Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 04 Tháng 6 2015 14:45

Chân dung Mẹ Maria

Posted by 
Rate this item
(2 votes)
  Chân dung Mẹ Maria, một bài luận văn của Hủ Tíu, người con của Giáo xứ Thổ Hoàng, Ban biên tập gxthohoang.net trân trong giới thiệu

CHÂN DUNG ĐỨC MARIA TRONG TIN MỪNG THỨ BA.

TA CÓ THỂ HỌC HỎI ĐƯỢC NHỮNG GÌ NƠI MẸ?

Trước tiên nhìn vào Tin mừng Luca ta thấy thánh sử trình bày nhiều về Đức Maria: Tường thuật  truyền tin, thăm viếng, sinh hạ ở Bêlêm, rồi dâng con ở đền thờ và gặp con ở Đền thờ. Qua những tường thuật này, Luca muốn phác hoạ chân dung Đức Maria, người nữ được Thiên Chúa yêu thương, chọn lựa và chuẩn bị để làm mẹ của Con Thiên Chúa. Đứng trước ơn gọi cao cả như thế, Đức Maria đã đáp lại như thế nào, người Mẹ của con Thiên Chúa có phải là bà hoàng sống trên nhung lụa hay là người nữ vững vàng mạnh mẽ trong lòng tin giữa những đau khổ trong hành trình đức tin. Người thiếu nữ Sion được Thiên Chúa viếng thăm đã đón tiếp Thiên Chúa như thế nào (Lm. Phêrô Lê văn Chính).

Tin mừng Luca làm cho chúng ta tham dự vào giai đoạn tràn ngập niềm vui và ân sủng Thiên Chúa tuôn trào cho nhân loại. Niềm vui này được cất lên qua lời các thiên thần ca hát, “vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm”, qua lời của Êlisabét cũng như Dacaria, lời của cụ già Simêon, và ngay cả lời kinh Magnificat của Đức Maria. Tất cả đều nói lên niềm vui vì giờ Thiên Chúa viếng thăm cứu độ, niềm vui nối kết đất trời vì sự chờ đợi của Thiên Chúa và của con người sau bao thời gian giờ đây đã được thực hiện. Vậy, dưới ngòi bút của thánh sử Luca chúng ta sẽ được chiêm ngắm bức chân dung tuyệt với của mẹ Maria, với những đường nét độc đáo ….

1.Truyền Tin (1,26-38) 

Trước hết nói đến việc nhập thể của Con Thiên Chúa vào thế giới nhân loại cần phải được đón nhận bởi con người. Đức Maria sẽ là người thiếu nữ Sion mà Thiên Chúa thăm viếng và khai mở sứ vụ mới cho những người biết sẵn lòng đón tiếp Thiên Chúa, trái với thái độ kiêu căng xưa kia của Evà đã dẫn đến sự chết của toàn nhân loại. Maria là người thiếu nữ được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn và chuẩn bị. Đồng thời, Luca cũng đã cẩn thận báo trước rằng Maria là người đã hứa hôn với Giuse. Chi tiết này muốn nói Maria là người vợ của Giuse là người cũng sẽ được Thiên Chúa mời gọi đón nhận vai trò làm cha nuôi của Con Thiên Chúa. Maria là người đã lập gia đình với nhiều gánh nặng của người vợ. Điều này không ngăn cản Maria sẽ đi vào trong chương trình của Thiên Chúa vì đối với Thiên Chúa không điều gì là không thể được.  Lời chào của sứ thần được Luca chọn lựa từ lời tiên tri của Sophonia. Thay vì lời chào bình an thông thường là lời chào “Vui lên”, và Maria thì được gọi là “đầy ơn phúc, Chúa ở cùng bà”. Đầy ơn phúc là tên gọi thực ý nghĩa dành cho Maria, một cách gọi khác của cách nói “được Thiên Chúa sủng ái”. Maria được bao bọc bằng ân sủng của Thiên Chúa, vì thế Đức Maria hoàn toàn xứng đáng với ơn gọi và sứ mạng Thiên Chúa mời gọi, bởi vì Thiên Chúa là Đấng yêu thương con người và luôn bao bọc con người bằng những hồng ân lớn lao để con người sống cân xứng với công việc Chúa trao phó. Đồng thời, Luca cũng hiểu rằng sáng kiến này hoàn toàn phát xuất từ Thiên Chúa, một Thiên Chúa thành tín và yêu thương. Sáng kiến cứu độ là sáng kiến nâng con người lên để con người được tham dự vào đời sống thầ linh. Tuy nhiên, sáng kiến của Thiên Chúa đòi hỏi sự cộng tác của con người, Thiên Chúa ban cho con người tự do và Ngài luôn tôn trọng quyết định của con người. Maria đã thưa vâng, “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” (x.Lc 1,38).  Người thiếu nữ Nazarét này rạng ngời xinh đẹp do bởi ân sủng của Thiên Chúa và nhân đức khiêm nhu vâng phục của mình, phản ánh được lời thưa vâng của Chúa Con với Chúa Cha khi vâng lời để nhập thể làm người. Tâm hồn của Maria tinh tuyền trong sáng khiến Giáo hội tuyên xưng Maria là trinh nữ “Virgo Maria”. Các Giáo phụ luôn nhìn ngắm lời thưa vâng của Maria sánh với thái độ kiêu căng từ chối của Evà. Thánh Justinô nói lời thưa vâng của Maria làm cho Maria cưu mang lời sứ thần vì thế sinh ra Đấng cứu thế. Trái lại Evà vì cưu mang lời con rắn mà sinh ra sự chết cho nhân loại.

