Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 10 Tháng 11 2014 15:09

Sống cuộc đời như cuộc chơi ( Tiếp theo)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Sống cuộc đời như cuộc chơi- Bài viết của Hủ Tíu một người con của giáo xứ, ban biên tập gxthohoang.net trân trong giới thiệu phần 2 của bài viết.....

 

Sống cuộc đời như cuộc chơi ( Tiếp theo)

 

2.  Cuộc chơi với tư tưởng của Nietzsche:

Trước hết, ta tìm gặp Nietzsche như nhà tiên tri cô độc luôn tha thiết với hạnh phúc của nhân loại. Ông vừa là kẻ phá hoại, phá hoại chính cuộc đời của mình và phá  hoại cuộc sống nhân loại, nhưng đồng thời ông cũng làm cho cuộc đời mình thật bi tráng, cũng như làm lực đẩy cho cuộc sống nhân sinh cất bước lên. Hào hùng và bi thảm, tinh tế và giả tạo, khinh ghét và yê mến, mạn mẽ và yếu nhược, cuộc đời có đủ thứ cay, thứ đắng làm cho người ta phải xuýt xoa chảy nước mắt, nhưng cũng là thứ cay đắng làm cho người ta say sưa và nghiện ngập vì mùi vị quyến rũ của riêng nó.

Ảnh hưởng từ nền giáo dục gia đình, ta thấy sau cái chết của thân phụ, người em trai của ông cũng qua đời, ông trở thành người con trai duy nhất trong gia đình gồm: bà, mẹ, hai dì và em gái. Bởi được cưng chiều, Nietzsche mang trong tâm hồn một sự nhạy cảm, tế nhị đầy nữ tính.

“Cái gì không phải bản tính tôi, cái đó đối với tôi chính là Thượng Đế và đức hạnh”. Nhưng năm 20 tuổi ông bị khủng hoảng tôn giáo trầm trọng, khi ông vào đại học Leipzig. Trong một lần tình cờ ông tìm được cuốn sách “Thế Giới, Ý Dục và Biểu Tượng” của Schopenhauner ông cho rằng mình bị đánh lừa và mất mát tất cả; bừng mắt ra cuộc đời trở nên trống rỗng và vô nghĩa, lao vào ăn chơi, sống cuộc đời phóng đãng: rượu, thuốc lá, đàn bà. Nhưng chẳng bao lâu, chàng lại chán ngấy, và tỏ vẻ khinh bỉ những điều đó.

Nếu như thời thơi ấu ông sống nếp sống ngoan hiền, đàng hoàng, đến lúc trưởng thành ông nhập quân ngũ bị ngã ngựa, thất bại. Bởi đó, ông luôn tỏ ra sùng kính các quân nhân như là những anh hùng, chịu được giãi dầu, cam go trong một tâm hồn thích lý tưởng hoá hình ảnh người chiến sĩ “bằng tất cả cường độ tưởng tượng của kẻ thiếu kinh nghiệm”, điều mà thực tế ông không làm được.

Một khi con người lộ ra cái yếu, cái tầm thường cũng là lúc con người để Chúa lộ ra, sống khôn ngoan đức tin trong đời mình. Cúi xuống để trân trọng, để chiêm ngắm con người là một huyền nhiệm. Với cuộc sống Nietzsche không nhằm cải thiện số đông cái quần chúng mà xét riêng từng người, là những kẻ vô giá trị nhất, mà chính là sự tạo dựng thiên tài”. Wagner là thần tượng của ông, nhưng đồng thời là người làm cho ông bất mãn, vì nhạc sĩ này ca tụng Kitô giáo: lòng trắc ẩn, và tình yêu không xác thịt, ca tụng một thế giới cứu chuộc nhờ “một người điên thuần túy”, “người điên trong Chúa Kitô”. Phải chăng, sống cuộc đời nhân chứng giữa thời đại, ta đón nhận một triết thuyết mà Nietzsche đã nói về Wagner: nịnh hót mọi thiên tính hư vô, và ngụy trang nó bằng âm nhạc, hình thức tôn giáo biểu thị suy đồi…lãng mạn vô vọng đã tàn bại, bỗng qụy ngã thình kình trước thánh giá. Không có con mắt nhìn và lòng trắc ẩn mà khóc trước cảnh tượng kinh khủng? Hoá ra là người độc nhất làm cho ta đau khổ, hâm mộ thằng đồi trụy nhất. Suy vi, nhưng họ ý cho ta biết họ “ý thức được chuyện đó” và bảo vệ cho việc chống lại niềm tin tôn giáo.

