Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 09 Tháng 11 2014 15:13

Sống cuộc đời như cuộc chơi

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
Sống cuộc đời như cuộc chơi- Bài viết của Hủ Tíu một người con của giáo xứ, ban biên tập gxthohoang.net trân trong giới thiệu.....

 

 

Sống cuộc đời như cuộc chơi

 

 

  1. Dẫn Nhập:

 

Trong quá trình sống, mỗi người đều mang theo mình cả một lịch sử: từ trong bào thai, hoàn cảnh gia đình, văn hoá, tư tưởng môi trường sống, trường lớp, bạn bè…Hình thành một cách tiệm tiến chuỗi khát vọng khẳng định chính mình, chấp nhận thách đố, chấp nhận tính phiêu lưu, để cảm nhận niềm vui vỡ oà trong chiến thắng, nhưng tận thâm sâu vẫn là niềm vui vượt lên chính mình. Lịch sử đời mình, lịch sử của những gì đã thực hiện, đã xảy ra, đã tác động, đã được gieo vào đời. Thật vậy, khi người ta gieo một điều gì vào trong thế giới, điều đó trở thành vĩnh cửu, và con người sẽ phải chịu trách nhiệm về cuộc đời mình trong vĩnh cửu. Điều đó không chỉ là một sự xét xử, ban thưởng hay hình phạt của một vị Thượng đế tối cao, nhưng còn có ý nghĩa như một quy luật cảu cuộc sống, một quy luật có sức mạnh của nó để phục hồi sự cân bằng của vũ trụ.

* Nội Dung:

  1. 1.Cuộc chơi với tư tưởng của Kierkegaard:

Kierkegaard[1] cho thấy không một hệ thống nào tuyệt đối được, như trước khi hình thành nên một hệ thống, người ta phải tin vào một cái gì, và sự chấp nhận tin như thế là một bước nhảy, là một sự chọn lựa tiên thiên. quá khứ phóng tới tương lai, vì cái tương lai đó thực sự đã hình thành chắc chắn mất rồi. Với ông: “Hiện hữu là cái gì cụ thể, có giá trị thuyết đối, không thể bị biến tan trong hệ thống lý thuyết được”.

  1.1  Khát vọng vượt lên chính mình:

Tôi hiện hữu, tôi tự do, tôi là tôi, một cá nhân mà không phải một khái niệm, cần thiết triết lý phải từ bỏ những tự phụ điên cuồng của mình là muốn nhìn mọi sự cách hợp lý theo lý trí để chú tâm vào người và mô tả hiện sinh cảu con người theo thực trạng cụ thể của nó. Chỉ có điều đó là quan trọng, ngoài ra không có gì đáng kể.

Tuy nhiên, khi biết được sự thật về cuộc đời mình, tâm hồn ông lại tràn ngập niềm vui hân hoan lạ thường, ông nhận thấy hoàn cảnh bất hạnh của mình chẳng những là hậu quả của tội lỗi, mà còn là cơ hội đền tội nữa. Nhưng sau đó, ông cũng chân nhận sự  “Bi đát nhất” là không ngờ tới việc không ai hiểu mình. Sống, đam mê giúp con người giúp con người ra khỏi sự mỏi mệt. Kierkegaard nói rằng: Kẻ nào chìm đắm trong đam mê của mình, kẻ đó mất ít hơn kẻ đã mất đam mê của mình. Mỗi người, xét như một chủ thể, có thể nhìn nhận, kinh nghiệm được chân lý của mình. Chân lý xuất hiện tùy vào ý hướng cá nhân và tùy vào khía cạnh được cá nhân nhận thức; chỉ người nào ở “trong cuộc” mới hiểu được ý nghĩa của sự việc xảy ra cho mình. Còn với ai ở ngoài cuộc, “chân lý” được cô đọng thành một ý niệm, ý niệm đó khô héo, chỉ còn là phiên bản cảu cuộc sống thật, chẳng bao giờ chân lý xuất hiện toàn diện trong cuộc sống hiện sinh của con người.