2.Đức Maria thăm viếng Elisabeth (1,39-45)

Việc Đức Maria đi thăm viếng người chị họ là bà Êlisabeth, tạo nên nhiều nét đẹp trong chân dung của Đức Mẹ. Đây được cói là cuộc thăm viếng hết sức quan trọng trong lịch sử ơn cứu độ. Đó không đơn thuần là cuộc thăm viếng thể hiện sự quan tâm như chúng ta vẫn làm, nhưng là chia sẻ niềm vui san sẻ những khó khăn, vất vả với bà Elisabet chị họ mình. Bên cạnh đó, thánh Lc cho chúng ta thấy, Đức Maria đã “vội vã” lên đường, từ “vội vã” ở đây diễn tả thái độ mau mắn và lo lắng của Mẹ muốn được đến ngay với chị họ để chia sẻ niềm vui và san sẻ những vất vả với chị trong những ngày tháng sắp sinh. Niềm vui có Chúa đã không làm cho Mẹ ngần ngại những vất vả phía trước mà còn thể hiện bằng hành động: lên đường “ra đi”, “vào nhà” chị, “chào hỏi” chị và “ở lại” với chị cho đến khi chị sinh con. Hơn thế nữa, mẹ còn đem đến cho chị một niềm vui lớn lao đến nỗi bà Êlisabét phải thốt lên lời tán dương: “Khi chị vừa nghe lời em chào, thì hài nhi trong bụng chị nhảy lên vì vui sướng” (Lc 1,44). Như thế, chính sự thăm hỏi, cảm thông và chia sẻ niềm hạnh phúc của ơn cứu độ mà Đức Maria mang lại đã làm cho những người nam được sinh ra không ai cao trọng hơn ông Gioan (Lc 7,28). Còn bà thì Êlisabeth thì cảm nghiệm sâu xa Chúa đang hiện diện qua con người của Mẹ Maria, nên khen ngợi Mẹ Maria qua tác động của Chúa Thánh Thần ( Lc 1,45 ). Tuy nhiên, sự có mặt của Mẹ Maria lúc này và ở đây không chỉ dừng lại ở những lời khen ngợi, chúc tụng mà còn diễn tả niềm vui phục vụ. Nếu như trong biến cố truyền tin, Mẹ tự xưng là tỳ nữ của Chúa để mở rộng lòng mình đón nhận thánh ý của Thiên Chúa thì giờ đây Mẹ tiếp tục sống thân phận nữ tỳ bằng việc chăm sóc, ủi an và nâng đỡ người chị họ cho đến khi Gioan Tẩy Giả ra đời.

