Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 20 Tháng 4 2022 17:41

Chứng nhân cho Thầy, lời mời khó

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
CHỨNG NHÂN CHO THẦY : LỜI MỜI KHÓ

          Sau khi Phục Sinh, cứ mỗi lần hiện ra cho các môn đệ thì ta thấy Chúa Giêsu không nói điều gì khác đó là điều : Anh em hãy làm chứng nhân cho Thầy !

          Chứng nhân cho Thầy vào thời của Chúa Giêsu xem chừng ra là khó bởi lẽ nói để cho người khác tin không phải là chuyện dễ. Kèm theo lời nói, các môn đệ đã sống bằng đời sống trọn vẹn hiến dâng của mình để minh chứng về Chúa Giêsu Phục Sinh.

          Chúa Giêsu đã sống lại như lời Ngài đã báo trước, nhưng nhiều nguời còn hoài nghi. Sự kiện ngôi mồ trống chưa thể xác quyết được việc Chúa sống lại từ cõi chết. Ngày thứ nhất trong tuần, chính Chú Giêsu đã hiện ra với bà Maria Mađalêna từ sáng sớm, với hai môn đệ đi làng Emmau vào buổi chiều và với mười Tông đồ tại nhà Tiệc ly vào buổi tối, để chứng minh là Ngài đã sống lại thật.

          Sau khi đã được thấy cả con người Phục sinh của Chúa với những lỗ đinh ở chân tay cùng với cạnh sườn, cũng như thấy Ngài cùng ăn với các ông, lúc đó các ông mới xác tín rằng Chúa đã sống lại. Các ông đã trở nên những chứng nhân trung thành của Chúa phục sinh, và từ đó, các ông đi loan truyền cho mọi người biến cố Phục sinh của Chúa.

          Chúng ta không được diễm phúc trông thấy Chúa sống lại như các Tông đồ, nhưng nhờ Thánh kinh, chúng ta tin vững chắc Chúa đã sống lại. Việc Phục sinh của Chúa sẽ là nền tảng cho đời sống Kitô hữu chúng ta. Và từ nền tảng này, chúng ta sẽ loan báo Chúa Phục sinh cho những người chung quanh bằng cuộc sống thường ngày của chúng ta.

          Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca nhắc lại cho chúng ta lời Chúa Giêsu ra lệnh cho các Tông đồ khi Ngài sống lại: “Phải nhân danh Thầy mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,47-48).

          Trong bài đọc một, thánh Phêrô đã làm chứng cho toàn dân Giêrusalem về Chúa Giêsu bị đóng đinh, đã chết và đã sống lại. Chính họ đã nộp Ngài và chối bỏ trước mặt quan Philatô, dù quan xét xử không thấy tội gì. Họ đã xin tha cho kẻ sát nhân và lên án Đấng công chính. Nghe thế, họ quá rõ tội lỗi đã phạm, họ đã ăn năn sám hối: “Hôm ấy đã có thêm khoảng 3000 người theo đạo” (Cv 2,41).

          Ta thấy Gioan đã làm chứng về “Đức Giêsu Kitô, Đấng công chính, chính Người là của lễ hy sinh đền bù tội lỗi ta, và còn đền bù tội lỗi cho cả thế giới”. Rồi Gioan kêu gọi chúng ta làm chứng về Đức Kitô bằng đời sống đừng phạm tội, hãy vâng giữ lệnh Đức Kitô, để chứng tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa tới mức hoàn hảo và biết được mình đang ở trong Đức Kitô. Ai không vâng lời Đức Kitô là kẻ nói láo.

    Nhìn vào lịch sử truyền giáo, chúng ta thấy các Tông đồ, những chứng nhân trung thực, đã đi rao giảng Chúa Giêsu chịu chết và phục sinh cho muôn dân, nghĩa là sau khi Chúa về trời, và sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, từ những người nhát gan, sợ hãi, từ những người dân chài, quê mùa, không hiểu gì về Đấng Cứu thế... các Tông đồ đã trở nên những người can đảm, thông thái, lợi khẩu. Các ngài đã vâng lệnh Chúa ra đi rao giảng cho mọi người biết và tin Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa đã đến trần gian, đã chết và sống lại để cứu chuộc tất cả mọi người. Các ngài đã đóng đúng vai trò chứng nhân và thi hành đầy đủ bổn phận làm chứng của mình.

