TMĐP- Để xứng đáng với ơn gọi làm môn đệ Đức Giêsu, người Kitô hữu phải trở nên người của bình an, sứ giả của hoà bình giữa mọi người, trong thế giới hôm nay như chúng ta trao ban bình an cho nhau trong Thánh Lễ.
Không mấy ai dám nghĩ ở thời buổi văn minh mà chiến tranh xâm lăng do tham vọng thống trị của một cá nhân lại có thể xảy ra. Nhưng rất tiếc, đó lại là sự thật rất đau lòng khi cuộc chiến xâm lăng nước nhỏ láng giềng Ukraina do ông Putin, tổng thống Nga châm ngòi và điều động đang là thảm hoạ khủng khiếp không chỉ đè nặng trên dân tộc Ukrania, mà còn trên chính đất nước Nga của ông và toàn thế giới.
Không kể những binh lính tử vong của cả hai bên, cuộc chiến “không lý do chính đáng” đang lấy đi sự sống của nhiều trẻ thơ, người già và thường dân vô tội, chưa nói đến hàng triệu gia đình tan tác vì không còn nhà cửa; hàng chục triệu người phải bỏ xứ sở, quê cha đất tổ trốn tránh bom đạn, tìm đuờng tỵ nạn giữa mùa đông thê lương phủ kín tuyết trắng, giá băng.
Tất nhiên không người có lương tâm trong sáng, lành mạnh nào đã ủng hộ nhà độc tài Putin, hoăc phê chuẩn cuộc chiến xâm lặng, phi nhân, bất chính của ông. Bằng chứng là Cộng Đồng chung Âu Châu và hầu hết các quốc gia đã cực lực lên án, tẩy chay, cô lập và cùng nhau thi hành những biện pháp trừng phạt đích đáng.
Riêng người Công Giáo, cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta cầu nguyện và nỗ lực làm tất cả những gì có thể làm, mà việc cần thiết và hữu hiệu chúng ta có thể làm lúc này chính là triệt để ủng hộ những nhà lãnh đạo yêu chuộng hoà bình đang dồn hết tâm lực tìm giải pháp giập tắt lửa chiến tranh, và đem lại hoà bình cho thế giới.
Sở dĩ chúng ta cần làm công việc này, vì một trong sứ vụ của người Kitô hữu chính là xây dựng hoà bình, tìm kiếm hoà bình, như Tin Mừng đã khẳng định: “Phúc cho ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9).
1/ Người Kitô hữu sống hoà bình, trao ban hoà bình, xây dựng hoà bình vì họ là con Thiên Chúa, nguồn Bình An, Vua hòa bình:
Trong Cựu Ước, một trong những lời chúc quan trọng mà Đức Chúa truyền cho ông Môsê nói với Aharon và các con, đó là “Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em” (Ds 6,26); ngôn sứ Isaia cũng tuyên sấm: “Sự nghiệp của đức công minh sẽ là hoà bình. Thành quả của đức công minh sẽ là sự yên hàn và an ninh vĩnh cửu. Dân Ta sẽ ở trong cảnh thái bình, trong nơi ở an toàn, trong chốn nghỉ thảnh thơi” (Is 32,17-18), vì Thiên Chúa là Đấng ban bình an, như lời tạ ơn của dân Ngài: “Lạy Đức Chúa, Ngài cho chúng con được an cư lạc nghiệp, vì hết mọi việc chúng con làm đều do Ngài thực hiện cho chúng con” (Is 26,12). Cũng chính ngôn sứ Isaia đã loan báo Đức Giêsu , Đấng được Chúa Cha sai đến thế gian sẽ là “Thủ Lãnh hoà bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận” (Is 9,5.6)
Tin Mừng Luca kể lại quang cảnh đêm Giáng Sinh với “muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 13-14). Tin Mùng Matthêu thì ghi rõ: khi sai các môn đệ đi vào các thành và làng mạc loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu đã truyền cho các ông: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy” (Mt 10, 12). Đặc biệt Tin Mừng Gioan với lời căn dặn và an ủi của Đức Giêsu: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14, 27), và lời chúc phục sinh: “Bình An cho anh em” (Ga 20,19.21.26) mỗi lần Ngài hiện ra với các ông và nhiều người khác sau khi sống lại từ cõi chết.
