27.12 Thánh Gioan, Tông Đồ Thánh Sử
1 Ga 1:1-4; Tv 97:1-2,5-6,11-12; Ga 20:2-8
Yêu như Gioan
Gioan là tông đồ yêu dấu, tông đồ tình yêu mà trong bữa tiệc ly đã dựa đầu vào lòng Chúa Giêsu. Mọi điều Ngài viết là tình yêu. Nhưng Ngài cũng là ngư phủ thô kệch hăng hái và bồng bột khi Chúa gọi làm môn đệ, đến nỗi Chúa Giêsu gọi là “con cái sấm sét” (Mc 3,7). Gioan là ngư phủ ở Galilê, con của ông Giêbêđê và bà Salomê. Năm 20 tuổi, Ngài là môn đệ của thánh Gioan tẩy giả đang giảng dạy trong sa mạc. Ngài tìm kiếm sự hoàn thiện. Gioan tẩy giả đã thấy Chúa Thánh Thần xuống trên Chúa Kitô và loan báo cho mọi người rằng Người ở giữa họ, nhưng người ta không nhận biết Người. Ngày kia, Chúa Giêsu đi qua, Gioan tẩy giả chỉ cho Gioan và Anrê: “Đây là chiên Thiên Chúa”. Lập tức, hai ông đã theo Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu đã yêu thương Gioan cách đặc biệt vì sự trong trắng, nhiệt tâm và thành tín của Ngài. Ở trường học Thần Linh, Ngài tự biến đổi, thủ đắc tinh thần hiền hậu, học được đức ái chân thật và tiến tới tinh thần hy sinh. Gioan cùng với anh là Giacôbê, cũng như mỗi người đều tin rằng, Chúa Giêsu sắp tái lập vương quyền và họ xin Người cho họ được giữ những chỗ danh dự trong ngày vinh quang của thày. Nhưng Chúa Giêsu đã từng nói vương quốc của Ngài không thuộc thế gian này và đã trả lời bằng việc trao thánh giá cho họ: “Các con có thể uống chén Ta không ?” Đầy nhiệt tâm, họ trả lời: “Dạ được”. Như thế là họ biết rằng, việc chia sẻ vinh quang sẽ tiếp sau việc chia sẻ đau khổ.
Suốt ba năm sống công khai của Chúa Giêsu, Gioan không rời thày mình. Ngài có mặt khi thầy làm phép lạ và tâm sự với thày bằng những lời mang lại sự sống. Ngài đã thấy thầy chói sáng trên núi Tabor. Với kỷ niệm này, Gioan viết rằng: “Chúng tôi đã thấy vinh quang Con Một Thiên Chúa Cha: Chúa Giêsu đã chọn Ngài với Phêrô để dọn lễ Vượt qua, và trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã nói những lời mà Gioan không bao giờ quên được. Ngài sẽ ghi lại diễn từ ấy trong sách Phúc âm của mình.
Chỉ có một mình Gioan trong số 12 tông đồ trung thành theo Chúa Giêsu tới thánh giá. Ngài đứng cạnh Mẹ Maria. Chúa Giêsu đã nói với Mẹ Maria: “Này là con bà”, và với Gioan : “này là Mẹ con”. Và mọi người đã trở thành con mẹ trong con người của Gioan.
Khi viết sách Tin Mừng, thánh Gioan – người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến không viết về Thầy Giêsu như một nhà viết sử thuần túy. Ngài tuyên bố rất rõ ràng mục đích ngài viết sách Tin Mừng Thứ Tư là để cho mọi người tin vào Đức Kitô; và vì tin, họ đạt được cuộc sống đời đời” (Ga 20, 31). Lời Chúa trong ngày kính thánh Gioan Tông Đồ cho chúng ta thấy rõ tại sao ngài làm chứng cho Đức Kitô. Ngài hiến dâng sự sống của mình để hiệp thông với con người và để con người được hiệp thông với Thiên Chúa.
Trong bài đọc I, thánh Gioan khẳng định rất rõ ràng “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống.” Trong lời chứng này, thánh Gioan dùng một loạt các động từ: nghe, thấy, chiêm ngưỡng, chạm tới, để làm chứng cho Đức Kitô. Đó là tất cả kinh nghiệm đức tin mà thánh nhân đã lãnh nhận từ Thiên Chúa và Giáo Hội chứ không phải do nỗ lực khôn ngoan của con người. Đức Giêsu hằng sống không vì ích lợi riêng tư cá nhân nhưng vì sự hiệp hiệp thông của con người với nhau và hiệp thông với Thiên Chúa.
Nhờ đó mà niềm vui được trọn vẹn. Như thế, theo thánh Gioan niềm vui là điều cốt tủy của Tin Mừng cần được rao giảng. Nếu người loan báo chỉ mang tin buồn và gây thất vọng cho người nghe, đó không phải là Tin Mừng của Đức Kitô. Dĩ nhiên, nhiều khi người loan báo phải đánh thức lương tâm khán giả để thúc đẩy họ tới việc ăn năn hối cải; nhưng một khi họ đã thú nhận tội lỗi, họ phải cảm thấy niềm vui vì tội được tha và họ được giao hòa với Thiên Chúa.
Trong Trình thuật Tin Mừng, thánh Gioan kể lại biến cố vào sáng ngày Phục Sinh: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Magdala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu." Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.” Hành động của hai môn đệ làm chúng ta tự hỏi: Tại sao người môn đệ này lại để cho Phêrô vào trước? Có lẽ bởi vì Phêrô là người lãnh đạo các Tông đồ.
Hành động của người môn đệ, tuy tới trước nhưng không vào, nói lên sự tôn trọng quyền bính của ông. Tuy nhiên, đây không phải là lý do chính yếu mà thánh nhân đề cập. Mục đích thánh nhân đề cập đến chi tiết này có lẽ là Ngài muốn nêu bật lên hành động Tin của người môn đệ vào Đức Kitô đã sống lại. Hơn nữa, tác giả cũng muốn gởi tới độc giả một lời khuyên nhủ: người nào yêu mến Đức Kitô nhiều bao nhiêu dễ chạy nhanh hơn và nhận ra Ngài dễ hơn (Ga 21, 7).
Trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta cần ý thức hơn bổn phận làm chứng cho Đức Kitô qua việc rao giảng Tin Mừng và bằng cuộc sống chứng nhân. Mục đích của việc làm chứng là để cảm thông với con người và dẫn họ tới niềm tin vào Đức Kitô. Để lời rao giảng có hiệu quả, chúng ta cần có một niềm tin mạnh mẽ và vững vàng nơi Đức Kitô, qua việc lắng nghe, ngắm nhìn, chiêm ngưỡng, và cảm nghiệm Ngài trong cuộc sống.
Huệ Minh