Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 16 Tháng 4 2022 06:38

Tôi đặt hy vọng vào Đức Giêsu Phục Sinh

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  TÔI ĐẶT HY VỌNG VÀO ĐỨC GIÊSU PHỤC SINH | Suy Niệm Tin Mừng Đại Lễ Phục Sinh



TMĐP- Tôi đặt trọn hy vọng vào Đức Giêsu chịu đóng đinh, người tôi trung của Thiên Chúa, Chứng Nhân của Chân Lý… Và mãi mãi tôi hy vọng ở đâu và lúc nào, Thiên Chúa cũng sẽ chỉ hỏi tôi về tình yêu tôi dành cho Ngài

1/ Tôi đặt trọn hy vọng vào Đức Giêsu chịu đóng đinh, vì Ngài đã hoàn toàn tự do đi vào cuộc Thương Khó và Tử Nạn, khi nhiều lần loan báo cho các môn đệ biết quyết định “phải đi Giêrsalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16, 21).

Tự do trước cái chết và Lời Hứa sống lại của Ngài cho phép tôi hy vọng: chết chỉ là một bước phải đi để vào cõi sống, vì chính Ngài đã mời gọi tôi “từ bỏ tất cả, và liều mất mạng sống mình vì Ngài” (x . Mt 10,37- 39), nên trước những bất hạnh, đau khổ, thiệt thòi, và cái “trống không” đáng sợ của sự chết, tôi hiểu lời kêu goi từ bỏ mọi sự, kể cả mạng sống ấy chính là lời mời gọi đi vào cõi sống đời đời với Ngài, vì như Phêrô, cả khi còn trai trẻ cường tráng, nhiêtt thành, năng nổ, cũng như lúc già nua yếu đuối, Ngài vẫn gọi ông “Hãy đi theo Thầy” (Mt 4, 19 ; Ga 21,22).

2/ Tôi hy vọng vào Đức Giêsu, người tôi trung của Thiên Chúa, vì Ngài “vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người thương yêu họ đến cùng” (Ga 13,1).

Lời hứa yêu thương đến cùng của Đức Giêsu không là lời hứa hão, hứa cho có, hứa cho qua chuyện, nhưng hiện thực bằng hành động xuống “tận cùng của mọi cùng tận”, khi qùy xuống rửa sạch, lau khô và hôn những bàn chân nhớp nhúa, xấu xí của các môn đệ, là phần “tận cùng” của thân xác, vì bàn chân gắn liền với đất cát, bùn nhơ, bụi bặm, chẳng thế mà lúc nào cũng che kín, giấu nhẹm bằng úp mặt xuống đất.

Đó là lý do niềm hy vọng được cứu rỗi nảy mầm trong tôi. Hy vọng ấy không chỉ nảy sinh từ tình yêu đến cùng, mà còn từ lòng thương xót ở tận cùng tội lỗi, mà dưới đôi mắt nhân hậu của Đấng Cứu Độ từ trên Thánh Giá, bất cứ tội nhân nào cũng đáng được thương xót, bao dung, như lời Ngài cầu xin cùng Chúa Cha trước khi gục đầu tắt thở: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Theo logic của trái tim Thiên Chúa làm người, yêu đến cùng, yêu tận cùng có nghĩa: cuối cùng chỉ còn lại tình yêu vô cùng ôm lấy tất cả mọi khốn cùng của nhân loại, bằng “phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc” (Mt 20,28)

3/ Tôi hy vọng vào Đức Giêsu, Đầu của Thân Thể mầu nhiệm, nên dám hy vọng vào những người đi theo Ngài, dù lắm lúc tôi phải bực mình vì những thiếu sót, yếu đuối, tội lỗi của họ, bởi họ nói mà không làm, hay nói một đàng, làm một nẻo, hoàn toàn trái ngược nhau, mặc dù sứ vụ của họ là phải lên tiếng làm chứng sự thật, bênh đỡ người yếu thế, bảo vệ kẻ bị hàm oan; dù trách nhiệm của họ là người hướng đạo, ánh sáng, muối men, gương sáng cho mọi người.