Tư tưởng đam mê, nhập cuộc, khát vọng vươn lên, tầm quan trọng của chủ thể, cùng với những “phạm trù” căn bản của triết học hiện sinh như: tính cách độc đoán, cô liêu của mỗi cá thể, lựa chọn, lo âu….Đặc biệt trong tôn giáo Kierkegaard đã làm nổi bật lên được kinh nghiệm về sự đặc biệt của đời sống “hiện sinh trước Thiên Chúa” so với lối sống đạo đức theo tính cách luân lý.

Phóng mình vào những ảo ảnh, mơ tưởng tuyệt đối mà không bao giờ gặp được trong những cảm giác, cuộc chơi phóng đãng làm cho con người tiêu xài khá nhiều, xoay mạnh vào vấn đề tội lỗi, Kierkegaard không phải là một nhà tư tưởng hệ thống, ông diễn tả tâm trạng thực của cuộc sống này.

  1.2  Giai đoạn Hiếu mỹ:

Con người bắt đầu tìm cuộc chơi, nhưng vô trách nhiệm, tự bản chất cũng như những sắc màu cuộc sống không giúp vượt thắng chính mình, vì thế không dừng lại được vì không có khả năng lựa chọn. Kierkeegaard không lập gia đình vì không trung thành được với mối tình nào, anh kéo dài cuộc sống độc thân vì cứ phải chờ đợi một điều gì khác. Cuộc đời mãi là cuộc tìm kiếm nhưng không biết mình tìm kiếm cái gì….chỉ gắn liền với những cái chốc lát nên trở nên phù phiếm, cứ luôn phải tìm kiếm mãi nên mệt mỏi, luôn muốn thụ hướng nên trở nên nghèo nàn, luôn muốn lấp đầy tâm hồn mình bằng những cái khác nên chẳng bao giờ gặp được một giá trị lâu bền nào chứ đừng nói đến giá trị vĩnh cửu. Để mình trở nên nạn nhân của cái chốc lát, bị chi phối hoàn toàn do ngoại cảnh, và do đó luôn cảm thấy trống rỗng là điều minh nhiên một con người không khó gặp nó trên hành trình. “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”[2]. Cũng như mãi luyến tiếc cái xa xưa, vừa hướng về tương lai, buồn chán và không tìm gặp được chính mình trong những thay đổi không ngừng, như một người mệt mỏi sau một quãng đường dài mà không tìm thấy đường trở về quê nhà.

Không thể nào thoả mãn được cái khát khao tuyệt đối ở trong những cái tương đối, không bao giờ thấy được một giá trị hiện sinh ở trong những cái không thể nào mang lại giá trị cho hiện sinh của con người. Nhưng con người tuyệt vọng cũng là con người không hề cảm thấy trong mình một sự tuyệt vọng nào, vì như vậy nó chẳng khác nào một sự ù lì, đơn giản, chết cứng. Thái độ sống an tâm, làm cho con người dễ sơ cứng. Tình yêu thật đẹp, nhưng cũng có nguy cơ sa đọa thành thói quen, thành tập quán và biến chất để biến thành một sự nghiêm nghị. Mặt khác những đe dọa tự  nhiên của cuộc sống, của bệnh tật của cái chết làm cho cuộc sống nhiều khi trở thành cái nực cười. Bởi vì trong con người tự bản chất vốn mang sẵn một sự thiếu thốn, khiếm khuyết căn bản. Nỗi lo âu, tội lỗi làm cho con người không thể an tâm mãi, không thể hợp lý mãi, không thể vượt qua khỏi thời gian mãi.

  1.3  Dám Chơi Đùa Với Những Khuyết Điểm Của Mình:

“Chân nhận bản thân mình trong giới hạn thật của mình để thoát được thái độ né tránh hay ngụy tín”[3] biết khuyết điểm của mình để không trút sự bực dọc lên tha nhân, và hơn hết cần “mỉa mai”[4] với chính bản thân mình, để không dồn hết năng lực cho những lời bào chữa, những phản ứng phòng vệ vớ vẩn.

