26.4 Thứ Ba trong tuần thứ Hai Mùa Phục Sinh
Cv 4:32-37; Tv 93:1,1-2,5; Ga 3:7-15
Phải được tái sinh
Phải được tái sinh vào đời sống mới nếu không muốn chết muôn đời
Trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giê su nhắc nhớ ta về sự sống trên cao và đòi buộc ta phải được tái sinh vào đời sống ấy. Một trong dấu chỉ cho thấy ta thuộc về cộng đoàn những con người được tái sinh vào đời sống mới đó là ta biết quảng đại chia sẻ vật chất với những người nghèo và tâm hồn không quá nặng nề về vật chất mà phải biết để mọi sự làm của chung như cộng đoàn Ki tô hữu tiên khởi đã làm, chứ không giành giật tất cả vào lòng mình (Cv 4, 32 – 37).
Thánh sử Gio-an cho chúng ta biết Ni-cô-đê-mô là một nhân vật có thế giá trong nhóm Pha-ri-sêu. Tuy nhiên, điều đáng chú ý nơi ông không phải là kiến thức ông đang sở hữu, địa vị ông đang nắm giữ mà là lòng khao khát sự thật. Với lòng mộ mến, ông tìm cách đến học hỏi nơi Thầy Giêsu cách kín đáo: vào ban đêm. Ông gọi Đức Giêsu là Thầy, là vị tôn sư, là người được Thiên Chúa sai đến. Nghe những lời Đức Giêsu rao giảng, chứng kiến những phép lạ Người làm với khắc khoải đi tìm chân lý, ông chân nhận rằng Đức Giêsu chính là Đấng được sai đến. Và rất có thể ông tìm gặp Đức Giêsu để hỏi Người về con đường để đạt tới Nước Thiên Chúa. Tuy vậy, có lẽ Ni-cô-đê-mô chưa vượt qua những rào cản đương thời nên vẫn theo Chúa cách âm thầm. Sau này, chúng ta chỉ thấy ông xuất hiện trong ngày mai táng Chúa (Ga 19,39).
Đáp lại thái độ chân thành nhưng còn đôi chút e dè của Ni-cô-đê-mô, Đức Giêsu chỉ ra cho ông biết sự cần thiết của ơn tái sinh: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”. Chính điều này gây ngỡ ngàng, vượt quá lối nghĩ suy của ông. Với cái nhìn rất con người, Ni-cô-đê-mô không hiểu được làm thế nào để sinh ra một lần nữa: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?” Chúa Giêsu không nói đến việc sinh lại theo nghĩa thể lý nhưng Ngài nói tới sự tái sinh bởi nước và Thần Khí. Ngài mời gọi một sự biến đổi tận trong tâm hồn chứ không chỉ đơn thuần dừng lại ở những hành xử trước mắt. Người được tái sinh sẽ sống một cuộc đời mới dưới tác động của Chúa Thánh Thần như các Tông đồ năm xưa khi được tràn đầy Thánh Thần của Đấng Phục Sinh bắt đầu mạnh dạn nói Lời Thiên Chúa (Cv 4,31).
Thật vậy, đức tin không phải là kết quả của một lý luận hay cảm xúc nhất thời nhưng là một hành trình tìm kiếm liên lỷ và biến đổi không ngừng. Ni-cô-đê-mô thông thái, đạo đức, có uy tín và đầy thiện chí nhưng vẫn được Đức Giêsu chỉ dạy phải được tái sinh trong ân sủng của Thần Khí. Những thực hành đạo đức bề ngoài cần xứng hợp với tâm tình thờ phượng bên trong. Biến đổi thành một thụ tạo mới quan trọng hơn việc tuân giữ lề luật một cách máy móc, câu nệ.
Nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta đã được sinh ra làm con cái Thiên Chúa, nhưng đôi khi lối sống của chúng ta lại rất xa cách Thiên Chúa, không xứng đáng với phẩm giá cao quý ấy. Biết bao lần chúng ta không sống theo Thần Khí nhưng chiều theo những đam mê xác thịt, ngại ngùng vâng phục Thánh ý Chúa nhưng mau mắn làm theo những ý muốn dễ dãi của bản thân. Chúng ta có còn đang mặc lấy Đức Kitô khi tấm áo trắng tinh tuyền ngày chịu phép thanh tẩy đã bị dòng đời lấm lem làm trở nên hoen ố? Liệu chúng ta có còn tham dự sống động vào phụng vụ thánh của Hội Thánh và thực thi chức tư tế Phép Rửa qua việc làm chứng bằng một đời sống thánh thiện và bằng một đức mến đầy hiệu năng? (x. Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, số 10; Sách GLHTCG, số 1273).
Cũng trong ý nghĩa ấy, Chúa Giêsu khẳng định “Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí” (c.6). Trong Kinh Thánh, “xác thịt” là một khái niệm chỉ những ý hướng xấu trái ngược với Thần Khí là sự thanh sạch và thánh thiện. Vì thế ai sống theo tính “xác thịt” là đi ngược với Thiên Chúa. “Xác thịt” là biểu hiện của thần dữ đầy tăm tối, là thế lực hằng lôi kéo con người xa lìa và chống lại Thiên Chúa.Giuđa Ítcariốt là một trong 12 môn đệ của Chúa Giêsu đã bị thần dữ chế ngự và điều khiển khiến ông bán đứng Thầy mình với 30 đồng bạc, cuối cùng ông cũng bán rẻ lương tâm và tự do của mình cho thần dữ.
Thánh sử Gioan là một tác giả khai triển rất rõ về khái niệm “ánh sáng” và “bóng tối” như hai thế lực tương phản luôn đối chọi và loại trừ nhau. Bóng tối chính là thế lực của satan, của sự dữ và chết chóc, nó luôn tìm cách tiêu diệt ánh sáng. Thế nhưng ánh sáng sẽ không thể bị che lấp bởi ánh sáng là biểu hiện của sự thiện, sự cao cả linh thánh nơi Thiên Chúa.
Khởi đầu sách Tin Mừng Gioan, tác giả đã khẳng định “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa…Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1, 1-2.5.9). Trong ý nghĩa ấy, Gioan giúp mỗi người chúng ta phải có một quyết định rõ rệt là “tin” hay “không tin”, là “bước đi trong ánh sáng” hay “ở lại trong bóng tối”. Bước theo ánh sáng là sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí, là yêu mến tin nhận Đức Giêsu và thực hành những điều Người đã dạy.
Mang thân phận phàm nhân, chúng ta bị giam hãm trong một trí hiểu đầy giới hạn, một con tim nhỏ bé, vì thế chúng ta chỉ có thể hiểu được mặc khải nhờ ánh sáng của Thần Khí. Hay nói cách khác muốn được ơn tái sinh là chúng ta phải sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí, phải khiêm tốn để Người biến đổi chúng ta nên những con người vẹn toàn, đây cũng là điều kiện cần phải có để được vào Nước Thiên Chúa.
Vì bản tính yếu đuối, chúng ta dễ dàng buông theo dục vọng tự giam hãm đời mình trong bóng tối của tội lỗi. Muốn thắng vượt được sự kìm hãm của xác thị và những đam mê thấp hèn, chúng ta phải can đảm chiến đấu, dù có phải chấp nhận cả những thương tích và thất bại. Mặt khác chúng ta cần có đời sống cầu nguyện liên lỉ, lòng khát khao hướng về Thiên Chúa như cùng đích của cuộc đời mình.
Huệ Minh