Lý do và nền tảng của niềm hy vọng tôi đặt ở Chúa và nơi tập thể những nguời đi theo Chúa không do Chúa làm cho họ thành một tập thể được tuyển chọn, thuộc hàng khanh tướng; cũng không biến họ thành đoàn thể gồm những thánh nhân tài đức song toàn, trong sạch, thánh thiện, nhưng muốn họ làm thành một cộng đoàn của niềm Hy Vọng và lòng Thương Xót, khi ân cần căn dặn họ trước khi lên đường đi chịu chết: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ… Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy” (Ga 14,1-3), và trăn trối cho họ chỉ một điều: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Còn hơn thế nữa, những người thuộc về Ngài sẽ chỉ mang duy nhất một huy hiệu, một dấu chỉ để mọi người nhận ra họ, đó là họ yêu thương nhau. Ngoài ra không có dấu chỉ, hay huy hiệu nào khác để nhận diện họ là môn đệ của Đức Giêsu (x. Ga 13,35).

Nhờ niềm Hy Vọng và lòng Thương xót mà đoàn thể những người đi theo Đức Giêsu trên hành trình cùng mọi nguời không thoái hoá thành pháo đài quyền lực, hay ốc đảo vinh quang, phú quý giữa đại dương nghèo hèn, cơ cực, bị đàn áp, bóc lột; không kiêu căng, ngạo mạn, kỳ thị, tẩy chay, loại trừ những người không thuộc phe nhóm, vùng miền, hàng ngũ với mình; trái lại, họ cùng mọi người làm thành cộng đoàn huynh đệ nâng đỡ nhau sống mầu nhiệm Thiên Chúa trên đuờng về Nước Trời bằng chia sẻ niềm Hy Vọng và lòng Thương Xót. Bằng chứng là Đức Giêsu phục sinh đã hiện ra giữa cộng đoàn gồm những con người yếu đuối, nhát sợ, không ô dù che thân, không thế lực chống lưng, không tiền bạc đút lọt, mua chuộc như các Tông Đồ đã kín đáo tụ họp trong nhà và “các cửa đều đóng kín vì các ông sợ người Do Thái” (Ga 20,19).

Nhờ sống niềm Hy Vọng và lòng Thương Xót mà sự Hiệp Nhất trong cộng đoàn được gìn giữ, phát huy, để không bao giờ cộng đoàn trở thành sào huyệt của ganh ghét, vu khống, quy chụp, lên án, “vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài” (Kh 12, 10).

Vâng, tôi hy vọng vào Giáo Hội là đoàn thể những người đi theo Đức Giêsu. Vì được Đức Giêsu yêu thương như Hiền Thê, nên Giáo Hội hằng được “thánh hoá và thanh tẩy bằng nước và lời hằng sống” để “có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn…” (Ep 5,26-27), với điều kiện Hội Thánh ý thức và sống niềm Hy Vọng, lòng Thương Xót, bởi ở ngoài niềm Hy Vọng là tin vào Lời Hứa, và lòng Thương Xót là thực thi lệnh truyền, Giáo Hội sẽ không tự đặt mình vào qũy đạo tình yêu thánh hoá và thanh tẩy của Đức Giêsu để được trở nên Hiền Thê “thánh thiện và tinh tuyền” của Ngài (x. Ep 5, 27).

4/ Tôi hy vọng vào Đức Giêsu, Chứng Nhân của Chân Lý khi Ngài tuyên bố trước quan Philatô: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sư thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37), bởi từ nay sự thật được xây trên Con Người Đức Giêsu là Tình Yêu nhập thế, nhập thể, mà không dựa vào bất cứ uy quyền, thế lực, ảnh hưởng, luận chứng nào. Nói cách khác, sự thật sẽ không là sự thật bóc trần, đe dọa, đàn áp, khống chế, tiêu diệt, nhưng là sự thật giải phóng, chữa lành, sự thật đổi mới, thăng tiến, sự thật an ủi, ban bình an, vì sự thật là Ánh Sáng cho tôi thấy sự toàn mỹ và lòng tốt của Thiên Chúa bao phủ trên toàn thể tạo vật của Ngài.

