Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 09 Tháng 1 2017 14:49

Thiệp xuân

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
 Thiệp xuân

Tấm thiệp được sử dụng nhiều trong các dịp lễ hội, đặc biệt là mùa Xuân, thậm chí thời @ còn được người ta dùng e-Card (điện thiệp, tương tự dạng e-Mail hoặc điện thư). Ở gần nhau, người ta trực tiếp chúc nhau. Ở xa nhau, người ta dùng thiệp để chúc nhau những điều tốt lành nhất.

Về tấm thiệp ngày Tết, NS Lê Dinh (*) đã sáng tác ca khúc “Cánh Thiệp Đầu Xuân” (với Ns Minh Kỳ là đồng tác giả). Ca khúc này được viết ở nhịp 4/4, âm thể Trưởng, với cấu trúc quen thuộc thời đó là A – A’ – B – A’’. Tiết tấu không cầu kỳ, chỉ có chút đảo phách như “điểm nhấn” nét vui của mùa Xuân. Giai điệu “sáng” và đẹp.

Ca từ cũng không trau chuốt, rất giản dị và mộc mạc: “Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng, Xuân đến rồi đây nào ai biết không?”. Chính câu hỏi đó cũng là câu trả lời rồi. Nhưng ông không nhìn mùa Xuân qua dáng vẻ bề ngoài, mà qua nét nội tâm: “Mang những hoài mong đi vào ngày tháng, bao nhiêu mơ ước đến khi mùa Xuân sang”. Chắc chắn ai cũng tràn trề hy vọng và mơ ước cho một năm mới.

Có nhiều lời chúc, tùy người mà dùng lời chúc cho hợp cảnh, hợp tình. Ông cân nhắc: “Tôi chúc gì đây vào mùa Xuân này? Khi nắng vàng tươi nhuộm làn tóc ai, khi gió nhẹ lay hoa đào hồng thắm, trong khi Xuân ấm mới tô đẹp tháng năm”. Cũng dễ mà cũng khó, chúc cầu kỳ thì có vẻ “tiểu thuyết”, chúc thực tế thì có vẻ mất hay. Mỗi người mỗi ý thích, không đơn giản chút nào!

Thôi thì chúc những gì bình thường mà phổ biến, văn vẻ mà không là “sáo ngữ”, thực tế mà vẫn cần: “Tôi chúc muôn người mọi điều ước muốn, non nước vinh quang trong tia nắng thanh bình, để người anh yêu dấu quay về gia đình, tìm vui bên lửa ấm”. Chắc chắn ai cũng có những ước muốn. Và ước muốn thực tế nhất của thời chiến là niềm khao khát hòa bình luôn cháy bỏng trong mọi người – cả nhân dân và cả quân đội. Hòa bình lên ngôi thì mọi người an tâm vui Xuân, ăn Tết.

Chúc điều chung nhất cho mọi người, và điều riêng cho một giới nào đó. Mùa Xuân là mùa yêu thương, “cô gái xuân thì” chính là biểu hiện của mùa Xuân: “Tôi chúc yên lành người người khắp chốn, mong gió đưa duyên cho cô gái xuân thì, ước nguyện sao chóng thành rượu hồng xe duyên”. Đất nước an bình thì cô gái mới tin tưởng “cầu duyên”, và mới có thể hy vọng sớm cho mọi người uống rượu vui ngày vu quy.

Dù thế nào cũng vẫn phải hy vọng – hy vọng cho mình và cho mọi người khác, đơn giản là cho người yêu: “Tôi chúc ngày mai dầu đường xa vời, trai gái bền duyên đẹp tình lứa đôi, cho bướm vàng bay trên nẻo đường mới, vai trên vai những lúc tâm tình bên nhau”. Hạnh phúc lên ngôi và bền vững không chỉ cho cuộc tình riêng, mà còn cho mọi cuộc tình của bất kỳ ai. Tình yêu thắm nở thì lúc nào cuộc đời cũng có mùa Xuân, chứ không chỉ mấy ngày Tết mới có mùa Xuân.

Chúc cho người vui rồi thì cũng phải chúc cho người buồn, chúc cho người lớn và người nhỏ, chúc cho người gần và người xa: “Tôi chúc rồi đây người về phương nào, cho dẫu thời gian lạnh lùng lướt mau”. Ai cũng cần vui, ai cũng cần Xuân, ai cũng khát khao hạnh phúc. Không gì hơn là ai cũng được tận hưởng mùa Xuân trọn vẹn, và dù hoàn cảnh có thế nào thì tình nghĩa, dù là loại tình cảm nào, cũng vẫn phải trước sau như một: “Mong ước ngày sau như là ngày trước, tay trong tay nhớ lúc trao thiệp đầu Xuân”.