  2.1  Giai đoạn lạc đà:

Khô héo, không phong phú. Ý chí cũng được áp dụng cho toàn thể vũ trụ. Mọi hành động mọi năng lực đều biểu lộ ý chí ấy. Ông nhìn nhận vũ trụ như một quái vật hùng mạnh, vộ thủy vô chung, một tổng số nhất định gồm toàn năng lực. Nơi Nietzsche khuynh hướng này là nền cho mọi giá trị. Đây là điểm khá đặc sắc của Nietzsche. Tôi muốn có được tất cả, muốn giữ lại những gì đã, đang thuộc về mình, những mối quan hệ những điều mà tôi không thể tách lìa trong cuộc sống hằng ngày. Những mối liên hệ ấy tạo nên trong tôi nhiều cảm xúc, đồng thời còn là yếu tố quan trọng trong phần tạo nên con người tôi. Song, trên thực tế, thật khó để tôi có thể nhìn nhận người khác như họi là. Những ảo tưởng về người này, đánh giá về người nọ hay định kiến về người xấu kia là xu hướng rất dễ xảy ra. Đồng thời, xu hướng muốn người khác đáp ứng nhu cầu của mình hơn là quan tâm nhu cầu của họ có khả năng dẫn đến những mâu thuẫn trong chính mình và với người khác, và điều này có nghĩa là tôi không để người khác là chính họ, cái nhìn họ vào họ tùy thuộc nhiều vào cảm tính và sự ích kỷ của bản thân.

Khi trao đổi, tôi sản xuất đời tôi theo bài toán, để được người khác chấp nhận, tôi càng khẳng định mình, càng muốn thì tôi lại không được gì cả. Thay vào đó, tôi là tôi, tôi dám buông để tôi ngụp lặn lại, ở tận đáy Chúa chân nhận tôi như là tôi, tội nhân mà Chúa vẫn thương tôi, ngay cả lúc tôi không xứng đáng, cung cách tôi sống không hổ thẹn ngay nơi dành riêng cho tôi với cả tấm lòng. Sự chiêm ngắm, vun trồng, khuyến khích chung tay tôi đang làm quyền năng Chúa lộ ra.

  2.2  Mãnh hổ:

Ở đây, con mãnh sư tử phải chiến đấu với con Đại khủng long “Mi Phải”, chiến đấu bằng tinh thần mãnh sư của mình là tinh thần “Ta muốn”. Giữa lòng sa mạc cô đơn hoang liêu cô độc nhất, thành tựu cuộc há thân thứ nhì, tinh thần biến thành sư tử, tinh thần muốn chinh phục tự do và làm chủ sa mạc của riêng mình. Tỏ bày sức mạnh chinh phục, nhưng thực sự vẫn là tùy thuộc vào đối tượng, xét cho cùng: tuy có sức mạnh bên ngoài nhưng chưa làm chủ được bên trong. Với tâm hồn tinh tế, Nietzsche nhận ra ngay những lố bịch, những gì có chút giả tạo trong cuộc đời. Nhưng khốn khổ thay thế cho sự tinh tế ấy lại khiến ông không nhận ra được tính hay làm bộ của chính mình. Sự tinh tế đó phản ảnh nhận xét thế giới, vừa có vẻ như ve vuốt chính bản thân mình. Trong thâm tâm, ông cần sự an ủi, vừa khát khao sự hùng dũng.

Cuộc sống với ông có thể nói: nghiệt ngã! “trống rỗng đã vây lấy quanh tôi. Nói trắng ra là không một ai nghĩ đến hoàn cảnh của tôi. Bi đát nhất là hơn 10 năm nay tôi không nghe được một lời an ủi, và tôi hiểu rằng nhân tình thế thái phải như vậy. Quả tim tôi bị đâm thủng vì không tiếp nhận được một câu trả lời, một chữ trả lời, vì phải một mình, kinh khủng một mình, mang chính gánh nặng đáng lẽ được người ta chia sẻ, gánh nặng mà ai cũng muốn trút bỏ, …sống một chua xót đáng thương hại. Sau một trận ốm thập tử nhất sinh Nietzsche nảy sinh một ý chí mãnh liệt hơn trong cuộc chiến đấu với tử thần, ông tìm thấy một tiếng “vâng” ngọt ngào của cuộc sống ngay cả trong cay đắng nhọc nhằn; và có thể từ trnậ ốm đó làm nảy sinh một nỗ lực muốn vươn tới chỗ hoan hỉ chấp nhận những giới hạn tự nhiên, chấp nhận số phận đau thương con người.