Đàng khác, sự thật và tình yêu tương quan mật thiết, nên càng yêu nhau, người ta càng biết nhau; sự thật và tình yêu sánh vai trưởng thành, nên tình yêu giúp hiểu biết nhau thấu đáo, và sự thật giúp yêu nhau thắm thiết, nồng nàn.

Đức Giêsu là Tình Yêu (x. 1 Ga 4,8). Ngài cũng là “đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6), nên đi với Ngài, “đứng về phía Ngài, nghe tiếng Ngài”, yêu mến, phụng sự Ngài (Ga 18,37), chắc chắn tôi sẽ không bao giờ phải thất vọng.

5/ Tôi hy vọng vào Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người đã sống lại với thân xác loài người, khi hiện ra “bằng xương bằng thịt” với bà Maria và gọi tên bà ngay bên mộ phần buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần khi bà đi viếng mộ (x. Ga 20, 14- 16); khi làm khách bộ hành cùng đi với hai môn đệ trên đường từ Giêrusalem về Emmau và trò chuyện, chia sẻ, ăn tối với họ (x. Lc 24,13-35) ; khi đứng giữa các môn đệ và “cho các ông xem tay và cạnh sườn” còn rướm máu do đinh sắt và lưỡi đòng, lại còn “bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,20.27) ; khi tỏ mình ra cho các ông ở biển hồ Tibêria, và chuẩn bị “sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa” cho các ông (x. Ga 21, 9-10).

Tôi hy vọng vì ở bất cứ hoàn cảnh, tình huống nào, Thiên Chúa làm người vẫn luôn có mặt giữa con người, với mỗi người, bên cạnh từng người; tôi hy vọng vì dù đã sống lại, Thiên Chúa làm người vẫn tỏ mình ra trong thân xác con người, mà không phủ nhận, từ chối thân xác hay hư nát; tôi hy vọng vì Thiên Chúa yêu con người, nên yêu cả thân xác mong manh, yếu đuối, vô số khuyết điểm, vô vàn tội lụy của con người; tôi hy vọng, vì Thiên Chúa làm người đã chọn thân xác con người từ trong lòng Đức Maria cho đến khi lên trời, mà không một ngày tháo bỏ, rời xa thân xác ấy; và niềm hy vọng ấy cho tôi thâm tín rằng “thân xác hèn yếu này ngày sau sẽ được sống lại”, vì Thiên Chúa làm người đã chọn cho mình thân xác loài người và đổi mới, thánh hoá thân xác để thân xác trở thành “đền thờ của Thiên Chúa”, và có khả năng yêu thương như Đức Giêsu đã yêu thương, phục vụ như Đức Giêsu đã phục vụ, dâng hiến mạng sống vì người mình yêu như Đức Giêsu đã tự nguyện chết để làm Của Lễ cứu chuộc nhân loại (x.1 Cr 3,16 ; Ga 13,34 ; Mt 20,28).

6/ Tôi hy vọng vào Đức Giêsu phục sinh khi trên Thánh Giá đã kêu lên “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trút linh hồn” (Ga 19,30).

Ngài đã hoàn tất ý muốn và kế hoạch từ đời đời của Thiên Chúa Cha, Đấng “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,16-18).

Nhờ thế, tôi hy vọng đối tượng được Chúa Cha yêu thương và được Con Một Ngài là Đức Giêsu cứu độ để khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời không là một nhóm, một tập thể, một đội ngũ, ngay cả đó là đoàn thể những người “có đạo”, nhưng là “cả thế gian”, “toàn thể nhân loại”. Bằng chứng là “Chúa Cha yêu thế gian” (Ga 3,16), chứ không yêu một phần thế gian, một vùng thế giới, một nhóm nhân loại.

Niềm hy vọng của tôi còn được củng cố nhờ sứ vụ “đến thế gian không phải để lên án, nhưng để thế gian được cứu độ” của Con Một Thiên Chúa. Sứ vụ thuần cứu độ ấy mở ra mọi lối ngõ to nhỏ cho mọi người không trừ ai, để mọi người đều có thể nhận ra Con Một của Ngài là Thiên Chúa và có khả năng tin vào Ngài là điều kiện để được cứu rỗi, như nguời gian phi cùng chịu đóng đinh với Đức Giêsu đã tin vào Ngài và được Ngài hứa cho vào Thiên Đàng, hứa cho làm công dân Nước Trời, làm con Thiên Chúa vào giây phút cuối cùng của đời làm người: “Tôi bảo thật anh, ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).