Như thế, cuộc thăm viếng của Đức Maria đã mang chiều kích thần học sâu sắc. Mẹ đến không những để phục vụ Ông Dacaria và bà Êlisabét mà còn đem theo niềm vui cho cả gia đình và cả một dân tộc mà Gioan Tẩy Giả trong lòng bà Êlisabét là đại diện. Mẹ đã đến đem sự bình an của chính Thiên Chúa qua lời cầu chúc và sự trao ban bình an. Do đó, khi trình bày cảnh Mẹ thăm viếng, tác giả đã chủ ý họa lại trình thuật chuyển Hòm Bia Giao Ước đến Giuđêa của dân Thiên Chúa trong Cựu Ước. Nếu như Đavít reo lên: “Hòm Bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được?” (2 Sm 6, 9) khi Hòm Bia Giao ước được di chuyển về Giêrusalem thì Bà Êlisabét cũng ngỡ ngàng: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1, 43). Nếu Hòm Bia được đón tiếp trong niềm vui và lễ mừng, và đưa phúc lành đến gia đình đã nhận lấy Hòm Bia (2 Sm 6,10-11) thì khi Đức Maria vào nhà Dacaria, trẻ Gioan (đại diện cho dân Cựu Ước đang trông chờ Đấng Mêsia) đã nhảy lên vui sướng. Đức Maria ở lại nhà ông Dacaria trong ba tháng cũng như thời gian mà hòm Bia Giao Ước ở lại trong nhà của Obed-Edom. Cả Hòm Bia Giao Ước lẫn Đức Maria đã làm lan tỏa phúc lành và niềm vui bất cứ nơi đâu hiện diện. Vì lẽ đó, cung lòng Đức Maria được sánh ví với Hòm Bia Giao Ước – một ngôi nhà chầu xinh đẹp nhất vì cung lòng thanh khiết của Mẹ là một đền thờ nguy nga lộng lẫy.

Ngoài những điểm nổi bật đó, Mẹ còn là người đi vào nội tâm kết hợp sâu xa với TC, Mẹ luôn suy gẫm những mầu nhiệm cứu rỗi và chúc tụng tạ ơn. Qua bài Manificat Luca đã cho thấy Đức Maria đã chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa (1,46-47) vì nhiều lẽ: Đấng Thánh, Đấng Trung Tín với lời hứa, can thiệp giúp đỡ kẻ yếu hèn (nghèo, khiêm nhường).

3.  Đức Maria sinh con (2,1-15)

Luca thuật việc Đức Maria sinh con trong cảnh nghèo nàn Đức Giêsu sinh ra được Mẹ Maria quẫn tả đặt nằm trong máng cỏ (x.Lc 2,12). Truyền thống Kitô giáo đã so sánh cảnh Đức Giêsu sinh ra với cảnh Chúa chịu chết. Ngày Chúa ra đời, Đức Maria lấy tả quấn lấy Hài Nhi và đặt trong máng cỏ; còn lúc Chúa chịu chết, thì Giuse Arimathê quấn Chúa trong khăn liệm và đặt trong mồ. Như thế, cử chỉ của Đức Maria tiên báo cảnh an táng của Chúa. Trong đoạn này, Đức Maria đã góp phần tiên báo trước cảnh an táng Chúa. Hội thánh chiêm ngưỡng mầu nhiệm gắn với sự nghèo hèn của con Chúa Giêsu và tất nhiên Đức Maria cũng tham dự vào.

Bên cạnh đó, Luca còn cho thấy Đức Maria là mẫu người luôn trân quý và gìn giữ các biến cố liên quan đến Chúa trong tim mình: “Bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (2,19). Đức Mẹ thật là một mẫu gương tuyệt vời về việc để tâm suy gẫm, gắn bó với “việc Chúa”.

4.Đức Maria dâng con trong đền thờ (2,22-28)

Sự kiện dâng con trong đền thờ bộc lộ hai nét đẹp sau đây của Đức Maria. Thứ nhất, Người dâng hiến trọn vẹn: Đức Maria và thánh Giuse tiến dâng con trong đền thờ để hoàn tất luật Chúa, tiên báo hiến tế cứu độ. Việc Đức Maria tiến dâng Đức Giêsu là một cử chỉ tiên báo việc sẽ dâng tiến mai sau trên thập giá. Đức Maria hy sinh một phần sự sống của mình để dâng lên cho Chúa; với cử chỉ đó Đức Maria muốn nói lên rằng, Đức Giêsu  thuộc về Thiên Chúa chứ không phải là tư sản của mình. Thứ hai, Người chung phần cuộc khổ nạn với Chúa: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”. Đó là lời mà Ông Simêon tiên báo những đau khổ mà Đức Maria sẽ phải chịu trong sứ mạng làm Mẹ Chúa, Đấng sẽ bị người đời chống đối, sỉ nhục va giết chết trên thập giá. Đức Maria liên kết chặt chẽ với con mình, gắn bó với lời Chúa, và chia sẻ số phận với Đức Giêsu. Chúng ta khám phá sự liên đới của Đức Maria với chúng ta, liên đới trong đức tin, liên đới trong sứ mạng cứu chuộc của Đức Giêsu, Đấng chịu chết vì chúng ta.

