Sinh ra làm người, chắc có lẽ chả ai muốn mình thua kém người khác về nhan sắc, về kinh tế, về hoàn cảnh sống của gia đình. Thế nhưng rồi nếu ta bằng lòng với những gì ta đang có, với hạnh phúc trong tay ta sẽ bình an.
Sau Lễ sáng, một người quen kể câu chuyện có cô em họ sắp đám cưới. Sẽ là bình thường và sẽ chả có gì để kể nếu như đám cưới đó được tổ chức bình thường nơi cô dâu chú rể sinh sống. Câu chuyện là đám cưới sẽ tổ chức tại một nơi xa xôi cũng như giá cả đắt đỏ và phải di chuyển bằng máy bay mới đến được. Vì tình vì nghĩa, một số người ráng thu xếp cho chuyến đi ngắn hạn với giá “vài xấp”.
Điều đáng tiếc ở đây rằng thì là đám cưới này xem chừng chả trọn vẹn vì cô dâu là người Công Giáo còn chú rể thì ngoài Công Giáo và không có phép tắc gì về đạo cả. Họ đồng ý và quyết định đến với nhau chỉ theo cung cách người đời.
Thôi thì cũng là tự do của họ, chuyện nghĩ đến ở đây là một đám cưới tổ chức kiểu sa hoa và tốn kém. Âu cũng là tự do của họ.
Chả phải mình đôi này mà nhiều đôi khác nữa. Cả như ở Việt Nam, có những đôi tổ chức đâu đâu tận Phú Quốc trong kiểu cách thật hoành tráng. Cũng là tự do của họ.
Nghĩ đến những đám cưới này, nhớ đến những đám cưới ở nhà quê. Sao mà nó đơn sơ quá, sao mà nó nhẹ nhàng quá.
Và với người Kinh thì dù nghèo, dù bình thường đi chăng nữa vẫn vượt xa với những đám cưới của người sắc tộc. Câu chuyện cũng đang nói đến trong hiện tại chứ không nói đến quá khứ xa xôi.
Người giàu có thì họ chứng minh tình yêu của họ bằng những cặp nhẫn, bằng những nữ trang hàng tỷ tỷ. Người thường hơn thì hàng trăm, hàng chục triệu. Với người sắc tộc, họ thề hứa giữ lòng trung thành với nhau chỉ với cặp còng trị giá chắc chừng trăm bạc. Họ cũng chả có quần này áo nọ để mặc trong Thánh Lễ hay khi đãi tiệc, chỉ đơn sơ với bộ đồ truyền thống sắc tộc của họ.
Vậy rồi cũng xong một đám cưới.
Tang ma cũng hoàn toàn khác với hoàn cảnh của cuộc đời.
Với người giàu, có thể 1 lẵng hoa đi điếu có giá chắc cũng bằng hay thậm chí hơn chiếc áo quan của người nghèo.
Ở cái vùng tôi đang hiện diện và sống, có những chiếc áo quan được Cha Xứ sắm sẵn để chia sẻ với những người không có điều kiện cũng như gia cảnh khó khăn.
Thương và thương lắm với những mảnh đời như vậy. Chắc có lẽ họ cũng chả muốn rơi vào cảnh đó nhưng không còn lựa chọn nào khác.
Lần nọ. Cha Sở mới chuyển về 5 chiếc áo quan. Xe chở vừa về đến nhà thì chiếc xe công nông đút đít vào để lấy 1 cái cho người nghèo vừa quá cố.
Đã hơn một lần tham dự lễ an táng của người Công Giáo cũng như người không Công Giáo thật hoành tráng. Để vào viếng người quá cố, tất cả mọi xe phải dừng lại để rà mìn vì ông là Trung Tướng.
Còn lễ an táng khác, vì người quá cố là thân mẫu của Cha giáo hay của ân nhân lớn thì hoành tráng vô cùng. Rồi đâu đó trên các trang mạng, vô tình thấy những phần mộ làm bằng đá hoa cương trị giá đâu cũng vài chục tỷ đồng.
Dĩ nhiên cũng là tự do của người thân khi tổ chức lễ an táng cho người thân của mình. Hoành tráng hay không cũng do nồng độ giàu nghèo hay hoàn cảnh kinh tế của nhà đó.
Mỗi lần vào làng để dự Lễ an táng của người sắc tộc, tôi lại nhớ đến những nghi lễ to đùng của những thân thế và sự nghiệp lớn. Thế nhưng rồi, xét cho bằng cùng thì ai cũng như ai, giàu cũng như nghèo, sang cũng như hèn, con người rồi cũng chỉ là nắm xương khô.
Thánh Tổ Anphongsô của Dòng Chúa Cứu Thế trong tác phẩm Chân Lý Đời Đời nói rất thẳng về con người. Con người khi còn sống thì cao to mập béo đó nhưng chỉ 3 ngày sau khi chết đi thì cũng chỉ làm mồi cho giòi bọ nó bu !
Thật vậy ! Dù giàu hay nghèo, sang hay hèn thì ai ai cũng trở về với bụi tro. Khi nằm xuống cũng xong một kiếp người.
Con người là vậy đó, giàu nghèo sang hèn gì cũng thế ! Quan trọng là sống có bình an hay hạnh phúc hay không cũng do cái nhìn và nhận định của mỗi người. Biết đâu được cái đám cưới với cặp còng trị giá trăm bạc hay nằm xuống với cái hòm rẻ bèo không đáng giá nửa chỉ vàng lại hạnh phúc hơn những tiệc cưới sa hoa hay đám tang lung linh hoành tráng.
Lm. Anmai, CSsR