“Không chỉ chịu đựng mọi điều không thể tránh mà còn yêu thương nó”[1]. Cũng như Kierkegaard, Nietzsche phản đối chống lại Hegel với học thuyết dựa trên tư tưởng của Socrat: một nền văn hoá mới với mẫu người lý tưởng là siêu nhân.Ông cũng đưa ra một thứ “nguyên lý” phi lý cho cuộc đời, trong đó thế giới thiên nhiên cũng như cuộc đời con người đều là một mãnh lực mù quáng. Có tác giả còn nói mâu thuẫn vừa là bản chất, vừa là phương pháp của Nietzsche.

Sống là cạnh tranh, là tiến hoá, là chiến thắng của kẻ mạnh nhất. Nhưng động lực của cuộc tiến hóa này không phải là hoàn cảnh bên ngoài, mà chính nghị lực nội tại của ý chí. Bản chất của sinh vật là thu hút, xâm chiếm, đàn áp, chiếm hữu hay ít là khai thác. Trong cuộc sống này, không có chỗ cho những tình cảm yếu ớt như vị tha, xả kỷ. Tình ái cũng chỉ là trạng thái của ý chí hùng cường. Đàn ông sinh ra để đánh giặc, đàn bà để giải khuây cho chiến sĩ. Đây không phải là ích kỷ theo quan điểm luân lý, nhưng là quy luật của sự sống, vị mọi sinh vật đều muốn tranh đấu và khao khát chiến thắng. Ý chí hùng cường làm cho cuộc sống nên linh hoạt và tiến bộ.

Vô điều kiện, tha thứ học để trở nên người thân cận. Yêu như Thầy! Lòng từ bi thương xót như Thầy thông qua cái riêng, biết, thân, quen, hiểu, thân mật sẽ khác cho tôi trong đời sống nếu là lễ nghĩa, với bình đẳng và tôn trọng, làm lộ ra ý nghĩa chân thật, chứ không phải là cái mốt, phong trào. Đi cùng, đi tìm trong sự tự nguyện chủ động, cho đi và đón nhận quá trình giằng co làm dày bề dày nghĩa tình, chân thật.

  2.3  Giai đoạn đứa trẻ:

Hỡi anh em hãy nói ta nghe điều gì trẻ thơ làm được mà con mãnh hổ không làm được? Tại sao con mãnh hổ dữ tợn phải biến thành trẻ thơ?[2] Cuộc sống con người có thể nói khó khăn nhất vẫn là chấp nhận người khác như họ là, nơi chủ thể độc đáo của mỗi người, mầu nhiệm riêng biệt Chúa dành riêng và mời gọi tôi một sự chấp nhận vô điều kiện. Bình thường thái độ với nhau là thái độ sống đòi hỏi người khác. Mỗi người sống vẫn thưoừng làm một cuộc thi tuyển để lựa chọn người thân. Chính sự lựa tuyển gắt gao làm cho con người luôn cô đơn. Nói thế không phải cuộc đời này không có những người sẵn sàng đón nhận người khác vô điều kiện: chồng đón nhận vợ, vợ đón nhận chồng, cha mẹ đón nhận con cái, dù nó xinh đẹp, ngoan hiền hay khiếm khuyết bệnh tật.

Một khi ta chấp nhận người khác vô điều kiện là ta coi người khác như là “của mình”, con người chỉ có thể biết yêu khi biết mình được yêu mà thôi. Như một đứa trẻ: cuộc sống, yêu thương, cách chơi và không giữ lại cho riêng mình. Chính lúc đó con người tìm được niềm vui và tự do đích thật khi tìm gặp được chính mình. Chấp nhận người khác cũng như mở lòng ra vươn lên trong tương quan  mang lại một sự giả thoát khỏi nỗi cô đơn, thứ cô đơn đã tạo nên biết bao tai hại trong cuộc chơi, sự cô đơn làm người ta đeo mặt nạ, luôn gồng mình tỏ ra mình thế này, mình thế kia, luôn cố gắng “chọn lập trường” khác với người khác, thứ cô đơn làm cho con người lo lắng để có thể được người khác chấp nhận. Cuộc đời là một cuộc chơi đầy khó khăn, và nếu không đủ can đảm ta dễ dàng sẽ bị đánh bại.