 5. Lạc con trong đền thờ (2,41-46)

Cũng như biến cố sinh Đức Giê-su nơi hang đá, tường thuật về việc Đức Maria tìm Đức Giê-su trong đền thờ làm nổi bật nhân đức yêu mến, để tâm suy gẫm khám phá ý nghĩa các biến cố, tìm ý Chúa trong đời mình. Sau khi tìm được Con sau ba ngày lo âu miệt mài tìm kiếm, nghe con trả lời: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (2,49). Đức Maria đã chấp nhận mọi biến cố với lòng tin sống động, đắn đo suy nghĩ, đối chiếu trước sau nhờ vậy mà Mẹ đạt đến được đức tin trưởng thành trọn vẹn. Qua đó, ta thấy điểm đặc sắc của Luca cũng là việc đã nhấn mạnh đến nhân tính của Maria: một thanh nữ khiêm tốn ở vào địa vị mình, một trinh nữ lập gia đình, một người mẹ đơn độc đón nhận con mình, bọc tã và đặt đứa bé trong một máng cỏ; một nhà giáo dục mang trách nhiệm nuôi con... Khi Chúa Giêsu ẩn mất ở trong Ðền Thánh, chính Maria đã trách người: "Con đã làm gì thế đối với cha mẹ?" (2, 48). Ðó là tất cả nhân tính của Maria trong vai trò làm mẹ của mình. Người ta luôn có thói quen trình bày Ðức Trinh Nữ như một hình ảnh khô cằn ở trên cửa kính màu. Luca đã cho ta cảm nhận được nhân cách người của mẹ. 

II.  BÀI HỌC NƠI ĐỨA MARIA

 Qua chân dung của Đức Maria, chúng ta thấy cuộc đời của Mẹ là một chuỗi những nhân đức tuyệt vời và cũng là bài học ý nghĩa cho những ai muốn sống cho Chúa và thuộc trọn về Ngài.

  1. 1.MARIA, MẪU MỰC CỦA KHÔN NGOAN, CÔNG BÌNH, DŨNG CẢM VÀ TIẾT ĐỘ

Đức Maria trong Tin Mừng là một phụ nữ khôn ngoan, nhạy cảm. Khi sứ thần Gabriel truyền tin cho Mẹ, Mẹ đã đặt nhiều câu hỏi để hiểu rõ điều Thiên Chúa muốn. và Mẹ đã nhận lời khi biết đó là ý định của Thiên Chúa. Khi đối diện với tình huống gay go là về chung sống với Giuse trong tình trạng có thai, Người đã dành cho mình thời gian suy nghĩ và cầu nguyện bằng việc đi thăm bà Elzabeth. Khi gặp những tình huống khó xử, như sau ba ngày tìm kiếm Chúa Giêsu, Người không tỏ vẻ gì hờn giận nhưng chỉ biểu lộ tình cảm chân thực của Người. Khi câu trả lời của Chúa Giêsu làm Người bối rối, Người không la rầy hay gắt gỏng nhưng chỉ suy nghĩ và cầu nguyện. Đức Maria dạy chúng ta cách sống khôn ngoan, trầm lặng, cầu nguyện và luôn chọn thánh ý Chúa và điều thiện cho mọi người.

Công bình : Bài ngợi khen Magnificat dạy chúng ta dâng lên Thiên Chúa lòng tin tưởng điều tốt đẹp tất yếu xảy ra trong cuộc sống (Lc 1,46-50). Bài ngợi khen của Đức Maria qua Tin Mừng Luca công bố ước muốn công bình của Thiên Chúa được thể hiện nơi người nghèo và kẻ thấp hèn. Chân dung của Maria qua Tin Mừng Luca cho ta thấy Giáo hội sơ khai nhìn Mẹ như một phụ nữ không chút sợ hãi khi bênh vực cho công lý. Đối với Mẹ, Thiên Chúa là một Đấng quyền năng, có thể đập tan kẻ kiêu căng và hạ bệ người quyền thế, nâng cao người khiêm hạ và thỏa mãn nhu cầu người ngèo đói (Lc. 1,51-53). Đức Giêsu yêu thương người nghèo và đòi hỏi công bình, lòng xót thương đối với họ (Mt. 25,31-46). Theo Đức Giêsu, Giáo Hội phải tìm kiếm công bình cho tất cả mọi người. “Tình yêu của Giáo Hội đối với người nghèo là một truyền thống liên tục…” (GLCG. 2444). Đức Maria, Mẹ Giáo Hội dạy chúng ta trao lại cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa và đối xử với con người, đặc biệt người nghèo, người thấp hèn như gương Chúa Giêsu đã làm.