Hụt hẫng, tuyệt vọng. Tôi đau lắm- nơi trái tim tôi, nhưng làm sao tôi tìm được thái độ tích cực, làm sao để tôi tin rằng mình có thể làm được? Tôi thường nhìn lại để thấy nhiều điều có thể khích lệ tôi cố gắng. Trước tiên, tôi nhìn vào chính mình trước đây cách minh nhiên: Chúa ban cho tôi quyết định cuộc sống và tôi tự chịu trách nhiệm của chính tôi. Những quyết định nho nhỏ tuy không hành động lớn, nhưng đó làcách thức xem tôi có sống cho Chúa và anh chị em tôi không? Tôi trong tôi hay tôi ngoài tôi? và là câu trả lời cho tôi khi có chân thành sống cảm thức thuộc về. Niềm vui bây giờ với tôi là hồi hộp, chờ đợi…chấp nhận bỏ hai chân tôi lên cỗ xe, một bí quyết của sự dễ thương mà cuộc chơi giúp tôi khám phá là dám sống thật với khuyết điểm của mình.

Trên con đường thênh thang, tôi vẫn bước đi một mình, chỉ một mình tôi. Ai đó đã nói: “Bạn không cần thay đổi mình để tìm kiếm tình yêu. Bạn sẽ có tình yêu đích thực bất kể bạn là người thế nào đi nữa!”. Có ai biết được ngày mai mình buồn hay vui. Vậy thì cứ cười, sống lạc quan rồi sẽ thấy đời bìnhh yên hơn. Bởi khi tôi yêu bản thân mình như tôi là, thì quy luật tự nhiên cũng cho tôi nhận ra khả năng yêu thương nơi chính tôi, tôi biết mở lòng ra là tôi đã bắt đầu để mình được chữa lành, mình được thanh thoát hơn trong mọi cung bậc của một sự đổi mới, không chỉ nơi tôi nhưng là nhờ tác động của Thần Khí chân lý và tình yêu, với tất cả sự tự do nhận lấy thập giá đời mình, ôm lấy, và vác đi theo sát gót người yêu mình, dám tin tưởng cộng tác với Chúa qua những gì Chúa trao, Chúa dạy, trao lại cho Chúa những gì gọi là “khả năng nhỏ bé của tôi”. Chính Kierkegaard nói: “người anh hùng bi kịch từ khước cái chắc chắn để đạt tới một cái chắc chắn nhất, và người ta nhìn y tin cậy”, tin tưởng “Điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Ngài cũng đủ quyền năng để thực hiện”[5]. Tôi mang cả cuộc đời với tình nghĩa, với tự do để ướm vào tình yêu mà tôi biết Ngài yêu thương tôi thật lòng.

  1.4  Con Người Nên Đẹp Nhờ Tấm Lòng:

Hoàn cảnh nào, tâm tính nào cũng có thể trở nên đẹp, khi ta biết đưa vào đó một tình yêu, và một tấm lòng. Khả năng đón nhận những người khác trong sự an hoà, bao dung, quảng đại, từ tâm. Một sự tham thông, cùng nắm bắt, chấp nhận được cả những khuyết điểm của tha nhân, khi tôi đón nhận họ như họ là, với căn tính của chính họ, bởi chính họ cũng đón nhận tôi như thế, từ những điều tôi không, chưa nhận thấy nơi chính mình một tình mến mà cuộc sống công bằng đã mãi vẫn là như thế.

Đến cùng đường, người ta phải làm một bước nhảy, trở nên thụ tạo mới trong việc thi hành thánh ý Thiên Chúa, điển hình bức tranh sống của Mẹ Maria đến thăm mẹ con bà Elisabeth. Mẹ đến và ở lại nơi ân sủng Chúa đang làm việc. Tôi cũng được mời gọi ở lại nơi mà Thiên Chúa hiện diện, bởi mỗi người là một mầu nhiệm. Chúa vẫn yêu mỗi người theo cá vị riêng nhất. Đón nhận thay vì chấp nhận là những cú nhảy trong đời sống,  cú nhảy liên tiếp cú nhảy, niềm vui nối tiếp niềm vui. Hát lên bài ca mới vì như Mẹ nghe con mình được người ta nhận biết, giúp nhau sống tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa, có đó những bộn bề nằm ngoài sự giải thích, vui và vui hơn khi thấy người khác được chúc phúc, được bình yên, được hạnh phúc với những gì rất riêng nơi họ. Để từ tương quan với người khác sống có ý thức, có lựa chọn và trung thành với bổn phận của mình, trân trọng phẩm giá của mình, tìm thấy giá trị cuộc đời mình bằng chính cuộc sống đều đặn, bình thường của mình, như Kierkegaard coi gia đình là trường dạy con người có đức tính.

