Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 07 Tháng 8 2015 15:06

Tâm Lý Đại Cương

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Tâm Lý Đại Cương một bài viết của Hủ Tíu người con của giáo xứ, ban biên tập gxthohoang.net trân trong giới thiệu.......

Đề tài: Để có thể nói về một con người có nhân cách, ta cần dựa trên các yếu tố nào, và những yếu tố đó đóng vai trò nào trong đời sống của một con người trưởng thành.

 

Bài làm

Cùng với nền văn minh và sự phát triển của xã hội hiện đại, con người cũng đang tự mình hướng tới việc xây dựng nhân cách cho phù hợp. Tiêu chuẩn đánh giá một con người văn minh không chỉ dừng lại ở sự hiểu biết, địa vị mà còn hướng đến yếu tố nhân cách của người đó. Xã hội càng tiến bộ, người ta càng coi trọng con người có nhân cách. Bởi vì nhân cách thể hiện những phẩm chất bên trong của một con người nhưng lại mang tính xã hội sâu sắc. Nếu một con người không có nhân cách, họ sẽ hành xử một cách vô văn hóa và trở nên lố bịch trước người khác. Cách hành xử đó sẽ phá hủy những giá trị của chính bản thân họ và dẫn họ đến việc trở thành một con người “lạc hậu” và “lỗi thời” trước sự văn minh của thời đại hôm nay. Vì vậy, trong các mối quan hệ xã hội, nhân cách sẽ quyết định cho sự thành công của một con người, đưa con người đến việc hoàn thiện chính mình và làm cho con người có giá trị hơn trong xã hội này.

Vậy nhân cách là gì? Nhân cách là những phẩm giá của một con người được đánh giá từ mối quan hệ qua lại của người đó với người khác, với tập thể, với xã hội và thế giới tự nhiên xung quanh trong mọi tầm nhìn xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai. Người ta thường nói anh ấy, chị ấy là một người có nhân cách nhằm cho thấy đó là một người rất tốt trong mọi hành xử của mình và trong mọi tình huống của cuộc sống. Vì vậy, nhân cách giúp con người biểu hiện bản sắc và giá trị xã hội của mình và khẳng định được chính mình trong cuộc sống.

Trong việc huấn luyện tu sĩ, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nhân cách của người tu sĩ và những yếu tố đó sẽ góp phần tích cực vào việc hình thành và phát triển nhân cách của một người tu. Ở đây tôi chỉ trình bày yếu tố giáo dục và cách thức huấn luyện của một Hội Dòng để tạo nên những nét nhân cách cho nữ tu trẻ ngày nay. Vì mỗi Hội Dòng đều có cách thức giáo dục khác nhau nên sẽ tạo ra những con người có nhân cách đặc trưng cho Hội Dòng đó. Bài viết này không có ý phê phán hay lên án đường lối giáo dục trong các Dòng tu nhưng chỉ là những cảm nghiệm rất riêng tư của chính tôi về phương thức giáo dục mà tôi chịu ảnh hưởng và hình thành nhân cách trong tôi.

Ngay từ thời Trung Hoa cổ đại, người ta đã có sự đánh giá về vai trò của giáo dục đối với con người. Mạnh Tử đã từng nói: "Nhân chi sơ tính bổn thiện, tính tương cận tập tương viễn", nghĩa là con người sinh ra ban đầu vốn dĩ lương thiện, tính tình khá đồng nhất, nhưng do môi trường và sự tiếp cận học hỏi khác nhau mà tính tình đâm ra khác biệt nhau. Còn Tuân Tử lại nhận xét: "Nhân chi sơ tính bổn ác, lý tính hậu lai tập đắc", nghĩa là con người sinh ra ban đầu vốn dĩ là ác, nhưng sau này do học tập mà có lý trí, biết cái đúng cái sai. Điều này cho thấy, dù có những đánh giá khác nhau về tính con người nhưng cả hai đều thống nhất rằng sự giáo dục sẽ làm con người thay đổi, nghĩa là giáo dục đóng vai trò chủ đạo trong sự hình thành nhân cách của con người.

