Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 04 Tháng 8 2013 20:00

Gia đình là vườn ươm đức tin

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
      Khi chú trọng giáo dục cho con cái những đức tính nhân bản như khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ, các bậc phụ huynh đang huấn luyện con cái mình “thành người”.

 

 Trong những năm gần đây, khi sự phát triển xã hội xoay chuyển theo chiều hướng liên đới trách nhiệm và toàn cầu hóa, thì người ta đã nghĩ ngay đến những mô hình “vườn ươm” trong nhiều lãnh vực, để góp phần phục vụ tốt cho cộng đồng và làm đòn bẩy cho sự phát triển xã hội.

Thí dụ: mô hình vườn ươm cây hoa cảnh, mô hình vườn ươm cây trồng con giống, mô hình vườn ươm những ước mơ, mô hình vườn ươm tâm hồn, mô hình vườn ươm ơn gọi, v.v… Trong Giáo hội cũng đã hình thành “vườn ươm đức tin”, đó là các gia đình Kitô giáo. Vậy tại sao ta không chú tâm phát triển mô hình “vườn ươm đức tin” này, vốn đã được Giáo hội đề cập và định hướng phát triển, để góp phần đào tạo những mầm non đức tin cho Giáo hội?

Chắc chắn Giáo hội đã đề cập đến mô hình “vườn ươm đức tin” rất nhiều lần trong nhiều văn kiện và giáo huấn của Giáo hội. Ở đây chỉ xin được trích “Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt nam, năm 2008”.

Ngày 05/12/2008 Hội đồng Giám mục Viêt Nam đã ra “Thư chung về môi trường giáo dục trong gia đình Công giáo”. Thư chung này có 20 số. Ngoài phần dẫn nhập và kết luận, nội dung Thư chung xoay quanh ba chủ đề:

- Nền tảng của việc giáo dục gia đình (từ số 4-8).

- Gia đình trong bối cảnh Việt Nam hôm nay (từ số 9-12).

- Một số chỉ dẫn mục vụ (từ số 13-19).

Trong Năm Đức tin, đọc lại “Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt nam, năm 2008”, tôi xác tín hơn về đề tài “Gia đình là vườn ươm đức tin” của Giáo hội.

1. Gia đình là vườn ươm đức tin, nên mọi thành viên trong gia đình rất cần được sống trong bầu khí đức tin. Chính trong gia đình, đức tin được đón nhận, được thực hành, được đem vào cuộc sống và được ân cần thông truyền cho nhau. Nơi đây đức tin được giao lưu và truyền thụ qua những buổi tối cầu nguyện chung.

Thư chung viết: "Hình ảnh một gia đình công giáo Việt Nam được ghi đậm nét do việc mọi thành viên cùng cầu nguyện chung với nhau. Giờ cầu nguyện chung giúp các thành viên trong gia đình gần gũi và có trách nhiệm với nhau hơn. Cầu nguyện chung là yếu tố quan trọng giúp hòa giải những mâu thuẫn gia đình và làm cho mọi người dễ tha thứ cho nhau" (Thư chung, số 14).

 Thực vậy! Trong gia đình, con cái được truyền thụ đức tin ngay từ tấm bé. Khi sinh ra được ít tháng, ta được cha mẹ giúp để lãnh nhận Bí tích Rửa tội, được làm con Chúa. Khi vừa bập bẹ biết nói, ta được học "ạ Chúa, ạ Mẹ", được dạy làm dấu Thánh giá, đọc kinh Kính mừng... Tất cả những điều ấy tưởng chỉ là thói quen của lòng đạo đức bình dân, nhưng còn hơn thế nữa. Đó là lối sống tự nhiên như hơi thở, rất cần thiết cho mọi gia đình Công giáo.

 Như thân xác cần được nuôi dưỡng và lớn lên từng ngày thế nào, thì đức tin cũng cần được nuôi dưỡng và dần dần trưởng thành như vậy. Do đó những lời kinh nguyện mà cả gia đình đọc bên cạnh chiếc nôi, sẽ là lời ru đạo đức thấm đẫm vào tâm trí non nớt của trẻ thơ, mà cả cuộc đời sau này, nó sẽ không bao giờ quên. Lời kinh ấy tựa như dòng sữa đức tin rất cần cho sự phát triển đầu đời của đứa con. Lời kinh ấy còn là một phương thế hữu hiệu để giúp cho trẻ thơ làm quen với sự hiện diện của Thiên Chúa, là Người Cha ở ngay trong gia đình. Vẫn biết rằng đức tin là hồng ân đến từ Thiên Chúa, nhưng xem ra Thiên Chúa lại nhờ cha mẹ thông truyền đức tin ấy cho con cái mình bằng chính cuộc sống đức tin của cha mẹ.

 Vì thế, chúng ta hãy cổ võ việc đọc kinh tối trong gia đình. Khuyến khích cả nhà có thói quen cùng nhau đi dâng lễ, noi gương Thánh gia cùng nhau lên đền thờ cầu nguyện (Lc 2, 41-42). Hãy cổ võ mọi thành viên trong gia đình siêng năng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể và lãnh nhận Bí tích Giao hòa. Có như thế, gia đình mới là vườn ươm đức tin, và mọi thành viên trong gia đình được sống hạnh phúc trong bầu khí đức tin.

 2. Gia đình là vườn ươm đức tin, nên mọi thành viên trong gia đình rất cần được sống trong bầu khí đức ái. Chúng ta biết, đức ái là ngôn ngữ diễn tả đức tin. Người ta không thấy đức tin của ta, nhưng người ta có thể cảm nhận được đức tin qua đời sống bác ái của ta. Vì thế “đức tin không hành động là đức tin chết” (Gc 2, 22).