“Không gì đẹp bằng đứa bé cầu kinh với đôi mắt lim dim ngủ”[3]. Sự hiện diện của trẻ nhỏ là niềm vui cho người khác, không giữ trong mình quyền tự quyết, phục tùng trong tất cả mọi sự, mà là một đời sống hoàn toàn tin tưởng phó thác, đơn sơ khiêm nhường để Chúa dẫn dắt, càng đi theo Chúa tôi càng được moìơ gọi trở nên như trẻ nhỏ để dễ thương, dễ bảo, dễ dạy, để Chúa dễ chăm sóc hơn. Cuộc chơi bắt đầu khi tôi đánh cá cuộc đời mình vào tay Chúa và tôi tin Ngài sẽ thắng, giữa sóng gió tôi tin có Chúa đồng hành và thế là tôi cứ đi. Tôi buông an toàn ra nhưng thực tế tôi đã thoát khỏi an toàn giả tạo. Từ bỏ thái độ giành giật, trao đổi và nhận ra hồng ân của Chúa: tôi trở thành người nhà, tôi được chân nhận, tôi được làm con Chúa, tôi chơi với Chúa như là người con, sống hiểu ra tôi thật sự sống trong nhà, thuộc về dù buồn, vui, bực, tức, khó chịu. Trẻ thơ là sự ngây thơ và quên lãng, một sự tái khởi miên viễn, một trò chơi, một bánh xe quay vòng quanh mình, một vận chuyển đầu tiên, một tiếng vâng linh thánh.

  2.4  Cuộc đời mỗi con người đều không như dòng sông phẳng lặng:

Con người sinh ra vốn có xã hội tính, con người cần đến nhu để tồn tại và phát triển trong mọi lãnh vực của đời sống.Thách đố trong cuộc đời nhìn như trò đùa của cuộc sống làm cho con người vui thích, tạo cơ hội để lớn lên, để đào sâu, để vươn rộng hơn. Thực tế là, Thiên Chúa không ngừng kiến tạo con người qua chính những kinh nghiệm của bản thân, và mỗi người là cộng sự viên không thể thiếu được trong công trình sáng tạo của Ngài. Mọi sự xảy ra trong cuộc sống đều nhiệm mầu và là một tiến trình luôn mở rộng và đầy sáng tạo. Chơi, và chơi là chưa đạt đến đích, vẫn còn đang trên đường tìm kiếm, ở trong sự tinh tế nhận định, để bước đi cách chắc chắn và quảng đại minh nhiên. Nhưng trước tiên phải trở thành nhu mình mong muốn. “Hãy làm điều anh muốn, nếu như anh có thể chịu đựng nó trong vĩnh cửu”[4]

  2.5  Con người đi lên[5]:

Con người phải thể hiện mình như một sức mạnh cao cả nhất, phải dùng chính sức mạnh của vũ trụ để biến thành khả năng đi lên, thành cách để tự giải thoát mình, để tự nguyện trở về không ngừng và tiến tới không ngừng, muốn những cái đã có và cả những cái sẽ có. Giác quan không bao giờ lừa dối, nhạy bén công nhận tất cả nhận thức đến từ kinh nghiệm cảm giác.

Con người sinh ra là con người bạo động: bạo động của sức khỏe, bạo động của tinh thần tự do, bạo động của vinh dự, bạo động của qúy phái, như Christpophe Clombe tìm ra Châu Mỹ. Mọi cố gắng đi đến nền tảng sự vật, làm sáng tỏ các huyền bí, đã là bạo động rồi, một ý chí làm cho mình đau khổ, ý chí cốt yếu của lý trí luôn luôn căng thẳng trong phiên diện và hời hợt. Trong mọi ý chí biết có một giọt nước là “độc ác”. Con người đó là con người sáng tạo, sự vật tự nó không có giá trị gì chỉ có giá trị kho được con người đánh giá. điều thiện điều ác đều do con người tự ban cho mình. “Chính con người dặt giá trị của mình vào sự vật, chính họ đã sáng tạo ý nghĩa cho sự vật, một ý nghĩa nhân linh, vì thế, họ được gọi là người”. Chính sự sống mãnh liệt, sự sốn của ý chí hùng cường mới có thể làm xuất hiện giá trị đích thực, đập tan những thần tượng những giá trị cũ. Khả năng biến đau khổ thành cái gì bi tráng, chấp nhận số phận cuộc đời như một cách anh hùng hân hoan.