Việc giáo dục hiện nay không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng mà còn dạy người ta cách làm người, rèn luyện đạo đức và nhân cách con người. Do đó, nền văn minh và bản tính con người của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều về yếu tố giáo dục. Ở Việt Nam, nền giáo dục có nhiều lũng đoạn nên kéo theo một xã hội đầy dẫy chuyện cướp của, giết người, sát hại lẫn nhau. Người ta không còn cảm giác ghê rợn và rùng mình khi nghe nói đến những cái chết tàn khốc, không còn nguyên vẹn thân xác vì chuyện đó ngày nào cũng xảy ra, ngày nào cũng có thông tin về những cái chết như vậy trên báo đài. Đạo đức cá nhân, đạo đức xã hội ngày càng có nhiều biểu hiện suy đồi. Các vụ tham nhũng, hối lộ, ăn chặn tiền cứu trợ dân nghèo là những biểu hiện rõ nhất. Trong Hội Dòng, người ta cũng có thể đánh giá nền giáo dục của Hội Dòng đó khi nhìn vào nhân cách của người tu sĩ. Nếu Hội Dòng chú trọng đến việc giáo dục thì sẽ tạo nên những người tu sĩ biết hành xử văn minh và đúng mực trong giao tiếp, đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống. Nếu Hội Dòng chỉ chú trọng phát triển kinh tế, nhấn mạnh việc đào tạo một tầng lớp tu sĩ có sức khỏe dẻo dai để lao động, tăng thu nhập mà không chú ý đào tạo nhân bản, hướng dẫn cách ứng xử thì các thành viên sẽ trở thành những con người sống thực dụng và thiếu nhân cách.

Riêng bản thân tôi, tôi nhận thấy rằng việc giáo dục trong các Hội Dòng nữ vẫn còn rất nhiều bất cập. Nền giáo dục trong các Hội Dòng nữ đang làm cho các nữ tu dần dần đánh mất đi cá tính riêng của mình, mà hình thành một thế hệ tu sĩ trẻ như những “người máy”, hoặc như những đứa bé ngây thơ, phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ của chúng. Những người huấn luyện dường như rất e ngại khi phải giáo dục những con người có cá tính mạnh mẽ và năng động. Họ chỉ thích giáo dục những con người hơi nhút nhát và thụ động để “sản phẩm” tạo ra được giống nhau và không có sự nổi loạn. Họ muốn gò ép một con người vào khuôn khổ nhất định mà dần đánh mất đi bản sắc và cá tính riêng của người thụ huấn. Những con người thường bộc lộ cá tính của mình sẽ làm cho người giáo dục cảm thấy đây là một thành viên “khó dạy”. Còn những người “được thương” thì sẵn sàng làm theo mọi yêu cầu của người giáo dục, không bao giờ dám đưa ra sáng kiến của mình mà lúc nào cũng chỉ chấp nhận ý kiến của người lớn, dù biết rằng điều đó có khi vô lý. Dần dần, các nữ tu trở thành một con người mất hết tự tin và không dám bộc lộ chính mình. Do đó, tôi không hoàn toàn phủ nhận hay lên án việc giáo dục trong các Dòng nữ, nhưng tôi mong muốn có một nền giáo dục tôn trọng cá tính và sáng kiến của người thụ huấn để tạo nên nét đặc sắc và sự phong phú trong một Hội Dòng.

Tuy nhiên, tôi cũng phải nhìn nhận sự giáo dục trong các Hội Dòng là hết sức cần thiết. Mỗi con người có cá tính khác nhau, trăm người thì có trăm cá tính. Một tập thể không thể nào tồn tại nếu mỗi cá nhân sống theo sở thích riêng của mình. Ngay chính bản thân tôi, tôi cũng đã cảm nhận được bản thân mình cũng có những sự thay đổi tích cực đáng kể khi được giáo dục trong nhà Dòng. Tôi được hướng dẫn, dạy dỗ trong từng lời ăn tiếng nói, trong từng cử chỉ đi đứng, làm việc và cả trong giao tiếp để có thể trở thành một con người có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Sự giáo dục trong Hội Dòng còn giúp tôi kịp thời điều chỉnh, uốn nắn những sai lệch của bản thân và làm cho nó phát triển theo chiều hướng tốt hơn. Chính sự điều chỉnh này đã giúp tôi có thể tiếp cận và làm việc chung được với những con người có cá tính hoàn toàn trái ngược với mình.