 Thư chung viết: “Do đó gia đình phải là môi trường giáo dục đặc biệt về tình yêu. Giáo dục đức tin phải đi đôi với giáo dục đức ái. Cần giáo dục tình yêu cho con cái biết yêu thương hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, biết yêu thương kính trọng bà con họ hàng, biết yêu thương và kính trọng mọi người. Cũng cần giáo dục con cái biết yêu thương, tôn trọng, nâng đỡ và hy sinh cho nhau. Con người không biết sống yêu thương trong gia đình, thì không thể biết sống yêu thương đúng nghĩa trong các môi trường xã hội.

 Việc giáo dục tình yêu cần phải kiên nhẫn và nhất là cần đến gương yêu thương giữa cha mẹ, giữa vợ chồng. Gương mẫu của giáo dục tình yêu chính là Thánh Gia, cao hơn nữa chính là gương Chúa Giêsu yêu thương và phục vụ Hội Thánh, yêu thương và hy sinh đến chết vì mỗi người chúng ta. Thật lý tưởng khi mọi thành viên trong gia đình đều cảm nhận sâu xa là mình được mọi người trong gia đình yêu thương và tình yêu của mình được mọi người đón nhận, đáp trả” (Thư chung, số 15).

 3. Gia đình là vườn ươm đức tin, nên mọi thành viên trong gia đình rất cần được sống theo lương tâm và sự thật. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI khẳng định rằng: “Nếu tiến bộ kỹ thuật không đi đôi với tiến bộ trong việc giáo dục đạo đức con người, trong sự tăng trưởng con người nội tâm, thì đó chẳng phải là một sự tiến bộ, nhưng lại là một mối đe dọa đối với con người và thế giới” (Thông điệp Spe Salvi, số 22).

 Thư chung viết: “Theo đó, lương tâm ngay chính và đời sống nội tâm sâu xa là yếu tố căn bản cho sự bền vững và phát triển của xã hội. Mọi hoạt động đều phải xây dựng trên nền tảng lương tâm ngay chính, thì mới mang lại hiệu quả tích cực. Gia đình là môi trường quan trọng và không thể thay thế cho việc huấn luyện này. Người cha người mẹ chính là những nhà huấn luyện lương tâm cho thế hệ tương lai.

 Để cho việc huấn luyện lương tâm có hiệu quả, cần phải có sự cộng tác của mọi thành phần Giáo hội và xã hội, vì xã hội được coi như sự nối dài của gia đình trong sứ mạng giáo dục. Thật là mâu thuẫn nếu trong nhà cha mẹ dạy con thật thà, mà ra khỏi gia đình cha mẹ lại gian lận dối trá đối với những người xung quanh. Gương sáng của cha mẹ và những bậc cha anh đóng vai trò quan trọng để giáo dục lương tâm cho những thế hệ nối tiếp. Dân tộc và Giáo Hội Việt Nam trong tương lai sẽ ra sao, nếu thế hệ hôm nay bàng quan nhắm mắt trước sự man trá lừa lọc? Đó là câu hỏi khiến cho các bậc phụ huynh, các giới hữu trách giáo dục phải đặt ra một cách nghiêm túc, để kịp thời tìm biện pháp cứu vãn tình thế” (Thư chung, số 16).

 4. Gia đình là vườn ươm đức tin, nên mọi thành viên trong gia đình rất cần được giáo dục về các đức tính nhân bản. Do đời sống công nghiệp và đô thị phát triển, con người thời nay có nguy cơ sống khép kín, thiếu tình yêu và thiếu quan tâm đến tha nhân. Gia đình là môi trường thuận lợi giúp cho các thành viên sống tình liên đới, vị tha, hài hòa và quảng đại.

 Khi chú trọng giáo dục cho con cái những đức tính nhân bản như khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ, các bậc phụ huynh đang huấn luyện con cái mình “thành người”. Giáo dục nhân bản còn nhằm huấn luyện con người có trách nhiệm đối với tha nhân và công ích, góp phần bảo vệ và phát triển cuộc sống xã hội, tôn trọng thiên nhiên, cổ võ những hoạt động bác ái. Việc vận động mọi thành viên trong gia đình cùng tham gia vào mọi sinh hoạt văn hóa lành mạnh, cũng là đường lối sư phạm cụ thể và hiệu quả để giáo dục nhân bản cho thế hệ tương lai.

Trong phần kết luận, các Đức Giám mục kêu gọi: “Chúng tôi mời gọi mọi thành phần Dân Chúa hãy cộng tác trong việc vun trồng những thế hệ tương lai. Nếu gia đình là nhân tố quyết định sự tồn vong của Giáo Hội và xã hội, thì việc đầu tiên chúng ta phải nghĩ tới là củng cố và thăng tiến gia đình, để bảo đảm cho hôn nhân và gia đình có được sức sống yêu thương tràn đầy và sự thăng tiến về nhân bản cũng như lòng đạo đức.” (Thư chung, số 20).

Chỉ còn mấy tháng nữa là kết thúc Năm Đức Tin 2013 (24/11/2013). Thiết tưởng đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại đức tin của chính mình và luôn nhắc nhở nhau: Hãy biến đức tin thành hành động. Hãy biến gia đình mình thành “vườn ươm đức tin”. Chúng ta không có quyền chọn lựa cuộc sống, nhưng mỗi người đều có quyền chọn lựa cách sống cho chính mình. “Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con

Maria Vũ Nguyễn Ánh Hương

Read 1743 times Last modified on Thứ tư, 30 Tháng 10 2013 16:54