Nietzsche bài trừ tôn giáo và cho rằng “Thượng đế đã chết!”[6], vị Thượng Đế mà Nietzsche muốn giết đi chỉ là một vị Thượng Đế giả, Thượng Đế của nền luân lý nô lệ. Nhưng trong một cuốn nhật ký không ấn hành, và một số bản thảo ông thấy Chúa Giêsu có một tâm hồn rất trong sạch, trí óc sáng suốt, có sức mạnh của lòng chân thật, có nhiều điều kiện chứng tỏ rằng Chúa khổ hạnh và có tư tưởng tự do.

  2.6  Siêu nhân:

Của hiếm dành cho loại người hiếm, điều thiện thì qúy, tất cả những gì qúy hiếm không thể phơi bày nơi quần chúng, mà chỉ dành riêng cho những anh hùng mà thôi. Là người tự do hoàn toàn, ý chí tự cương quyết, có bản lĩnh tự do, không lệ thuộc vào nếp sống đạo đức của lũ tầm thường, dám sống nguy hiểm đồng thời cũng làm nên sự nguy hiểm cho người khác. Họ tiêu hao tát cả nghị lực và làm tê liệt tất cả các kẻ xung quanh và sau họ. Người kỳ tài là một tận cùng. là người biết cười: Tràn đầy nhựa sống, như một đứa trẻ, ngây thơ và hay quên lãng, một sự tái khởi miên viễn, một trò chơi, một bánh xe quay tròn vòng quanh một mình, một vận chuyển đầu tiên, một tiếng vâng linh thánh làm thức tỉnh thái độ sống yếu hèn, nô lệ, thụ động của cuộc sống, trong triết học, đặc biệt của đời sống tôn giáo.

Người chiến thắng là người dám đặt ra những mục tiêu to lớn, và không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi đạt được nó. Họ biết chắc chắn thành công là cả một quá trình nỗ lực liên lỉ, từng bước một không dễ có. Họ thành công là vì thế, ngược lại rất nhiều người sợ đặt mục tiêu. Nếu có đặt đi nữa, họ lại không dám mơ xa vì sợ mình sẽ thất bại. Họ không đủ động lực và tự tin đủ để làm những gì cần làm nhằm tạo bước đột phá. Người thắng cuộc hay không trong một cuộc chơi đều tham gia cuộc chơi theo những luật lệ khác nhau.

3.  Niềm Vui nối tiếp Niềm Vui:

  3.1  Luôn dẫn đầu cuộc chơi:

Quy luật tự nhiên: muôn vật muốn tồn tại liên tục thay đổi và tiến hóa, nếu không sẽ chết dần chết mòn, hoặc sẽ bị tiêu diệt. Con người muốn dẫn đầu phải liên tục thay đổi và phát triển. Có nhiều trò chơi trong những cuộc chơi vô thời gian: tình yêu, phải nói tình yêu là trò chơi không hề dễ, bao con người với những số phận khác nhau, những câu chuyện đủ sắc màu. Và trong tổng thể của bức tranh ấy đã từng có những câu chuyện rất đơn giản, rất nhẹ nhàng, vô tư và vui vẻ. Nhưng rồi xét cho cùng, cuộc sống vội vàng như vòng xoay của guồng máy, con người như cuốn theo trò chơi cảm giác mạnh.

Nói chung với những nỗ lực luân lý, Tin Mừng của Chúa Giêsu thường trở thành những  bài học, lý tưởng nên hoàn thiện như cha trên trời thường được quan niệm như một khuôn khổ vô ngã, thật tròn trịa, thật chuẩn mực, thật hoàn hảo, hoàn hảo đến mức trở thành một khuôn khổ “siêu hình”. Công việc chính của sống đạo là so chiếu cuộc sống của mình với khuôn khổ chuẩn mực ấy để xác định đâu là tội, đâu là nhân đức mà thôi.