Sự dũng cảm trợ sức chúng ta vượt qua những khó khăn và cám dỗ trong cuộc sống.

Đức Maria là một phụ nữ can đảm và đầy nghị lực đã khắc phục được từng khó khăn và cám dỗ. Khi còn là thiếu nữ, người đã can đảm thực hiện hành trình khó khăn và nguy hiểm để đến viếng thăm Elizabét. Người phải về Bêlem cùng Giuse khi bụng mang dạ chửa đã chín tháng. Người chịu đựng cuộc lưu vong sang Ai Cập, phải tảo tần kiếm đủ chi phí cho những cuộc hành hương về đền Giêrusalem hằng năm. Và trên tất cả, người phải can đảm đứng dưới chân Thập giá, thông phần đau khổ với con nghe lời nhiếc mắng nhạo cười của quân thù. Đức Maria đã dạy chúng ta đối mặt với cuộc sống một cách dũng cảm, chịu đựng những phiền toái mà không phàn nàn, kiên trì vâng ý Chúa mà không đặt vấn đề lợi lộc.

Tiết độ giúp chúng ta kiềm chế những ham muốn và sử dụng mọi sự ta có một cách tốt hơn.

Đức Maria kiểm soát được những ham muốn của người vì người luôn hoàn toàn vâng phục ý Chúa: “Này tôi là tôi tớ của Thiên Chúa…” (Lc. 1,38). Người và thánh Giuse là người nghèo, dâng của lễ theo cách người nghèo (Lêvi 12,6-8) khi đưa Hài nhi Giêsu tiến dâng trong đền thờ. Có nghĩa là Thánh gia chấp nhận cách ăn nếp ở, hoàn cảnh sống nghèo nàn – một cuộc đời kiềm chế mọi ước muốn. Maria tìm niềm vui qua những việc tốt lành trong cuộc đời. Mẹ hân hoan trong mối tương quan với Đấng Toàn Năng, hài lòng sử dụng với những gì mình có – từ nước đã trở thành rượu ngon – Đó là một bằng chứng rõ ràng khi Chúa Giêsu đáp ứng yêu cầu của Mẹ nơi tiệc cưới Cana. Đức Maria dạy chúng ta sống tiết độ, gồm hai ý nghĩa, sống điều độ và sử dụng hiệu quả nhất những tài năng Thiên Chúa ban.

  1. 2.

Đức Maria cho chúng ta thấy đức khiêm nhường giúp ta nhận thức điều tốt trong chính chúng ta, nhưng hiểu rằng Thiên Chúa đã làm điều đó. Maria biết đích xác vai trò của Người thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa. Đối với Người, không có chuyện khiêm nhường giả tạo! Người biết rằng khiêm nhường xuất phát từ Thiên Chúa. “Chắc chắn, từ nay đến hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc; vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi bao điều cao cả” (Lc 1,48-49). Đức Maria đã dạy chúng ta, khiêm nhường không có nghĩa là không nghĩ đến mình. Ngược lại, khiêm nhường là nghĩ nhiều đến Thiên Chúa và tha nhân trong khi đã hoàn thiện chính mình. Đức Maria đã tìm được sự tự chấp nhận mình và hạnh phúc của mình trong việc phục vụ Thiên Chúa và chăm sóc người khác. Adam và Eva cho ta thấy, kiêu căng là quá tập trung vào chính mình. Maria chứng minh khiêm nhường là sự biểu lộ tình yêu cho Thiên Chúa và người chung quanh.

3.MARIA, MẪU MỰC CỦA VÂNG LỜI

 “Maria là thụ tạo hoàn hảo nhất của đức vâng phục” (GLCG 144). “Nút dây do sự bất tuân của Eva thắt lại, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria” (Thánh Irênê, theo GLCG 494).

Đức tin thúc đẩy Đức Maria vâng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Người mãi mãi như một mẫu gương cho lòng vâng phục đối với chúng ta. Và chúng ta noi gương Người khi chúng ta đáp lại mọi thánh ý Thiên Chúa, như khi Người nói: “Này tôi là tôi tá Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38).

  1. 4.