          Bằng lời nói, các ngài rao giảng mà không sợ bất cứ một áp lực nào hay một sự đe doạ nào. Mỗi khi rao giảng, các ngài thường hiên ngang tuyên bố: “Chúng tôi xin làm chứng”. Dù đứng trước toà án cấm đoán, doạ nạt, các ngài vẫn khảng khái thưa: “Xin quý vị xét cho, phần chúng tôi, chúng tôi không thể không nói về những điều đã thấy, đã nghe”.

          Không những làm chứng bằng lời nói, các ngài còn làm chứng bằng việc làm, bằng chính đời sống của mình: sẵn sàng chịu vất vả, khổ cực, đòn vọt, tù ngục, và sẵn sàng chịu chết vì Chúa Giêsu. Sau 12 Tông đồ, lại có biết bao lớp tông đồ khác, trải qua các thời đại, tiếp nối sự nghiệp loan báo Tin mừng và làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.

          Ta thấy ở đầu thư thứ nhất gửi giáo đoàn Corintô. Không những coi Ðức Kitô chịu đóng đinh là đối tượng của việc rao giảng Tin Mừng nói chung, Phaolô còn nói mình không muốn biết gì khác hơn ngoài Ðức Kitô Giêsu bị đóng đinh Thập giá (1Cr 2,2). Theo một tác giả, "thư Corintô là một cuốn giáo lý đầy đủ, mà các vấn đề xoay quanh Thập giá". Dám nói rằng sự cứu rỗi bằng Thập giá là trọng tâm tất cả giáo thuyết của Phaolô.

          Thế ta ta thấy Thánh Phaolô không nói tới sự Phục Sinh của Chúa hay sao? Có chứ. Và nói rất nhiều về mầu nhiệm then chốt này, cũng như hệ quả của nó trong đời sống người kitô hữu. Sở dĩ Phaolô nhấn mạnh một Ðức Kitô chịu đóng đinh, một phần là do hoàn cảnh đặc biệt ở Corintô.

          Corintô là một thành phố xa hoa, truỵ lạc. (Kiểu nói "sống theo cách người Corintô" bao hàm một nghĩa xấu: sống phóng túng). Tuy vậy, nó lại là thành phố nằm trong cái nôi văn minh Hy Lạp, một trung tâm trí thức tìm tòi và giảng dạy sự khôn ngoan của con người. Cộng đồng kitô giáo ở đây, Do Thái có, nhưng đa số là dân ngoại. Cho dù phần đông thuộc giai cấp bạch đinh, nghèo khổ, chắc chắn các tín hữu cũng thấm nhiễu ít nhiều tư tưởng tìm kiếm sự khôn ngoan trên đây. Tư tưởng này chi phối cả cách đánh giá của họ về Tin Mừng. Theo họ, dường như Tin Mừng cũng chỉ là một hệ thống tư tưởng, một sự khôn ngoan thuần tuý nhân loại, với những thầy này thầy nọ. Bởi vậy mới có kẻ xưng mình thuộc phe Phaolô, thuộc phe Apollô, thuộc phe Kêpha, thuộc phe Ðức Kitô (x.1Cr 1,12).

          Riêng về Thập giá thì, xét theo sự khôn ngoan của con người, đó là chuyện không thể hiểu nổi, do đó không thể chấp nhận. Ðối với người Do Thái, Thập giá là cớ vấp phạm, vì chứng tỏ Ðức Kitô không có quyền năng thoát khỏi cái chết, để cứu dân theo nguyện vọng của họ. Thập giá là một thất bại hoàn toàn, còn gì để nói nữa? Còn đối với người Hy Lạp, Thập giá là một sự điên rồ, phi lý, trái với điều người ta suy nghĩ. Một người khôn ngoan, rao giảng sự khôn ngoan và chân lý, lại chấp nhận cái chết ô nhục mới có thể cứu người ta hay sao? Hoạ có điên mới làm như thế (Cho nên có nơi mô tả Ðức Giêsu bằng một chiếc đầu lừa gắn vào thập giá. Ðó là hình ảnh của người ngu si rồ dại).

          Như vậy, lời rao giảng Thập giá đi ngược lại điều người ta chờ đợi. Là cớ vấp phạm thay vì là dấu chỉ quyền năng Thiên Chúa. Là sự điên rồ chứ không phải khôn ngoan gì ráo!

