Với cái tựa đề là đường tình, chắc có lẽ mỗi người đều nghĩ đến đã gọi là "tình" thì chắc chắn trong đó có vui, buồn, sướng, khổ, hạnh phúc và cả bất hạnh. Với đường tình Giêsu thì có cả thập giá nữa để rồi con đường tình Emmau chắc chắn cũng gói ghém tất cả những cảm xúc của cuộc đời.
Từ ngày còn bé, cái tên Emmau rất ấn tượng. Đơn giản là cứ sau Lễ Phục Sinh, bài Tin Mừng kể lại câu chuyện của 2 môn đệ trên đường Emmau thế nào cũng được công bố. Từ đó cứ nhắc đến Phục Sinh là phải nhắc đến Emmau. Emmau như một phần diễn tả tình yêu của Chúa Giêsu Phục Sinh dành cho 2 môn đệ cũng như mỗi chúng ta.
Linh mục nhạc sĩ Thành Tâm gói ghém tâm tình của 2 môn đệ chiều hôm ấy thật hay qua tác phẩm trên đường Emmau của mình : Trên đường Emmau, hai người lữ khách bước đi bên nhau. Mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài. Này Ngài tiến đến, về Emmau tiến bươc theo ngay bên. Họ không trông ai, Người lữ khách đó chính là Ngài.
Với điệu nhạc sôi động, khi nghe ta thấy kết thúc của hành trình Emmau là một kết thúc đẹp bởi lẽ : Người lữ khách đó chính là Ngài.
Câu chuyện Emmau phải nói là câu chuyện hấp dẫn, đầy kịch tính và lôi cuốn người đọc cũng như người nghe.
Đại loại là có 2 môn đệ bỏ Giêrusalem về quê của mình để làm ăn sinh sống. Trên con đường làng Emmau đó, 2 môn đệ cảm thấy chán nản, buồn sầu và thất vọng.
Ngược thời gian, trở về quá khứ với hình ảnh đẹp, hai môn đệ đã rời quê hương của mình để lên Giêrusalem để đi tìm và đi theo con người mang tên Giêsu. Không phải đi tìm công ăn việc làm, cũng chả phải đi tìm danh phận mà là đi tìm nơi nương tựa tinh thần, nơi trao gửi niềm tin. Đơn giản là ai ai cũng biết Ông Giêsu khi gọi các môn đệ đi theo mình thì Ông chả phải là doanh nghiệp hay doanh nhân hay đại gia. Ông chỉ mời gọi đi theo để đi tìm sự sống đời đời, tìm cái mà thế gian coi là điên dại ...
Sự sống đời đời mà Giêsu loan báo và mời gọi người ta tin đặt dấu chấm hết ở cái chết. Ai mà tin một con người mở miệng ra là nói sự sống đời đời mà lại bị giết chết.
Hai môn đệ làng Emmau cũng như nhiều người khác. Họ đã buồn chán, thất vọng ê chề để rồi sau cái chết của người lúc nào cũng loan báo sống đời đời để về quê chăn vịt cho nó lành. Họ nghĩ rằng thôi thì trở về quê để sinh sống như trước có lẽ bình an hơn.
Trên con đường về, dù quá buồn, dù quá thất vọng nhưng họ vẫn trò chuyện với nhau về những gì đã và mới xảy ra tại Giêsusalem. Đang lúc mải mê nói chuyện như vậy thì lại thấy một vị khách bộ hành. Đang mang trong mình tâm sự buồn, có thêm một người để chia sẻ thì thật quý báu.
Trò chuyện say sưa và rồi trời xế chiều. Hai người đàn ông này đã chủ động mời vị khách bộ hành : "Mời ông ở lại với chúng tôi vì trời đã xế chiều".
Thế là 3 người cùng dừng lại và chắc là vào quán. Đến bữa ăn, họ đã nhận ra người khách bộ hành và rồi thì tức khắc, người khách bộ hành đó biến mất và họ nhận ra không ai khác chính là Thầy Giêsu. Ngay lập tức, trong đêm họ quay lại Giêrusalem để loan báo cho mọi người rằng họ đã gặp Chúa.
Lời chứng của họ, lời chứng của các môn đệ khác và nhất là lời chứng của các bà đã minh chứng Chúa Giêsu đã phục sinh. Niềm tin của họ bừng cháy khi thấy Chúa đã sống lại thật như lời Ngài đã hứa.
Hình ảnh thật đẹp nơi 2 môn đệ đó chính là lúc 2 ông đã mời Chúa Giêsu ở lại với họ. Chính trong bàn tiệc Lời Chúa và bẻ Bánh đó, họ nhận ra Chúa.
Cuộc đời của mỗi Kitô hữu của chúng ta cũng có những lúc như các môn đệ. Chúng ta cũng đã nhiều lần đặt niềm tin của cuộc đời mình vào Chúa nhưng rồi có những lúc chán nản, như là mất niềm tin.
Thử nhìn lại cuộc đời của ta, ta thấy rất rõ. Có những lúc bệnh tật, có những lúc làm ăn thất bại, có những lúc bị hiểu lầm, có những lúc bị chính người thân loại trừ ta mới cảm được sự trống vắn trong đời ta là thế nào ?
Bí quyết để gặp Chúa đó chính là mời Chúa ở lại với ta.
Nhìn lại cuộc đời, ta thấy cuộc đời con người cứ mãi lao đao vì không chịu mời Chúa vào trong đời của mình, vào trong gia đình của mình.
Thực tế cuộc sống ngày hôm nay, cũng do lo cơm áo gạo tiền để rồi dường như con người lạc xa Chúa và xem Chúa như một người nào đó có vẻ phụ trong cuộc đời, có cũng được mà không có cũng chả sao.
Kinh nghiệm cho thấy khi ta không để cho Chúa ở lại với ta, khi ta không để Chúa đồng hành với đời ta thì chắc chắn đời ta sẽ cứ mãi lao đao.
Như vậy, để cho gia đình ta được bình an, chả có cách nào hơn là mời Chúa vào và ở giữa gia đình chúng ta. Để thực hành, đơn giản nhất là ta tái lập lại giờ cơm chung và kinh chung với gia đình chúng ta. Khi và chỉ khi ta mời Chúa thì Chúa sẽ ở lại. Khi ta khép cửa lòng ta lại thì Chúa cũng chả vào. Xin Chúa thêm ơn cho ta để ta luôn sẵn lòng đón Chúa vào nhà để ta mãi bình an.
Lm. Anmai, CSsR