  3.2  Mỗi thất bại là mỗi bài học kinh nghiệm:

Họ đã nỗ lực, họ đã cố gắng hết mình, nhưng họ vẫn gặp những thất bị ê chề?! Thực tế vẫn phũ phàng không miễn thứ cho bất kỳ ai. Cần kinh nghiệm nhưng họ là những người nhiệt tình với hành trang tuổi trẻ. Dừng lại là lùi, hành động là đang đi tới mục tiêu, đi gần tới mục tiêu đặt ra, không khoanh tay đứng nhìn, cương quyết không bỏ cuộccó khi là chạy, là vấp té, nhưng lại đứng lên và tiếp tục, sẵn sàng vượt qua nghịch cảnh, đôi khi những nghịch cảnh nằm ngoài khả năng kiểm soát của ta, phần thưởng cao quý nhất chỉ dành cho người bền chí, khi vượt qua được và chiêm nghiệm lại ta nhận ra những tiềm năng, sức mạnh nội tại và lòng khoan dung của trái tim để dễ dàng tha thứ, chữa lành vết thương và tiếp tục bước tới.

Bài học dễ nhớ nhất là kinh nghiệm của chính chủ thể sống, biến ước mơ thành hiện thực bất chấp mọi thử thách chông gai. Biết rõ không phải lúc nào ta cũng có thể đi và đến được lộ trình như phút ban đầu mình hoạch định rõ, chẳng có gì xảy ra hoàn toàn đúng kế hoạch cả, quan trọng là ta cần biết mình muốn gì để không bao giờ hối tiếc vì đáp sai chỗ, hoặc bị mắc kẹt mãi một chỗ, chẳng đi được tới đâu. Xác định đúng mục tiêu và đừng bao giờ ở lại trong sự nản lòng, nhưng liên tục quy hướng mình quay lại lộ trình ban đầu để đi về phía mục tiêu, sẽ đi đến nơi cần đến.

Những kinh nghiệm cuộc sống giúp tôi nhận ra sự vui hưởng ở chính mình. Tôi chấp nhận những quá khứ của chính mình, mặc dù nó không được tốt. Nhưng qua đó, tôi dùng nó như một bàn đạp để sống tốt hơn, và ngang qua đó tôi nhận ra tình yêu thưong mà Thiên Chúa vẫn dành cho tôi. Hơn thế, cuộc sống có sự đồg hành của những người có trách nhiệm, của bạn bè giúp tôi sống trọn những gì mình có thể. Nhờ đó, tôi xác quyết rõ hơn con đường mình đã chọn, và một cuộc sống triển nở hơn đang chờ tôi bước tiếp lên phía trước một cách liên lỉ, và không quên những người đang bên cạnh tôi ngang qua kinh nghiệm của chính mình, một sự cho đi thật lòng và tự do.

  3.3  Thành công không phải là đích đến mà là đoạn cuối của cuộc hành trình:

Đời tu xét theo cách nhìn khách quan là một cuộc sống an nhàn, vị vọng và được ưu ái thật nhiều, nhưng người tu sĩ chọn cho mình cách sống như thế nào để không “lỗi đức khó nghèo” về tiền bạc, khả năng, thời gian, tình yêu thương và sự tín cẩn của những mọi người mới là điều làm cho ta suy nghĩ. Đời tu dưới cái nhìn: một sân bóng. Có đồng cỏ xanh tươi, nhưng cũng chỉ có hai khung thành, có đời sống cộng đoàn nâng đỡ, nhưng có khi thực tế ta một mình phải ứng biến với mọi tình thế, có sự chờ đợi, cỗ vũ reo hò nhưng cũng không thiếu những lời trách cứ minh nhiên, có tinh thần chung nhưng ai cũng có thế giới riêng mình, có sự tán dương chúc mừng nhưng cũng có những nhân vật lặng lẽ đi vào thế giới cô đơn riêng mình, với những nỗi tuyệt vọng chẳng thể gọi lên thành tiếng. Những con người ấy thèm khát sự có mặt của người khác, kêu gào sự tồn tại của người khác, lần mò đi trong nỗi cô đơn ngàn ngạt ấy. Mỗi người sắm cho mình một vai diễn, để rồi gần nhau bằng thứ dây tình cảm nối bế tắc, ai cũng tưởng đã hài lòng về cuộc sống của chính mình, đi con đường của mình. Nhưng rồi không ai ở bên cạnh nhau thực sự, bởi không đủ can đảm để phá vỡ những vỏ bọc của riêng mình, thay vào đó họ giấu kĩ tâm hồn cô đơn, nhưng càng giấu vòng quay càng thắt chặt khiến họ đau đớn, ngột ngạt.