Thiệp Xuân là niềm mơ ước chân thành, và cũng là lời chúc tốt lành trao nhau ngày Xuân. Đó là niềm hạnh phúc trao nhau với cả tấm lòng, vì hạnh phúc không thể tận hưởng một mình, chí ít cũng phải có hai người, nghĩa là càng nhiều người càng tốt. Hạnh phúc như nước hoa, càng cho đi càng tỏa hương thơm, và hạnh phúc càng được nhân lên gấp bội.

Mùa Xuân đặc biệt lắm, chính Kinh thánh ví phúc lộc như mưa Xuân : “Long nhan rạng rỡ là bầy tôi được sống, ơn vua ban xuống như mây đổ mưa xuân” (Cn 16:15).

Kinh thánh không chú trọng mùa nào, dù là mùa Xuân, nhưng nhiều lần nhắc tới việc chúc phúc, chúc lành, chúc tụng – mà lời chúc có liên quan mùa Xuân. Chúa Giêsu căn dặn: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy” (Mt 10:12). Chúa Giêsu còn đòi hỏi gắt gao hơn, như một quy luật bắt buộc phải thi hành: “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6:28). Thánh Phaolô cũng nói rõ: “Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa: Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12:14-15).

Quả thật, lời chúc rất quan trọng trong cuộc sống thường nhật, nhất là khi Tết đến, Xuân về.

Lời chúc còn có nghi thức khi chúc nhau. Chính Thiên Chúa truyền công thức chúc lành cho Môsê: “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh (em) và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!” (Ds 6:24-26). Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của Thánh Danh Thiên Chúa, và Thiên Chúa sẽ chúc lành cho dân chúng (x. Ds 6:27).

Ngày nay, các giáo xứ đều có thói quen tốt lành là “hái lộc đầu năm”. Các “lộc” đó là những câu rút ra từ Kinh thánh, gọi là Lộc Thánh. Câu Kinh thánh đó được tin là Ý Chúa, là lời nhắn nhủ của Chúa dành cho người “hái” được Lộc Thánh nào đó. Mà không chỉ mùa Xuân mới có Lộc Thánh, cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót (LCTX) vẫn thường xuyên cho những người tham dự giờ kinh LCTX được nhận Lộc Thánh sau giờ kinh hoặc sau Thánh lễ tôn kính LCTX.

Cánh thiệp đầu Xuân quan trọng lắm, nhưng Cánh Thiệp Lời Chúa mới thực sự quan trọng nhất.

TRẦM THIÊN THU

(*) Ns Lê Dinh tên thật là Lê Văn Dinh, sinh năm 1934 tại làng Vinh Hựu, tỉnh Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang). Ông hoạt động âm nhạc từ giữa thập kỷ 1950, và là một trong 3 thành viên của nhóm Lê Minh Bằng (Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng).

1948-1953, ông học tại Collège Le Myre de Vilers (Mỹ Tho), đồng thời học hàm thụ lớp hòa âm và sáng tác của École Universelle de Paris. Từ 1953-1955, ông học trường Cao đẳng Vô Tuyến Ðiện Saigon (École Supérieure de Radioélectricité de Saigon). Từ 1955-1957, ông dạy Pháp văn và âm nhạc tại Gò Công và Chợ Lớn. Từ 1957-1975, ông làm việc tại Ðài Phát Thanh Saigon, chức vụ là Chủ sự Phòng Sản Xuất, rồi Chủ sự Phòng Ðiều Hợp.

Tháng 8-1978, gia đình ông vượt biên đến Đài Loan, rồi định cư tại Montréal (Canada) từ tháng 10-1978 tới nay. Từ 1979-1999, ông làm việc cho hãng tàu chở hàng quốc tế Federal Navigation (FEDNAV) tại Montréal. Đó là hãng tàu đã cứu vớt 40 người trên chiếc ghe tỵ nạn trên biển Đông năm 1978, trong đó có gia đình Ns Lê Dinh). Từ 1994, ông chủ trương tờ Nguyệt san Nghệ Thuật.

Một số nhạc phẩm khác của ông: Bài Hát Của Người Điên, Cánh Thiệp Hồng, Chiều Lên Bản Thượng, Chữ Tình, Ga Chiều, Hạnh Phúc Đầu Xuân, Huế Buồn, Làng Anh Làng Em (1956, tác phẩm đầu tay, Nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam), Mưa Trên Phố Huế, Nắng Bên Này Sông, Ngang Trái, Ngày Ấy Quen Nhau, Nỗi Buồn Châu Pha, Sao Anh Không Nhớ Gò Công, Thương Đời Hoa, Thương Về Gò Công, Thương Về Gò Công, Tiếng hát Mường Luông, Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao, Trở Về Cát Bụi, Xác Pháo Nhà Ai,…

+ Thưởng thức “Cánh Thiệp Đầu Xuân” : https://www.youtube.com/watch?v=T6XTgpz_ZJI

Read 1605 times Last modified on Thứ ba, 10 Tháng 1 2017 16:40