cháu nghe có người nuôi trăn để giữ nhà, phải không bác?
Ông già phá lên cười:
– Giữ nhà gì đâu!… Nuôi làm cảnh thì có. Một lần tôi ngủ nhờ nhà người Hoa kiều bán gạo; đêm khuya, thức giấc tôi thấy rõ có con trăn bằng vế đùi, trườn trong kho gạo bắt chuột. Thì ra lão gác kho khôn ngoan, nuôi con trăn để làm việc này. Lão bảo tôi:
– Giống chuột ở đây lớn lắm, mèo chẳng làm gì nổi, trước kia đông tới cả ngàn con, nhưng từ ngày tôi nuôi con trăn đất này thì chẳng còn mống nào. Nó tới đâu là chuột cứ co rúm người lại cho nó nuốt, thế mới kỳ!… Trăn ăn xong, nó lại cuộn mình nằm trên đống bao gạo, chẳng phải chăm nom, tốn phí gì!
Tôi nói với ông già bắt rắn:
– Chẳng cứ chuột, giá có kẻ nào tính ăn trộm gạo trong kho, trông thấy con trăn lớn như vậy, cũng phải chạy cho mau. Chả khôn thiệt chớ!
Ông già cười:
– Ấy, trăn nó quấn một vòng còn gỡ được, để nó cuộn thêm vòng nữa là hết thở, khỏe như trâu cũng chết. Vậy mà đám thổ dân đường ngược họ tài lắm. Bị trăn quấn, họ chỉ lo giữ cho nó đừng chống đuôi xuống đất, hoặc cuốn vào gốc cây. Họ lần tay nắm mẩu đuôi trăn, bóp thực mạnh là trăn bỏ mồi ngay.
Ðoạn ông tắc lưỡi:
– Họa hoằn mới có người chết vì trăn, nhưng chết vì loại rắn đen, rắn xanh, rắn hổ thì nhiều, cậu nghĩ mà xem!
Tôi chịu là đúng, nhưng hỏi thêm:
– Vậy sao có người thầy rắn bắt rắn như bắt gà mà không sao vậy, bác?
Ông già lắc đầu:
– Rắn nằm trong hang, chẳng ai dám đưa tay vào đâu. Còn rắn nuôi trong vại thì được tập quen rồi…
– Họ bẻ răng nọc đi phải không bác?
– Ðâu có, rắn bẻ răng chỉ sống ít lâu là chết… Họ luyện cho rắn đừng mổ, thế thôi! Tôi có xem mấy thầy Mo dạy rắn. Họ cho tay vào chiếc bình thủy tinh, chìa ra cho rắn mổ. Thoạt đầu rắn lao tới, bổ thực mạnh, có con nằm chết giấc… Con nào gan lắm cũng chỉ dám mổ tới dăm bảy lần. Rồi xương đầu mũi tét ra, cứ trông thấy tay người là sợ. Rắn độc nhất hạng cũng trở nên hiền như đất, tha hồ mà vần vò. Rồi nuôi mãi, lâu ngày rắn đâm dạn người, mến chủ, thế thôi!
Tôi nhìn vào chiếc giỏ tre ông già đeo bên sườn:
– Thế bác có nuôi rắn ở nhà không?
Ông lão gật đầu:
– Có chứ… Ấy bắt được nhiều thì để đó, bán dần. Rồi ai thuê bắt thứ nào, mình kiếm thứ đó.
Ông châm thuốc hút, nhìn theo làn khói mong manh rồi nói tiếp:
– Nhờ trời kiếm ăn được mà chẳng vất vả mấy… Với lại tính tôi quen đi chơi rong… Làm nghề bắt rắn này được lang thang trong rừng suốt cả ngày, kể cũng thú!
Ông chỉ xuống chân đồi: trong khoảng núi mát rượi, có nếp nhà tranh trong lùm cây:
– Nhà tôi đó… Bữa nào rảnh, cậu ghé chơi, xem rắn.
Cơn mưa dứt. Ông già lững thững đi xuống đồi, chiếc giỏ tre lắc lư bên mình. Tôi nghĩ chừng chẳng bao giờ dám đến ngôi nhà lá xinh xắn của ông: cứ tưởng tượng đến những thân rắn ướt lạnh lúc nhúc trườn trong nhà tôi đã thấy ớn lạnh phía xương sống rồi. Ấy là được nghe chuyện của ông lão, tôi đã bớt sợ rắn nhiều rồi đó!
Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác,
Nxb Sống Mới, Sài Gòn 1970
----------