Cách thức theo đuổi một đời sống đạo như thế trở thành như một cuộc thi tuyển, trong đó, việc công bố Tin Mừng Cứu độ chỉ còn là “đề bài”, Tin Mừng trở thành “tài liệu học tập”, nỗ lực sống đạo như việc làm bài thi và hy vọng một số điểm vượt qua mức trung bình…Lối sống đạo chỉ là một nỗ lực giữ mười điều răn, nỗ lực từ bỏ tội lỗi và lập công phúc cho cuộc sống mai sau. Lối sống đạo ấy một cách nào đó, biến Kitô giáo trở thành một trong các thứ đạo dạy người ta “ăn ngay ở lành”, trong khi nét đặc trưng của Tin Mừng Cứu Độ là một thứ đạo có thể tạm nói: cùng với Chúa Giêsu để đi con đường ‘ăn ngay ở lành”. Thật, siêu nhiên không phá đổ tự nhiên, nhưng kiện toàn tự nhiên. Để con người sống nhân bản, cần tới sự trợ lực của siêu nhiên, và một đời sống siêu nhiên đích thực chắc chắn sẽ làm tăng triển đời sống nhân bản con người.

Là một quá trình không ngừng nghỉ, tận dụng tối đa khả năng mình có, từng bước đến gần những mục tiêu của mình mỗi ngày, thành công hay thất bại trong lần chơi kế tiếp tùy thuộc vào sự lựa chọn. Thiết tưởng trong cuộc đá banh mà không biết khung thành đối phương ở phía nào, cũng không rõ phải phát banh cho ai, không có khung thành cũng đồng nghĩa với việc không thể ghi bàn thắng và không biết mình thắng hay thua, thì hỏi làm sao chơi đẹp được!

Cuộc chơi có thể mở ra nhưng cũng có thể là ngộ nhận, nên ta cần yêu thương bản thân mình chứ không muốn trở thành người khác, quan tâm đến mình, chiều chuộng và tôn trọng chính mình với ý thức trọn vẹn của một con người, không để mình lệ thuộc, ngu dốt, phí phạm thời gian, hủy hoại cơ thể bằng ma túy hay rượu chè…thay vào đó là những tìm tòi, học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng và nhận ra những quà tặng tuyệt vời mà ta được hưởng như ta là. Để biết ơn con người, biết ơn cuộc sống vì ta hài lòng với cuộc sống này, nơi đây, và thời gian hiện tại bây giờ.

Quyết tâm sống với những gì là tốt trên bình diện tự nhiên, sống với, dù thế nào hãy từ tốn mở lòng ra  một lần nữa và ngẫm nghĩ. Đừng để ngộ nhận réo gọi ngộ nhận, đừng để vết thương lòng tị hiềm di căn lên niềm tin. Có những ngôi nhà không vững chắc nên sụp đổ. Những khu vườn gầy guộc vì thiếu phân bón. Đừng làm nó nặng thêm những gì đã quá nặng bởi tâm trí ta sẽ nặng thêm dưới gánh nặng ấy. Biết quên và biết để lại đằng sau những gì không cùng ta đồng hành về phía trước. Có những trò chơi suốt đời ta không biết chán, nhưng có những trò chơi chỉ một đôi lần ta đã không muốn chơi lại, không còn hứng thú. Hút thuốc, uống rượu, mời trà, là thú vui, trò chơi với đời, với người. Nó là người bạn, người tình, là niềm vui và cũng là nỗi buồn, nó là niềm an ủi, là phấn khích, nó chia sẻ rồi bù đắp lại.

Tóm lại, người biết uống rượu, mời trà, hút thuốc thì cũng là một cuộc chơi tao nhã, để thấy yêu đời, yêu người và thậm chí yêu cả những ánh sáng lập lòe của đom đóm, ma trơi tình phụ. Cuộc chơi nào cũng cho ta quyền lựa chọn cách bắt đầu, loại suy của hữu thể giúp ta biết chắc ở trong cuộc chơi có đầy những khó khăn, và nếu không can đảm ta dễ dàng bị đánh bại, bị hất tung ra ngoài, bị rơi xuống đau đớn…luôn là như thế, bởi cuộc chơi nào luôn cần có kẻ thắng người thua, điều chỉnh cuộc chơi như thế nào đó là phần còn lại của mỗi người.