Khi cố gắng sống theo Thần Khí, chúng ta được Đức Maria chỉ cho một hướng đi. Khi những khôn ngoan trần tục thúc giục chúng ta từ bỏ những lời dạy dỗ của Kinh Thánh và truyền thống của Giáo hội, Đức Maria cho thấy sự khôn ngoan, hiểu biết, thông minh và lo liệu do Thiên Chúa ban không bao giờ làm chúng ta thất vọng. Khi chúng ta bị đau khổ và bị cám dỗ xa lìa Thiên Chúa, Đức Maria như một bức gương của lòng dũng cảm, đạo đức và kính sợ Chúa.

Khi chúng ta cần những đức tính yêu thương, là hoa trái của Thần Khí, mà Đức Maria đều hội tụ đầy đủ, Người bảo đảm cho chúng ta rằng bác ái, nhân hậu, độ lượng và những hoa trái khác đều tươi nở trong đời Người và với ân sủng Thánh Thần, chúng sẽ lớn lên và phát triển trong đời chúng ta.

 Kết luận

Tin Mừng thánh Luca quả thật đã vẽ nên bức tranh của Đức Maria hết sức tuyệt vời với đầy đủ các gam màu phối hợp hài hòa với nhau. Bao nhiêu tước hiệu xinh đẹp được dành tặng cho Mẹ. Mẹ là Đấng đầy ân sủng, có Chúa ở cùng; đấng đẹp lòng Thiên Chúa; là hòm bia Thiên Chúa; là nữ tỳ của Chúa. Mẹ được hưởng ân phúc vì “tin vào lời Chúa”. Cùng với bao ân phúc, bao tước hiệu là biết bao nhân đức cao đẹp của Mẹ. Mẹ là một mẫu gương sống động về đức “tin vào lời Chúa”; Mẹ suy gẫm công trình của Chúa để rồi chúc tụng tạ ơn; Mẹ luôn ghi nhớ từng biến cố và suy gẫm trong lòng để tìm ý Chúa; Mẹ hiến dâng trọn vẹn cho Chúa, cùng bước với Đức Giê-su trên con đường khổ giá.Vì thế, là con cái của Mẹ, chúng ta cũng hãy sống và làm như Mẹ.

 Đây là tất cả huyền nhiệm của ơn gọi, mọi ơn gọi đều phát xuất từ sáng kiến tình yêu cứu độ và nâng cao của Thiên Chúa. Tuy nhiên, sáng kiến của Thiên Chúa không hủy bỏ sự tự do ưng thuận và cộng tác của con người. Đức Maria tuy được bao bọc bởi ân sủng của Thiên Chúa, nhưng Maria không phải là một con người ủy mị, hèn yếu mà là một con người mạnh mẽ trong lòng tin. Lời thưa vâng của Maria không phải là một lời nói chót lưỡi đầu môi cho qua chuyện, hay một lời ưng thuận dễ dàng không đòi hỏi cố gắng mà là một lời nói phát xuất từ cầu nguyện hằng giây phút trong cuộc đời, một chọn lựa với tất cả trách nhiệm và cố gắng thực hiện trong từng giây phút của cuộc đời mình. Lời thưa vâng mà vì đó Con Thiên Chúa nhập thể trong lòng Maria. Chúng ta hãy hình dung tác động của Thánh Thần nơi Maria để Ngôi Lời nhập thể. Thánh Thần không thay thế Maria nhưng tác động để Maria có thể huy động mọi khả thể đầy sức sống của chính mình. Đây cũng là sự gặp gỡ tốt đẹp giữa ơn Thánh và sự cộng tác của con người. Maria, dưới tác động của ơn Chúa, đã lớn lên trong đời ân sủng, và hài nhi trong lòng đã lớn lên trong lòng mẹ, một cung lòng phù hợp như đền thờ Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa thực sự hiện diện giữa con người. Chúng ta cũng có cảm nghiệm phần nào mỗi khi chúng ta cố gắng để sống theo thánh ý Thiên Chúa, chúng ta cũng cảm thấy rằng sự thúc đẩy của Thánh Thần giúp chúng ta cố gắng để chiến đấu chống lại những ích kỷ và tội lỗi nơi chúng ta. Trong những cố gắng này, chúng ta cảm thấy đau khổ như thế nào để đau khổ giúp chúng ta vượt thoát khỏi những cám dỗ của ích kỷ và tội lỗi dưới tác động của ơn Chúa

 Hủ Tíu

Read 2274 times Last modified on Thứ sáu, 05 Tháng 6 2015 13:28