Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 16 Tháng 7 2021 07:34

Người Tôi Trung Hiền Lành

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Người Tôi Trung Hiền Lành

17 08 X Thứ Bảy Tuần XV Thường Niên.
(Tr) Lễ Đức Mẹ ngày thứ Bảy.

Xh 12,37-42; Mt 12,14-21.

Người Tôi Trung Hiền Lành

Tin Mừng theo thánh Mát-thêu cho biết lời tiên báo về Người Tôi Trung trong sách ngôn sứ I-sa-i-a được ứng nghiệm nơi Đức Giê-su: Ngài là Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn; Thiên Chúa hài lòng vì người Tôi Trung hiền lành nhân hậu ấy. Không cãi vã, không lớn tiếng: đó là tính cách nhân bản nhưng được nuôi dưỡng và phong phú bởi lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa: Ngài luôn quan tâm, nâng đỡ, bênh vực những người bất hạnh, những người không có địa vị; những người bị gạt ra ngoài lề, không tiếng nói trong xã hội lại được Ngài dang tay đón nhận; dẫu chỉ còn một tia hy vọng le lói, Ngài vẫn nhẫn nại đợi chờ để cứu độ con người.

Chúa Giêsu biết rõ những người Biệt Phái ghen ghép và mưu hại Ngài, Ngài đã kín đáo rời khỏi miền Galilê để tiếp tục sứ mệnh của Ngài tại nhiều nơi khác, Ngài còn cấm những kẻ theo Ngài không được tiết lộ cho thiên hạ biết Ngài là ai. Thánh Mátthêu đã nhận ra trong sự kiện này lời tiên tri Isaia đã ứng nghiệm, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.

Ðấng Thiên Sai là Con Thiên Chúa. Thần Khí Thiên Chúa luôn ngự trên Ngài, nhưng theo lời tiên tri Isaia, khi Ngài xuất hiện thì đây là dấu để nhận ra Ngài; một con người hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng, Ngài không cãi vả, không la lối, Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã dập, không dập tắt tim đèn còn khói. Ðó chính là lòng nhân từ kiên nhẫn, xót thương của Chúa. Nhưng Ngài hiền lành không phải để buông xuôi, mà là để thâm nhập tâm hồn con người, cho đến lúc sự công chính được toàn thắng và muôn dân nước đều hy vọng vào Ngài.

Hiền lành và khiêm nhường là thái độ không luôn dễ. Nên, nhiều khi Chúa dạy chúng ta điều đó một cách quyết liệt hơn. Đó là Chúa để cho tôi gặp phải những bất ngờ phức tạp gây đau đớn. Thí dụ tađịnh sẽ là thế này, sẽ phải thế nọ. Nhưng không ngờ, thực tế lại xảy ra khác. Ta phải khiêm nhường hiền từ để vâng phục ý Chúa. Ý Chúa nhiều khi rất khác ý của loài người chúng ta. Nhưng, biết khiêm nhường từ bỏ ý riêng, vâng phục ý Chúa, thì mới là thực sự thờ phượng Chúa. Thờ phượng Chúa với bao nhiêu việc lành, mà thiếu khiêm nhường, thì Chúa cũng không nhận.

Chúa Giêsu nói rất rõ về điều kiện khiêm tốn, trong dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện.

Người Pharisêu đứng riêng một mình, gần bàn thờ và cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, con xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác; tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí không dám ngước mặt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Tôi bảo thật cho các ông biết: Người này khi trở xuống mà trở về nhà, thì đã được nên công chính rồi. Còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,10-14). Tạ ơn Chúa cũng có thể kiêu căng.

Thật ra, trong suốt cuộc sống tại thế và cho đến hôm nay, Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn chờ đợi với hy vọng mọi người trở về với Ngài để được cứu thoát. Chẳng hạn với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, một thứ tội phải bị ném đá, Chúa Giêsu chỉ nói: "Tôi cũng không kết án chị, chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa". Ngài luôn quả quyết: "Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn trở lại", và thực tế, Ngài đã chữa lành những kẻ bị coi là tội lỗi và bị xã hội ruồng bỏ.

Lời Chúa hôm nay một lần nữa cho thấy ơn cứu rỗi ở tầm tay chúng ta: được cứu rỗi hay không là do chúng ta, vì Chúa vẫn kiên nhẫn và ban ơn đầy đủ, chỉ cần chúng ta thành tâm trở về với Ngài. Người trộm lành chỉ trong giây phút hướng tâm hồn về Chúa và tin tưởng nơi Ngài, đã được Chúa hứa cho ở trên Thiên Ðàng với Chúa ngay hôm đó. Còn Giuđa đã thất vọng đến chỗ tự vẫn, thì đó là dấu chưa hiểu lòng Chúa thương yêu bao la đến mức nào.

Xưa, Chúa Giêsu đã chịu thử thách bằng đủ mọi đau khổ. “Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Kitô đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện, nài xin Đấng có quyền năng cứu Người... Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ, mới học được thế nào là vâng phục...” (Dt 5,7-8). Chúa Giêsu đã vâng chịu đủ mọi khổ đau vì mục đích gì? Thưa, để cứu chuộc loài người. Thánh Phêrô quả quyết: “Anh em đã được cứu chuộc nhờ máu châu báu của Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích, là Đức Kitô” (1 Pr 1,19).

Nay, Chúa dạy mỗi người chúng ta cũng hãy góp một phần nhỏ vào việc cứu chuộc loài người, cũng bằng khổ đau. Tôi hiểu như vậy. Nên những khi chịu đau khổ, tôi luôn nghĩ là Chúa Giêsu đang chịu đau khổ trong tôi, để cứu các linh hồn. Niềm tin ấy giúp tôi nhìn rõ hơn bổn phận tôi phải sống hiền lành và khiêm nhường theo gương Chúa. Tất nhiên hiền lành và khiêm nhường trong mọi khổ đau chính là vì tình yêu.

Và như thế, khi được sai đi rao giảng, tôi phải luôn luôn nhớ mình là của lễ đền tội cho đoàn chiên. Tôi sẽ là của lễ có giá trị đền tội, khi tôi vác thập giá và chịu đóng đinh vào thập giá, với tình yêu chấp nhận khiêm tốn và hiền lành như Chúa Giêsu. Làm được gì thì cũng làm với tấm thân là của lễ. Không làm được gì, thì thân mình vẫn là của lễ hiền lành khiêm tốn. Chúa dạy tôi như vậy.

Chúa mãi mãi thương gọi mỗi chúng ta. Một trong những Lời Chúa gọi đang trở thành khẩn thiết cho tôi lúc này, đó là: “Hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29).

Chúa gọi âm thầm, nhưng da diết. Cùng với Lời gọi đó, xin Chúa ban cho chúng ta hai ơn này: Một là lòng khao khát muốn nên hiền lành và khiêm nhường thực sự. Hai là khao khát học hiền lành và khiêm nhường nơi Chúa Giêsu là Đấng thương gọi chúng ta.

Huệ Minh

Read 388 times Last modified on Thứ bảy, 17 Tháng 7 2021 06:27