Với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, con người ngày càng phải dành nhiều thời gian hơn để đáp ứng được yêu cầu của công việc, của xã hội. Chính vì vậy, người ta dễ dàng tuyệt đối hóa vai trò của giáo dục, nhất là trong việc giáo dục con cái. Người ta lao vào công việc để kiếm thật nhiều tiền và giao phó con cái cho nhà trường. Trong các Hội Dòng, dường như người ta cũng quá đề cao vai trò của giáo dục khi xem giáo dục như là chìa khóa vạn năng để huấn luyện và đào tạo ra những con người theo mong muốn của mình. Một Hội Dòng đặt nặng việc giáo dục sẽ đưa người thụ huấn vào một khuôn khổ và họ ngày càng trở nên thụ động. Đặc biệt ngày nay, các Dòng nữ rất hạn chế cho các nữ tu trẻ mở rộng các mối quan hệ xã hội bên ngoài. Các nhà Dòng suy nghĩ rất tiêu cực về một thành viên của mình khi thành viên đó có sự giao tiếp rộng rãi. Chính tôi cũng cảm thấy rằng các mối quan hệ của mình càng ngày càng nhỏ bé, nhất là đối với người khác phái. Tôi đang bị thu hẹp các mối quan hệ của mình lại để có thể trở thành một người nữ tu phù hợp với tiêu chuẩn của Dòng. Tôi cũng không thể nào lưu giữ được những mối quan hệ với bạn bè cũ vì tôi bị hạn chế trong việc sử dụng các phương tiện liên lạc và cũng không được tham gia các cuộc gặp mặt hay hội họp, dù là chính đáng. Nếu tôi thường xuyên liên lạc bên ngoài, thì tôi sẽ bị “để ý” và nhắc nhở. Mới đây, tôi cùng một nhóm bạn cũ sau sáu năm chia tay trên giảng đường gặp lại. Tôi đã đi ra ngoài ăn uống với họ khoảng hơn ba tiếng đồng hồ. Sau đó, tôi đã bị trách mắng rất nặng nề vì bị đưa ra nhắc nhở trước cộng đoàn. Điều này càng làm cho tôi cảm thấy “sợ” mỗi khi nhận được một lời mời từ phía bạn bè của mình.

Mặt khác, thế hệ trẻ ngày nay rất năng động và nhiệt huyết. Vì vậy, việc phân chia công việc cho mỗi thành viên trong cộng đoàn cũng ảnh hưởng đến nhân cách của cá nhân đó. Chính sự phân chia này sẽ làm cho cá nhân thiếu sự tham gia tích cực, thiếu sự tự giác và trở nên ép buộc. Người huấn luyện thường muốn công việc trôi chảy và đạt kết quả như ý mình nên thích sắp xếp mọi sự mà bỏ qua sáng kiến và sự sáng tạo của các cá nhân. Hầu hết người huấn luyện cũng lo sợ phải gánh chịu những hậu quả nên cảm thấy không an tâm khi giao phó một việc nào đó cho em của mình. Dần dần, những nữ tu trẻ mất đi tính chủ động, chỉ bắt tay vào việc khi mình có tên trong bảng phân chia công tác mà thôi. Vì vậy, tôi mong ước nhà Dòng nên tạo điều kiện để phát huy hoạt động của cá nhân, đánh giá công việc qua sự cố gắng của mỗi cá nhân chứ không nhắm vào kết quả đạt được. Nhà Dòng nên đón nhận những kết quả công việc, có khi là không tốt của mọi thành viên, chứ không nên phê phán, trách móc họ. Có như vậy, thì dần dần cá nhân sẽ trở thành một con người tích cực và tự giác trong công việc chung của Dòng mình.

Hơn nữa, bất cứ Dòng tu nào cũng không thể bỏ qua yếu tố giao tiếp trong cách thức giáo dục của mình. Tôi cũng nhận thấy rằng sự giao tiếp giữa các thành viên với nhau cũng giúp tôi tự giáo dục chính mình rất nhiều. Qua sự giao tiếp này, tôi sẽ biết được cách thức giao tiếp của người đó. Từ đó hình thành khả năng giao tiếp riêng cho bản thân mình. Khi tôi giao tiếp với nhiều đối tượng, với nhiều người thì ta sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm cho việc giao tiếp của mình.Từ đó, tôi có thể chia sẻ được những nỗi buồn vui, gắn bó với nhau và học hỏi được rất nhiều điều từ nhân cách của người chị em. Chính những nét nhân cách tốt đó sẽ giúp tôi tự đối chiếu và so sánh mình với họ, từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm cho mình. Cũng có khi tôi thấy được những điều không hay không tốt nơi người chị em và tôi biết tự điều chỉnh con người của mình. Nếu như không có sự giao tiếp này, bản thân tôi sẽ không bao giờ đánh giá được nhân cách của mình và tôi sẽ không biết được chính bản thân mình tốt hay xấu. Thế nhưng, tôi thấy rằng nhiều Hội Dòng không thích cho người trẻ giao tiếp nhiều, vì họ sợ các nữ tu bị ảnh hưởng từ bên ngoài. Do đó, họ đưa nhiều điều lệ khác nhau trong việc giao tiếp để các nữ tu phải dè dặt khi tiếp xúc với người khác, nhất là người khác phái. Chính bản thân tôi cũng cảm thấy mình bị bó buộc rất nhiều trong sự giao tiếp. Nếu tôi giao tiếp nhiều sẽ bị nhắc nhở và đưa ra trước cộng đoàn để nhắc nhở những người khác nữa. Tôi nghĩ rằng các nhà dòng nên giúp các thành viên mở rộng sự giao tiếp ra bên ngoài hơn nữa, vì có khi đối diện với những cái gọi là “cám dỗ” đó sẽ giúp cho người ta nhận định được ơn gọi của mình và trưởng thành hơn trong đời sống cá nhân. Hơn nữa, nếu có vấp ngã, thì sau đó cá nhân sẽ trưởng thành hơn trong sự giao tiếp.