Thánh Phaolô trongnhiều thư mục vụ đều quả quyết: “Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh chị em” (2 Cr 13,11). “Chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta quang lâm” (1Tx 5, 23).
Như thế, chúng ta không thể là Kitô hữu, người thuộc về Thiên Chúa, nguồn bình an của nhân loại, người môn đệ Đức Giêsu, Vua hoà bình của thế giới, nếu chúng ta từ chối “mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giầy là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an” (Ep 6,15); cũng không thể ganh ghét, nuôi hận thù, gây chiến tranh; và càng không thể ỷ sức mạnh đàn áp kẻ yếu thế, cậy quyền giập vùi người bé mọn, bất chấp công lý, phủ nhận quyền sống của người khác vì mục đích bất chính, phi nhân làm tổn thương, tiêu diệt đồng loại.
2/ Người Kitô hữu là người của bình an:
Họ không chỉ là người được Thiên Chúa chúc phúc Bình An vì thiện tâm, và “sống có lòng” như tiếng hát các thiên thần trong đêm Giáng Sinh (x. Lc 2, 14) mà còn là người được kêu gọi đi trên con đường bình an, sống đời bình an của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ rất nhân hậu, “hiền lành và khiêm nhường tận đáy lòng” (Mt 11,29), Đấng mà “cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is 42,9); Đấng dạy “không được trả thù, không “mắt đền mắt, răng đền răng”, nhưng nếu “bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa”, và quả cảm, anh hùng trong đức ái đến độ “yêu cả kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình” (Mt 5,38-39.44).
Vì thế, để xứng đáng với ơn gọi làm môn đệ Đức Giêsu, người Kitô hữu phải trở nên người của bình an, sứ giả của hoà bình giữa mọi người, trong thế giới hôm nay như chúng ta trao ban bình an cho nhau trong Thánh Lễ, bằng trang bị cho mình lòng yêu mến hoà bình (x. Tv 119,7), và công bình, tín nghĩa (x. Tv 84,11-12), cũng như tinh thần “khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại” (Ep 4,2) là điều kiện để sống “hoà thuận, gắn bó với nhau” (Mc 9,50 ; Ep 4,3), yêu thương nhau như Đức Giêsu đã yêu thương (x. Ga 13,34 ), bởi đó chính là “hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an” (Rm 8,6).
Tóm lại, chiến tranh xâm lăng do tham vọng bành trướng, thống trị hiện nay của một người, một nhóm không chỉ đưa hai dân tộc Ukraina và Nga vào một “cuộc thương khó mới”, tang thương gấp bội so với những tháng ngày đại dịch chưa hoàn toàn chấm dứt. Cuộc chiến phi lý, phi nhân ấy còn đặt chúng ta trước những vấn nạn: Liệu con người thời đại còn khả năng yêu thương để có thể chung sống hoà bình? Và thế giới “văn minh thực dụng, hưởng thụ” hôm nay có nhận ra nguy cơ tự hủy diệt ngày càng đến gần, vì phủ nhận chân lý: sự sống không thể sánh vai với hận thù, bạo lực?
Riêng chúng ta, còn thêm một vấn nạn liên quan đến căn tính Kitô hữu, đó là con đường chúng ta đang đi có khi nào nghịch chiều với con đường của Đức Giêsu, Vua hoà bình? Và có khi nào chúng ta đã đi lạc ra khỏi con đường Ngài kêu gọi chúng ta đi với Ngài là đường Thánh Giá dẫn đến Bình An phục sinh, mà chúng ta không hề hay biết, vì sương mù của tham vọng, bóng tối của kiêu căng, mây đen của lòng ganh ghét, đố kỵ?
Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/binh-an-cho-anh-em-viet-ve-cuoc-chien-tranh-tai-ukraina/