Một gia đình sống đúng và đủ tình yêu thương thực sự: dám buông để nhận lại thú vị như hai đường song song bay lượn, đẹp biết bao như khói hương, quan trọng là tôi tin vào ai chứ không phải làm như thế nào, dám chơi, dám sống như một cuộc phiêu lưu khởi đầu vào một bước nhảy dù bị lừa! không sợ cái trục trặc vẫn xảy ra, vượt qua rắc rối. Nhờ không biết để có thể tin, nhờ tin nên du di, cảm thông, tin tưởng tình yêu thương có sức hoán cải hơn lời khiến trách, trong phẩm giá sống với nhau, tôi hạnh phúc thật.

Một triết gia theo phái khắc kỷ đã nói: “Khi anh thấy bạn anh đau khổ, hãy cảm thông nhưng lòng đừng rúng động”. Vượt lên cao, vượt lên trên điều đó vươn tới giá trị tích cực tôi nói cho Thiên Chúa biết tha thứ là điều con không thể làm được, Chúa hãy giúp con! Không khúm núm, lê lết, không đi bằng đầu gối nhưng là với tất cả tự do, nhân cách của tôi, loại bỏ mọi sợ hãi với “lưng thẳng”[6]. Tôi chấp nhận để cho Thiên Chúa gieo mầm, gieo hạt theo ý Ngài muốn, và nếu Chúa cần người dám phiêu lưu thì hãy cứ quay lại nhìn con.

  1.5  Giai Đoạn Đức Lý:

Một cách nào đó tìm giải phóng đời mình nhưng không là cuộc chơi nữa mà là trong trách nhiệm. Tìm cách để ở lại trọn vẹn với người mình thương yêu, mang lấy tất cả gánh nặng vào chính cuộc sống mình, con người mình. Khi đó người ta: “khi một người nào đó kể với bạn tất cả mọi thứ cách tường tận, cuộc sống của họ sẽ chiếm hết cuộc sống cảu bạn”. Thật vậy, khoác lấy bộ áo trách nhiệm mà anh cho là biểu thị cái bản tính thân thiết nhất của anh. Đã định hướng nơi chính mình như thế, anh đã đào sâu lãnh vực đức lý và sẽ không bao giờ mòi hơi kiệt lực khi làm hết sức để chu toàn nhiệm vụ. do đó con người sống đức lý luôn cảm thấy sự bình an và chắc tâm, bởi vì anh ta luôn có bổn phận ở trên người anh, nhưng ở ngay trong chính bản thân anh. Nếu đức lý được hiểu đúng đắn, thì nó sẽ làm cho cá nhân cực kỳ chắc tâm về chính mình, là cả một sự quyết tâm từ bỏ vùng an toàn của chính mình, và đặt chân vào nơi mà tôi không biết trước về bất cứ điều gì có thể xảy đến với sự tự hủy và tự nguyện.

Qua giai đoạn này Kierkegaard ca tụng đời sống gia đình đáng cho ta nhắc lại: “Tình yêu của vợ chồng là tình yêu xây trên cảm giác, nhưng tình yêu này trở nên cao thượng vì lời thề sắt son, hai người sẽ yêu nhau mãi mãi, muôn đời. Chính tính chất vĩnh cữu này phân biệt tình yêu chính thực và sự đam mê nhục dục…Hôn thú không phát sinh tình yêu nhưng giả thiết là đã có tình yêu rồi. Tuy nhiên tình yêu đó không phải là đã qua, nhưng còn mãi ngày nay và sau này. Rồi đời sống gia đạo mang đến cho hai người một yếu tố mới, yếu tố không có trong tình yêu: đó là yếu tố đạo hạnh và tôn giáo. Chính vì thế, đời sống gia đạo xây trên nhẫn nại, còn ái tình thì không tìm nhẫn nại làm chi”.