Không ai có thể phủ nhận việc giáo dục trong các Hội Dòng và loại trừ nó, mặc dù cách giáo dục đó vẫn còn nhiều bất cập và chưa đạt đến ý nghĩa cao nhất trong giáo dục. Riêng bản thân tôi, tôi nhận thấy mình không nên hoàn toàn ỷ lại vào sự giáo dục của nhà Dòng. Chính tôi phải biết tự giáo dục, tự rèn luyện, tự hoàn thiện nhân cách của mình. Để trở thành một con người có nhân cách, sự giáo dục của nhà trường, của Hội Dòng là cần thiết nhưng tôi cũng phải biết tự giáo dục chính mình về mọi phương diện. Chính sự tự giáo dục này sẽ giúp tôi phân định và nhận thức được chính bản thân mình cần gì, thiếu gì để trở thành một con người có nhân cách.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, làm thế nào để con người có một nhân cách phù hợp với những yêu cầu chuẩn mực của xã hội là một vấn đề lớn. Một đất nước chỉ có thể phát triển bền vững khi đất nước đó được xây dựng bởi những con người có nhân cách tốt, có đủ tài và đức. Cũng vậy, Hội Dòng cũng sẽ phát triển bền vững bởi những người nữ tu có đầy đủ nhân cách đạo và đời. Là thế hệ trẻ của một thời đại mới, là thành viên của một Hội Dòng đang hội nhập vào thế giới hiện đại, tôi phải bày tỏ bổn phận và trách nhiệm của mình như thế nào? Trước tiên, tôi đừng đòi hỏi mình phải làm được những điều to tát cho Hội Dòng và cũng không đòi hỏi nhà Dòng phải làm gì cho tôi.  Nhưng tôi phải bắt đầu thực hiện trách nhiệm của mình bằng việc tu dưỡng đạo đức, tài năng, rèn luyện từng ngày nhân cách của mình. Nhân cách của tôi không bao giờ có thể hoàn tất được mà tôi phải trau dồi mỗi ngày. Ngay bây giờ tôi sẽ tự đặt cho mình những kế hoạch, những công việc cụ thể để thực hiện. Bởi vì là một nữ tu, tôi có thể thua kém người khác về kiến thức, về kỹ năng nhưng nhân cách thì tôi phải hơn họ. Xã hội ngày nay có thể chấp nhận một sinh viên, công nhân hay công chức không có nhân cách nhưng người ta sẽ không chấp nhận được một người tu sĩ không có nhân cách. Người tu sĩ chỉ có thể thu hút và làm người khác khâm phục bởi nhân cách của mình mà thôi. Chính vì vậy, tôi phải luôn luôn nhìn nhận chính bản thân mình, biết đánh giá đúng sai việc mình đã làm, vạch ra mục đích cần vươn tới. Đồng thời tôi phải nghiêm khắc với chính mình, có cách nhìn và đánh giá cuộc sống để không có những hành vi sai lệch. Quá trình tự giáo dục này không bao giờ được ngừng lại, mà tôi phải thực hiện ở mọi lúc mọi nơi. Có như vậy, tôi mới thực sự là một người nữ tu có nhân cách, có đủ tài và đức trong xã hội văn minh này.

Hủ Tíu

Read 1433 times Last modified on Chủ nhật, 09 Tháng 8 2015 15:25