Quả thực, tôi đặt hy vọng của tôi ở Thiên Chúa, Đấng “yêu cả thế gian, yêu toàn thể nhân loại”, và tôi có quyền vui mừng trong niềm hy vọng được vào Thiên Đàng với đông đảo anh chị em tôi, dù họ không là Kitô hữu, chưa lãnh nhận bí tích rửa tội, và không thuộc về Giáo Hội hữu hình, bởi ơn cứu độ của Thiên Chúa không thể bị giới hạn, khoanh vùng, đóng khung, be bờ; ơn cứu sống từ cái chết của Thiên Chúa làm người không thể chỉ hữu hiệu cho những người “có đạo”; và càng không theo những chỉ dẫn sặc mùi ích kỷ, nồng nặc ganh ghét, kỳ thị của những người không muốn ai vào Thiên Đàng ngoài mình và những người thuộc về mình.

Thánh Phaolô cũng cho tôi thấy niềm Hy Vọng vào ơn cứu độ phổ qúat tuôn đổ trên cả thế gian là chính đáng, khi ngài viết về “thời gian tới hồi viên mãn” trong Đức Giêsu Kitô, Đấng “quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh” là Ngài (Ep 1,10). Điều này muốn nói lên rằng tôi phải tiếp tục cùng anh chị em tôi bước đi trên hành trình về Chân Lý mà chúng tôi không nắm bắt trọn vẹn, không hoàn toàn thấu hiểu.

Vì thế, khi gặp những người anh em thuộc các tôn giáo khác, tôi phải kính trọng và ân cần quan tâm, không chỉ vì đòi hỏi của phép lịch sự hay tinh thần cởi mở đối thoại, mà còn do ý thức: những người anh em không cùng tôn giáo ấy có thể mang đến cho tôi nhiều điều tốt đẹp cho cuộc hành trình đi tìm Chân Lý Đức Giêsu của tôi, như người anh em Phật giáo có thể giúp tôi học cách thăng hoa những đòi hỏi của “cái tôi”, và người anh em Hồi giáo giúp tôi khám phá sâu sắc hơn tính tuyệt đối của Thiên Chúa.

7/ Và mãi mãi tôi hy vọng ở đâu và lúc nào, Thiên Chúa cũng sẽ chỉ hỏi tôi về tình yêu tôi dành cho Ngài được thể hiện sống động qua tình yêu tha nhân và cụ thể bằng việc tận tụy phục vụ những anh em bé nhỏ nhất của Ngài mà tôi đang cùng sống ở đây và lúc này (x. Mt 25,31-46), như Đức Giêsu đã chỉ hỏi Phêrô: “Có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” (Ga 21, 15.16.17), và căn dặn các môn đệ Ngài duy nhất một điều: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34), bởi từ đời đời Thiên Chúa đã thông ban hạnh phúc cho muôn loài khi tạo dựng, vì Ngài là Tình Yêu, và “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một … để thế gian, nhờ Con Một của Người mà được cứu sống” (x. Ga 3,16-17), nên tôi không bao giờ phải thất vọng về một Thiên Chúa giàu lòng thương xót, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung”, trái lại, tôi tuyệt đối tin tưởng vào Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người đã sống, đã chết và sống lại để tất cả chúng tôi, những người “cùng chết với Người sẽ được cùng sống với Người” (2 Tm 2,11) trong vinh quang và hạnh phúc đời đời Thiên Chúa dành cho những ai kiên tâm chịu đựng và trung tín trong tình yêu phục vụ như những “đầy tớ vô dụng” chỉ biết làm việc bổn phận của mình (x. Lc 17,10) khi được Ngài kêu gọi và sai đi.

Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/toi-dat-hy-vong-vao-duc-giesu-phuc-sinh-suy-niem-tin-mung-dai-le-phuc-sinh/

Read 471 times Last modified on Thứ bảy, 16 Tháng 4 2022 06:57