  1.6  Giai đoạn tôn giáo:

Nếp sống làm người với Kierkegaard: “Dám sống thân phận con người của chính mình một cách triệt để, dám thể hiện một cá nhân, không phải một cá nhân nào cũng được, nhưng là một cá nhân này đây: Cô lập trước mặt Thiên Chúa, một mình trong sức cố gắng và trách nhiệm vô biên, đó chính là hùng khí Kitô hữu”[7]. Ai tự cho mình đã thấu hiểu đạo, đó là một người khờ dại, vì tôn giáo vượt qua mọi hiểu biết của con người. Con người là hữu thể tìm lại cuộc chơi trong toàn vẹn tính phiêu lưu: Abraham, Gióp, Giuse điển hình là Abraham có mặt trong ba ngày đường, khi ngồi trên lưng lừa với con là Isaac.

Đức tin là một điều nghịch lý, vì đặt cá nhân lên trên luật thông thường. Người anh hùng từ khước cái chắc chắn để đạt tới một cái chắc chắn nhất, và người ta nhìn y tin cậy: Vô cùng nhẫn nại, và tin tưởng sẽ vãn hồi được tất cả. chuyển động vô cùng nhẫn nại được bộc lộ trong niềm tin vào sự phi lý, được Abraham thể hiện một cách đúng mức, không phải là một sự luyến tiếc, cũng không phải là một sự cương quyết của ý chí, nhưng là một thái độ trầm lặng, thong thả vì trong tất cả hành vi đó “cụ không đến quá sớm và cũng không đến muộn quá. Cụ thắng con lừa và thong thả lên đường. Trong suốt thời gian đi đường, cụ không phút nào không tin tưởng vào Thiên Chúa”. Bằng nhẫn nại tôi từ bỏ tất cả, đó là chuyển động tôi có thể làm được nhờ sức của tôi. Khi tin Chúa, tôi không từ bỏ chi hết, trái lại tôi nhận được tất cả. Nhờ đức tin, Abraham không từ bỏ Isaac, nhưng đã chiếm lại được Isaac”. Thiên Chúa, chính Ngài đòi hy sinh Isaac rồi cũng chính Ngài trả lại Isaac cho ông.

Ông được gọi là cha của những người tin, thái độ sống của ông đó là sự chấp nhận đi trong đêm tối đức tin, là sống tâm trạng tuyệt đối cô đơn trước mặt Thiên Chúa, tức là sống “bí mật của thâm tâm” trong chiều hướng “đứng trước nhan Thiên Chúa”.

Ta có thể tự hào: “tôn giáo vượt qua mọi hiểu biết của con người. không phải là một sự quy hướng về Thiên Chúa. Đức tin là một đam mê cao độ nhất mà con người có thể đạt tới”. Như thế, vấn đề căn bản không phải là hiểu biết một lần về giáo lý, nhưng phải mãi mãi trở thành người tín hữu, sống liên hệ chặt chẽ với Thiên Chúa, quy hướng về Thiên Chúa, ý thức mình luôn ở vào địa vị những người đồng thời với Đức Kitô và phải lưu ý đến Phúc âm.

Ngược lại, Kitô giáo bị bóp méo khi biến thành một hệ thống lý thuyết. Kitô giáo đích thật không phải là một lý thuyết nhưng là một Tin Mừng, nghĩa là một sứ điệp nhằm đến ơn Cứu Độ, một sứ điệp hiện sinh. Bao gồm một sức sống, và khi chưa sống sự sống “siêu nhiên” từ ơn Cứu độ nơi Đức Giêsu, cách này hay cách khác, thì người ta chưa là Kitô hữu. Bởi con người thường bị gục ngã trước tội lỗi, nhưng trước tình yêu Thiên Chúa con người cũng gục ngã, và một ai đó đã gục ngã trước trước tình yêu Thiên Chúa của họ thì không thể ra đi được, mà chỉ có thể thốt lên: “Chúa chơi với bạn Chúa như thế, nên Chúa ít bạn là phải”[8], và trung tín với hồn Kitô giáo vươn lên nữa, leo lên nữa, một hành trình “đi tìm cái đẹp[9]

Mối tương quan giữa Đức Tin và Lý Trí không phải được giải quyết xong một lần với công thức của Anselme: “Đức tin tìm kiếm sự hiểu biết”, nhưng vẫn luôn là thách đố cho người Kitô hữu trong cách thức sống đạo và loan báo Tin Mừng. Một người không thể thay thế niềm tin bằng việc tìm hiểu đó, bằng những bài học Giáo Lý hay thần học. Để sống niềm tin, cần phải tin, nghĩa là cần bước nhảy của một sự dấn thân cách tự do vào trong bầu trời của mối tương quan hiện sinh với Thiên Chúa.

