Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 02 Tháng 10 2024 06:08

Bảy mươi hai môn đệ đi truyền giáo

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  BẢY MƯƠI HAI MÔN ĐỆ ĐI TRUYỀN GIÁO

 

Thứ Năm tuần 26 Thường niên năm I - Sứ mệnh truyền giáo (Lc 10,1-12)

 

BẢY MƯƠI HAI MÔN ĐỆ ĐI TRUYỀN GIÁO

(Lc 10,1-12)

1. Đức Giê-su đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho dân chúng để đem lại ơn cứu độ cho họ. Mối ưu tư hàng đầu của Ngài là làm cho mọi người được nghe biết Tin Mừng. Và mối ưu tư ấy đã được diễn tả  trong lúc thổ lộ tâm tình với các môn đệ: ”Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít. Vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt lúa về” (Lc 10,2).

Sau khi đã trang bị cho họ những khả năng tinh thần tuyệt diệu, Đức Giê-su đã sai 72 môn đệ đi loan báo Tin Mừng bình an cho mọi người. Ngài ân cần khuyên họ đừng lo tìm an toàn  nơi các phương tiện vật chất trần gian. Họ vâng lời ra đi và trở về trong hân hoan. Đức Giê-su cho họ biết họ hãy vui mừng vì tên tuổi họ đã được ghi trên Nước Trời.

2. Khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, điều đầu tiên Chúa muốn nơi họ là lòng tin tưởng tuyệt đối  vào sự quan phòng của Thiên Chúa. 72 môn đệ được sai đi tay không. Chúa cũng không ra lệnh cho họ đến các Hội đường hay các ngã ba đường để rao giảng, nhưng là đến từng nhà và hội nhập vào đó, hiện diện như một phần tử trong gia đình, ăn những gì người ta dọn cho. Nhờ đó Tin Mừng sẽ được đón nhận dễ dàng hơn, bởi vì Tin Mừng không còn là sức mạnh áp đặt từ bên ngoài, mà là một sức sống từ người rao giảng truyền sang những người khác và đâm rễ sâu trong lòng họ (Mỗi ngày một tin vui).

3. Bảy mươi hai môn đệ là hình bóng của mọi tín hữu được kêu mời tham gia vào việc tông đồ của hàng Giáo phẩm. Đức Giê-su đã nói: ”Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít”. Vậy thợ gặt là ai? Trước đây người ta thường dành danh xưng “thợ gặt” cho các linh mục, các tu sĩ nam nữ, các nhà truyền giáo. Đây là một nhầm lẫn. Không ai có thể trở thành Ki-tô hữu mà lại không cảm nghiệm nơi mình nỗi lo âu của Đức Giê-su trước cánh đồng lúa chín mênh mông. Những tác vụ đa dạng sẽ làm nảy sinh những hình thức hoạt động khác nhau nơi mỗi người, nhưng ai nấy theo cách của mình, đều được gọi và làm việc ở đồng lúa chín (L. Sintas).

4. Ngay từ đầu sứ vụ, Đức Giê-su đặt công việc truyền giáo trong cái nhìn cấp bách và khẩn thiết. Cho nên Chúa tuyển chọn 12 tông đồ và sau đó là 72 môn đệ, huấn luyên và sai đi truyền giáo. Hội thánh ngày hôm nay cũng không ngừng tiếp tục mời gọi những người thành tâm thiện chí tiếp tục ra đi loan báo sứ điệp tình thương và ơn cứu độ của Chúa cho trần gian, qua mọi thời đại. Cần ý thức rằng, qua bí tích Rửa tội, mỗi tín hữu cũng là một nhà truyền giáo, được sai đi để làm công việc của Chúa là cứu chữa các linh hồn (5 phút mỗi ngày).

5. Trong tinh thần ấy, thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê hồi còn là sinh viên ở trường đại học Paris, đã nghe được lời mời gọi trở thành linh mục và sau đó ngài là một nhà truyền giáo ở Ấn độ. Một trong những lá thư của ngài từ Ấn độ vang vọng lời Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay. Đây là một phần của lá thư:

“Nơi đây, nhiều người không trở nên Ki-tô hữu được, chỉ vì lý do là không có ai sẵn sàng đảm nhận việc dạy dỗ cho họ về Chúa. Tôi thường nghĩ đến việc đi tới trường đại học ở châu Âu và kêu gọi những người thợ đến thu hoạch mùa ở Ấn độ”.

6. Đức Giê-su đã kêu gọi và ngày nay Hội thánh cũng kêu gọi chúng ta hãy tích cực tham gia vào trong việc truyền giáo này. Đức Giê-su đã không dành riêng việc rao giảng Tin Mừng cho các Tông đồ, mà còn sai 72 môn đệ ra đi. Nói khác đi, Ngài muốn gửi sứ mạng rao giảng đến mỗi người chúng ta. Ước gì chúng ta  luôn ý thức sứ mạng rao giảng đó, không những bằng lời nói mà nhất là bằng cuộc sống yêu thương và phục vụ.

Nói một cách cụ thể, chúng ta có thể tham gia vào việc truyền giáo bằng cầu nguyện, xin Chúa sai nhiều thợ gặt đến cánh đồng truyền giáo.  Đây là một việc mọi người có thể làm bất cứ lúc nào. Cầu nguyện còn chứng tỏ lòng tin tưởng cậy trông của chúng ta, vì từ việc sai thợ gặt đến cánh đồng truyền giáo, cho đến việc cứu độ thực sự là làm cho người ta chấp nhận Tin Mừng, trở về với Chúa để được hưởng ơn cứu độ .

7. Truyện: Đôi tay của Chúa.

Vào cuối thế chiến thứ hai, để thu phục thiện cảm và tin tưởng của người dân trong làng vừa mới được giải phóng khỏi tay Đức Quốc xã, toán lính thuộc lực lượng đồng mình cố gắng lượm lại từng mảnh vỡ của bức tượng Chúa Giê-su đã được dựng lên ở quảng trường trước ngôi nhà thờ nhỏ, trung tâm sinh hoạt của làng quê miền cực nam nước Italia.

– Sau nhiều ngày cố gắng, toán lính đã gắn lại được gần như toàn bức tượng của Chúa. Nhưng chỉ có đôi tay bức tượng là không thể nào hàn gắn lại được. Vì các mảnh vụn lớp thì bị bể quá nhỏ, lớp thì đã bị nát thành như bụi.

Sau nhiều giờ bàn luận và gần như sắp quyết định bỏ dở công việc, thì một người trong toán lính có sáng kiến tìm lấy hai khúc gỗ gắn vào nơi hai cánh tay bị bể nát của bức tượng, rồi viết vào đó một hàng chữ bất hủ, không những đánh động được tâm hồn những người dân trong làng, mà còn thu hút được nhiều khách du lịch đến vùng này để được tận mắt xem hàng chữ đầy ý nghĩa. Các bạn có thể đoán được hàng chữ này không? Đó là “CHÍNH BẠN LÀ ĐÔI TAY CỦA CHÚA”.

                                                                             Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

Read 51 times Last modified on Thứ năm, 03 Tháng 10 2024 07:24