Gia đình sống mùa vọng-Thứ sáu sau Chúa Nhật I Mùa Vọng
Posted by Ban Biên Tập
SỐNG MÙA VỌNG
Ngày 05/12/2014 – Thứ sáu sau Chúa Nhật I Mùa Vọng
Tiên Tri (Ngôn sứ) là gì?
Để hiểu ý nghĩa từ “Tiên tri” theo Kinh Thánh, chúng ta cần phân biệt, một là các nhà tiên tri theo ý nghĩa Kinh Thánh mà ai cũng biết, hai là tiên tri còn là người đoán trước tương lai. Một người mà nói trước những biến cố xảy ra trong tương lai, thường được gọi là “nhà tuyên sấm”.
Từ “tiên tri” (prophet) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp (“προφήτης” có nghĩa là “tiên đoán”), mang ý nghĩa chỉ những người phát ngôn thay mặt một người khác. Theo truyền thống của các Kitô hữu Do Thái (Judaeo-Christian), “người khác” ấy chính là Thiên Chúa. Như vậy, tiên tri là những người nói nhân danh Thiên Chúa. Họ có đặc sủng nhìn thấy những viễn ảnh qua sự linh hứng của Thiên Chúa và phần lớn quy chiếu vào hiện tại. Xa hơn nữa, họ nói về những diễn biến hành động trong hiện tại nhưng hướng đến tương lai.
Đúng hơn: “Tiên tri là người cảnh báo, chứ không phải là người tiên đoán tương lai”
***
Ngày ấy, kẻ điếc sẽ được nghe được những lời trong sách; mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm và sẽ được nhìn thấy. Người hèn mọn sẽ tìm thấy niềm vui trong Đức Chúa, và người nghèo phấn khởi trong Đấng Thánh của Israel. (Is.29,17-24)
Và “Những người hèn mọn sẽ tìm thấy niềm vui trong Đức Chúa”.
Niềm vui.
Tin vui.
Niềm vui cho thế giới.
Từ “Niềm Vui” có thể được dùng với nhiều ý nghĩa khác nhau. Roget’s Thesaurus cho rằng Niềm Vui có thể hiểu là hạnh phúc, hân hoan, vui mừng, vui thích, thú vị, phấn khởi, sung sướng… tùy theo mỗi người.
Trong bữa tiệc ly, Chúa Giê-su nói với các tông đồ: “Thầy đã nói với anh em điều đó để niềm vui của Thầy ở trong anh em và niềm vui của anh em trở nên trọn vẹn” (Ga 15, 11). Ngài đã dùng từ trong tiếng Hy Lạp “chara” (χαρά, "niềm vui"), bắt nguồn từ chữ “charis”, có nghĩa là Ân sủng (grace). Đó là ý nghĩa trọng tâm mà Kinh Thánh diễn tả bằng từ Niềm Vui.
Một cách đơn giản, “Ân sủng” có nghĩa là “Chúa nghiêng mình đến tôi một cách nhân từ và đầy ân sủng”.
Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa là gì và Thiên Chúa là ai đối với chúng ta.
Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi ta, cho dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Chúa vẫn luôn nghiêng mình đến ta một cách nhân từ và đầy ân sủng. Và đó là sáng kiến của Thiên Chúa, là ân huệ nhưng không, cho dù ta không xứng đáng.
Vào thời điểm này, đó là một niềm vui lớn.
Dành vài phút thinh lặng với Chúa.
Jos. Nguyễn Hùng Cường