Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 07 Tháng 5 2022 11:58

Mục tử giàu lòng xót thương

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
Mục tử giàu lòng xót thương

8/5 Chúa Nhật thứ Tư Mùa Phục Sinh

Cv 13:14,43-52; Tv 100:1-2,3,5; Kh 7:9,14-17; Ga 10:27-30

Mục tử giàu lòng xót thương

Trong Giáo Hội có rất nhiều vị mục tử thánh thiện và gương mẫu, đáng để chúng ta học hỏi và noi theo. Nhưng, mẫu gương tuyệt hảo nhất chính là nơi Chúa Giêsu, vị Mục tử nhân lành, Đấng mà Giáo hội hôm nay mời gọi chúng ta quy chiếu vào. Giáo hội dành riêng ngày Chúa nhật tuần 4 mùa Phục sinh với các bài đọc Lời Chúa để chúng ta học hỏi nơi Chúa Giêsu, nguyên mẫu mục tử của tất cả mọi người.

Tình yêu mục tử nơi Chúa Giêsu được hiển thị rõ nét qua ba chiều kích : Vị mục tử biết chiên của mình, vị mục tử lặn lội đi kiếm tìm con chiên lạc, và vị mục tử nhân lành đã hy sinh mạng sống cho đoàn chiên.

Chúa Giêsu không phải là một lý thuyết gia. Ba dụ ngôn mà Thánh Luca viết lại trong chương 15 diễn bày chân dung cứu thế và lòng thương xót của một vị mục tử đích thực. Đó là dụ ngôn về người đàn bà đi tiềm kiếm đồng bạc bị mất, dụ ngôn người chăn chiên lặn lội tìm kiếm con chiên đi lạc, và nhất là dụ ngôn đứa con hoang đàng trở về trong sự vui mừng tột độ của người Cha. Chúa đã chọn cái chết bi thương trên Thập giá để diễn bày lòng thương xót và sự tha thứ vô điều kiện cho các tội nhân. Phán quyết của Chúa Giêsu, một vị quan tòa đầy lòng thương xót khi Ngài nói với người phụ nữ phạm tội ngoại tình, cũng là phán quyết Chúa ngỏ trao tới từng người chúng ta, là những tội nhân đáng phải chết : “Tôi không kết án chị đâu. Hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Trong một bài giảng tại Missouri bên Hoa kỳ, Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã dí dỏm nói rằng Chúa Giêsu là một học sinh rất dốt toán. Ngài coi con số 1 lớn hơn con số 10. Ngài cũng là một kinh tế gia khá tồi, vì dám liều bỏ lại 99 con chiên để vất vả đi tìm kiếm một con đang bị lạc. Ngài cũng là một kẻ đãng trí, chẳng nhớ gì hết. Ngài không nhớ cô gái đang ngồi khóc bên chân Ngài là một cô gái điếm khét tiếng, cũng quên mất tên tử tù bị treo thân bên cạnh Ngài là một tay gian phi nguy hiểm với một quá khứ đặc kín tội ác…

Bởi vì, Chúa Giêsu luôn mãi là một Mục tử nhân lành, và Ngài mắc phải một căn bệnh kinh niên, đó là bệnh hay quên. Căn bệnh lú lẫn và dễ quên của Ngài thật đáng yêu biết bao.

Chúa Giêsu đã nói: “Tôi đến để chúng được sống và sống dồi dào.” Thánh giáo phụ Irênê cũng đã viết : “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống”. Để chúng ta được sống và sống dồi dào, Chúa Giêsu đã chấp nhận cái chết khủng khiếp giống như một tên tử tội đốn mạt nhất. Ngài đã nói: “Cha tôi đã làm việc, và tôi cũng luôn làm việc”. Công việc của Ngài là hy sinh mạng sống để đem lại sự sống cho con người, phục hồi cho ta phẩm giá cao quý được làm con Thiên Chúa. Thánh Phanxicô Salê đã nói: “Điều linh thánh nhất trong tất cả mọi điều linh thánh là làm việc cho thiện ích các linh hồn. Điều linh thánh ấy, Chúa Giêsu đã thực hiện trong 3 năm rao giảng và cao điểm cuối cùng là Ngài chấp nhận cái chết oan ức trên Thập giá để cho chúng ta được sống. Ngài trở nên nguyên mẫu cho tất cả chúng ta, vì Ngài là Mục tử hoàn hảo, đã hy sinh mạng sống cho đoàn chiên.