Từ những điều mà Kierkegaard đã nói lên, cách nào đó người tín hữu dám sống thân phận làm người của mình cách triệt để, dám thể hiện một cách cá nhân, không phải cá nhân nào cũng được, nhưng là một cá nhân này đây: Cô lập trước mặt Thiên Chúa, một mình trong sức cố gắng và trách nhiệm vô biên, đó chính là hùng khí Kitô hữu.

 1.7  Mầu Nhiệm Tuyển Lựa[10]:

Kinh Thánh chúng ta thấy dường như Thiên Chúa chọn nhầm, không phỏng vấn, không một cuộc thi cử, tất cả do ý muốn của Ngài, và ta thấy cuộc tuyển lựa ngày xưa cho đến hôm nay có vẻ không thành công: người ta vẫn có thể thấy nhiều Giám mục “cù lần”, nhiều linh mục quan liêu hống hách, nhiều tu sĩ quá lo bảo vệ nếp sống của mình. Thật khó hiểu!

Kierkegaard phân tích niềm tin của Abraham chúng ta nhận ra “vấn đề” sống đạo của phần lớn Kitô hữu hiện nay: một cuộc sống hoặc không có hoặc có rất ít chiều kích tâm linh. Niềm tin luôn bị giản lược vào những tín điều và Tin Mừng luôn giải thích theo chiều hướng “luân lý”, nếu không nói là sợ tội!

Đời sống đạo trở thành một lối sống loay hoay bằng nỗ lực con người nhiều hơn một thái độ tin tưởng, phó thác. Rốt cùng, lý tưởng đạo đức dễ trở thành như một đặc quyền của một giới ưu tuyển, có bản lãnh, có giáo dục. Kiekegaard nhắc lại một lần nữa: “mỗi người Kitô hữu phải ý thức mình ở vào địa vị người đồng thời với Đức Kitô”. Nhưng người ta cũng không thể cho niềm tin vào trong dấu ngoặc để tự do suy tư. Sống niềm tin đích thực, đó cũng là một sự can đảm chấp nhận những đòi hỏi của niềm tin trong mọi chiều kích của cuộc sống, cả chiều kích suy tư, cũng như chiều kích thực hành. Là khả năng sống căn tính của con người, tương đối khác đi một chút sự việc sẽ khác, chấp nhận cái mình đang có, vui với cái mình đang có, sống như chính mình có, khoét rỗng, khoét sâu cái nghèo trông chờ Chúa đến như thác nước dựng lên để trong cái nghèo tôi đón nhận tất cả và cho đi tất cả. Cật vấn chính lưong tâm của mình để không dùng dằng trong cái tội lớn nhất: nói xấu hỉ hả về nhau, với những ân huệ rất riêng tôi ướm vào cái riêng đến cái chung, nhạy bén với hạnh phúc, tìm được ý nghĩa hạnh phúc, sống ý nghĩa hạnh phúc bên trong nơi cộng đoàn này,  nhưng làm một việc hy sinh  như một chút thiện chí, lòng thành dâng cho Chúa, và vui nhận “Nước trời có mặt ngay nơi cộng đoàn tôi đang sống”[11].

Hủ Tíu ( Người con giáo xứ)

(Còn tiếp)



[1] Nguyễn Trọng Viễn, op. Lịch sử Triết học Tây Phương hiện đại, trang 20.

[2] Héraclite.

[3] J.P Sartre

[4] Kierkegaard

[5] Rm 4,21.

[6] Nguyễn Trọng Viễn, OP. Trích bài giảng trên lớp.

[7] Nguyễn Trọng Viển, OP. Lịch sử Triết Học Tây Phương, tr29.

[8] Thánh Têrêsa Avila.

[9] Thánh Gioan Phaolô II.

[10] Lm Nguyễn Trọng Viễn, OP.

[11] Ibid. Bài giảng Tĩnh Tâm Gia đình của Chúa, 2013.

Read 1589 times Last modified on Chủ nhật, 09 Tháng 11 2014 15:29