          Ðể củng cố niềm tin của các tín hữu vào Thập giá, Phaolô đã phản bác lại những ý nghĩ trên đây. Người ta không thể nói về Thập giá theo quan điểm triết học, nhưng theo quan điểm thần học. Không được dựa vào sự khôn ngoan nhân loại, nhưng là dựa vào đức tin. Dưới ánh sáng đức tin, Thập giá chính là quyền năng của Thiên Chúa. Chính Thập giá đem đến cho con người ơn giải thoát cứu độ. Ðó là phép lạ mạnh mẽ nhất dưới hình thức yếu đuối, một sự khôn ngoan siêu việt nhất dưới hình thức điên rồ.

          Thập giá là một trong những hình ảnh cụ thể và độc đáo nhất cho thấy đường lối, tư tưởng và hành động của Thiên Chúa khác hẳn và vượt xa sự suy nghĩ của con người (Is 55,8-9). Chính vì Thập giá là đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa, là mạc khải vĩ đại, mà Phaolô xác tín và rao giảng một cách hăng say, không mỏi mệt. Thánh Tông Ðồ cũng muốn cho chúng ta xác tín và rao giảng như vậy.

          Ngày nay, chúng ta có thể rao giảng và làm chứng một Ðức Kitô chịu đóng đinh như thế nào?

          Nhìn vào đời sống bên ngoài của chúng ta, của dân Chúa, thậm chí của xã hội, dường như hình ảnh Chúa chịu đóng đinh hay Thập giá vẫn còn thấy nhiều, còn được nói đến nhiều. Không phải vậy sao? Trong nhà bất cứ một gia đình công giáo nào, thường ra đều có một Thánh giá treo tường. Nếu không công khai treo ở phòng trước, thì cũng kín đáo treo ở phòng sau. Chuyện đeo Thánh giá trên cổ hay trên áo không phải là hiếm. (Tu sĩ đeo không nói làm gì. Cả người ngoài đạo cũng đeo nữa, đến nồi có lúc trở thành mốt thời thượng. Trong phim "Bản tình ca cuối cùng", nữ diễn viên Lê Khanh đeo một Thánh giá to tướng, có cả tượng Chịu nạn hẳn hoi). Khởi sự một công việc đạo đức, làm dấu Thánh giá đã đành, mà ngay cả để bắt đầu làm một số công việc, nhiều người kitô hữu vẫn có thói quen làm dấu Thánh giá (Cầu thủ bóng đá Nam Mỹ ra sân thường quẹt bàn tay xuống đất rồi làm dấu Thánh giá). Có khi sốt sắng hơn, một vài ngưới còn làm dấu Thánh giá trên trán, trên miệng, trên ngực.

          Tâm tình của linh mục nhạc sĩ Thành Tâm nhắc nhớ chúng ta sau mỗi lần kết thúc Thánh Lễ : Ta về thôi vì Thánh Lễ đã hết, nhưng đời ta là Thánh Lễ nối dài, đem tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi, ta sống sao để thành chứng nhân. Như vậy, khi ta sống yêu thương người khác thì khi ấy ta trở thành chứng nhân của Đức Kitô Phục Sinh.

          Thật sự để sống sứ điệp yêu thương trong cuộc đời không phải  là chuyện đơn giản. Thế nhưng rồi nhờ ơn Chúa và với ơn Chúa chúng ta có thể sống được điều đó trong cuộc đời.

          Vào giây phút cuối cuộc đời, văn sĩ John Bayern đã nói những lời từ giã người vợ thân yêu như sau: “Mình yêu dấu, trong gương mặt của mình, tôi đã nhìn thấy dung mạo của Thiên Chúa. Xin cảm ơn mình vô cùng”.

          Rất tuyệt vời, vợ của văn sĩ đã sống cả cuộc đời yêu thương của mình để minh chứng rằng mình có Chúa trong cuộc đời để chồng nhận ra. Ước gì mỗi người chúng ta cũng hãy trở nên dung mạo của Chúa Giêsu để những ai khi gần chúng ta họ đều nhận ra khuôn mặt của Chúa Phục Sinh trong khuôn mặt của chúng ta.

Lm. Anmai, CSsR

Read 313 times Last modified on Thứ sáu, 22 Tháng 4 2022 08:17