  1. Tạm kết:

Ai trong cuộc chơi ấy cũng cố sắm cho mình những vai diễn đẹp đẽ, lộng lẫy. Và thế là câu chuyện bắt đầu. Có một ngàn lẻ một trò chơi nhưng tình yêu và rượu là những trò chơi ngoạn mục nhất, trò chơi chọn tôi và tôi đành nhận lấy, nhận lấy như một chọn lựa đầu tiên và cuối cùng thứ số phận không màu sắc huy hoàng cũng không u ám. Tôi chạy quanh trò chơi ấy như chạy quanh lòng trắc ẩn. Có khi cuộc chơi giải thoát tôi, vực tôi dậy từ những vùng tăm tối quỷ quyệt của sự suy tàn, có khi nhận tôi xuống sâu thẳm tận cùng của trầm luân. Bởi thế, tôi không vỗ tay hoan nghênh một trò chơi nào đặc biệt cả, bởi vì tôi muốn giữ được lòng chính trực và khoan dung. Trên lối đi dẫn vào cuộc sống tôi vẫn gặp gỡ Tình yêu và rượu. Giờ đây tôi nói lên thêm lời tạm biệt khác. Tạm biệt những ly rượu nồng nàn sớm, trưa, chiều, tối. Cuộc sống tôi tìm lại chính mình sau hơn thua mất được, tìm lại gương mặt ngày xưa vẫn đâu đây.

Tư tưởng của Nietzsche như một cơn bão làm tan biến những gì trong tôi cũ kỹ, nhưng cũng làm lộ ra một chân trời mới. Đẩy con người sống là tôi vươn lên hơn, vững tâm, không sợ bị lôi kéo, một việc có thể bổ ích khi kiên nhẫn suy nghĩ và phản ứng. Nietzsche răn chúng ta đừng theo chước cám dỗ tai hại thường làm chúng ta muốn biện hộ và thần thánh hóa những yếu hèn của chúng ta và những nhu nhược của chúng ta: chúng ta nấp sau những mặt nạ đạo đức để yên thân trong cảnh nhu nhược.

Vâng, hỡi các anh em, đối với trò chơi sáng tạo, cần phải có một tiếng vâng linh thánh.

Hủ Tíu ( Người con của giáo xứ)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. 1.Nguyễn Trọng Viễn, OP. Lịch sử Triết Học Tây Phương hiện đại.
  2. 2.Fréderic Nietzsche. Gai“ Người mất trí”. Dg Huynh Phan Anh, nxb Mai Nguyễn, 1970.
  3. 3.Claro R. Ceniza và Romualdo E. Abulad. Nhập Môn Triết Học. Dg Lưu Văn Hy, nxb Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2005.
  4. 4.Philomena Agudo, FMM, Ph. D. I Chose You. Dg Nguyễn Ngọc Kính, OFM, nxb Phương Đông, 2011.
  5. 5.James E. Sullivan. Hành trình Tự Do. Dg Nguyễn Ngọc Kính, OFM,  nxb Tôn Giáo, 2013.
  6. 6.http://www.art2all.net/tho/vocongliem/kierkegaard_nietzche.htm.
  7. 7.http://vi.wikipedia.org/wiki/S%C3%B8ren_Kierkegaard.
  8. 8.http://en.wikipedia.org/wiki/Friedrich_Nietzsche.
  9. 9.http://catechesis.net/news/Tim-Hieu-Cong-Dong/CONG-DONG-VATICAN-II-NHIN-LAI-BAT-RE-VA-MO-CUA-97.

 



[1] Spinnoza

[2] Nuyễn Trọng Viễn, OP. Giáo trình Triết Học, Giai đoạn trẻ thơ, tr 59.

[3] Ibid. Trích bài giảng trên lớp.

[4] Valéry.

[5] Nguyễn Trọng Viễn, OP. Lịch sử Triết Học Tây Phương hiện đại, trang 50.

[6] Fréderic Nietzsche. Gai Savoir  «  Người mất trí ». Dg Huynh Phan Anh, nxb Mai Nguyễn, 1970.

Read 1636 times Last modified on Thứ ba, 11 Tháng 11 2014 15:49