Như chúng ta biết chiều thứ Năm tuần Thánh là Thánh Lễ Tiệc Ly. Trong Thánh Lễ này chúng ta làm lại từng cử chỉ, nhắc lại từng lời nói của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly với các môn đệ mà Chúa Giêsu đã làm.
Trong Thánh Lễ Thứ Năm Tuần Thánh có nghi thức rửa chân. Chúng ta thấy Chủ tế làm lại cử chỉ Chúa Giêsu làm cho các môn đệ. Trong Thánh Lễ này, như bao Thánh Lễ khác, chủ tế cầm lấy tấm bánh chúng ta đọc lại lời Chúa Giêsu : Đây là Mình Thầy, bị nộp vì các con. Còn cầm lấy chén rượu, thì nói : Đây là chén máu Thầy đổ ra cho các con mà muôn người được tha tội.
Đây là Mình Thầy bị nộp. Đây là chén Máu Thầy đổ ra. Hai động từ đó trong bữa Tiệc Ly mang tính dấu chỉ và mang tính Bí Tích. Với tất cả những điều đó, chúng ta liên kết với ngày thứ Sáu Tuần Thánh khi Chúa Giêsu thực sự đổ máu trên thập giá, khi Chúa Giêsubị trao vào tay người đời và lên án giết chết.
Sau Thánh Lễ hôm nay, chúng ta làm chuyện khác mọi ngày. Chúng ta không giải tán để về nhà nhưng chúng ta cùng nhau kiệu Mình Thánh Chúa từ Bàn Thờ chính qua Bàn Thờ phụ. Nghĩa là chúng ta đi lại con đường mà Chúa Giêsu đi từ Nhà Tiệc Ly cho đến vườn Giêtsêmani. Ở đây Chúa trải qua cơn hấp hối run khiếp và sợ hãi. Ở đây, Chúa nói với chúng ta cũng như nói với các môn đệ : Anh em không thức với Thầy 1 giờ sao.
Chính vì vậy, chúng ta thay phiên nhau đi Chầu Mình Thánh Chúa. Xuyên qua lời nói và cử chỉ của Chúa Giêsu, ta thấy sợi chỉ xuyên suốt tất cả đó là mầu nhiệm tự hạ của Thiên Chúa. Nói đến Thiên Chúa thì chúng ta hình dung ra là Thiên Chúa toàn năng dựng nên Trời Đất. Thiên Chúa Toàn năng hôm nay lại bày tỏ một dung mạo nữa của Thiên Chúa tự hạ đến tột cùng. Thiên Chúa ngang qua Chúa Giêsu đã quỳ xuống rửa tội cho con người. Một Thiên Chúa quỳ xuống rửa tội như người đầy tớ. Ta thấy Phêrô phản ứng : Thưa Thầy ! Sao Thầy rửa chân cho con được.
Bằng hành động này, ta thấy Chúa Giêsu diễn tả một Thiên Chúa tự hạ đến tột cùng. Ta thấy Chúa hiến mình tự hạ làm lấy máu thịt mình của ăn và lương thực nuôi sống con người. Chúa tự hạ tột cùng cho nên chia sẻ giây phút tột cùng của con người là cơn hấp hối mà là cơn hấp hối khủng khiếp.
Xuyên qua cử chỉ và lời nói mà cộng đoàn phụng vụ làm trong ngày thứ Năm Tuần Thánh là mầu nhiệm tự hạ của Chúa.
Điều gì khiến cho Thiên Chúa toàn năng lại tự hạ tột cùng đến như vậy.
Với tất cả những điều Chúa Giêsu đã làm, mỗi vị làm cha làm mẹ chắc chắn có kinh nghiệm làm cha làm mẹ trong gia đình. Anh chị em đã từng có con nhỏ thì kinh nghiệm hơn bao giờ hết. Đã bao nhiêu lần anh chị em đã quỳ xuống để rửa chân cho con cái. Bao nhiêu lần thức trắng đêm để lo cho đứa nhỏ. Bao nhiêu lần quỳ xuống lo cho đứa nhỏ.
Ở gia đình, có 2 đứa cháu giờ đã lớn nhưng ký ức về tuổi thơ của 2 đứa vẫn con như in trong tâm trí tôi. Hễ cứ nó mọc răng là những ngày đó cha mẹ chúng và cả cậu của chúng cũng phải vất vả theo chúng.
Vì sao cha mẹ cúi xuống rửa chân tay và cả người của con mình ? Vì tôi thương con tôi. Làm cha làm mẹ, anh chị em là những người có địa vị trong xã hội nhưng vẫn yêu thương con cái của mình. Ông bà ngoại có thể cúi xuống làm con bò cho con cháu cưỡi mua vui cho con cháu mình mà không nghĩ ngợi gì. Sự phục vụ ấy là dòng chảy từ trong trái tim, trong tâm hồn dành cho những người mà mình yêu thương. Kinh nghiệm đó cho ta hiểu phần nào về Thiên Chúa toàn năng hy sinh đến tột độ như vậy.
Thánh Lễ tiệc ly hôm nay ta tự hỏi mỗi chúng ta có sẵn lòng để cho Thiên Chúa yêu thương hay không ? Tưởng hỏi câu gì khó ! Để được Chúa yêu là nhất còn gì nữa. Ai mà chê chối tình yêu của Thiên Chúa. Chưa chắc ! Cũng giống như nhiều đứa trẻ sống trong gia đình, cha mẹ hết mực yêu thương săn sóc nhưng không cảm tình yêu thương cha mẹ. Chúng cứ nghĩ cha mẹ đưa ra luật này luật kia để quản lý con. Như đứa con hoang đàng và như Ađam Eva. Biết đâu có những lúc chúng ta như vậy. Vì mình không cảm tình yêu của Chúa cũng như Lời của Chúa như ánh sáng và sự sống. Chúng ta cảm thấy Chúa như rào cản sự tự do mà mình muốn phá. Liệu chúng ta có sẵn sàng để Chúa yêu thương mình không ?
Vậy khi mình cử hành mầu nhiệm tự hạ của Thiên Chúa vì yêu thương thì chúng ta được mời gọi thế nào ? Chưa bao giờ người ta nói về tình yêu như ngày hôm nay. Chưa bao giờ mà 2 chữ tình yêu nó bị lạm dụng. Tình yêu nó bị đồng hóa với cưỡng đoạt và hưởng thụ. Chúng ta chiêm ngưỡng tình yêu của Chúa thì chúng ta thấy Chúa diễn tả tình yêu bằng sự tự hạ, khiêm tốn, tự hủy mình ra không. Đó mới là thước đo của tình yêu. Thước đo đó gây âm hưởng thế nào về tình yêu.
Dựa vào phụng vụ hôm nay để chúng ta cử hành nghi thức cũng như Thánh Lễ Tiệc Ly có ý nghĩa. Qua đó chúng ta khám phá ra một Thiên Chúa tự hạ để chúng ta bước đi theo Ngài trong tự hạ và yêu thương đích thực.
Lm. Anmai, CSsR