Hình ảnh chiên cừu dễ gây ngộ nhận vì người ta cho rằng chiên cừu chẳng biết làm gì hơn là ngoan ngoãn vâng lời. Nhưng con chiên trong bài Tin Mừng ta vừa nghe hoàn toàn không có tính cách thụ động như thế. Trái lại phải tích cực, chủ động. Sự tích cực chủ động của đoàn chiên được Chúa Giêsu diễn tả bằng những từ “nghe” và “theo”: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta”.

Ta đang sống trong một thời đại đầy thay đổi. Cuộc sống đang mở ra những chân trời mới đầy quyến rũ nhưng cũng đầy nguy hiểm cho đời sống tâm linh chúng ta. Những giá trị bị đảo lộn. Những con chiên đang bị lôi kéo rời xa đoàn chiên. Nhu cầu cuộc sống xô đẩy chúng ta ra khỏi cộng đoàn khiến nhiều người trở thành những con chiên bơ vơ không người chăn dắt.

Trong một hoàn cảnh mới mẻ như thế, chúng ta rất cần có những vị mục tử thực sự hiểu rõ nhu cầu của đoàn chiên và thực sự hiến mình phục vụ đoàn chiên. Chúng ta hãy cầu nguyện cho có nhiều người trẻ biết đáp lời Chúa mời gọi, hiến mình cho Chúa để phục vụ anh chị em trong nhiệm vụ mục tử. Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục của chúng ta trở thành những mục tử tốt lành noi guơn Vị Mục Tử duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Suốt cuộc đời, Chúa Giêsu luôn chú tâm đến việc dạy dỗ, chữa lành, băng bó những con chiên đau ốm, ghẻ lở; dẫn về những con chiên đi lạc; phục hồi những con mất nhân cách; và cuối cùng, hiến tế chính mình cho chiên, để chúng được sống trong niềm vui và hạnh phúc viên mãn.

Qua sự hiến dâng như thế, Chúa Giêsu đã trao ban chính sự sống thần linh, tức là sự sống đời đời cho chiên của mình (Ga 10,28).

Như vậy, nơi cuộc đời và sứ vụ, Chúa Giêsu đã phản ánh rõ nét Lòng Thương Xót của chính Thiên Chúa ngang qua lòng dạ nhân từ, bao dung và tha thứ của Ngài.

Kết thúc cuộc đời tại thế, Chúa Giêsu đã trao phó vai trò mục tử cho các Tông đồ và những người kế vị. Để hành vi thương xót của Thiên Chúa ngang qua đời sống và cung cách của các vị trung gian được tiếp tục tiếp diễn cho đến ngày mọi người đều có một Chủ Chiên duy nhất là chính Thiên Chúa và tất cả đều là anh em trong một đàn chiên.

Lời Chúa mời gọi chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt nhân từ của Đức Kitô, vị mục tử tối cao và đầy lòng nhân hậu của chúng ta. Ngài là vị mục tử đã sẵn sàng hiến thân mình để cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào. Đồng thời cũng nhân dịp này, mẹ Hội Thánh cũng muôn mỗi người chúng ta thêm lời cầu nguyện, để Giáo Hội càng ngày càng có thêm nhiều mục tử biết sống theo mẫu gương người mục tử Giêsu.

Chúa Giêsu luôn là mẫu gương tuyệt hảo của mọi ơn gọi. Ngài đến để chiên được sống và sông dồi dào, những người tận hiến đi theo chân Chúa để sống ơn gọi, hiến mình cho ơn cứu chuộc chứa chan của Chúa Giêsu, luôn phải noi gương vị Thầy tốt lành, để sông tất cả cho việc phục vụ mọi người

Huệ Minh

Read 446 times